Huyền Anh
Một nghị sĩ Mỹ là thành viên của các ủy ban Thương mại và Quân vụ ở Thượng viện đã đến Đài Loan hôm 25/8. Đây là chuyến thăm thứ ba của quan chức Hoa Kỳ trong tháng này tới Đài Loan. Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington ngay lập tức phản đối chuyến thăm, nói rằng ‘Hoa Kỳ không muốn sự ổn định ở eo biển Đài Loan’ và đang ‘can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc’.
Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn đến thủ đô Đài Bắc của Đài Loan trên một chiếc máy bay quân sự Mỹ, theo đoạn video trực tiếp từ sân bay Tùng Sơn ở trung tâm thành phố. Bà được ông ông Douglas Hsu, Tổng giám đốc Bộ Ngoại giao Đài Loan, ra đón trên đường băng sân bay, văn phòng của bà Blackburn cho biết.
Bà Blackburn được cho là đã đến thăm Fiji, Quần đảo Solomon và Papua New Guinea trước khi đến Đài Loan trên đường trở về Hoa Kỳ.
Ba làn sóng nghị sĩ Mỹ đến thăm Đài Loan trong một tháng
Kể từ tháng 8, làn sóng thứ ba của phái đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ đã đến thăm Đài Loan. Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã nổi cơn thịnh nộ về sự việc này. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã trả lời các nghị sĩ về chuyến đi của các nghị sĩ đến Đài Loan.
Bắc Kinh từ lâu đã tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình, đồng thời gọi chuyến thăm của các nghị sĩ Mỹ đến Đài Loan là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Trên thực tế, ĐCSTQ chưa bao giờ cai trị Đài Loan dù chỉ trong một ngày.
Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn xung quanh Đài Loan để trả đũa chuyến thăm của bà Pelosi. Nhưng cách tiếp cận này dường như phản tác dụng, thậm chí là động lực thúc đẩy nhiều nghị sĩ Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu và các quan chức được bầu khác đến Đài Loan nhiều hơn nữa.
Bà Blackburn: Sẽ không bị Trung Quốc bắt nạt để quay lưng lại với Đài Loan
Bà Blackburn đã đăng tải một thông điệp trên Twitter sau khi xuống máy bay. “Tôi vừa đến Đài Loan để gửi một thông điệp đến Bắc Kinh – chúng tôi sẽ không chấp nhận sự bắt nạt, Hoa Kỳ sẽ kiên quyết bảo vệ tự do toàn cầu và sẽ không dung thứ cho các hành vi làm tổn thương đất nước và đồng minh của chúng tôi”, bà nói bằng tiếng Trung và tiếng Anh.
Văn phòng Thượng nghị sĩ Blackburn đã đưa ra một thông cáo báo chí khi bà đến Đài Loan vào thứ Năm (25/8), nói: “Đài Loan là đối tác mạnh mẽ nhất của chúng tôi ở Ấn Độ Dương. Các chuyến thăm cấp cao thường xuyên đến Đài Bắc là một chính sách lâu dài của Hoa Kỳ. Tôi sẽ không bị Trung Quốc bắt nạt để quay lưng lại với Đài Loan”.
“Bây giờ là lúc chúng ta tập trung vào việc vinh danh cam kết của Đài Loan đối với các giá trị dân chủ và đảm bảo rằng các nguồn lực cần thiết của họ để chống lại Trung Quốc và trục tà ác mới”.
“Đó là lý do tại sao tôi đến Đài Loan”, bà nói thêm trong một tweet khác.
“Trong chuyến thăm Đài Loan của tôi, tôi mong muốn được lắng nghe trực tiếp từ các nhà lãnh đạo quốc gia về nhu cầu của họ và cách chúng tôi có thể hỗ trợ tự do của người dân Đài Loan. Tôi mong được gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Đài Bắc để thúc đẩy và tăng cường quan hệ đối tác của chúng tôi”, bà nói.
Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết bà Blackburn sẽ gặp Tổng thống Thái Anh Văn trong chuyến công du kết thúc vào ngày 27/8. Bà Blackburn cũng sẽ gặp quan chức an ninh hàng đầu là Wellington Koo và Bộ trưởng Ngoại giao Ngô Chiêu Nhiếp.
“Hai bên sẽ trao đổi quan điểm sâu rộng về các vấn đề như an ninh Đài Loan-Hoa Kỳ và quan hệ kinh tế và thương mại”, Bộ cho biết thêm trong một tuyên bố ngắn gọn.
Văn phòng Tổng thống Đài Loan cho biết bà Thái sẽ gặp bà Blackburn vào sáng thứ Sáu (26/8).
Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington không hồi đáp yêu cầu bình luận.
Bà Blackburn, một đảng viên Cộng hòa từ Tennessee, trước đó đã lên tiếng ủng hộ chuyến đi của bà Pelosi, thành viên đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden.
Bắc Kinh giận dữ
Trung Quốc, tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của riêng mình trước sự phản đối mạnh mẽ của chính phủ bầu cử dân chủ ở Đài Bắc, đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần hòn đảo sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm vào đầu tháng 8. Theo báo chí Mỹ, Trung Quốc đã triển khai các tàu ngầm tàng hình mới đến Hạm đội Hoa Đông, và nhiều nước cũng đang bí mật giúp Đài Loan tự chế tạo tàu ngầm.
Trước đó vào thứ Năm (25/8), Hãng thông tấn chính thức của ĐCSTQ, Tân Hoa Xã, đã công bố một bài viết dài 10.000 từ chỉ trích chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan và bảo vệ một loạt các phản ứng quân sự và ngoại giao của chính quyền Bắc Kinh.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã phản đối chuyến thăm đài Loan của bà Blackburn.
“Hoa Kỳ cho thấy họ không muốn sự ổn định qua eo biển Đài Loan” và “Hoa Kỳ đang can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”, tuyên bố cho biết.
Lầu Năm Góc từ chối bình luận về chuyến đi của bà Blackburn, nói rằng họ sẽ không bình luận về các chi tiết an ninh.
“Tất nhiên chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các biện pháp thích hợp để đảm bảo an toàn cho các thành viên của Quốc hội Mỹ, bất kể khi nào và bất cứ nơi đâu”, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc nói với đài Fox News.
“Các nghị sĩ và quan chức được bầu cử đã đến Đài Loan trong nhiều thập kỷ và sẽ tiếp tục”, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Vedant Patel, trả lời các câu hỏi của truyền thông về chuyến thăm đài Loan của Blackburn. “Điều này phù hợp với chính sách Một Trung Quốc lâu đời của chúng tôi”.
Chuyến thăm của bà Pelosi đã khiến Trung Quốc tức giận và đáp trả bằng các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo qua Đài Bắc lần đầu tiên và bỏ qua một số cuộc đối thoại với Washington.
Khoảng một tuần sau chuyến đi của bà Pelosi là chuyến thăm của nhóm năm nhà lập pháp khác của Hoa Kỳ. Quân đội Trung Quốc đã đáp trả bằng cách thực hiện nhiều cuộc tập trận hơn gần Đài Loan.
Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng bị ràng buộc bởi luật pháp để cung cấp cho hòn đảo này các phương tiện tự vệ.
Trung Quốc chưa bao giờ loại trừ việc sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan vào tầm kiểm soát của mình.
Chính phủ Đài Loan nói rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ cai trị hòn đảo này và vì vậy không có quyền tuyên bố chủ quyền tại đây, và rằng chỉ 23 triệu dân của Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của họ.