Tác giả: Lê Hồng Hiệp & Phan Xuân Dũng
Tại một hội nghị hôm 1/8/2022, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng được ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, loại hình nhà ở giá thấp được nhà nước trợ cấp. Đại diện các công ty bất động sản tư nhân có mặt tại hội nghị đã có phản hồi tích cực trước kế hoạch này. Cụ thể, các tập đoàn như Vingroup, Sun Group, Him Lam, Bitexco và Novaland đăng ký xây dựng tổng cộng 1,2 triệu căn hộ xã hội trong vòng 8 năm tới.
Kế hoạch này là nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân và người có thu nhập thấp trong bối cảnh giá nhà ở tăng cao và nguồn cung thiếu hụt. Một báo cáo gần đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy giá bất động sản có xu hướng tăng kể từ năm 2014, với mức tăng trung bình hàng năm là 10%. Trong tháng 4 năm 2022, giá trung bình của căn hộ mới ở Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm thương mại của cả nước, đạt 64 triệu đồng (2.780 đô la Mỹ)/m2. Tại Hà Nội, con số tương ứng là 45 triệu đồng (1.960 USD)/m2. Với GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ ở mức 3.694 USD vào năm 2021, giá bất động sản tăng cao đồng nghĩa với việc sở hữu một căn hộ ở các thành phố lớn là một giấc mơ xa vời đối với hầu hết người lao động và người có thu nhập thấp. Do đó, việc xây dựng các căn hộ bình dân, được bán với giá trung bình 15 triệu đồng (640 USD)/m2, là một nhiệm vụ cấp bách đối với chính phủ Việt Nam. Thế nhưng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội cho giai đoạn 2011-2020 mới chỉ đạt 41%, tương đương 104.200 căn hộ.
Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn giữ vững quyền lực của mình mặc dù thực hiện cải cách thị trường tự do từ năm 1986, một phần là nhờ nhấn mạnh việc xây dựng “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tuy vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh khái niệm này, “định hướng xã hội chủ nghĩa” thường được hiểu là gắn với mục tiêu của Đảng nhằm cân bằng phát triển kinh tế với công bằng xã hội và bình đẳng thu nhập. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập trong một bài viết năm 2021, Việt Nam phải phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và bình đẳng xã hội, không để làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Tầm nhìn này được thể hiện qua khẩu hiệu “không bỏ ai lại phía sau” thường xuyên được các nhà lãnh đạo Đảng nhắc đến trong các phát biểu gần đây khi nói về chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Do đó, đảm bảo giá nhà ở phải chăng sẽ giúp củng cố tính chính danh chính trị của Đảng, đặc biệt là đối với người lao động và những người có thu nhập thấp. Điều này cũng sẽ làm tăng uy tín của Thủ tướng Phạm Minh Chính, người được coi là một trong những ứng viên cho vị trí Tổng bí thư tại Đại hội toàn quốc lần thứ 14 của Đảng vào năm 2026. Ông đã kêu gọi các tập đoàn tư nhân thực hiện cam kết phát triển 1,2 triệu căn hộ nhà ở xã hội đưa ra tại hội nghị.
Đây không phải là lần đầu tiên khu vực tư nhân đóng góp vào một mục tiêu quốc gia. Ví dụ, trong đại dịch Covid-19, nhiều tập đoàn tư nhân, bao gồm Vingroup, Sun Group, Sovico và Vạn Thịnh Phát, đã tài trợ xây dựng bệnh viện dã chiến, ủng hộ và sản xuất thiết bị y tế, hoặc đóng góp tài chính cho các chương trình tiêm chủng quốc gia.
Tuy nhiên, sự vắng mặt của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại hội nghị về nhà ở xã hội là điều đáng chú ý, bởi lâu nay các DNNN đã được Đảng và nhà nước coi là công cụ thiết yếu để thúc đẩy các mục tiêu kinh tế – xã hội. Điều này phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực kinh tế tư nhân và mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa giới tinh hoa chính trị và giới doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam. Năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 10 về phát triển khu vực tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2021 cũng nhấn mạnh việc cần phải phát triển các tập đoàn tư nhân có sức cạnh tranh quốc tế, một phiên bản Việt Nam của các đại tập đoàn (chaebol) Hàn Quốc. Những công ty tư nhân lớn này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng thông qua đổi mới và ứng dụng công nghệ, giảm bớt sự phụ thuộc quá mức của Việt Nam vào đầu tư nước ngoài, và tiếp nhận vai trò đầu tàu từ khu vực quốc doanh còn nhiều yếu kém trong việc dẫn dắt sự phát triển kinh tế của đất nước.
Các nhà tài phiệt Việt Nam có được một phần đáng kể thành công trong kinh doanh là nhờ mối quan hệ với giới tinh hoa chính trị, những người có thể tạo điều kiện cho họ tiếp cận các chính sách ưu đãi hoặc nguồn lực công, đặc biệt là đất đai. Sự giàu có và vị thế của các nhà tài phiệt được bảo đảm miễn là họ trung thành với Đảng, đóng góp vào các mục tiêu kinh tế – xã hội và chính trị của Đảng, đồng thời tránh các hành vi có thể làm suy yếu an ninh kinh tế của đất nước.
Điều này dẫn đến sự hình thành của một “mối quan hệ cộng sinh”, theo đó giới tinh hoa chính trị Việt Nam và giới tài phiệt ủng hộ các mục tiêu của nhau. Đối với giới tinh hoa chính trị, đó là tính chính danh; còn đối với giới tài phiệt, đó là tích lũy tư bản.
Tuy nhiên, triển vọng của kế hoạch xây nhà ở xã hội là không chắc chắn. Đại diện các doanh nghiệp có mặt tại hội nghị đã thúc giục chính phủ tháo gỡ các nút thắt về quy định và các rào cản quan liêu đang cản trở phát triển nhà ở xã hội. Nhưng ngay cả khi chính phủ giải quyết được những vấn đề này, thì cũng không chắc sẽ có những thay đổi kịp thời. Do đó, việc thi công chậm tiến độ hoàn toàn có thể xảy ra. Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cũng sẽ cần phải cải thiện quy hoạch đô thị ở các khu nhà ở xã hội. Trong khi các căn hộ bình dân ở các khu vực gần trung tâm các thành phố nhận được nhu cầu cao thì những căn hộ ở khu vực ngoại thành không thu hút được người mua do cơ sở hạ tầng và tiện ích xã hội kém phát triển.
Nếu xét bản năng tìm kiếm lợi nhuận của các doanh nghiệp tư nhân, cam kết lâu dài của họ đối với các chương trình phát triển nhà ở xã hội của chính phủ là điều không chắc chắn. Do đó, ngoài việc huy động các nguồn lực tư nhân, Chính phủ Việt Nam cũng cần tìm ra các cơ chế sử dụng nguồn vốn nhà nước và do chính phủ quản lý để đảm bảo sự thành công của kế hoạch phát triển nhà ở xã hội. Trên khía cạnh này, chính phủ Việt Nam có thể học hỏi từ mô hình Cục Nhà ở và Phát triển (HDB) của Singapore, một mô hình hiệu quả đã được thời gian kiểm chứng.