Trung Quốc phải viện đến AMC để ôm ‘khối u’ nợ xấu bất động sản

Trung Quốc phải viện đến AMC để ôm ‘khối u’ nợ xấu bất động sản
China Huarong – một AMC khổng lồ của Trung Quốc. (Weiji Xiaobawang / Wikimedia Commons / CC BY-SA 4.0)

Tình hình bất động sản của Trung Quốc không mấy lạc quan, túi tiền của chính phủ không thể cáng đáng. Trong lúc cấp bách, nhà cầm quyền Trung Quốc đã yêu cầu các công ty quản lý tài sản tài chính (Asset Management Company – AMC) giải vây cho các công ty bất động sản, nhằm cứu vãn thị trường bất động sản đang lao đao.

Tại Trung Quốc, cũng khá giống Việt Nam, các công ty quản lý tài sản tài chính, còn gọi là AMC, được sinh ra chủ yếu để mua lại nợ xấu của ngân hàng. Một cách để loại nợ xấu khỏi bảng cân đối của ngân hàng thương mại. Các công ty AMC này thường chính là công ty con của các ngân hàng thương mại hoặc là công ty do nhà nước lập nên. China Huarong, ông vua bán nợ xấu của Trung Quốc ra thị trường tài chính quốc tế, chính là một trong số các AMC nhà nước như vậy.

Tại Việt Nam, ví dụ về AMC điển hình là công ty quản lý nợ xấu Việt Nam (VAMC), công ty này thành lập khi hệ thống tài chính Việt Nam gặp khủng hoảng nợ năm 2011 – 2012. Công ty này gần như chỉ ôm khối nợ xấu rồi lấy tiền trích lập dự phòng hàng năm từ các ngân hàng thương mại để bù đắp vào. Việc xử lý nợ xấu thực sự (bán nợ, phát mại tài sản) của VAMC, hiệu quả thực sự rất thấp. 

Trong nửa đầu năm nay, trước hố đen nợ khổng lồ của các công ty bất động sản Trung Quốc, cơ quan quản lý đã ban hành các chính sách liên quan nhằm cứu vãn, sau đó là triệu tập các AMC. Các AMC được yêu cầu tham gia vào việc xử lý tài sản, cung cấp dịch vụ trung gian tài chính, sáp nhập và mua lại dự án của các công ty bất động sản.

Theo Thời báo Chứng khoán, ngày 5/8, một AMC khổng lồ của Trung Quốc là China Huarong thông báo rằng, gần đây, China Huarong và Yango Longking Group đã ký “Thỏa thuận khung về giải cứu và tái cấu trúc”.

China Huarong cho biết, đây là biện pháp cụ thể để thực hiện các yêu cầu của cơ quan chức năng về việc giải quyết rủi ro trên thị trường bất động sản.

Theo bài báo, Yango Longking Group là công ty mẹ của Yango Group – một công ty bất động sản hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu CRIC, từ tháng 1-12/2021, lượng giao dịch của Yango Group là 161,75 tỷ nhân dân tệ, đứng thứ 19 trong danh sách 100 công ty bất động sản hàng đầu Trung Quốc.

Yango Group đã công bố tình hình công nợ vào ngày 23/6, cho biết tới thời điểm công bố, các khoản nợ tới hạn trả của công ty (bao gồm khoản vay các tổ chức tài chính, khoản nợ đối tác, các sản phẩm liên quan đến thị trường mở…) là 37,688 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 5,58 nghìn tỷ USD).

Vào tháng 4 năm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương) đã triệu tập nhiều ngân hàng và 5 công ty AMC lớn để thảo luận về vấn đề giải cứu các công ty nhà ở thoát khỏi nguy hiểm. Khi đó, Yango Group đứng thứ 12 trong danh sách các công ty bất động sản gặp nguy cơ.

China Huarong là một doanh nghiệp tài chính trung ương do Bộ Tài chính Trung Quốc kiểm soát, với tỷ lệ sở hữu là 98,06%.

Trước áp lực từ các cơ quan chức năng, các AMC ở Trung Quốc cũng lần lượt vào cuộc, liên kết với các công ty bất động sản để thành lập quỹ giải cứu.

Theo trang web chính thức của Công ty Quản lý Tài sản Hà Nam (Henan AMC), vào ngày 19/7, Tập đoàn Bất động sản Trịnh Châu (Zhengzhou Real Estate Group) và Henan AMC đồng loạt tuyên bố sẽ cùng thành lập Quỹ giải cứu bất động sản Trịnh Châu.

Vào ngày 5/8, xuất hiện thông tin thành phố Trịnh Châu ban hành “Phương án thiết lập và vận hành quỹ cứu trợ bất động sản thành phố Trịnh Châu”. Theo phương án này, Quỹ cứu trợ bất động sản Trịnh Châu sẽ thực hiện theo nguyên tắc “chính phủ hướng dẫn, các cấp vào cuộc, vận hành theo hướng thị trường hóa”, với quy mô dự kiến là 10 tỷ nhân dân tệ.

Thời báo Chứng khoán đưa tin, Công ty Quản lý Tài sản Trường Thành Trung Quốc (China Great Wall AMC) tiết lộ vào đầu tháng 7 rằng, trong nửa đầu năm nay, họ đã thực hiện nhiều đợt kết nối, sàng lọc dự án và cung cấp định hướng giải cứu cho 12 công ty bất động sản đang nợ ngập đầu.

Tuy nhiên, trong ngành lại có những quan điểm khác nhau về hiệu quả hợp tác giải cứu giữa AMC và các công ty bất động sản.

Theo China Times, một số người trong ngành chỉ ra rằng, do nhiều hoạt động kinh doanh của các AMC có liên quan đến bất động sản nên rủi ro bất động sản của một số AMC là không nhỏ.

Trung tâm nghiên cứu CRIC cũng cho biết, do tài sản của các công ty bất động sản không đồng đều, các vấn đề về nợ và quyền của chủ nợ cũng phức tạp, nên quá trình hợp tác với các AMC vẫn diễn ra tương đối chậm, hầu hết đều ở giai đoạn thỏa thuận.

Do đó, ngoại giới cũng không mấy lạc quan về thỏa thuận giải cứu giữa China Huarong và Yango Longking Group.

Theo Jiemian News, một nhà phát triển cho biết nếu China Huarong tham gia giải cứu, họ có thể sẽ hợp tác với Yango Group trong một số dự án. Nhưng trong giai đoạn này, khả năng mua lại cổ phần của một công ty bất động sản đang gặp khủng hoảng thanh khoản là không lớn.

Không chỉ China Huarong, mà cả quỹ cứu trợ dự kiến ​​10 tỷ nhân dân tệ của Trịnh Châu, có thể mang lại bao nhiêu hiệu quả cho thị trường bất động sản? Có cư dân mạng bình luận: “Dùng để trả lãi nợ cho China Evergrande cũng không đủ”.

Một cư dân mạng khác chỉ ra rằng: “Bản thân Huarong sắp phá sản, cổ phiếu đã thành cổ phiếu penny. Nó có thể cứu nguy cho các công ty khác sao? Sao không nghĩ cách tự cứu mình trước đi!”.

Đông Phương

Theo Vision Times

Related posts