Đài Loan lần đầu bắn đạn thật cảnh cáo UAV Trung Quốc

Lam Giang

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã ra lệnh cho quân đội Đài Loan kịp thời thực hiện “các biện pháp đối phó mạnh mẽ” trước hành động khiêu khích của ĐCSTQ. Ảnh minh họa máy bay không người lái của Trung Quốc. (Ảnh: Andy Wong/Pool/Getty Images)

Hôm thứ Ba (30/8), Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã ra lệnh cho quân đội Đài Loan kịp thời thực hiện “các biện pháp đối phó mạnh mẽ” trước các hành động khiêu khích của ĐCSTQ. Lực lượng Đài Loan lần đầu tiên nổ súng bắn cảnh cáo một UAV Trung Quốc áp sát chốt tiền tiêu ở quần đảo Kim Môn. Cả Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đều phản ứng về vụ việc.

Đài Loan lần đầu tiên nổ súng cảnh cáo UAV Trung Quốc

Bộ Tư lệnh Quốc phòng Kim Môn của Đài Loan hôm 30/8 cho biết một máy bay không người lái (UAV) của Trung Quốc đã bay vào khu vực cấm lúc 18:00 ngày 30/8, buộc các binh sĩ phải đưa ra cảnh báo theo thủ tục thông thường. Khi chiếc UAV tiếp tục bay lượn trên bầu trời, lực lượng này đã bắn cảnh báo bằng đạn thật. Sau đó máy bay không người lái bay theo hướng Hạ Môn.

Chiếc máy bay không người lái trên đã quay trở lại Trung Quốc sau khi bị bắn cảnh báo, Reuters dẫn nguồn tin từ người phát ngôn lực lượng phòng vệ Đài Loan.

Đây là lần đầu tiên Đài Loan nổ súng bắn cảnh cáo UAV Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và hòn đảo. Binh sĩ Đài Loan bắn pháo sáng về phía UAV Trung Quốc. (Ảnh: Cơ quan phòng vệ Đài Loan)

Phát biểu trước đó hôm thứ Ba trong chuyến thăm các lực lượng vũ trang Quần đảo Bành Hồ, bà Thái Anh Văn đã chỉ trích máy bay không người lái của Trung Quốc quấy rối không ngừng và các hoạt động chiến tranh của Trung Quốc ở các “vùng xám” khác. Bà cho biết đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng thực hiện “các biện pháp đối phó cần thiết và mạnh mẽ” để bảo vệ không phận của Đài Loan.

“Chúng tôi sẽ không kích động tranh cãi và chúng tôi cũng sẽ tự kiềm chế, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không phản ứng”, bà nói, thêm rằng đã ra lệnh cho lực lượng hòn đảo thực hiện “các biện pháp đối phó cần thiết và mạnh mẽ” để bảo vệ vùng trời.

Đài Loan trước đó phàn nàn về việc UAV của Bắc Kinh liên tục tiếp cận các nhóm đảo nhỏ mà Đài Bắc kiểm soát gần bờ biển Trung Quốc, trong đó gần nhất là đảo Kim Môn, nơi cách Hạ Môn của Trung Quốc khoảng 3 km.

Phát biểu tại cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói ông đã xem đoạn video.

“Máy bay không người lái của Trung Quốc bay trong lãnh thổ Trung Quốc, đây không phải là điều gì đó để mà phải làm ầm lên”, ông nói.

Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ sự tức giận trước bình luận của ông.

“Có một lời dạy cổ xưa của Trung Hoa rằng ‘những người không được mời được coi là kẻ trộm’. Cho dù là phá cửa hay nhìn trộm từ trên không, người dân Đài Loan không chào đón những tên trộm này”, Bộ Ngoại giao Đài Loan nói.

Bộ Quốc phòng Đài Loan báo cáo có thêm một sự vi phạm bằng máy bay không người lái hôm 29/8, gần Đảo Sư tử, một phần của nhóm đảo Kim Môn nằm đối diện với các thành phố Hạ Môn và Tuyền Châu của Trung Quốc.

Bộ cho biết các binh sĩ của họ đã bắn pháo sáng để cảnh báo và sau một phút máy bay này bay đi theo hướng Hạ Môn.

Đảo Kim Môn do Đài Loan kiểm soát nằm rất gần bờ biển Trung Quốc. Căn cứ trên đảo có nhiệm vụ giám sát hoạt động của không quân Trung Quốc trong khu vực. Cơ quan phòng vệ Đài Loan đánh giá quần đảo Kim Môn là một trong những mục tiêu có khả năng bị quân đội Trung Quốc tiến đánh đầu tiên khi nổ ra xung đột.

Hoa Kỳ vẫn duy trì chính sách ‘Một Trung Quốc’

Hôm 30/8, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết tại một cuộc họp giao ban thường kỳ rằng liệu Hoa Kỳ có lo ngại về sự leo thang của tình hình ở eo biển Đài Loan hay không. Bà lặp lại rằng chính sách của phía Hoa Kỳ đối với Đài Loan sẽ không thay đổi và sẽ thực hiện chính sách một Trung Quốc.

Theo đó, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động tự do hàng không và hàng hải, bao gồm quá cảnh trong vùng biển và không phận của eo biển Đài Loan.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói chuyện với các phóng viên trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Washington, hôm 09/08/2022. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Bà Jean-Pierre nói thêm rằng Mỹ sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ với Đài Loan, bao gồm cả việc tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại song phương. Bà đề cập đến lộ trình đầy tham vọng cho các cuộc đàm phán về Sáng kiến ​​Thương mại Thế kỷ 21 Mỹ-Đài Loan.

Về vấn đề liên lạc với Bắc Kinh, bà cho biết sẽ tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh mở lại các kênh liên lạc, không phải vì lợi ích của Hoa Kỳ, mà vì yêu cầu của thế giới.

Ông Vedant Patel, phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã được hỏi câu hỏi tương tự trong cuộc họp báo hôm thứ Ba.

“Tôi nghĩ điều quan trọng là phải lùi lại một bước”, ông Patel nói. “Vài tuần qua, Trung Quốc đã phản ứng thái quá và khiêu khích, trong khi Mỹ và phần còn lại của khu vực đã kiềm chế và chịu trách nhiệm”.

“Bề ngoài chúng tôi rất rõ ràng rằng điều quan trọng là không gây leo thang và không có lý do gì để gây ra khủng hoảng. Chúng tôi cũng lặp lại rằng chúng tôi dự định tiếp tục hoạt động trong khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan và duy trì các đường dây liên lạc cởi mở với Bắc Kinh”, ông nói.

Khi trả lời câu hỏi của một phóng viên về việc liệu các hành động của ĐCSTQ làm leo thang tình hình có phải do việc triệu tập Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 hay không, ông Patel nói rằng ông không suy đoán về ý định của ĐCSTQ, nhưng ông lặp lại rằng Hoa Kỳ không có ý định leo thang tình hình hoặc gây ra bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, và chắc chắn không có ý định thay đổi chính sách “Một Trung Quốc” bấy lâu nay.

Vào đầu tháng 8, sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi thăm Đài Loan, ĐCSTQ đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn xung quanh Đài Loan trong vài ngày.

Mỹ sắp bán 160 tên lửa đối không, diệt hạm cho Đài Loan

Tờ Politico ngày 30/8 dẫn các nguồn thạo tin cho hay, chính quyền ông Biden có kế hoạch chính thức yêu cầu Quốc hội Mỹ thông qua thương vụ vũ khí trị giá 1,1 tỉ USD cho Đài Loan, bao gồm 60 tên lửa chống hạm Harpoon và 100 tên lửa không đối không Sidewinder.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục điều tàu chiến, máy bay đến eo biển Đài Loan mỗi ngày, và sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan.

Tàu Hải quân Hoàng gia Canada HMCS Regina bắn tên lửa Harpoon trong khuôn khổ Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2020. (Ảnh: Hải quân Hoàng gia Canada / MS DAN BARD)

Dự kiến gói vũ khí mới gồm 60 tên lửa diệt hạm AGM-84L Harpoon Block II trị giá 355 triệu USD, 100 tên lửa không đối không AIM-9X Block II Sidewinder trị giá 85,6 triệu USD và 655,4 triệu USD để mở rộng hợp đồng radar giám sát.

Một khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden đề xuất, lãnh đạo lưỡng đảng tại các ủy ban đối ngoại của thượng viện và hạ viện sẽ phải phê duyệt trước khi thương vụ được tiến hành.

Về vấn đề này, thư ký báo chí Nhà Trắng cho hay, Hoa Kỳ sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết của mình theo “Đạo luật Quan hệ Đài Loan” và ủng hộ khả năng tự vệ của hòn đảo.

Lam Giang

Theo The Epoch Times

Related posts