Nhằm chống lại các lệnh trừng phạt quốc tế và giảm cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu, mới đây Nga đã trực tiếp đóng cửa đường ống Nord Stream 1, gây lo ngại về cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa đông của châu Âu. Có tin rằng Trung Quốc đã bán lại khí đốt của Nga cho châu Âu kiếm lợi nhuận khổng lồ.
Theo số liệu của Cơ sở Hạ tầng Khí đốt Châu Âu, tỷ lệ lưu trữ khí đốt của các kho khí đốt tự nhiên ở các nước châu Âu đã đạt 79,94%, gần đạt mục tiêu của EU. Theo nguồn tin của Nikkei, lý do khiến châu Âu nhanh chóng có được khí đốt tự nhiên là do Trung Quốc đã bán khí đốt của Nga cho châu Âu.
Từ ngày 3/9, đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 của Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu vô thời hạn, khiến tình trạng “thiếu khí đốt” của châu Âu trở nên trầm trọng hơn, và giá năng lượng có khả năng tiếp tục tăng cao.
Theo “Nikkei“, Tập đoàn JOVO của Trung Quốc, một nhà kinh doanh LNG lớn, gần đây đã tiết lộ rằng họ đã bán lại một lô hàng LNG cho một bên mua châu Âu.
Một nhà giao dịch tương lai (futures trader) ở Thượng Hải nói với Nikkei rằng lợi nhuận thu được từ một giao dịch như vậy có thể lên tới hàng chục triệu đô la hoặc thậm chí lên tới 100 triệu đô la.
Truyền thông Trung Quốc cho biết chỉ riêng công ty nhà nước Sinopec đã bán được 45 lô LNG, tương đương khoảng 3,15 triệu tấn. Tổng lượng LNG Trung Quốc đã bán lại cho châu Âu có thể là trên 4 triệu tấn, tương đương 7% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu trong nửa năm từ tháng Một đến tháng Sáu.
Bà Laura V.Page – nhà phân tích người London tại Kpler, một công ty tình báo vận chuyển, theo dõi các giao dịch như thế này, cũng nói rằng Trung Quốc đã trở thành một cứu cánh cho châu Âu khi nhu cầu của nước này giảm mạnh do dịch bệnh bùng phát.
Báo cáo cho rằng nếu không có các lô hàng LNG này của Trung Quốc, châu Âu có lẽ sẽ không thể đạt được mục tiêu dự trữ trong tháng 11 trước thời hạn, tức tỷ lệ dự trữ khí đạt 80% vào tháng 11.
Ngày 2/9, các quốc gia G7 cho biết, họ có kế hoạch đặt giới hạn giá dầu thô của Nga trên thị trường quốc tế. Vài giờ sau, Tập đoàn Gazprom đã thông báo ngừng hoạt động kéo dài của Nord Stream 1, nhưng không cung cấp thời gian mở lại.
Nord Stream 1, đường ống dẫn khí đốt tự nhiên lớn nhất từ Nga đến châu Âu, có thể vận chuyển 55 tỷ mét khối (bcm) khí hàng năm và được coi là chìa khóa để ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu rộng.
Ngày 30/8, Pháp cáo buộc Moscow sử dụng nguồn cung cấp năng lượng như một “vũ khí chiến tranh” sau khi Gazprom (GAZP.MM) của Nga cắt giao hàng cho một khách hàng lớn của Pháp và tuyên bố đóng đường ống dẫn khí đốt chính tới Đức trong vòng 3 ngày, từ ngày 31/8 đến đầu ngày 3/9.
Hôm 2/9, Gazprom chỉ ra rằng đường ống dẫn dầu tới Đức dự kiến sẽ mở lại vào cuối tuần này, nhưng sẽ vẫn đóng cửa cho đến khi một tuabin được sửa chữa hoàn tất, cắt đứt một đường cung cấp quan trọng cho châu Âu vô thời hạn.
Gazprom cho biết trong một tuyên bố, rằng họ đã phát hiện ra việc “rò rỉ dầu” từ một tuabin trong một hoạt động bảo trì 3 ngày theo kế hoạch, AFP đưa tin.
‘Gã khổng lồ’ năng lượng Nga nói rằng “cho đến khi nó được phục hồi … việc vận chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream sẽ chấm dứt hoàn toàn.”
Nord Stream 1 chạy từ ngoại ô St Petersburg qua Biển Baltic, cung cấp khí đốt tự nhiên cho Đức và các nước khác. Đây là một trong những tuyến đường cung cấp khí đốt tự nhiên chính của Nga cho châu Âu. Ban đầu nó được lên kế hoạch khởi động lại vào ngày 3/9.
Để xoa dịu nỗi khổ do năng lượng tăng vọt, Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị cải cách thị trường điện. Ngày 9/9, Bộ trưởng năng lượng của các quốc gia thành viên sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn, thảo luận về các giải pháp.
Trước đây Đức đã đứng ra cứu trợ Uniper, một công ty điện lực gần như phá sản. Pháp cũng quốc hữu hóa công ty điện lực Pháp đang chồng chất nợ nần.
Việc cung cấp khí đốt tự nhiên xảy ra đồng thời với một số tình huống khác đã làm trầm trọng thêm vấn đề năng lượng, như cả mùa hè khô nóng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc sản xuất thủy điện và điện hạt nhân ở châu Âu. Pháp đã đóng cửa một số nhà máy điện hạt nhân do các vấn đề bảo trì. Đầu năm nay, tốc độ gió thấp cũng ảnh hưởng đến một số năng lượng gió.
Ngoài phục vụ dân sinh, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như phân bón hóa học, sản xuất thép và thủy tinh ở châu Âu đều bị ảnh hưởng, và phải đối phó bằng cách cắt giảm công suất sản xuất.
Ông Peter Davies, giám đốc điều hành của UK Steel, cho biết: “Nó trở thành một cơn ác mộng nghiêm trọng đối với ngành thép.” Công suất thủy tinh ngày càng eo hẹp, thậm chí ảnh hưởng đến các nhà máy bia châu Âu, vốn đang cố gắng duy trì đủ lượng bia tồn kho.
Novartis, một công ty dược phẩm của Thụy Sĩ hoạt động khắp châu Âu, cũng lên kế hoạch khẩn cấp cho từng quốc gia khi nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên bị gián đoạn. Nhà sản xuất thuốc này cho biết họ đang nỗ lực thu mua các nguồn năng lượng thay thế, gồm cả dầu thô nhẹ.
Người phát ngôn của EU Tim McPhie nói với Newsweek: “Những thông báo mới nhất của Gazprom về việc họ không muốn tiếp tục dòng chảy qua Nord Stream 1 một lần nữa cho thấy sự không đáng tin cậy của Nga với tư cách là nhà cung cấp. Đây lại là một ví dụ khác về việc Điện Kremlin ngừng cung cấp năng lượng. Và một lý do khác để chúng tôi theo đuổi nỗ lực loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch của Nga ở châu Âu.”
Bình Minh