Đông Phương
Các đồng mệnh giá 100 nhân dân tệ đang được đếm trong một ngân hàng ở Thượng Hải. (MARK RALSTON/AFP via Getty Images)
Kể từ ngày 15/8 tới nay, tỷ giá Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc đã trải qua đợt rớt giá mạnh thứ hai trong năm. Từ mức 6,7 giữ nguyên trong gần 3 tháng đã rớt xuống 6,97 so với đồng USD vào hôm qua 6/9, chỉ còn một chút nữa là “phá vỡ mức 7”. Thị trường đang đổ dồn ánh mắt về mốc tỷ giá này.
Tỷ giá hối đoái là tỷ giá của một đồng tiền này được quy đổi sang đồng tiền khác. Việc tỷ giá giữa đồng CNY và USD sụt giảm chỉ thể hiện sức mạnh – yếu tương đối giữa hai loại tiền tệ này. Có thể là CNY mạnh lên và USD càng mạnh hơn, hoặc có thể là USD yếu đi và CNY càng yếu hơn; cũng có thể là nó nằm đâu đó giữa hai tình hình cực đoan này.
Chuyên gia Trung Quốc: CNY hiện vẫn là đồng tiền mạnh
Các chuyên gia nước này phân tích như sau:
Thứ nhất, xét từ tỷ giá hối đoái của CNY so với USD cũng như chỉ số USD, về cơ bản nó vẫn dao động trong phạm vi 6,7% – 7,3% trong lịch sử. Tỷ lệ hiện tại là 6,3%, thấp hơn đáng kể so với giới hạn dưới.
Thứ hai, xét từ chỉ số tỷ giá CNY so với rổ tiền tệ, nó vẫn ở trên 100, cao hơn đáng kể so với mức 91,4 trước khi có dịch bệnh, và cũng cao hơn so với mức thấp được ghi nhận vào cuối tháng 5 năm nay.
Thứ ba, từ góc độ rớt giá của CNY so với USD, nó nhỏ hơn biên độ tăng của chỉ số USD, nó cũng nhỏ hơn biên độ giảm giá của đồng baht Thái Lan, đồng euro, đồng won của Hàn Quốc và đồng yên Nhật.
Khi tỷ giá CNY chạm gần mức 7,2 vào tháng 9/2019 và tháng 5/2020, chỉ số USD lần lượt ở quanh mức 99 và 100. Còn chỉ số USD hiện tại là khoảng 110, là mức cao mới trong gần 20 năm qua. Sở dĩ thị trường quan tâm nhiều đến việc CNY “phá vỡ mức 7” như vậy, phần nhiều là do tâm lý, vì nó là một ngưỡng số nguyên, chứ không phải là ngưỡng rủi ro gì đó tồn tại một cách khách quan.
Tại sao tỷ giá CNY lại tiếp tục mất giá?
Đầu tiên, do chỉ số USD đạt 110, mức cao nhất trong gần 20 năm. Một là, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết tại Hội nghị Jackson Hole thường niên của các ngân hàng trung ương toàn cầu rằng, ông sẽ “kiên trì tăng lãi suất cho đến khi đại công cáo thành”, đưa ra lập trường diều hâu vượt xa kỳ vọng của thị trường, kỳ vọng tăng lãi suất một lần nữa ngóc đầu, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 2 năm sẽ chạm mức 3,5%. Hai là, Châu Âu đang trải qua kiểu thời tiết cực đoan như hạn hán và nhiệt độ cao; xung đột địa chính trị đã dẫn đến tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên, điện và các nguồn năng lượng khác; nguy cơ suy thoái kinh tế đang gia tăng nhanh chóng.
Thứ hai, do các yếu tố như dịch bệnh bùng phát trở lại, thời tiết nắng nóng và rủi ro bất động sản… đã làm gia tăng áp lực đi xuống đối với nền kinh tế Trung Quốc. Từ tháng 7 tới nay, Covid-19 lại bùng phát ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân; hạn hán và nắng nóng cực đoan cũng tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, các công trình thi công ngoài trời, đồng thời làm trầm trọng thêm chênh lệch cung cầu điện, một số địa phương buộc phải cắt điện luân phiên, hạn chế sử dụng điện. Đầu tháng 7, thị trường bất động sản gặp cơn phong ba do khách hàng đồng loạt ngừng trả nợ vay thế chấp ngân hàng, doanh thu và đầu tư của ngành tiếp tục trượt dốc.
Thứ ba, do sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, việc liên tục thu hẹp chênh lệch lãi suất đã dẫn đến dòng vốn tháo chạy khỏi Bắc Kinh. Chênh lệch lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ giảm nhanh chóng, từ dương 113 điểm cơ bản vào đầu năm xuống -65 điểm cơ bản vào ngày 1/9. Chênh lệch lãi suất Trung – Mỹ bị đảo ngược và các tổ chức nước ngoài tiếp tục cắt giảm tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Trung Quốc. Chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc và Mỹ kỳ hạn 10 năm đã đảo chiều từ dương thành âm trong nhiều tháng qua, thúc đẩy dòng vốn ngoại tháo chạy khỏi Bắc Kinh và tìm tới USD – vốn an toàn hơn với lợi suất cao hơn. (Nguồn: Macro Micro)
Tỷ giá hối đoái trượt giá sẽ gây tác động gì?
Thị trường chủ yếu lo ngại ở các khía cạnh sau:
- Kỳ vọng giảm giá có thể làm dòng vốn tháo chạy mạnh hơn, tác động đến giá tài sản trong nước và gây ra rủi ro tài chính. Trong trường hợp nghiêm trọng, cuộc khủng hoảng tài chính Đông Nam Á năm 1998 có thể tái diễn;
- Tỷ giá hối đoái trượt qua mốc 7 sẽ dẫn đến tình trạng tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô, tăng áp lực lạm phát nhập khẩu và bóp chết lợi nhuận của các ngành hạ nguồn;
- Gia tăng áp lực trả nợ nước ngoài, có thể gây rủi ro trong các ngành có nợ USD cao như thép, vận tải biển và bất động sản;
- Gây hạn chế cho chính sách tiền tệ trong nước Trung Quốc, không gian cho chính sách tăng trưởng ổn định cũng bị thu hẹp.
Tuy nhiên, những rủi ro trên nhìn chung có thể kiểm soát được, vì:
- Hiện nay tỷ giá CNY giảm giá chủ yếu là do chỉ số USD mạnh lên nhanh chóng, đồng CNY vẫn là đồng tiền mạnh và chưa có kỳ vọng sụt giá mạnh;
- Phụ thuộc lương thực và năng lượng của Trung Quốc vào bên ngoài nhỏ hơn so với Châu Âu, nước này cũng luôn nhấn mạnh đến sự ổn định về nguồn cung và giá cả. Ngoài ra, nguy cơ suy thoái toàn cầu gia tăng dẫn đến giá hàng hóa giảm. Những điều trên sẽ làm suy yếu áp lực lạm phát nhập khẩu ở một mức độ nhất định;
- Tổng nợ nước ngoài của Trung Quốc không lớn, dự trữ ngoại hối tương đối đủ và các ngành rủi ro cao như bất động sản cũng đang được giải cứu nhờ chính sách cứu trợ;
- Nhờ có chính sách vĩ mô “lấy mình làm chủ”, sự ổn định và phục hồi kinh tế trong nước sẽ giúp tỷ giá hối đoái CNY tăng trở lại.
Tỷ giá giảm cũng có mặt tích cực, đó là:
- Trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng, thị trường lo ngại tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tuột xuống, tỷ giá đồng nội tệ giảm sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc ở một mức độ nhất định và đẩy mạnh xuất khẩu;
- Trong những ngành chiếm tỷ lệ doanh thu xuất khẩu cao như điện tử, đồ điện gia dụng, quần áo…, tỷ giá hối đoái giảm có thể làm tăng lợi nhuận hối đoái và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Xu hướng tương lai của tỷ giá CNY phụ thuộc vào 3 yếu tố: mức độ yếu – mạnh của chỉ số USD, tình hình phục hồi nền kinh tế trong nước và các can thiệp chính sách để duy trì ổn định tỷ giá. Do đó, tỷ giá CNY có khả năng sẽ “phá vỡ mức 7” trong ngắn hạn. Theo quy luật lịch sử, ngưỡng giới hạn dưới của tỷ giá CNY tương ứng với chỉ số 110 của USD là 7,37, cho nên việc tỷ giá hối đoái “phá vỡ mức 7” chỉ là quay trở lại thế cân bằng.
Tuy vậy, có cơ sở nào cho thấy tỷ giá CNY sẽ giảm giá trong dài hạn hay không? Chúng ta nên chú ý đến hai rủi ro là chỉ số USD tiếp tục tăng và tốc độ phục hồi kinh tế trong nước Trung Quốc kém hơn dự kiến. Tuy nhiên, các can thiệp công cụ chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng không nhất định sẽ mang lại hiệu quả gì cho xu hướng mất giá hiện nay.
Hãy xem tiếp theo đây sẽ xảy ra điều gì trên thị trường tỷ giá hối đoái.
Đông Phương