Ấn Độ và Nhật Bản lên kế hoạch tập trận quân sự để tăng cường quan hệ
Ấn Độ và Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác về quốc phòng, với việc Ấn Độ mời gọi đầu tư của các công ty Nhật Bản và lên kế hoạch cho các cuộc tập trận quân sự chung với lực lượng không quân của họ, hai bên cho biết hôm thứ Năm (8/9).
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã có cuộc hội đàm tại Tokyo với người đồng cấp Nhật Bản, ông Yasukazu Hamada, trước cuộc đàm phán “2+2” với sự tham gia cùng các Bộ trưởng Ngoại giao Subrahmanyam Jaishankar và Yoshimasa Hayashi.
“Ông ấy [Bộ trưởng Singh] đã mời gọi các ngành công nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các hành lang quốc phòng của Ấn Độ,” Bộ Quốc phòng Ấn Độ nêu rõ trong một tuyên bố.
“Hai bộ trưởng nhất trí, việc tiến hành sớm cuộc tập trận đầu tiên của máy bay chiến đấu sẽ mở đường cho sự hợp tác và khả năng tương tác lớn hơn nhiều giữa lực lượng không quân của hai nước.”
Ấn Độ, cũng giống như Nhật Bản, đang tăng cường quân đội của mình để đối phó với các mối đe dọa an ninh gia tăng. Cả hai quốc gia đều hết sức cảnh giác trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng và sự quyết đoán của Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã cam kết sẽ tăng chi tiêu quốc phòng “đáng kể”. Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông muốn tăng gấp đôi ngân sách quân sự của Nhật Bản lên 2% tổng sản phẩm quốc nội trong 5 năm tới, trong bối cảnh lo ngại cuộc xâm lược Ukraine của Nga có thể khiến Trung Quốc có hành động tấn công đảo quốc dân chủ Đài Loan.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã phát biểu trong một cuộc họp báo chung sau cuộc họp “2+2” rằng, cả hai bên đều lên án việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.
“Chúng tôi đồng thuận rằng, việc đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực không nên được dung thứ ở bất kỳ khu vực nào,” ông Hayashi cho hay.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển giàu năng lượng ở Biển Đông, nơi nước này đã thiết lập các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo. Ở Biển Hoa Đông, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với một nhóm đảo nhỏ do Nhật Bản quản lý.
Trong khi đó, Ấn Độ hiện cũng vẫn tham gia vào cuộc đối đầu với các lực lượng Trung Quốc ở biên giới xa xôi trên dãy Himalaya của họ.
Ông Hayashi còn khẳng định: “Chúng tôi xác nhận, hợp tác quốc phòng và an ninh giữa Nhật Bản và Ấn Độ đang được mở rộng mạnh mẽ và nhất trí tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận chung song phương và đa phương.”
Nhật Bản và Ấn Độ, cùng với Úc và Mỹ là thành viên của Nhóm Bộ Tứ (Quad) vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận hải quân hàng năm trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để thao diễn khả năng tương tác.
Trong một cuộc họp song phương riêng bên lề hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm Bộ Tứ gần đây nhất hồi vào tháng 5 tại Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Kishida và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào thời điểm đó đã nhất trí hợp tác chặt chẽ với nhau cùng thúc đẩy một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Minh Ngọc (Theo Reuters)
Người Mỹ gốc Iran kêu gọi truy tố Tổng thống Iran vì ‘Tội ác chống lại loài người’
Một nhóm đặc biệt gồm hơn năm trăm nhà khoa học, học giả và chuyên gia người Mỹ gốc Iran đang kêu gọi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden không chỉ từ chối cấp thị thực cho tổng thống Iran Ebrahim Raisi vào Hoa Kỳ mà còn phải truy tố ông vì, “Tội ác chống lại loài người và diệt chủng”, theo một bức thư được nhóm công bố vào ngày 08/9.
Vào tháng 8, chính phủ Iran cho biết ông Raisi sẽ xin thị thực nhập cảnh vào Hoa Kỳ để tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (United Nations General Assembly) tại New York vào cuối tháng này.
Tuy nhiên phát ngôn viên của ủy ban đặc biệt, Kazem Kazerounian, Trưởng khoa Kỹ thuật người Mỹ gốc Iran tại Đại học Connecticut, nói rằng họ đang kêu gọi chính quyền ông Biden thực hiện “những hành động mạnh mẽ và tức thì để phản ánh rằng ông Raisi không đại diện cho người dân Iran và do đó, ông này phải bị từ chối cấp thị thực nhập cảnh vào Hoa Kỳ”.
Năm 1988, theo lệnh của Lãnh tụ tối cao Ayatollah Khomeini, hàng nghìn người Iran đã bị thảm sát trong một vụ hành quyết ngoài tư pháp (extrajudicial massacre), một số người chỉ vì mua nhầm tờ báo, ông Kazerounian nói. Theo nhiều nguồn tin, ông Raisi nằm trong Tehran Death Committee (Ủy ban Tử thần Tehran), nơi đã đưa tới ba nghìn người Iran tới cái chết vì chống chế độ. Ông Kazerounian nói với The Epoch Times rằng “các thành viên trong gia đình ông cũng bị sát hại trong vụ thảm sát năm 1988”.
Ông Kazerounian nói rằng lời cầu xin này đối với ông Biden không chỉ dành cho những người ký tên trong bức thư, mà là một lời kêu gọi “phản ánh nhu cầu của tất cả người dân Iran”.
Ông cho biết, nhiệm vụ của ông Biden với tư cách là “tổng thống của đất nước hùng mạnh nhất trên thế giới là đứng lên giành lấy tự do”.
Tháng trước, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã công khai bản cáo trạng đối với một thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, Shahram Poursafi, vì bị cáo buộc đã tìm cách thuê sát thủ giết cựu cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton. Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo được cho là mục tiêu thứ hai của âm mưu ám sát.
Vào tháng 8, ông Pompeo đã cùng những người khác kêu gọi từ chối thị thực của ông Raisi. Cựu Ngoại trưởng Pompeo nói với tờ Washington Free Beacon rằng: “Chúng tôi đã nỗ lực trong suốt 4 năm để từ chối cấp quyền tự do cho những kẻ khủng bố Iran trong việc đặt người Mỹ vào vòng nguy hiểm” .
Cựu Đại sứ Liên Hợp Quốc Nikki Haley cũng lên tiếng phản đối, nói với đài Fox News rằng “Trong mọi trường hợp, không nên cấp thị thực cho ông Raisi”.
Trong một lá thư chung vào đầu tháng 8, một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã đồng loạt phản đối trước Nhà Trắng. Trong số đó, Thượng nghị sĩ Tom Cotton (Cộng hòa-Arkansas), ông Rick Scott (Cộng hòa-Florida), ông Marco Rubio (Cộng hòa-Florida), ông Marsha Blackburn (Cộng hòa-Tennessi) và nhiều người khác, đã tuyên bố, “Sự tham gia của Raisi trong vụ thảm sát và chiến dịch ám sát các quan chức Mỹ trên đất Mỹ của chế độ Iran đẩy việc cho phép ông Raisi và tay sai vào đất nước chúng ta trở thành mối đe dọa không thể bào chữa đối với an ninh quốc gia”.
Một người đồng ký tên khác của bức thư người Mỹ gốc Iran ngày 08/9, Firouz Daneshgari, giáo sư phẫu thuật tại Đại học Case Western Reserve, cho biết trong một tuyên bố, “Với bức thư này, chúng tôi lưu ý đến Tổng thống Mỹ rằng ông không được cho phép ông Raisi đứng lên bục của Liên Hợp Quốc; thay vào đó, Mỹ nên dẫn đầu Liên Hợp Quốc để truy tố ông Raisi vì các tội ác chống lại loài người và diệt chủng”.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với tờ Jewish News Service vào tháng 8 rằng, Hoa Kỳ “thường có nghĩa vụ tuân theo Thỏa thuận Trụ sở Liên Hợp Quốc về việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại” của các đại diện thành viên Liên Hợp Quốc.
Nhiều người chỉ trích cho rằng chính quyền ông Biden đang hạ thấp mối đe dọa từ Iran vì họ đang tham gia vào nỗ lực khơi dậy Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (Joint Comprehensive Plan of Action – JCPA), hay còn được gọi là Thỏa thuận Hạt nhân Iran (Iran Nuclear Deal). Các cuộc đàm phán đó đã khiến Iran không khỏi thất vọng. Mặc dù vậy, những người chỉ trích vẫn cáo buộc ông Biden quá sẵn sàng nhượng bộ trước các yêu cầu của chế độ Iran cực đoan.
Bộ phận Quyền lợi của Cộng hòa Hồi giáo Iran, lãnh sự quán trên thực tế của chế độ này ở Washington, không đưa ra bình luận.
Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao chưa trả lời yêu cầu bình luận của
The Epoch Times.
Lam Giang
Ba Lan và 3 nước Baltic cấm hầu hết người Nga nhập cảnh từ 19/9
Ba Lan và ba quốc gia Baltic hôm thứ Năm (8/9) cho biết họ sẽ tạm thời hạn chế nhập cảnh đối với các công dân Nga có thị thực EU vào ngày 19/9 để giải quyết “các mối đe dọa về chính sách công và an ninh.”
Thủ tướng của Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan trong một tuyên bố cho biết họ lo ngại “về làn sóng lớn và ngày càng tăng của công dân Nga” vào EU.
Họ nói: “Chúng tôi tin rằng điều này đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh công cộng của chúng tôi và đối với khu vực Schengen nói chung.”
Họ cho biết “trong số các công dân Nga vào EU/khu vực Schengen, có những người đến với mục đích phá hoại an ninh của các quốc gia của chúng tôi, chừng 3/4 công dân Nga ủng hộ cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine.”
Tuyên bố cho biết bốn nước “đã nhất trí về một cách tiếp cận chung trong khu vực và qua đó bày tỏ ý chí chính trị và ý định kiên quyết của họ về việc áp dụng các biện pháp tạm thời đối với các công dân Nga có thị thực.”
Các biện pháp này sẽ “hạn chế việc vào khu vực Schengen đối với các công dân Nga đi vì mục đích du lịch, văn hóa, thể thao và kinh doanh.”
Các trường hợp ngoại lệ sẽ được thực hiện đối với nhiều danh mục khác nhau, bao gồm những người “bất đồng chính kiến”, “trường hợp nhân đạo”, thành viên gia đình và người có giấy phép cư trú ở các nước EU.
Bốn nhà lãnh đạo cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn đề cao sự cần thiết phải tiếp tục ủng hộ những người phản đối chế độ Putin và tạo cơ hội cho họ rời khỏi Nga.”
Nhưng họ nói thêm rằng “không thể chấp nhận được rằng công dân của quốc gia xâm lược có thể tự do đi lại trong EU, trong khi cùng lúc người dân Ukraine đang bị tra tấn và sát hại.”
Các nhà lãnh đạo cho biết họ sẽ “tiếp tục tìm kiếm một cách tiếp cận chung ở cấp độ EU.”
Các Ngoại trưởng EU họp tại Praha vào tháng trước đã đồng ý đình chỉ thỏa thuận tạo thuận lợi cho việc cấp thị thực vốn đã ký từ năm 2007 với Nga.
Nhưng người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell nói rằng các quốc gia có biên giới với Nga có thể “thực hiện các biện pháp ở cấp độ quốc gia để hạn chế [người Nga] đến Liên minh châu Âu.”
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng bất kỳ biện pháp nào cũng phải tuân thủ các quy tắc đối với khu vực đi lại chung Schengen của EU và các thành viên của xã hội dân sự Nga vẫn tiếp tục có thể đến EU.
Xuân Lan