Ôn Châu là một thành phố ven biển ở phía đông nam tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ôn Châu từng vươn mình và phát triển rực rỡ vào những năm 2000 nhưng đã sụp đổ kinh tế vì vỡ nợ năm 2011. Và giờ đây, Ôn Châu đang vỡ nợ kỷ lục bởi chính các lý do đã gây ra thảm hoạ hồi 2011. Đây là mô hình thu nhỏ của nền kinh tế Trung Quốc.
Vào khoảng năm 2011, ông Hoàng Hạc (Huang He), ông chủ Xưởng thuộc da Giang Nam ở Ôn Châu, trở thành người nổi tiếng trên mạng Trung Quốc vì phá sản.
Xưởng thuộc da Giang Nam ở Ôn Châu sập rồi! – đây là chủ đề được bàn tán khắp đầu đường cuối ngõ Trung Quốc hồi đó. Ông chủ Hoàng ăn chơi, mua dâm, cờ bạc, nợ 350 triệu nhân dân tệ (tỷ giá CNY/USD vào cuối năm 2011 là khoảng 6,33), đã bỏ trốn cùng cô em vợ…
Cùng thời với Hoàng Hạc là sự sụp đổ của cả một thế hệ thương nhân Ôn Châu.
Từ năm 2010 đến năm 2011, trong khi toàn Trung Quốc đang “gỡ bỏ đòn bẩy tài chính”, lại gặp phải cuộc “đại điều tiết và khống chế thị trường bất động sản”.
Thị trường bất động sản bị thắt chặt và liên tiếp tung ra 3 đợt điều tiết. Ngân hàng trung ương đã liên tục tăng lãi suất 5 lần và nâng tỷ lệ dự trữ 12 lần.
Khi đó, lãi suất của các khoản vay tư nhân ở Ôn Châu đã vượt mức cao nhất trong lịch sử. Lãi suất hàng tháng lên tới 6% và lãi suất cao nhất hàng năm là 150%.
Bong bóng nhà đất Ôn Châu tại thời điểm đó cũng đã phá kỷ lục lịch sử. Tại Ôn Châu, nơi có thu nhập bình quân đầu người là 30.000 CNY, giá đất thấp nhất cũng gần 40.000 CNY/m2. Mức giá này đã giảm mạnh từ 70.000 CNY/m2 hồi năm 2007, theo công ty môi giới BĐS Souhun Holding (Tờ Nhịp cầu Đầu tư đưa tin trong một bài báo đăng vào năm 2012).
Điều gì phải đến cuối cùng cũng đến!
Vỡ nợ kỷ lục ở Ôn Châu
Ôn Châu nổ ra cuộc khủng hoảng cho vay tư nhân với quy mô lớn nhất tính tới thời điểm lúc bấy giờ, làn sóng bỏ chạy cũng ập đến. Chỉ trong 10 ngày từ ngày 12 đến 22/9/2011, đã có 7 ông chủ của các doanh nghiệp có tiếng ở Ôn Châu biến mất.
Cuộc khủng hoảng đã lan ra toàn thành phố Ôn Châu.
Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc công bố, tỷ lệ nợ xấu tại khu vực Ôn Châu đã lên tới 5%, vượt xa mức trung bình 1,5%. Thậm chí tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng còn lên tới 20%.
Lúc này, không còn ai có thể cứu được Ôn Châu. Thị trường bất động sản và thị trường tài chính của Ôn Châu rơi tự do tới đáy.
Theo thống kê, thiệt hại ngành ngân hàng ở Ôn Châu lên tới 160 tỷ CNY, còn tổn thất tín dụng tư nhân là 10 tỷ CNY. Giá nhà đất ở Ôn Châu đã giảm một nửa, ví như giá bán ở Lucheng Square đã giảm từ 100.000 CNY/m2 về giá mở bán là 45.000 CNY/m2.
Đáng buồn là, sau khi khủng hoảng nổ ra, hàng loạt hành động của ngân hàng đã khiến người dân Ôn Châu phải đoạn tuyệt với ngành công thương nghiệp.
Theo thống kê chưa đầy đủ, 98% doanh nghiệp ở Ôn Châu có khoản vay bảo lãnh lẫn nhau. Sau khi khủng hoảng cho vay tư nhân bùng nổ, nhiều ngân hàng đã thực hiện đúng tinh thần “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.
Khi một doanh nghiệp gặp khủng hoảng, ngân hàng ngay lập tức thu hồi khoản cho vay của doanh nghiệp bảo lãnh. Khi đó, các công ty bị buộc vay tiền vào năm 2008 và bị buộc phải hoàn trả vào năm 2010. Kết quả là một lượng lớn các doanh nghiệp đang hoạt động tốt ở Ôn Châu đã bị kéo vào vũng lầy vì bảo lãnh lẫn nhau và liên hiệp bảo lãnh.
Năm 2012, Zhuangji Group (Tập đoàn Trang Cát) với hơn 90 công ty con đã rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính do ngân hàng liên tục rút tiền cho vay và chủ tàu bỏ tàu. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đứng ra bảo lãnh cho tập đoàn này, với tổng số tiền bảo lãnh hơn 30 tỷ CNY, đã bị liên lụy và bị ngân hàng cắt nguồn vay.
Lạc lối
Mỗi ngày đều có thể nghe thấy tin tức nhảy lầu và bỏ trốn trong giới doanh nghiệp Ôn Châu. Những ông chủ vay tiền, các công ty đứng ra bảo lãnh lẫn nhau, những người trung gian rót tiền, những người đầu tư bình thường, ai ai cũng trong nguy hiểm. Tới nay đã hơn một thập kỷ trôi qua, nhưng khi nhắc đến cuộc khủng hoảng năm ấy, người Ôn Châu vẫn im lặng.
Chưa dừng lại ở đó, những tổn thương mà họ phải gánh chịu trong ngành công thương nghiệp đã buộc họ phải lao vào những cuộc khủng hoảng khác lớn hơn với tốc độ nhanh hơn.
Vào năm 2013, làn sóng cho vay ngang hàng P2P đã lan rộng khắp Trung Quốc. Người Ôn Châu thấy vậy thì nghĩ, P2P gì chứ, không phải là “chơi hụi” mà chúng ta đã chơi chán từ 30 năm trước rồi sao? Thế là người ta rồng rắn nhau đến thủ đô Internet Hàng Châu và bắt đầu lao vào thị trường cho vay qua các dịch vụ trực tuyến.
Năm 2015, đến lượt blockchain càn quét Trung Quốc. Người Ôn Châu lại nghĩ, tiền kỹ thuật số gì chứ, không phải là “góp vốn đa cấp” mà chúng ta đã chơi chán từ 30 năm trước rồi sao? Lại đến thủ đô Internet Hàng Châu thôi.
Năm 2017, thị trường bất động sản Hàng Châu tăng trưởng vùn vụt. Người Ôn Châu trông thấy liền nghĩ, thời vận nhà đất gì chứ, không phải là “đầu cơ bất động sản” mà chúng ta đã chơi chán từ 20 năm trước sao? Đi nào, đến Hàng Châu.
Suốt 10 năm qua, người dân Ôn Châu mải miết chạy theo những cơ hội phất lên nhanh chóng: từ P2P, đến tiền ảo, và sau đó là đầu cơ bất động sản Hàng Châu…
Trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, không một ai ở Ôn Châu còn nói về giấc mơ “chấn hưng đất nước thông qua công thương nghiệp”.
Đi dạo trên đường phố Ôn Châu, ngắm nhìn những chiếc xe Maserati, AMG và Ferrari lướt qua, người ta không khỏi nhớ lại những vinh quang trong quá khứ. Chỉ là không biết liệu những người vội vã trên đường còn có thể nhớ về 30 năm trước hay không. Thế hệ ngày ấy đã tiến lên trước áp lực của cải cách, canh giữ máy móc trong nhà máy và vác sản phẩm ra đường phố chào hàng…
Có người nói rằng, cuốn sách yêu thích của những người trẻ trong ngành tiền ảo Trung Quốc là “Con đường dẫn đến giàu có và tự do” của Lý Tiếu Lai (Li Xiaolai). Nhưng họ quên mất rằng, ngay từ 30 năm trước, cha mẹ họ đã từng xuất hiện trên BBC để kể về “con đường dẫn đến thịnh vượng” của Trung Quốc.
Chưa bao giờ có một thành phố đầy tiếng thở dài như Ôn Châu. Nó dường như là một bảo tàng về 40 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc, đầy vinh quang và những di tích mà lịch sử lưu lại.
Trong giai đoạn đầu của cải cách và mở cửa khi hàng hóa còn thiếu hụt, Ôn Châu đã thu được hũ vàng đầu tiên nhờ vào ngành công nghiệp sản xuất. Trên đà đó, nhờ vào bất động sản do đô thị hóa và ngành công nghiệp năng lượng, Ôn Châu vươn mình và phát triển rực rỡ trong 10 năm đầu của thế kỷ này. Tuy không phát triển về ngành Internet và khoa học công nghệ, nhưng Ôn Châu chưa bao giờ bỏ lỡ bất kỳ lần đầu cơ nào từ thực tới ảo, nào là bất động sản, tiền tệ, tiền ảo, than, v.v.
Cuối cùng, Ôn Châu lạc lối trong ảo ảnh…
Ôn Châu từng được chia cho những quân bài xấu, nhưng lại tạo ra kỳ tích khiến người ta phải tán thưởng. Nhưng sau đó khi giữ trong tay những lá bài đẹp, nó lại chơi dở tệ.
Hào quang của quá khứ là màu nền tươi sáng của Ôn Châu, nhưng cũng là lời nguyền xám xịt dai dẳng không dứt. Đây là hình ảnh thu nhỏ của cải cách và mở cửa của Trung Quốc, và cũng là hình ảnh thu nhỏ của làn sóng vốn hóa Trung Quốc.
Đông Phương
Theo Vision Times