Lê Minh
Các nhà chức trách Trung Quốc đã nhấn mạnh lại mục tiêu của chính phủ là đạt được “một doanh nghiệp cho mỗi ngành, một ngành với một doanh nghiệp” trong một cuộc họp gần đây.
Theo một nguồn tin thân cận với giới quan chức hàng đầu của Bắc Kinh, sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có kế hoạch tập trung hóa các lĩnh vực khác nhau của Trung Quốc thông qua việc triển khai kế hoạch chi tiết “một doanh nghiệp cho một ngành”, với tham vọng ảnh hưởng và thống trị toàn thế giới.
Nguồn tin tiết lộ, đây sẽ là chủ đề chính trong chiến lược kinh tế và chính trị của ĐCSTQ sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20, và tất cả các chính sách trong tương lai sẽ được sắp xếp cho phù hợp.
Hôm 1/9, Weng Jiming, Phó Giám đốc Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước (SASAC), đã phát biểu tại một cuộc họp đặc biệt về “cải cách” các doanh nghiệp nhà nước, và cho rằng cần tăng cường sáp nhập các doanh nghiệp trong ngành thành các doanh nghiệp nhà nước do trung ương quản lý. Bằng cách này, nguồn lực phân nhỏ từ các doanh nghiệp khác nhau sẽ tập trung để quan trị và có thể đạt hiệu quả cao nhất. Ông khuyến khích nhiều doanh nghiệp và khu vực thực hiện “một doanh nghiệp cho mỗi ngành” để loại bỏ các vấn đề nảy sinh từ các doanh nghiệp nhỏ và công nghệ yếu.
Các doanh nghiệp nhà nước do Trung ương quản lý của ĐCSTQ là những doanh nghiệp được cấp vốn bởi Hội đồng Nhà nước hoặc SASAC. Các doanh nghiệp này được sở hữu hoặc kiểm soát hoàn toàn bởi vốn của chính quyền trung ương ĐCSTQ. Chúng được quản lý trực tiếp bởi chính phủ trung ương hoặc ủy thác cho các bộ và ủy ban trung ương.
Cụm từ “một doanh nghiệp cho mỗi ngành” đề cập đến sự hợp nhất, tập trung hóa cao độ của các doanh nghiệp, để đạt được vị trí độc quyền trong ngành.
Ông Weng cũng cho biết tại cuộc họp rằng các nhà chức trách khuyến khích [doanh nghiệp] tích hợp [với nhau] xuyên khu vực và xuyên cấp, tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh.
Các nhà chức trách Trung Quốc thường kích động tâm lý chống phương Tây và nói với người dân Trung Quốc rằng phương Tây độc đoán bởi vì nó có “ sức mạnh diễn ngôn ” – sức mạnh để định hình lại các giá trị và chuẩn mực trên toàn cầu. ĐCSTQ rõ ràng là theo đuổi quyền lực đó khi họ đề xuất thành lập các công ty độc quyền khổng lồ.
Vị thế thống trị của các doanh nghiệp nhà nước trung ương
SASAC đã công bố danh sách các doanh nghiệp nhà nước cấp trung ương mới nhất hôm 25/7, bao gồm 98 công ty. Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc, được thành lập vào ngày phát hành, đã được bao gồm. Với số vốn đăng ký 20 tỷ nhân dân tệ (CNY) (khoảng 2,97 tỷ USD), tập đoàn đứng thứ 36 trong danh sách, chỉ đứng sau China Baowu Steel Group Corp., Ltd trong ngành khoáng sản.
Tập đoàn thép Baowu của Trung Quốc chính thức chuyển thành công ty đầu tư vốn nhà nước vào tháng Sáu, tuyên bố rằng họ đặt mục tiêu “trở thành công ty dẫn đầu toàn cầu trong ngành thép và vật liệu tiên tiến”.
Theo China Steel News, lịch sử phát triển của Baowu là “liên tục hội nhập và tái cấu trúc”, và nó đã thu hút các doanh nghiệp thép như Bastel, Shaogang, Masteel, TISCO, Shigang và Kunsteel, dẫn đến tổng sản lượng thép thô vượt quá 100 triệu tấn, đứng đầu trong số các công ty thép toàn cầu về sản lượng thép thô.
Ông Mike Sun, một chiến lược gia đầu tư Bắc Mỹ và chuyên gia về Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng “China Baowu hiện thực sự là nhà lãnh đạo thế giới [về ngành thép]”.
Ông Sun nói: “Trung Quốc có ít nhất 5 trong số 10 công ty thép hàng đầu trên thế giới – đó là hướng đi của ĐCSTQ và là mục tiêu mà họ đang theo đuổi. Đó là kết quả của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước kéo dài 3 năm từ năm 2020 đến năm 2022”.
Ông tin rằng “một doanh nghiệp cho mỗi ngành” không có nghĩa là về số lượng tuyệt đối, chỉ có một doanh nghiệp trung ương [thuộc sở hữu nhà nước] cho mỗi ngành; thay vào đó, một doanh nghiệp nhà nước trung ương để đạt được độc quyền tuyệt đối trong ngành.
Ông nói thêm: “Đề xuất của ĐCSTQ nhằm phá bỏ giới hạn địa lý là không cho phép các chính phủ địa phương có quyền hạn lợi ích với các doanh nghiệp này, tương đương với việc lấy đi miếng bánh từ các doanh nghiệp tư nhân và chính quyền địa phương”. Đây là một giải pháp để tập trung hóa quyền lực cao hơn cho chính quyền trung ương.
Hoạt động mua bán và sáp nhập trong ngành thép của Trung Quốc bắt đầu trong kế hoạch 5 năm cuối cùng của ĐCSTQ (2015-2020). Các mục tiêu chính đặt ra cho sự Phát triển của Ngành Công nghiệp Nguyên liệu trong kế hoạch 5 năm liên tục (2021-2025) của ĐCSTQ bao gồm việc hình thành “hơn 5 cụm sản xuất tiên tiến đẳng cấp thế giới trong lĩnh vực nguyên liệu”.
Theo nguồn tin thân cận với giới quan chức của Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc muốn giúp các doanh nghiệp trung ương trở nên lớn hơn và có khả năng cạnh tranh hơn.
Ông nói: “Tham vọng của ĐCSTQ còn vượt xa việc đưa các công ty này trở thành ‘con chim đầu đàn’ ở phạm vi quốc gia. Mục tiêu của họ sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 là cho phép các công ty độc quyền khổng lồ này có ảnh hưởng tuyệt đối trên thế giới”.
Dự án chủ chốt (keystone)
Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc mới được thành lập là một phần của “Dự án chủ chốt” của Bắc Kinh. Dự án này dự định đạt được tiếng nói trong việc cung cấp và định giá quặng sắt thông qua việc phát triển các mỏ quặng sắt mới ở Trung Quốc cùng với việc phát triển các nguồn quặng sắt và thép phế mới ở ngoại quốc.
Thuật ngữ “Dự án chủ chốt” lần đầu tiên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc hôm 10/1 năm nay, khi Hiệp hội Công nghiệp Gang thép Trung Quốc (CISA) tuyên bố tại cuộc họp chung rằng họ đã gửi báo cáo về Dự án chủ chốt cho bốn bộ và ủy ban của ĐCSTQ.
Theo hãng truyền thông Tin tức Luyện kim Trung Quốc, Báo cáo chỉ rõ mục tiêu cung cấp cho 3 nguồn tài nguyên sắt chính là thép phế liệu, quặng sắt trong nước và quặng sắt ở ngoại quốc trong các năm 2025, 2030 và 2035. Các công ty thép lớn của Trung Quốc đều đã tham gia vào Dự án chủ chốt.
Triển khai toàn cầu
Truyền thông Úc hôm 21/7 tiết lộ rằng ĐCSTQ đã thành lập một doanh nghiệp nhà nước cấp trung ương mới với nhiệm vụ tập trung thu mua quặng sắt để tăng sức mạnh mặc cả trên thị trường quặng sắt toàn cầu, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng động thái của ĐCSTQ sẽ làm tổn hại đến ngành công nghiệp quặng sắt của Úc.
Vào tháng Giêng năm nay, Thời báo Chứng khoán, một phương tiện truyền thông Trung Quốc, dẫn lời một giám đốc điều hành ngành thép Trung Quốc cho biết: “Nếu chúng tôi có thể đạt được mức tập trung 60% bằng cách hợp nhất 10 công ty thép hàng đầu, chúng tôi sẽ có thể nâng cao sức mạnh mặc cả, lợi thế thương lượng của mình khi đàm phán với những người khổng lồ quốc tế về quặng sắt trong tương lai”.
Ông Mike Sun nói với The Epoch Times rằng hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước trung ương của ĐCSTQ, vì lợi thế về nguồn lực của họ, có thể được mô tả là “lớn và toàn diện”, do đó có khả năng tiếp cận sâu rộng.
Ví dụ, Tập đoàn Minmetals của Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản và quản lý tài sản. Các doanh nghiệp nhà nước trung ương này hiện được yêu cầu quay trở lại hoạt động kinh doanh chính của họ và thay vào đó trở thành “lớn nhưng tập trung”. Nói cách khác, họ phải trở nên lớn mạnh hơn và quyền lực hơn, để độc quyền trong nước, kiểm soát tất cả các ngành công nghiệp trong tay họ, cũng như cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại quốc với hệ thống “toàn quốc” của Trung Quốc. Ông Sun nói, vì các nước phương Tây chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp trung ương của ĐCSTQ có lợi thế của họ.
Trong vài năm qua, chính phủ Trung Quốc đã thành lập một số doanh nghiệp trung ương “khổng lồ”, chẳng hạn như China Logistics Group Co., được thành lập hôm 06/12 năm ngoái.
Doanh nghiệp trung ương này bao gồm Công ty TNHH Tập đoàn Vật liệu Đường sắt Trung Quốc trước đây và bốn công ty nổi tiếng trước đây thuộc Tập đoàn Chengtong Holdings Trung Quốc trong lĩnh vực hậu cần. Các nhà đầu tư của họ cũng là những gã khổng lồ trong ngành như China Eastern Airlines Group Co., Ltd. và China Ocean Shipping Group Co., Ltd. và China Merchants Group Co., Ltd.
Các báo cáo chính thức cho biết China Logistics mới thành lập có hơn 600 chi nhánh, 120 tuyến đường sắt, 42 kho hàng giao hàng kỳ hạn và gần 3 triệu xe tải đường bộ chuyên nghiệp. Mạng lưới hoạt động của nó được phân bố rộng rãi trên 30 tỉnh thành ở Trung Quốc và trên năm châu lục ở ngoại quốc. Quy mô như vậy chắc chắn mang lại cho nó một lợi thế cạnh tranh rõ ràng trên thị trường logistics quốc tế.
Ngoài ra, hôm 08/05/2021, Tổng công ty Tập đoàn Sinochem Trung Quốc và Tập đoàn Hóa chất Quốc gia Trung Quốc đã được hợp nhất để tạo thành Tập đoàn China Sinochem Holdings. Với tổng tài sản hơn 1,000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 157 tỷ USD), đây là công ty hóa chất tổng hợp lớn nhất thế giới.
Lê Minh