Phạm Xuân Nguyên
Sáng nay tôi đã đặt dấu chấm xong cho bản dịch từ tiếng Pháp cuốn tiểu thuyết đầu tay của Milan Kundera viết cách đây 57 năm: “La Plaisanterie” – “Trò đùa”.
Nhân vật chính của tác phẩm là Ludvik Jahn, một sinh viên cộng sản ở Tiệp Khắc. Một hôm anh gửi bưu thiếp cho một cô bạn sinh viên trên đó viết mấy câu đùa cợt: “Chủ nghĩa lạc quan là thuốc phiện của loài người. Tinh thần thánh thiện sặc mùi xuẩn ngốc. Trotsky muôn năm!” Thế là Ludvik bị kết tội chính trị nặng nề, bị khai trừ Đảng, bị đuổi khỏi trường đại học, bị bắt vào lính gia nhập đội quân “đen”, tức những kẻ thù chính trị của chế độ. Từ đó cuộc đời anh bị trở thành “trò đùa” trong tay chính trị và số phận.
Viết xong năm 1965, “Trò đùa” là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Milan Kundera khi đó 36 tuổi. Nó lấy khung cảnh chính trị của đất nước, lại được xuất bản tại Tiệp Khắc năm 1967, đêm trước của phong trào “Mùa xuân Praha” (1968) với ý định dân chủ hoá đất nước song đã bị đè bẹp dưới xích xe tăng Liên Xô, nên “Trò đùa” thường được tiếp nhận chủ yếu dưới góc độ chính trị. Có lẽ cũng vì thế nên cuốn tiểu thuyết đã nhanh chóng được dịch ra hầu hết các thứ tiếng châu Âu trong khoảng thời gian 1968 – 1970.
Nhưng Milan Kundera phản đối điều đó, ông cho đây là một “chuyện tình”, thứ tình cảm duy nhất chống chọi được sự vỡ mộng của Lịch Sử. Nhà phê bình văn học Pháp François Ricard trong lời bạt cho “Trò đùa” đã gọi đây là cuốn tiểu thuyết nói về sự tàn phá (“le roman de la dévastation”).
Cuốn tiểu thuyết gồm bảy phần (kết cấu yêu thích của nhà văn, được ông sử dụng nhiều lần trong các tác phẩm về sau) luân phiên giọng kể của bốn nhân vật (Ludvik, Helena, Jaroslav, Kostka) trong đó Ludvik chiếm 2/3 dung lượng (các phần 1, 3, 5, và 7). Riêng phần 7 là xen kẽ ba giọng kể của Ludvik, Helena và Kostka.
“Trò đùa” (tiếng Czech: Zert) bản tiếng Pháp được dịch lần đầu năm 1968 do Éditions Gallimard xuất bản. Năm 1980 bản dịch có được sửa chữa. Năm 1985 bản dịch cuối cùng hoàn chỉnh. Năm 2003 bản dịch có thêm lời bạt của François Ricard.
Tôi dịch theo bản tiếng Pháp 2003, dày 510 trang (478 trang tiểu thuyết, 32 trang lời bạt). Milan Kundera chỉ chấp nhận các bản dịch tác phẩm của ông từ tiếng Pháp, không chỉ những cuốn ông trực tiếp viết bằng thứ tiếng này mà cả những cuốn ông viết từ trước bằng tiếng Czech. Ông trực tiếp soát lại bản dịch tiếng Pháp và coi nó có giá trị như bản tiếng Czech. Vì thế ở sách này, trên trang bìa trong ghi rõ ràng: LA PLAISANTERIE, Marcel Aymonin dịch từ tiếng Czech, Claude Courtot và tác giả đã xem lại toàn bộ, bản cuối cùng.
Như vậy đến nay có thể nói toàn bộ các tác phẩm của Milan Kundera đã được dịch ra tiếng Việt (chủ yếu từ tiếng Pháp) và đã được xuất bản gần hết, kể từ cuốn “Sự bất tử” in tạp chí “Văn học nước ngoài” năm 1996. Danh mục như sau:
Ngân Xuyên dịch:
L’immortalité (“Sự bất tử”, tiểu thuyết, đã in)
La lenteur (“Chậm”, tiểu thuyết, đã in)
L’identité (“Căn cước”, tiểu thuyết, đã in)
Le livre du rire et de l’oubli (“Sách cười và lãng quên”, tiểu thuyết, đã in)
La plaisanterie (“Trò đùa”, tiểu thuyết, sẽ in)
Jacques et son maitre (“Jacques và ông chủ”, kịch, sẽ in)
Cao Việt Dũng dịch:
La Vie est ailleurs (“Cuộc sống không phải ở đây”, tiểu thuyết, đã in)
La Valse aux adieux (“Điệu van giã từ”, tiểu thuyết, đã in)
Risibles amours (“Những chuyện tình nực cười”, tập truyện, đã in)
L’Ignorance (“Vô tri”, tiểu thuyết, đã in)
Le Rideau (“Màn”, tiểu luận, đã in)
Nguyên Ngọc dịch:
L’Art du roman (“Nghệ thuật tiểu thuyết”, tiểu luận, đã in)
Les Testament trahis (“Những di chúc bị phản bội”, tiểu luận, đã in)
Une Rencontre (“Một cuộc gặp gỡ”, tiểu luận, đã in)
La Fête de l’insignifiance (“Lễ hội của vô nghĩa”, tiểu thuyết, đã in)
Trịnh Y Thư dịch:
L’Insoutienable légrèreté de l’être (“Đời nhẹ khôn kham”, tiểu thuyết, dịch từ tiếng Anh, in tại Mỹ).
Le Livre du rire et de l’oubli (“Tập sách cái cười & sự lãng quên”, tiểu thuyết, dịch từ tiếng Anh, in tại Mỹ).
Sau đây nếu làm tiếp về Milan Kundera, tôi còn muốn dịch hai cuốn sách nghiên cứu về sáng tác của ông. Đó là cuốn “Милан Кундера и его романная философия” (“Milan Kundera và triết học tiểu thuyết của ông”, 2014) của Шерлаимова С. А. (S. A. Sherlaimova (giáo sư văn học ở Nga) và cuốn “Understanding Milan Kundera: Public Events, Private Affairs” (“Tìm hiểu Milan Kundera: việc chung đời riêng, 1993) của Fred Misurelle (giáo sư văn học ở Mỹ). Thực ra cuốn của Sherlaimova tôi đã dịch được một phần.
Hy vọng “Trò đùa” sẽ ra sách dịp cuối năm nay. Và nếu kịp thì dịp cuối năm tôi còn có hai cuốn sách dịch nữa được in: “Thời thơ ấu của Jesus” (tiểu thuyết của J.M. Coetzee, nhà văn Nam Phi, Nobel văn chương 2003) và “Thư gửi một nhà tiểu thuyết trẻ” (sách nghề của M.V.Llosa, nhà văn Peru, Nobel văn chương 2010). Ngoài ra tôi còn bản dịch truyện thiếu nhi “Người bắn cung” của nhà văn Brasil P. Coelho cũng đã gửi cho một nhà sách lâu lâu rồi. Và trong bản thảo tôi còn cuốn hồi ký của nhà văn Nga A. Rybakov (tác giả tiểu thuyết “Những đứa con phố Arbat” đình đám một thời) dịch đã lâu nhưng chưa đưa đâu.
Khoe chút thế cho vui, để mọi người biết tôi đi nhiều cũng vẫn có làm việc – viết và dịch đều, không chỉ rong chơi không.
P.X.N