Quang Nhật
Trong chuyến công du Khazastan đầy bất ngờ trước thềm Đại hội đảng lần thứ 20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi các nền kinh tế Nga và Mông cổ tham gia vào hệ thống thanh toán quốc tế đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc, một hệ thống thanh toán được Bắc Kinh vận hành trong nhiều năm với hy vọng thay thế cho hệ thống thanh toán SWIFT của USD hiện đang thống trị hệ thống tài chính toàn cầu.
Ngày 16/9, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tổ chức cuộc gặp đầu tiên của các nguyên thủ quốc gia Trung Quốc, Nga và Mông Cổ. Cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mông Cổ Khuri Sukh diễn ra tại Nhà khách Nhà nước Samarkand.
Hành lang kinh tế Trung Quốc – Mông Cổ – Nga
Trong cuộc họp, ông Tập Cận Bình đưa ra 4 gợi ý về việc thúc đẩy hợp tác Trung Quốc-Mông Cổ-Nga:
Thứ nhất, tăng cường ủng hộ lẫn nhau, tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau, đáp ứng các mối quan tâm chính của nhau, tăng cường phối hợp và hợp tác trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Thứ hai, tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, đồng thời cùng nhau xây dựng một nền tảng hợp tác để giải quyết các rủi ro và thách thức để giải phóng tiềm năng phát triển.
Thứ ba, thực hiện các đồng thuận đã đạt được về việc xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc-Mông Cổ-Nga, thúc đẩy hợp tác không ngừng sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa và du lịch ở các khu vực lân cận.
Thứ tư, thúc đẩy nhiều thành tựu hơn nữa trong hợp tác ba bên, hỗ trợ mở rộng quy mô thanh toán bằng đồng nội tệ trong thương mại giữa ba nước. Trung Quốc muốn chào đón nhiều tổ chức tài chính hơn ở Nga và Mông Cổ tham gia Hệ thống thanh toán qua biên mậu bằng Nhân dân tệ (CIPS) để xây dựng rào cản an ninh tài chính khu vực.
Theo nội dung cuộc họp do Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo, ba bên cũng đã xác nhận việc gia hạn “Đề cương quy hoạch xây dựng hành lang kinh tế Trung Quốc-Mông Cổ-Nga” trong 5 năm, chính thức khởi động nghiên cứu khả thi về việc nâng cấp và phát triển “Tuyến đường sắt trung tuyến Hành lang kinh tế Trung Quốc-Mông Cổ-Nga”. Các bên nhất trí tích cực thúc đẩy sự phát triển của Hành lang kinh tế Trung Quốc-Mông Cổ-Nga, xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên trung chuyển qua dự án đặt tại Mông Cổ.
Điều đáng chú ý là trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã loại bỏ một số ngân hàng thương mại của Nga khỏi hệ thống SWIFT, ông Tập Cận Bình đã đề xuất việc hoan nghênh thêm các tổ chức tài chính ở Nga và Mông Cổ tham gia Hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng Nhân dân tệ (CIPS).
SWITF quan trọng đến mức nào?
Nga vẫn chưa ngừng cuộc chiến chống lại Ukraine. Các nước phương Tây lần lượt áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Trong quá trình này, sự phát triển kinh tế, hệ thống tài chính và đời sống của người dân Nga đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trong trường hợp này, truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố “Trung Quốc là một ngoại lệ và không sợ các biện pháp trừng phạt của phương Tây”.
Khi Nga bị phương Tây trừng phạt tài chính vì xâm lược Ukraine, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng thường xuyên đưa ra những nhận xét về việc đẩy nhanh số hóa đồng nhân dân tệ (CNY) và thay thế Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) do Mỹ cầm đầu bằng hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ (CIPS) do Trung Quốc cầm đầu.
Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), một tổ chức hợp tác ngành toàn cầu có trụ sở chính tại Bỉ, là tổ chức dịch vụ nhắn tin tài chính hàng đầu thế giới, cung cấp nền tảng nhắn tin mã hóa và thông tin liên lạc cho các tổ chức tài chính toàn cầu. Các tiêu chuẩn đóng vai trò then chốt trong các hoạt động kinh doanh và thương mại quốc tế .
Song Weijun, một nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn ở nước ngoài “Kinh tế chính trị Tianjun”, đã viết một bài báo “Phản ứng của Nga đối với hai “quả bom hạt nhân tài chính” chống lại ĐCSTQ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau”.
Bài báo chỉ ra rằng hệ thống SWIFT là cầu nối dàn xếp thông tin thanh toán hệ thống của các quốc gia khác nhau. Ngôn ngữ chuẩn để giao tiếp trong SWIFT, việc chuyển các quỹ, dòng tiền ngoại thương trên thế giới hiện không tách rời khỏi SWIFT. Để đưa một quốc gia khỏi hệ thống SWIFT tương đương với cắt đứt hoạt động xuất nhập khẩu của quốc gia đó. Lý do là đối tác xuất nhập khẩu của họ ở nước ngoài không thể thực hiện các thanh toán hoặc nhận tiền theo Hợp đồng xuất nhập khẩu thuận tiện như trước kia nữa. Chi phí thanh toán, giao thương sẽ tăng cao gấp bội và rui ro thanh toán phát sinh.
Các giao dịch tài chính quốc tế của Nga, bao gồm cả thu nhập xuất khẩu từ dầu và khí đốt, chiếm hơn 40% tổng doanh thu của đất nước, sẽ bị cắt đứt. Trong dài hạn, lệnh trừng phạt này ảnh hưởng sâu sắc tới nền kinh tế của Nga.
Vào ngày 17/4, theo phương tiện truyền thông chính thức “Tin tức chứng khoán Thượng Hải”, Zhou Xiaochuan, chủ tịch Hiệp hội Tài chính và Ngân hàng Trung Quốc và cựu thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đã giải thích tại Diễn đàn Tài chính Toàn cầu PBCSF Tsinghua 2022 rằng SWIFT đóng một vai trò lớn trong thương mại quốc tế.
Trước khi thanh toán trong thương mại quốc tế, nhiều vấn đề về thông tin thương mại cần được trao đổi, bao gồm hợp đồng, kho bãi, vận chuyển, thông số kỹ thuật, giống, tuân thủ chất lượng, v.v.; những thứ liên quan đến tài chính bao gồm hướng dẫn thanh toán, thư bảo lãnh, thư tín dụng, tài trợ thương mại, bao thanh toán, v.v.
CIPS của Trung Quốc có thể thay thế cho SWIFT của Mỹ không?
Ông Zhou Xiaochuan tin rằng SWIFT đã phát triển hiệu quả và mở rộng quy mô thị trường; điều mà CIPS không dễ dàng thay thế.
Thứ nhất, số lượng các tổ chức tài chính tham gia SWIFT rất lớn;
Thứ hai, SWIFT đã thực hiện tốt công việc bảo mật. Nếu một quốc gia muốn từ bỏ SWIFT và mở một kênh khác, trước tiên, sẽ có một giai đoạn chuyển đổi, số lượng người tham gia có thể ít trong giai đoạn đầu, và nhiều thông tin liên lạc sẽ khó đạt được, điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của thương mại;
Như vậy, rào cản lớn nhất của Bắc Kinh khi muốn CIPS cạnh tranh với SWIFT và lôi kéo Nga, Mông Cổ vào cuộc chơi này là uy tín của Bắc Kinh trong bảo mật. Vấn đề là Trung Quốc không đáng tin về bảo mật và tất cả những gì mà Trung Quốc tạo ra cũng bị đưa vào danh sách nghi ngờ. Bí mật thương mại, tài chính luôn là vấn đề sống còn với thương nhân, nhà đầu tư và các định chế tài chính toàn cầu.
Chuyên gia này cũng nói rằng CIPS là một hệ thống thanh toán, quyết toán và bù trừ nhân dân tệ xuyên biên giới. Một số chức năng giao tiếp được tích hợp vào hệ thống, nhưng chúng không được sử dụng nhiều.
Lý do đơn giản là đồng nhân dân tệ của Bắc Kinh chỉ chiếm 2%-3% lượng giao dịch toàn cầu. Điều này diễn ra nhiều năm nay bất chấp việc 80% các hợp đồng thương mại toàn cầu được ký kết với các đối tác Trung Quốc. Trong khi đó đồng USD chiếm tới 43-45% khối lượng thanh toán thương mại toàn cầu.
Đồng nhân dân tệ không được thị trường ưu ái thanh toán vì nó không được tự do chuyển đổi và bị thao túng về giá trị. Rủi ro chính trị này của đồng nhân dân tệ chính là rào cản lớn nhất trong việc phát triển CIPS cũng như quốc tế hoá đồng nhân dân tệ (và sau này là nhân dân tệ kỹ thuật số) như tham vọng của Bắc Kinh.
Quang Nhật
Theo Vision Times