Cao Dương
Liên minh Châu Âu công bố kế hoạch mở rộng quyền lực để điều khiển các ngành công nghiệp trong các cuộc khủng hoảng, một đề xuất gây tranh cãi đã thu hút sự phản đối từ lãnh đạo các doanh nghiệp.
Chi tiết về kế hoạch — được gọi là Công cụ Khẩn cấp cho Thị trường Chung (SMEI) — được Ủy ban Châu Âu công bố vào ngày 19/9/2022, trong đó cho phép Ủy ban này tuyên bố tình trạng khẩn cấp và kích hoạt một loạt các biện pháp can thiệp thị trường.
“Chúng ta cần các công cụ mới cho phép chúng ta phản ứng nhanh và tập thể”, Margrethe Vestager — phó chủ tịch điều hành của Ủy ban Châu Âu — cho biết trong tuyên bố.
“Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã cho thấy rõ: chúng ta phải làm cho Thị trường Chung của mình hoạt động mọi lúc, kể cả trong giai đoạn khủng hoảng. Chúng ta phải làm cho nó mạnh mẽ hơn”, bà nói.
Công cụ Khẩn cấp cho Thị trường Chung (SMEI) hình dung ra 3 chế độ hoạt động khác nhau:
- Chế độ dự phòng: Giai đoạn thị trường chung hoạt động bình thường. Cho phép Ủy ban Châu Âu và các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu thiết lập mạng lưới điều phối và liên lạc để tăng cường sự chuẩn bị sẵn sàng.
- Chế độ cảnh giác: được kích hoạt bởi Ủy ban Châu Âu khi họ xác định có mối đe dọa đối với thị trường chung. Trong chế độ này, chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ chiến lược quan trọng sẽ được giám sát, nguồn dự trữ chiến lược trong những lĩnh vực này cũng sẽ được bồi đắp.
- Chế độ khẩn cấp: được kích hoạt bởi Hội đồng Châu Âu — cơ quan chính trị cao nhất của Liên minh Châu Âu — trong trường hợp xảy ra khủng hoảng với tác động trên diện rộng đến thị trường chung. Trong chế độ này, sẽ có một danh sách đen các hạn chế bị cấm áp đặt, cũng như củng cố và giám sát chặt chẽ các hạn chế đơn phương.
Trong chế độ khẩn cấp này, Ủy ban Châu Âu cũng có thể khuyến nghị các quốc gia thành viên mở rộng hoặc sử dụng các dây chuyền sản xuất vào mục đích khác, đẩy nhanh việc cấp phép, và phân phối có mục tiêu các nguồn dự trữ chiến lược được xây dựng trong chế độ cảnh giác.
Các quy tắc mới này cũng sẽ được áp dụng khi Ủy ban Châu Âu thay mặt cho các quốc gia thành viên mua sắm đối với hàng hóa và dịch vụ, trong chế độ cảnh giác và khẩn cấp.
Ngoài ra, Ủy ban Châu Âu sẽ có quyền buộc các doanh nghiệp cung cấp thông tin trong trường hợp khẩn cấp. Ủy ban cũng có thể yêu cầu các doanh nghiệp chấp nhận các đơn hàng được ưu tiên liên quan đến cuộc khủng hoảng, và các doanh nghiệp phải tuân thủ hoặc giải thích lý do nghiêm trọng cho việc từ chối, nếu không sẽ bị phạt lên đến 200.000 euro.
“Chúng ta phải chuẩn bị tốt hơn để dự đoán và ứng phó với cuộc khủng hoảng tiếp theo”, Thierry Breton — phụ trách thị trường nội bộ của Liên minh Châu Âu — cho biết.
“Thay vì dựa vào các hành động ngẫu hứng, Công cụ Khẩn cấp cho Thị trường Chung sẽ cung cấp một đáp án mang tính cấu trúc để duy trì sự di chuyển tự do của hàng hóa, con người, và dịch vụ trong những thời điểm bất lợi”, ông Breton cho biết thêm.
“Đây không phải là một nền kinh tế kế hoạch”, ông Breton nói. “[Công cụ] này không phải để đóng lại các chuỗi cung ứng mà là để giữ cho chúng rộng mở”.
Những người chỉ trích đề xuất của Liên minh Châu Âu cho rằng, kế hoạch này mang lại quá nhiều quyền lực cho trung ương Liên minh và có thể gây trở ngại cho các hợp đồng hiện có của các doanh nghiệp.
Eurochambres — một hiệp hội công nghiệp đại diện cho 20 triệu doanh nghiệp ở châu Âu — hoan nghênh kế hoạch mới này của Liên minh Châu Âu nhưng cảnh báo rằng đề xuất đã “vượt quá những gì cần thiết và có nguy cơ tạo ra sự không chắc chắn về mặt pháp lý”, khi mà “các tiêu chí kích hoạt các quyền lực mới cho Ủy ban được định nghĩa quá rộng”.
Hiệp hội ngành kỹ thuật cơ khí của Đức (VDMA) — đại diện cho 3.500 doanh nghiệp Đức và châu Âu — cho biết vào tuần trước rằng, việc bắt buộc các doanh nghiệp ưu tiên đơn hàng nào trong tình trạng khẩn cấp sẽ làm tổn hại khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đó.
“Đối với một ngành có mạng lưới toàn cầu như kỹ thuật cơ khí và nhà máy, độ tin cậy của việc giao hàng là không thể thiếu được”, Giám đốc điều hành Hiệp hội là Thilo Brodtmann cho hay.
“Giữ cho biên giới rộng mở và đảm bảo việc đưa người lao động qua biên giới trong trường hợp khủng hoảng xảy ra là điều cần thiết đối với các ngành định hướng xuất khẩu như cơ khí và nhà máy. Trong các cuộc khủng hoảng gần đây, chúng ta thật không may thấy rằng các nước thành viên Liên minh Châu Âu lại có phản ứng hạn chế các sự tự do của thị trường nội bộ”.
Đề xuất này vẫn cần được các nước thành viên Liên minh Châu Âu tranh luận và cần Nghị viện Châu Âu biểu quyết, vì vậy có thể mất nhiều tháng trước khi đề xuất có thể trở thành luật.
Cao Dương