Tin thế giới sáng thứ Tư

Bắc Triều Tiên nhạo báng hy vọng đàm phán của Mỹ

Thanh Phương

image.png
Kim Yo Jong, em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, tại Thế Vận Hội Mùa Đông tại Hàn Quốc 2018. AP – Felipe Dana

Hôm 22/06/2021, một lãnh đạo cấp cao của Bắc Triều Tiên đã chế nhạo hy vọng của Washington về việc tổ chức các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc đã thỏa thuận xem xét khả năng loại bỏ một nhóm điều phối chính sách đối với Bắc Triều Tiên.

Theo hãng tin Reuters, trích dẫn hãng tin chính thức KCNA, Kim Yo Jong, em gái của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, đồng thời là một lãnh đạo của đảng cầm quyền, đã tuyên bố rằng dường như cách thức của Mỹ tiếp nhận các tín hiệu của Bình Nhưỡng sẽ làm cho Mỹ thất vọng, bởi vì họ diễn giải tình hình theo hướng giúp cho họ yên tâm.

Đây là phản ứng của bà Kim Yo Jong về việc cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan của Nhà Trắng hôm Chủ nhật vừa qua cho biết đã nhìn thấy một “tín hiệu thú vị” trong bình luận công khai đầu tiên của Kim Jong-un về việc ông Joe Biden lên làm tổng thống Hoa Kỳ.

Em gái của lãnh đạo Bắc Triều Tiên đưa ra tuyên bố như trên đúng vào lúc đặc phái viên Mỹ về Bắc Triều Tiên, Sung Kim đang thăm Seoul, nơi ông dự kiến gặp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và bộ trưởng bộ Thống Nhất Lee In Young, đặc trách về quan hệ với Bắc Triều Tiên .

Bên lề ngày hội đàm đầu tiên với các quan chức Hàn Quốc hôm qua, đặc phái viên Sung Kim cho biết ông sẵn sàng gặp các quan chức Bắc Triều Tiên “mọi lúc, mọi nơi, không có điều kiện tiên quyết “, đồng thời mong đợi “sớm có một phản ứng tích cực”.

Trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Hàn Quốc cho biết Seoul và Washington đã nhất trí xem xét khả năng chấm dứt hoạt động của nhóm công tác phối hợp trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, đồng thời tăng cường sự phối hợp ở các cấp khác.

Được thành lập vào năm 2018, trong bối cảnh gia tăng cởi mở ngoại giao với Bình Nhưỡng, nhóm công tác này có nhiệm vụ giúp Mỹ và Hàn Quốc phối hợp cách tiếp cận trong các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên, nhưng đôi khi chính Seoul lại xem nhóm làm việc là một trở ngại đối với quan hệ liên Triều.

Hạt nhân: Tổng thống Iran không muốn đàm phán “chỉ để cho vui”

Thanh Phương

image.png
Tổng thống tân cử Iran, Ebrahim Raisi trong cuộc họp báo tại Teheran ngày 21/06/2021. AP – Vahid Salemi

Hôm 21/06/2021, ba ngày sau khi đắc cử, tân tổng thống Iran Ebrahim Raïssi đã thể hiện thái độ cứng rắn khi từ chối khả năng gặp tổng thống Mỹ Joe Biden và không muốn đàm phán “chỉ để cho vui” về các vấn đề hạt nhân.

Theo hãng tin AFP, các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra tại Vienna (Áo) với hy vọng đưa cả Mỹ và Iran quay lại thỏa thuận hạt nhân Vienna 2015, sau khi cựu tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này. Tân tổng thống Iran chủ trương duy trì đường lối do lãnh đạp tối cao Khamenei đề ra, theo đó các cuộc đàm phán này không được “kéo dài lê thê”. Tuy nhiên, ông Raïssi khẳng định « bất kỳ cuộc đàm phán nào bảo đảm lợi ích quốc gia của Iran chắc chắn sẽ được ủng hộ”. Mỹ cho rằng, trên thực tế, tổng thống không có quyền quyết định tối thượng ở Iran, nơi mà phần lớn quyền lực và quyết định cuối cùng nằm trong tay giáo chủ Khamenei, đặc biệt là về vấn đề hạt nhân.

Vòng đàm phán mới đã kết thúc tại Vienna vào Chủ nhật vừa qua với những dấu hiệu tích cực, hướng tới khả năng đạt được một thỏa hiệp nhằm khởi động lại thảo thuận hạt nhân, trước khi ông Raïssi chính thức nhậm chức vào tháng 8 tới, như lời hứa của tổng thống mãn nhiệm Hassan Rouhani. Rouhani được coi là nhân vật ôn hòa, bảo vệ chính sách cởi mở đối với phương Tây và đã tạo điều kiện đạt được thỏa thuận hạt nhân năm 2015, trái với đường lối được cho là cực đoan bảo thủ của tân tổng thống.  

Cũng trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi đắc cử, về quan hệ ngoại giao với Ả Rập Xê Út, tổng thống Raïssi tuyên bố “không có trở ngại nào từ phía Iran đối với việc mở lại các đại sứ quán của hai nước”. Ông cũng tuyên bố “luôn bảo vệ nhân quyền”, trong khi Mỹ và một số tổ chức phi chính phủ phương Tây vẫn cáo buộc ông phải chịu trách nhiệm về các vụ tra tấn và hành quyết trong thời gian ông làm việc trong ngành tư pháp Iran.

Cuba đình chỉ cho nạp đô la vào tài khoản

Minh Anh

image.png
Tiền Cuba Peso và đô la Mỹ. REUTERS – Desmond Boylan

Kể từ thứ Hai, 21/06/2021, các ngân hàng Cuba từ chối nhận tiền mặt bằng đô la của các cá nhân. Mục tiêu là nhằm bảo vệ nền kinh tế và để đối phó với lệnh cấm vận từ Mỹ, theo như lý giải từ chính quyền La Habana.

AFP nhắc lại, năm 2019, người dân Cuba được phép mở tài khoản ngân hàng bằng đô la, nhằm tăng nguồn thu bằng ngoại tệ và như vậy, có thể đi mua sắm tại một số cửa hàng thực phẩm nhận thanh toán bằng ngoại tệ.

Quyết định đình chỉ nhận đô la Mỹ đã gây hoang mang cho người dân.

Từ La Habana, thông tín viên đài RFI, Domitille Piron gởi về bài phóng sự :

« Cảm giác khó hiểu pha lẫn lo lắng đang ngự trị tại La Habana. Giờ phải làm gì với số đô la này ? Làm thế nào đặt vào tài khoản đồng đô la, đồng tiền có thể chuyển đổi tự do với những loại tiền khác mà tỷ giá đã tăng vọt trên thị trường chợ đen ?

Tại Cuba, nếu như tất cả mọi người đều muốn có ngoại tệ chính là để nạp vào một tài khoản trong ngân hàng, cho phép mua hàng tại một số cửa hàng thực phẩm có nguồn dự trữ dồi dào nhất trong thời buổi khủng hoảng hiện nay.

Reynier đã dùng những đồng đô la của mình để mua hàng như vậy, giờ đây, anh phải tìm một ngoại tệ khác trên thị trường chợ đen.

Anh nói : “Trước đây, ai cũng muốn có đô la, và chỉ có đô la mà thôi… nhưng giờ thì người ta muốn đồng euro. Ở đây không ai được trả lương bằng đô la cả, nhưng các cửa hàng được phép nhận ngoại tệ và người ta đã lao đi mua đô la. Nếu ngày mai, họ cho phép các cửa hàng được nhận đồng tiền Trung Quốc thì chắc người dân Cuba lại sẽ đi mua nhân dân tệ cho mà xem”.

Những đồng ngoại tệ này chỉ có ở ngoài thị trường chợ đen. Một ngày sau thông báo ngưng nhận tiền gởi bằng đô la, tỷ giá không chính thức của tờ vé xanh lá cây đã sụt giảm, trong khi đồng euro thì tăng vọt. José, tự mở doanh nghiệp, tức giận vì biện pháp này.

José cho biết : « Thật là lộn xộn ! Bởi vì biện pháp này chỉ làm gia tăng lạm phát, thật sự mà nói, tôi không hiểu làm sao họ đưa ra quyết định này. Họ nói là đó là do các ngân hàng quốc tế không còn chấp nhận đồng đô la mà Cuba nạp vào các tài khoản. Thế nhưng cuối cùng thì chính chúng tôi, người dân, phải gánh lấy hậu quả. Tình trạng này là do lỗi của chúng tôi, của người dân Cuba, của tôi à ? Không hề, vậy mà chính tôi phải chịu lạm phát của thị trường chợ đen bởi vì tôi không thể nào mua ngoại tệ khác đi được ; tôi cần ngoại tệ để có thể đến mua hàng ở những cửa hàng chấp nhận ngoại tệ, bởi vì các cửa hàng thanh toán bằng đồng peso Cuba thì không được cung cấp hàng hóa ».

Liên Hiệp Châu Âu gia tăng trừng phạt Miến Điện

Minh Anh

image.png
Trụ sở của Ủy Ban Châu Âu tại Bruxelles, Bỉ. AFP – ARIS OIKONOMOU

Liên Hiệp Châu Âu cùng với Anh Quốc, ngày 21/06/2021, ban hành thêm một số biện pháp trừng phạt mới nhắm vào tập đoàn quân sự Miến Điện do cuộc đảo chính lật đổ chế độ dân sự. Cùng ngày, Nga và Miến Điện cam kết thắt chặt hợp tác quân sự giữa hai nước.

Theo AFP, Liên Hiệp Châu Âu thông báo cấm nhập cảnh khu vực Liên Âu và phong tỏa tài sản đối với 8 quan chức Miến Điện, bao gồm các bộ trưởng và thứ trưởng, chưởng lý. Trong thông cáo, Bruxelles giải thích những nhân vật này có « trách nhiệm làm suy yếu nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền, vi phạm nghiêm trọng nhân quyền ở trong nước ».

Ngoài ra, Liên Hiệp Châu Âu còn đưa vào danh sách trừng phạt bốn thực thể được cho là có liên quan đến quân đội. Đó là những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khai thác đá quý, gỗ, nhằm hạn chế « khả năng thu lợi nhuận của tập đoàn quân sự từ việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên ». Tuy nhiên, thông cáo cũng nêu rõ những biện pháp này cũng được thiết lập và áp dụng sao cho không gây nhiều tác hại nghiêm trọng đến người dân.

Về phần mình, Vương Quốc Anh, sau nhiều loạt trừng phạt đã được ban hành, lần này nhắm đến cả một tập thể là Hội Đồng Hành Chính Quốc Gia – SAC – đóng vai trò như Hội Đồng Nhà Nước, do quân đội lập ra sau đảo chính. Luân Đôn cho rằng cơ quan này « tiếp tục làm xói mòn nền dân chủ và trấn áp thô bạo dân thường. »

Nga và Miến Điện tăng cường hợp tác

Trái với thái độ của phương Tây, chính quyền Matxcơva, hôm qua, 21/06/2021, đã bày tỏ lập trường ủng hộ chính quyền quân sự Miến Điện khi đón tiếp lãnh đạo tập đoàn quân sự tướng Min Aung Hlaing. Trong cuộc gặp này, Nga và Miến Điện cùng cam kết tăng cường hợp tác, nhất là trong lĩnh vực quân sự.

Từ Matxcơva, thông tín viên Daniel Vallot tường thuật :

« Chi tiết và thời gian của chuyến thăm đã không được tiết lộ, và mọi người chỉ biết là bộ Quốc Phòng Nga đã mời tướng Min Aung Hlaing tham dự Hội Nghị An Ninh Quốc Tế Matxcơva diễn ra trong tuần này và đương nhiên, ông sẽ có cuộc gặp bộ trưởng Quốc Phòng Nga, Serguei Choigou.

Chuyến đi có nhiều khả năng và gần như chắc chắn là liên quan đến các hợp đồng mua bán vũ khí mà Nga có thể ký kết với tập đoàn quân sự Miến Điện. Nga là một đối tác lâu đời của Miến Điện trên bình diện hợp tác quân sự và Nga. Hiện tại, Nga là quốc gia cung cấp vũ khí thứ hai, chỉ sau Trung Quốc.

Sau cuộc đảo chính lật đổ bà Aung San Suu Kyi, Matxcơva hy vọng gia tăng sự hiện diện tại Miến Điện và để rồi qua đó là tại Đông Nam Á. Lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện không hề thấy bất tiện, bởi vì cách hành xử tử tế này của Nga không những cho phép quân đội Miến Điện thoát khỏi sự cô lập của cộng đồng quốc tế mà còn tránh được việc chỉ có mỗi đồng minh là Trung Quốc – một trong số những cường quốc hiếm hoi cùng với Nga đã không lên án cuộc đảo chính. »

Lãnh đạo Hồng Kông cảnh cáo báo chí không được “lật đổ” chính quyền

Thanh Phương

image.png
Trụ sở chính của nhật báo Apple Daily tại Hồng Kông thuộc tập đoàn truyền thông của tỉ phú Lê Trí Anh, ngày 17/06/2021. AP – Kin Cheung

Hôm 22/06/2021, đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga ( Carrie Lam ) cảnh cáo là báo chí không được có những hành động nhằm lật đổ chính quyền. Tuyên bố này nhằm đáp lại phản ứng gần đây của Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền đặc khu “ngưng đánh vào giới truyền thông”.

Theo hãng tin AFP, trong cuộc họp báo hàng tuần, khi được hỏi về vụ khám xét tòa soạn nhật báo ủng hộ dân chủ và về tự do báo chí ở Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trả lời: “Chỉ trích chính quyền thì không có vấn đề gì, nhưng nếu có ý định tổ chức những hành động nhằm lật đổ chính quyền, thì dĩ nhiên đó là chuyện khác”.

Vào tuần trước, cảnh sát Hồng Kông đã khám xét tòa soạn và bắt giữ 5 lãnh đạo của Apple Daily, đồng thời nhà chức trách phong tỏa tài sản của nhật báo này. Như vậy, rất có thể là tờ báo ủng hộ dân chủ này sẽ phải đình bản trong nay mai.

Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy tường trình :

“Hôm qua, 21/06/2021, Apple Daily đã cho phát bản tin truyền hình trực tuyến cuối cùng của mình. Người dẫn chương trình nhấn mạnh tầm quan trọng của nền báo chí độc lập, đồng thời gửi lời cám ơn tới khán giả.

Kể từ khi cảnh sát mở chiến dịch bố ráp vào tuần trước, giám đốc và tổng biên tập của toà báo này đã bị cáo buộc âm mưu “thông đồng với thế lực ngoại quốc”, một tội danh được xác định trong luật mới về an ninh quốc gia rất hà khắc. Họ hiện bị tạm giam để tiếp tục điều tra.

Nhưng trên hết, việc phong tỏa các tài khoản mới thực sự đe dọa sự tồn vong của tờ báo, theo lời giải thích của Mark Simon, cố vấn riêng của sáng lập viên tờ báo, Lê Trí Anh ( Jimmy Lai ), người đã bị bắt giam từ tháng 12 năm ngoái :

“Thực sự có rất ít cơ may để tờ báo tồn tại. Nếu quan chức đặc trách An Ninh không cho phép sử dụng số tiền được đặt trong các tài khoản mà ông ta đã phong tỏa, Apple Daily không thể làm gì được. Không có tiền, chúng tôi phải đóng cửa ! “

Mặt khác, ông Mark Simon tin rằng Bắc Kinh sẽ yêu cầu giới chức Hồng Kong đóng cửa Apple Daily nhân kỷ niệm một năm Luật An ninh Quốc gia, do Bắc Kinh áp đặt và do chính quyền Hồng Kông ban hành ngày 30/06 vừa qua. »

Related posts