Quang Nhật
Lo ngại dai dẳng về việc Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (còn gọi là Ngân hàng Trung ương) thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát, chỉ số chứng khoán tại Mỹ và khắp toàn cầu sụt giảm mạnh, giá năng lượng chịu áp lực tiếp tục giảm trong khi trái phiếu dài hạn tăng lợi suất. Tình trạng đình – lạm (tăng trưởng kinh tế đình trệ đi kèm lạm phát cao) ngày một rõ nét trên nền kinh tế toàn cầu.
Lạm phát đáng thất vọng, thị trường chờ tin xấu từ Fed
Việc Fed tăng lãi suất ở mức cao và nhanh hơn nhiều so với bất kỳ kế hoạch nào trước đó của tổ chức này đang thúc đẩy dòng vốn toàn cầu đổ về Mỹ, khan USD trên khắp toàn cầu nhờ chênh lệch lãi suất. Hôm nay, Fed đã bắt đầu cuộc họp định kỳ quyết định về việc tiếp tục gia tăng lãi suất cơ bản.
Chắc chắn, mức tăng lãi suất 75 điểm cơ bản sẽ sớm được công bố. Các thông điệp của Chủ tịch Fed Jerome Powell đã khẳng định quan điểm không khoan nhượng với lạm phát trong khi lạm phát tháng 8 của Mỹ không giảm như kỳ vọng của thị trường. Đặc biệt, lạm phát lõi (loại trừ đi giá năng lượng và lương thực) còn tăng so với tháng 7/2022 (6,01% so với 5,9%) cho thấy lạm phát đã lan toả mạnh mẽ sang giá hàng hoá tiêu dùng, nhà ở; không dễ gì ngăn chặn đà tăng của lạm phát khi giá cả đã ngấm vào tiền lương, đầu vào sản xuất dù giá năng lượng và lương thực có bình ổn (nhưng vẫn đã thiết lập mặt bằng giá mới).
Kết quả là, đồng nội tệ của hầu hết các nền kinh tế toàn cầu đều suy giảm mạnh so với USD. Các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Châu Á lập tức bị sụt giảm một lượng lớn dự trữ ngoại hối. Trong bối cảnh này, ngoại trừ Trung Quốc và Nga, những nền kinh tế đang vật lộn với bất ổn tài chính, tăng trưởng, vẫn duy trì việc nới lỏng chính sách tiền tệ, NHTW khắp Á, Âu và Mỹ La tinh đều đã và đang tiếp tục tăng lãi suất để phòng ngừa dòng vốn tháo chạy khỏi nền kinh tế cũng như chống lại lạm phát đang bùng phát nhanh như một đám cháy rừng.
Giá dầu áp lực giảm vì lo ngại đình trệ toàn cầu
Giá dầu thô Brent giao sau giữ ở mức 90 USD/ thùng vào thứ Tư sau khi giảm 1,5% trong phiên trước đó, tiếp tục chịu áp lực trước một đợt tăng lãi suất quá mức khác từ Fed. Thị trường lo ngại mức lãi suất cao của Fed có thể làm mất trật tự tăng trưởng toàn cầu và làm giảm nhu cầu năng lượng.
Các ngân hàng trung ương khác từ châu Âu đến châu Á cũng dự kiến sẽ tăng lãi suất hơn nữa trong tuần này.
Dữ liệu trong ngành cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng khoảng 1 triệu thùng trong tuần trước, trong khi dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất [từ dầu] lần lượt tăng khoảng 3,2 triệu thùng và 1,5 triệu thùng. Trong khi đó, những người đứng đầu hai tập đoàn năng lượng khổng lồ Saudi Aramco và Crescent Petroleum trong các tuyên bố riêng rẽ đã khẳng định rằng việc Mỹ và các nền kinh tế lớn châu Âu không đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ [vì biến đổi khí hậu] là một trở ngại lớn đối với sản xuất và là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Theo Reuters, hiện khối OPEC + đang giảm lượng cung dầu kỷ lục, 3,58 triệu thùng/ngày so với mục tiêu, tương đương khoảng 3,5% nhu cầu toàn cầu.
Chứng khoán đỏ lửa khắp toàn cầu
Phố Wall kết thúc phiên giao dịch trong sắc đỏ
Chỉ số Dow mất gần 300 điểm hôm qua, còn S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm 1,1% và 0,8% do các điều kiện tài chính thắt chặt. Lo ngại tăng trưởng suy giảm và thắt chặt điều kiện tài chính luôn là cú đánh mạnh vào thị trường chứng khoán. Trước kỳ vọng Fed tăng lãi suất, lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ tiếp tục tăng cao hơn, đạt mức cao nhất trong nhiều năm, gây thêm áp lực lên công nghệ và các cổ phiếu liên quan đến tăng trưởng khác.
Chứng khoán Trung Quốc và Hong Kong giảm mạnh
Chỉ số Shanghai Composite giảm 1% xuống dưới mức 3.100 điểm trong khi chỉ số Shenzhen Component giảm 1,4% xuống 11.130 vào thứ Tư, chạm mức thấp nhất trong gần 4 tháng.
Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh bất chấp tuyên bố của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tuyên bố giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn của mình, tạm dừng các nỗ lực nới lỏng tiền tệ để ngăn chặn sự sụt giảm nhanh chóng của đồng nhân dân tệ và dòng vốn tháo chạy khỏi Bắc Kinh trong bối cảnh phân kỳ chính sách với Mỹ ngày càng gia tăng.
Các cổ phiếu công nghệ và năng lượng mới dẫn đầu đà giảm, với mức giảm mạnh từ Tianqi Lithium (-1,1%), Contemporary Amperex (-1%) và East Money Information (-1,2%).
Trên thị trường chứng khoán Hong Kong, chỉ số HK50 giảm xuống mức thấp nhất trong 27 tuần là 18.488, giảm phiên thứ ba liên tiếp sau khi chứng khoán Mỹ kết thúc trong sắc đỏ đêm qua.
Chứng khoán Úc giảm thấp nhất trong hai tháng
Chỉ số S & P / ASX 200 đã giảm 1% xuống dưới 6.750 vào thứ Tư, quay đầu giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng và nhận tín hiệu từ một phiên giao dịch yếu ớt qua đêm ở Phố Wall.
Trong nước, biên bản cuộc họp tháng 9 của Ngân hàng Dự trữ Úc được công bố hôm thứ Ba đã xác nhận lập trường của Thống đốc Philip Lowe rằng ngân hàng trung ương cần phải tăng lãi suất hơn nữa. Cổ phiếu của các công ty khai thác quặng sắt hạng nặng dẫn đầu thị trường giảm, bao gồm BHP Group (-2,1%), Fortescue Metals (-2,1%) và Rio Tinto (-2,6%). Cổ phiếu công nghệ cũng lao dốc, với mức giảm mạnh từ Block Inc (-4%), Xero Ltd (-2,2%) và Seek Ltd (-1,4%).
Chỉ số Nikkei Nhật Bản bám gót đà giảm của Phố Wall
Chỉ số Nikkei 225 đã giảm 1% xuống dưới 27.500 vào thứ Tư, trượt về mức thấp nhất trong hai tháng.
Các nhà đầu tư cũng tiếp tục theo dõi đồng yên sau khi cựu Giám đốc Bộ Tài chính Tatsuo Yamasaki cho biết các nhà chức trách sẵn sàng can thiệp vào thị trường tiền tệ bất cứ lúc nào và không cần chờ đợi cái gật đầu từ Mỹ.
Giá chứng khoán của hầu như tất cả các lĩnh vực đều giảm vào thứ Tư, với mức giảm đáng kể từ các công ty lớn trong chỉ số bao gồm Toyota Motor (-1,8%), Tokyo Electron (-1,2%), SoftBank Group (-0,8%), Sony Group (-0,8%) và Daikin Industries (- 2,6%).
Quang Nhật