Tin thế giới trưa thứ Tư: Thái Lan loại COVID-19 khỏi danh sách các bệnh bị từ chối nhập cảnh

Đội tuyển bóng đá Nga bị cấm tham dự vòng loại EURO 2024

Đội tuyển bóng đá Nga bị cấm tham dự EURO 2024 khi Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) xác nhận gia hạn việc trục xuất họ khỏi các trận đấu ở vòng loại, theo tờ Mirror. Nga là đội duy nhất thuộc UEFA bị cấm, trong khi đồng minh Belarus được phép tham dự giải.

Cụ thể, UEFA vừa gia hạn lệnh cấm đối với các đội tuyển và CLB của Nga, được áp dụng từ tháng 2/2022, sau khi nước này thực hiện cuộc tấn công nhắm vào Ukraine.

Liên đoàn bóng đá Nga (RFU) đã kháng cáo quyết định của UEFA lên Tòa án Trọng tài Thể thao ở Lausanne (Thụy Sĩ) trước khi bị từ chối.

Bên cạnh đó, RFU còn chính thức thông báo rằng: “Đội tuyển bóng đá quốc gia Nga sẽ không tham gia lễ bốc thăm vòng loại EURO 2024, được tổ chức vào ngày 9/10 tại Frankfurt, Đức. Lý do là UEFA tiếp tục đình chỉ sự tham dự của các đội tuyển và các CLB của Nga khỏi các giải đấu quốc tế”.

Đội tuyển Nga không được tham dự EURO 2024, đồng nghĩa với việc đây là giải đấu lớn thứ 2 mà họ vắng mặt sau World Cup 2022 – giải đấu mà đội tuyển này bị FIFA (Liên đoàn bóng đá thế giới) “cấm cửa”.

Ở cấp độ câu lạc bộ, chiến dịch Europa League của Spartak Moscow cũng đã khép lại với việc đội bóng này sớm dừng bước.

Được biết, 53 đội tuyển tham dự EURO 2024 sẽ được chia thành 10 bảng, đấu vòng tròn 2 lượt sân nhà, sân khách. Hai đội dẫn đầu mỗi bảng sẽ giành vé trực tiếp tham dự vòng chung kết. Lễ bốc thăm chia bảng vòng loại EURO 2024 sẽ diễn ra tại Frankfurt vào ngày 9/10. Vòng chung kết giải vô địch châu Âu được tổ chức vào năm 2024, từ ngày 14/6 đến 14/7 tại Đức.

Phan Anh

Quân đội Myanmar dọa bỏ tù những ai thích, chia sẻ nội dung của phe đối lập trên mạng xã hội

Chính quyền quân đội của Myanmar hôm thứ Ba (20/9) đã cảnh báo công chúng không nên thể hiện sự ủng hộ về mặt tinh thần đối với phong trào phản kháng được họ gọi là “khủng bố”, đe dọa phạt tù lên đến 10 năm nếu người dân thích hoặc chia sẻ những nội dung đối lập trên mạng xã hội.

Myanmar đã chìm trong khủng hoảng và bạo lực kể từ khi quân đội nắm chính quyền vào đầu năm ngoái, với các cuộc đụng độ trên nhiều mặt trận giữa các lực lượng quân đội và dân quân liên minh – bao gồm một chính phủ bóng tối và các nhóm ủng hộ dân chủ.

Bộ trưởng Thông tin và người phát ngôn của quân đội Zaw Min Tin cho biết “những kẻ khủng bố” đang tìm kiếm nguồn tiền để giết những người vô tội trong chiến dịch gây bất ổn đất nước của chúng, vì vậy việc hỗ trợ cho chúng sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Ông cho biết sự tán thành trên mạng xã hội đối với Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) hoặc các chi nhánh vũ trang của nó, như Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF), có thể dẫn đến án tù từ 3 đến 10 năm và sẽ còn nặng hơn nữa đối với những người cung cấp hỗ trợ tài chính cho họ, thậm chí chỉ là số nhỏ.

“Nếu các bạn quyên góp tiền hoặc hỗ trợ những kẻ khủng bố và hành vi của chúng, các bạn sẽ phải đối mặt với những hình phạt khắc nghiệt hơn. Chúng tôi đang làm điều này để bảo vệ những thường dân vô tội”, ông nói trong một cuộc họp báo trên truyền hình, trong đó có một bài trình bày chi tiết các hình phạt đối với việc hỗ trợ các nhóm kháng chiến.

Kể từ sau cuộc đảo chính, những người chống đối quân đội đã sử dụng các nền tảng mạng xã hội để cố gắng truyền tải thông điệp của họ rộng rãi hơn. Các nhà báo công dân thường đăng hình ảnh về các cuộc biểu tình và các hành động tàn bạo của quân đội.

Liên Hợp Quốc đã cáo buộc chính quyền quân đội giết người hàng loạt và phạm tội ác chống lại loài người trong cuộc đàn áp đối thủ kể từ cuộc đảo chính năm ngoái. Hàng nghìn người đã bị bắt và nhiều người bị bỏ tù trong các phiên tòa bí mật.

Gần đây, chính quyền quân đội đã hành quyết bốn nhà hoạt động dân chủ, cáo buộc họ tạo điều kiện cho các cuộc tấn công của các nhóm dân quân.

Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc trong một báo cáo tuần trước đã kêu gọi quốc tế cô lập quân đội Myanmar hơn nữa và nói rằng họ đã thất bại trong việc điều hành đất nước một cách có ý nghĩa và bền vững, hoặc giải quyết “một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong lĩnh vực tài chính”.

Trước đó, một báo cáo do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố hôm thứ Ba (13/9) đã mô tả về mức độ lạm dụng và tra tấn của các nhà cầm quyền quân sự Myanmar đối với các tù nhân chính trị. Theo báo cáo, nhiều nhà hoạt động và dân thường phản đối cuộc đảo chính quân sự năm 2021 ở quốc gia Đông Nam Á đã bị bắt nhốt, tra tấn và giết hại. Báo cáo nêu chi tiết về cái chết của sáu nhà hoạt động bị giam giữ từ tháng Năm đến tháng Bảy.

Theo tổ chức nhân quyền Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, ít nhất 2.260 người đã thiệt mạng và hơn 15.000 người bị bắt kể từ cuộc đảo chính.

Quân đội Myanmar được cho là đã sử dụng các biện pháp tra tấn, ngược đãi, bắt giữ và đàn áp, bao gồm cả việc đốt nhà và làng mạc, để ngăn chặn các cuộc biểu tình và các hoạt động chống đảo chính.

Xuân Lan

Thái Lan loại COVID-19 khỏi danh sách các bệnh bị từ chối nhập cảnh

Hôm 20/9 vừa qua, Nội các Thái Lan đã thông qua một quy định cấp bộ, theo đó loại trừ COVID-19 khỏi danh sách các bệnh bị cấm nhập cảnh, theo tờ Bangkok Post.

Phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan, bà Rachada Dhnadirek cho biết quy định này sẽ có hiệu lực ngay sau khi được công bố trên Công báo Hoàng gia và dự kiến sẽ sớm được công bố. Theo bà Rachada, COVID-19 sẽ không còn nằm trong danh sách các bệnh bị cấm khi nhập cảnh hoặc cư trú tại quốc gia này.

Các tình trạng và bệnh trong danh sách bị cấm nhập cảnh Thái Lan bao gồm bệnh phong, bệnh lao ở giai đoạn nguy hiểm, bệnh phù chân voi, nghiện ma túy, nghiện rượu mãn tính và bệnh giang mai giai đoạn 3.

Thông báo của Bộ Y tế Thái Lan cùng ngày cho biết trong 24 giờ qua đã ghi nhận 15 ca tử vong mới do COVID-19 và 774 ca mới nhập viện. Số ca mắc mới trung bình mỗi ngày trong thời gian 14 ngày tính đến ngày 20/9 ở Thái Lan là 958 ca, giảm so với con số 1.665 ca/ngày trong 14 ngày tính đến ngày 7/9.

Ở một diễn biến khác, người phát ngôn Trung tâm Xử lý Tình huống COVID-19 của Thái Lan (CCSA), Thavisin Visanuyothin, cho biết quốc gia Đông Nam Á này sẽ tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu vào tháng 10.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Thavisin Visanuyothin cho hay: “COVID-19 sẽ được tuyên bố là bệnh đặc hữu tại Thái Lan vào tháng 10, và kể từ tháng 11, các biện pháp kiểm soát sự lây lan dịch bệnh sẽ không còn thuộc trách nhiệm của CCSA”.

Quyết định thay đổi tình trạng đại dịch COVID-19 của Thái Lan được ra nhờ những diễn biến tích cực, số ca mắc bệnh nặng tại nước này giảm đáng kể.

Phan Anh

Hoa Kỳ đưa các công ty Trung Quốc, gồm China Unicom vào danh sách đen

Công ty viễn thông China Unicom Americas (Ảnh: Shutterstocks)

Hôm thứ Ba (20/9), Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) cho biết đã liệt công ty viễn thông Trung Quốc Pacific Network Corp, và công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của công ty này là ComNet và China Unicom (Americas) vào danh sách đen các thiết bị và dịch vụ liên lạc, gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Động thái này của FCC là thực thi luật bảo vệ các mạng truyền thông của Hoa Kỳ đã được thông qua năm 2019. Tháng 3/2021, FCC đã đưa 5 công ty Trung Quốc vào danh sách đen gồm Huawei, ZTE, Hytera Communications, Hangzhou Hikvision và Zhejiang Dahua Technology (Đại Hoa Chiết Giang), vì các mối đe dọa an ninh quốc gia.

Gần đây Reuters cũng đã báo cáo về những rủi ro bảo mật khi cài đặt thiết bị của Huawei. Bài báo nói rằng các tháp điện thoại di động của Hoa Kỳ với thiết bị của Huawei có thể có được thông tin nhạy cảm từ các căn cứ quân sự và hầm chứa tên lửa. Sau đó Huawei có thể chuyển chúng cho Trung Quốc.

CNN cũng dẫn lời ông Eduardo Rojas, người đứng đầu Phòng thí nghiệm phổ tần vô tuyến tại Đại học Hàng không Embry-Riddle ở bang Florida, cho biết: “Về mặt kỹ thuật, không khó để tạo ra một thiết bị tuân thủ điều kiện của FCC mà có thể nghe lén trong các băng tần phi công cộng, và sau đó im lặng chờ đợi khởi động bộ kích hoạt để nghe lén các băng tần khác.”

Giám đốc điều hành của Viaero, ông Frank DiRico, nói với CNN, ông không bao giờ nghĩ rằng các camera có thể cấu thành nguy cơ an ninh quốc gia.

Năm 2020, Quốc hội đã phê duyệt 1,9 tỷ USD, nhằm loại bỏ công nghệ tháp điện thoại di động của Huawei và ZTE tại các vùng nông thôn rộng lớn của Hoa Kỳ. Hiện tại, một số công ty viễn thông nông thôn vẫn đang chờ tiền bồi thường của liên bang để tháo dỡ những thiết bị này.

Trong một tuyên bố hôm thứ Ba (20/9), FCC tuyên bố, họ cùng với Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã đưa Công ty Pacific Online / ComNet và China Unicom (Americas) vào danh sách đen.

Chủ tịch FCC, bà Jessica Rosenworcel, cho biết bước quan trọng này được thực hiện hôm nay là để bảo vệ các mạng lưới truyền thông của Hoa Kỳ khỏi các mối đe dọa an ninh quốc gia từ nước ngoài.

Bà nói đầu năm nay, FCC đã thu hồi giấy phép cung cấp dịch vụ tại Hoa Kỳ của Pacific Online / ComNet và China Unicom (Americas), vì họ gây ra rủi ro an ninh quốc gia đối với thông tin liên lạc của Hoa Kỳ.

“Hiện tại, chúng tôi đang hợp tác với các cơ quan an ninh quốc gia, thực hiện thêm hành động đóng cửa các công ty (hoạt động ở Hoa Kỳ) trên, bằng cách đưa họ vào danh sách của FCC. Hành động này thể hiện cam kết của toàn bộ Chính phủ chúng tôi, trong việc bảo vệ an ninh mạng, và những nỗ lực về quyền riêng tư,” bà nói.

Bà cho biết, hành động hôm nay đã thực hiện khuyến nghị do Cục Quản lý Thông tin và Truyền thông Quốc gia Hoa Kỳ (NTIA), thay mặt cho ngành hành pháp đưa ra. Những bức thư mà họ cung cấp, giải thích cách Pacific Online / ComNet và China Unicom (Americas) bị Chính phủ Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ) lợi dụng, tác động và kiểm soát như thế nào, cũng như các rủi ro an ninh quốc gia phát sinh từ việc đó.

Gần đây, Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cùng xác nhận, rằng cơ quan hành pháp Hoa Kỳ tin là các công ty Trung Quốc nói trên đã vi phạm luật pháp Hoa Kỳ, theo Mục 2 của “Đạo luật Mạng Truyền thông Tin cậy và An toàn năm 2019” về “những rủi ro không thể chấp nhận được, đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, hoặc sự an toàn và an ninh của người Mỹ”. Do đó, cần phải thêm các nhà cung cấp dịch vụ này vào danh sách đen.

Tuyên bố của FCC cho biết, hành động hôm nay là một phần trong nỗ lực không ngừng, nhằm bảo vệ và củng cố tính toàn vẹn của các mạng truyền thông quan trọng của Hoa Kỳ.

“Đạo luật Mạng Truyền thông Tin cậy và An toàn” yêu cầu FCC công bố và phát triển danh sách đen về các thiết bị và dịch vụ liên lạc, liệt kê các nhà cung cấp dịch vụ gây rủi ro không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia hoặc sự an toàn và an ninh của người Mỹ.

FCC đã công bố danh sách được mới nhất vào tháng 3/2021 và sẽ tiếp tục cập nhật.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Mỹ vào tháng Tư năm nay, Giám đốc FBI – ông Christopher Wray, nhấn mạnh rằng quy mô hiện tại của các mối đe dọa gián điệp và an ninh mạng từ Trung Quốc là “chưa từng có”.

“Từ góc độ phản gián, mối đe dọa lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt với tư cách là một quốc gia lại đến từ Trung Quốc, đặc biệt là ĐCSTQ”, ông Wray nói.

Ông cho biết, hiện cứ khoảng 12 giờ, FBI lại mở một cuộc điều tra phản gián mới liên quan đến Trung Quốc. Có hơn 2.000 cuộc điều tra trong số này, đó là chưa tính đến hành vi trộm cắp trên mạng Internet.

Bình Minh

Related posts