Tin thế giới tối thứ Tư: TT Putin điều lính dù Nga từ Syria sang Ukraine để bổ sung quân cho cuộc chiến

TT Putin điều lính dù Nga từ Syria sang Ukraine để bổ sung quân cho cuộc chiến

Hôm thứ Ba (20/9), các quan chức Kyiv cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang rút lính dù Nga khỏi Syria để bổ sung quân cho cuộc chiến tại Ukraine.

Tổng thống Putin đã phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, với hy vọng quân đội áp đảo của ông sẽ nhanh chóng giành chiến thắng. Tuy nhiên, Ukraine đáp trả bằng sự phòng thủ kiên cường và mạnh hơn dự đoán, khiến Moscow không giành được bất kỳ chiến thắng quan trọng nào sau bảy tháng giao tranh. Hơn nữa, trên thực tế, hiện giờ quân đội Ukraine bắt đầu thực hiện các cuộc phản công để giành lại các khu vực quan trọng bị Nga chiếm đóng trước đó.

Moscow đã phải đối mặt với nhiều vấn đề xung quanh quân đội của họ trong suốt cuộc xung đột. Đã xuất hiện một số báo cáo cho thấy, nhiều binh sĩ Nga thiếu tinh thần chiến đấu trong khi các sĩ quan thiếu khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, trái ngược với tinh thần chiến đấu kiên cường của lực lượng phòng thủ Ukraine.

Các thách thức này buộc Nga phải chuyển sang những cách thức sáng tạo mới để tuyển mộ thêm binh lính và giữ chân binh sĩ tiếp tục chiến đấu tại Ukraine.

Ngày 20/9, Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng Vũ trang Ukraine cho hay, trước tình trạng thiếu hụt nhân lực trong cuộc chiến tại Ukraine, Nga hiện đang điều một trung đoàn lính dù quan trọng từ Syria sang Ukraine.

Trong bản cập nhật hoạt động hàng ngày, Bộ Tổng tham mưu Ukraine nhận định: “Do việc thực hiện các biện pháp huy động giấu diếm không thành công, giới lãnh đạo chính trị – quân sự của Liên bang Nga quyết định rút các đơn vị của Trung đoàn Nhảy dù 217 khỏi lãnh thổ của Cộng hòa Ả Rập Syria mà chưa có sự chuẩn bị để chuyển sang Ukraine.”

Trung đoàn Nhảy dù 217 của Nga, được thành lập vào những năm 1940 bao gồm những binh sĩ giàu kinh nghiệm, trước đó được điều đến Belarus vào tháng 1/2022, một tháng trước khi Tổng thống Putin ra lệnh tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Nga đã tham gia hỗ trợ quân sự cho Syria trong cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này bởi vì Tổng thống Syria Bashar al-Assad là một trong những đồng minh quan trọng của ông Putin. Ngay cả khi nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác đã lên án “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine, Tổng thống Assad vẫn là một trong những người ủng hộ nhà lãnh đạo Nga. Cuộc nội chiến ở Syria vẫn đang tiếp diễn sau hơn một thập kỷ giao tranh.

Tin tức của Ukraine về trung đoàn lính dù Nga được đưa ra vào thời điểm then chốt của cuộc xung đột Nga – Ukraine, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo do Điện Kremlin lập nên ở các vùng lãnh thổ Ukraine bị Nga chiếm đóng như Donetsk và Luhansk chuẩn bị tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về việc sáp nhập các khu vực này vào Nga. Điều này có khả năng chuẩn bị cho cuộc huy động lớn hơn của Moscow nhằm tăng cường quân số của Nga ở Ukraine.

Theo hãng tin AP, tuần trước, Syria là một trong bảy quốc gia đã bỏ phiếu phản đối việc cho phép Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trực tuyến trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Trong nỗ lực để giải quyết tình trạng thiếu quân, hồi tháng 8, Tổng thống Putin ra lệnh cho quân đội Nga bổ sung thêm 137.000 binh sĩ mới. Tuy nhiên, sắc lệnh của tổng thống Nga sẽ phần lớn dựa vào các tình nguyện viên và sẽ chưa có hiệu lực cho đến ngày 1/1/2023. Theo thông tin của Ukraine, Nga cũng tuyển mộ các binh lính bị bệnh và bị thương từ các bệnh viện để thay thế các tổn thất nhân sự ở Ukraine.

Ukraine cũng cho biết, Nga phải chịu nhiều tổn thất về nhân sự trong cuộc xung đột. Theo ước tính của Bộ quốc phòng Ukraine, khoảng 54.810 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Tuy nhiên, ước tính của các tổ chức khác đưa ra con số thấp hơn và Nga không hề đưa ra thông tin cập nhật kể từ tháng 3, khi đó Moscow cho biết, 1.351 binh sĩ của họ thiệt mạng trong cuộc chiến.

Gia Huy (Theo Newsweek)

Tổng thống Biden: Hoa Kỳ đang hợp tác với Mexico để ‘ngăn chặn dòng người’ nhập cư bất hợp pháp

Tổng thống Joe Biden nói tại Hoa Thịnh Đốn hôm 20/09/2022. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images) Hoa Kỳ

Hôm thứ ba (20/09), Tổng thống (TT) Biden cho biết rằng Hoa Kỳ đang làm việc với các quan chức Mexico để ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp.

“Chúng tôi đang làm việc với Mexico và các quốc gia khác để ngăn chặn dòng người này,” ông Biden nói sau một bài phát biểu không liên quan ở Hoa Thịnh Đốn.

Ông đã phản hồi một câu hỏi về sự gia tăng lượng người vượt biên bất hợp pháp trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

Hơn hai triệu vụ bắt giữ đã được thực hiện tại biên giới Hoa Kỳ-Mexico trong năm tài chính 2022, con số cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Chính phủ của ông Biden đã lập kỷ lục về số vụ bắt giữ nhiều nhất trong một năm tài chính và một năm dương lịch.

Các quan chức chính phủ rất muốn chỉ ra sự gia tăng số lượng người nhập cư từ Venezuela, Nicaragua, và Cuba vượt biên giới, nhưng ông Biden đề cập tới vấn đề này.

“Có ít người nhập cư đến từ Trung Mỹ và Mexico. Đây là một tình huống hoàn toàn khác. Những gì tôi nhìn thấy hiện giờ là người đến từ Venezuela, Cuba, và Nicaragua. Và khả năng đưa họ trở lại những quốc gia đó là không hợp lý,” ông nói, trước khi cho biết chính phủ của ông đang làm việc với Mexico. “Nhưng đó là sự khác biệt.”

Theo thống kê của Cục Hải quan và Biên phòng (CBP), trong số 157,291 người nhập cư bất hợp pháp “đặc biệt” bị bắt giữ trong tháng Tám, 35% đến từ Veneuzela, Cuba, hoặc Nicaragua. Đó là mức tăng 175% so với tháng 08/2021.

Những người nhập cư bất hợp pháp đặc biệt là những người không bị bắt giữ tại biên giới trong 12 tháng qua.

Theo số liệu thống kê, nhiều người nhập cư từ Mexico và miền bắc Trung Mỹ bị bắt, lần lượt là 56,979% đến 55,333%. Nhóm đó chiếm 36% số lần bắt gặp đặc biệt, nhưng con số này đã giảm 43% so với tháng 08/2021.

“Các chế độ cộng sản thất bại ở Venezuela, Nicaragua, và Cuba đang thúc đẩy một làn sóng di cư mới qua Tây Bán cầu, bao gồm cả sự gia tăng các cuộc bắt gặp gần đây ở biên giới Tây Nam Hoa Kỳ,” ông Chris Magnus, ủy viên của CBP, cho biết trong một tuyên bố.

Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên ở Hoa Thịnh Đốn rằng các quan chức chính phủ đang “làm những gì có thể để làm việc với các đối tác trong khu vực nhằm giải quyết thách thức mới này và giải quyết cho các cá nhân theo cách an toàn, trật tự và nhân đạo.”

Ông Mark Krikorian, giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Nhập cư, cho biết chính phủ ông Biden không áp dụng thẩm quyền của Đề mục 42, cho phép trục xuất nhanh chóng những người nhập cư bất hợp pháp, đối với người bản địa Venezuela, Nicaragua và Cuba. CBP từ chối trả lời các câu hỏi về các khoản miễn trừ mà ông Biden đã ám chỉ tới.

Tại Thượng viện, Phó Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện John Thune (Cộng Hòa-South Dakota) nói rằng sự gia tăng mạnh mẽ lượng người nhập cư bất hợp pháp đã “dẫn đến cảnh gần như hỗn loạn ở biên giới phía nam” và kêu gọi chính phủ ông Biden dừng những gì mà vị thượng nghị sĩ này mô tả là “các chính sách biên giới mở trên thực tế.”

Ông Thune lưu ý rằng một người nhập cư nói với một hãng thông tấn rằng “chúng tôi đến tự do, không gặp khó khăn nào cả.”

Ông Thune nói: “Đó là thông điệp mà các chính sách nhập cư của TT Biden đã truyền tải, và ông ấy càng kéo dài các chính sách biên giới mở trên thực tế của mình, thì càng nhiều cá nhân hơn nữa sẽ được khuyến khích thực hiện hành trình nguy hiểm qua biên giới phía nam của chúng ta.”

Zachary Stieber

Các TNS Mỹ muốn ban hành lệnh trừng phạt thứ cấp với dầu mỏ của Nga

Các TNS Mỹ muốn ban hành lệnh trừng phạt thứ cấp với dầu mỏ của Nga (Ảnh: elladoro/ Shutterstock)

Ngày 20/9, các thượng nghị sĩ lưỡng đảng đề xuất chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các ngân hàng quốc tế nhằm tăng cường giới hạn giá mà các nước G7 đang lên kế hoạch áp đặt với dầu của Nga.

Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Chris Van Hollen và Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Pat Toomey đã công bố khuôn khổ pháp lý để áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp, nhằm vào các tổ chức tài chính liên quan đến tài trợ thương mại, bảo hiểm, tái bảo hiểm và môi giới dầu, cùng các sản phẩm xăng dầu của Nga được bán với giá vượt mức giới hạn trần.

Cả hai thượng nghị sĩ đều là thành viên của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, cơ quan giám sát chính sách trừng phạt của Mỹ.

Hai nhà lập pháp cho hay, khả năng nhắm mục tiêu vào các ngân hàng sẽ khiến Nga khó trốn tránh việc bị áp giá trần thông qua các giao dịch với các quốc gia không chính thức tham gia kế hoạch áp mức giới hạn giá dầu của Nhóm G7.

“Nếu muốn áp trần giá dầu trên toàn thế giới đối với dầu của Nga, chúng ta cần đảm bảo rằng nó được áp dụng một cách thống nhất. Để làm được điều đó, chúng tôi tin rằng cần có sự hỗ trợ của các biện pháp trừng phạt thứ cấp,” Thượng nghị sĩ Van Hollen lưu ý trong một cuộc gọi với các phóng viên sau phiên điều trần của Ủy ban ngân hàng về lệnh trừng phạt Nga.

“Tôi cho rằng tổng thống cần có thẩm quyền mới từ Quốc hội để thực thi việc áp dụng giới hạn giá đối với bất kỳ ai mua dầu từ Nga với giá cao hơn mức giới hạn đã ấn định hoặc với khối lượng tăng đáng kể,” Thượng nghị sĩ Cộng hòa Toomey cũng nhận định.

Về cơ bản, chính quyền Biden khá miễn cưỡng khi áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp, lo ngại rằng chúng có thể làm phức tạp mối quan hệ với các nhà nhập khẩu dầu của Nga như Trung Quốc và Ấn Độ.

Bà Elizabeth Rosenberg, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính về Tài trợ Khủng bố và Tội phạm Tài chính, phát biểu tại phiên điều trần rằng, giới hạn giá là một công cụ mạnh mẽ để tác động đến Nga và ổn định giá năng lượng.

Bà Rosenberg nhấn mạnh: “Giới hạn giá mà chúng tôi tin rằng sẽ có tác động mạnh mẽ trong một số phương diện, chắc chắn trường hợp đầu tiên chính là cắt giảm nguồn thu của Nga để tài trợ cho cuộc chiến của mình. Và thứ hai là, qua việc duy trì giá dầu của Nga ở mức thấp trên thị trường, nó sẽ làm giảm khả năng tăng giá đột biến trên toàn cầu.”

Trong tháng này, nhóm G7 đã công bố kế hoạch giới hạn giá dầu Nga để hạn chế doanh thu xuất khẩu của Moscow sau cuộc xâm lược Ukraine. Một số quốc gia đã cấm nhập khẩu dầu thô và nhiên liệu của Nga, nhưng Moscow vẫn cố duy trì nguồn thu của mình thông qua việc tăng cường bán dầu thô sang châu Á.

Minh Ngọc (Theo Reuters)

Related posts