Chuyên gia: Nước Mỹ thiếu hiểu biết về mối đe dọa của tình báo Trung Quốc

Huyền Anh

Chuyên gia: Nước Mỹ thiếu hiểu biết về mối đe dọa của tình báo Trung Quốc
Chuyên gia về Trung Quốc Clyde Prestowitz, tác giả cuốn sách “The World Turned Upside Down”, tại Washington, DC, hôm 08/9/2021. (Ảnh: CPI Studios/The Epoch Times)

Theo nhà kinh tế, chuyên gia về Trung Quốc và tác giả cuốn sách “The World Turned Upside Down” Clyde Prestowitz, nước Mỹ rất ‘ít để ý’ đến mối đe dọa ngày càng tăng của tình báo Trung Quốc. Điều này đã thúc đẩy Bắc Kinh tăng cường sức ảnh hưởng ở thị trường Mỹ, nếu không muốn nói là thâu tóm một số công ty công nghệ hàng đầu thế giới, trong đó có Apple.

“Một trong những điều khiến tôi khó chịu trong mối quan hệ Mỹ – Trung là sự thiếu hiểu biết của Mỹ về… giới hạn mà Trung Quốc có thể tiến tới nhằm thu thập thông tin tình báo”, ông Prestowitz nói với chương trình “American Thought Leaders” của EpochTV  vào ngày 20/9.

Ông cũng đề cập đến một báo cáo gần đây về việc một thực thể Trung Quốc mua đất nông nghiệp gần căn cứ Không quân Mỹ ở Bắc Dakota.

“Người Trung Quốc đã mua đất gần các căn cứ của Mỹ. Đất đó không được mua để trồng lúa mì. Họ dùng để theo dõi các căn cứ quân sự”, ông lưu ý.

Trong khi đó, Trung Quốc đã đổ nguồn lực khổng lồ vào các nỗ lực tình báo, theo ông Prestowitz, người từng là cố vấn cho Bộ trưởng Thương mại trong chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và hiện là người đứng đầu Viện Chiến lược Kinh tế Mỹ (Economic Strategy Institute).

“Có một con số được đưa ra vào tuần trước, chỉ ra rằng Trung Quốc chi nhiều tiền cho an ninh nội địa hơn là chi cho quân đội, hải quân và an ninh quân sự. Tất cả những nỗ lực kể trên được thực hiện đối với an ninh trong nước nhằm mục đích thu thập thông tin tình báo”, ông nói.

“Trung Quốc đã thu thập hàng triệu, có thể nói là hàng tỷ loại thông tin mật. Vì vậy, họ biết rõ tên của quý vị, thậm chí họ có cả số an sinh xã hội của quý vị”, ông nói.

Các công ty Mỹ phụ thuộc vào Bắc Kinh

Trong cuốn sách của mình có tựa đề “The World Turned Upside Down: America, China, and the Struggle for Global Leadership” (Thế giới đảo ngược: Mỹ, Trung và cuộc chiến tranh giành quyền bá chủ toàn cầu), ông Prestowitz đã chỉ ra một thách thức to lớn khác mà Trung Quốc đang đặt ra: buộc các công ty Mỹ phải phụ thuộc vào Bắc Kinh. Ông lấy Tập đoàn công nghệ Apple làm ví dụ.

Vào cuối những năm 1990, Apple đã chuyển cơ sở sản xuất của mình từ California sang Trung Quốc để tận dụng nguồn lao động giá rẻ, ông Prestowitz cho biết. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì Trung Quốc “cung cấp đất miễn phí, miễn thuế trong vòng 25 năm, đi kèm với các tiện ích với giá chỉ bằng một nửa”.

Ông nói, kết quả là “Trung Quốc có thể buộc Apple phải làm bất cứ điều gì họ muốn. Và vì vậy, theo một cách nào đó, Apple đã bị Trung Quốc thâu tóm về mặt chính trị”.

Điều này đã hạn chế quyền lực của chính phủ Mỹ đối với Apple.

“Khi Apple ra điều trần trước Quốc hội hoặc vận động hành lang các tổ chức của chính phủ Mỹ, Apple tự thể hiện mình là một công ty của Mỹ, nhưng các quan chức cần phải lưu ý rằng theo một phương diện nào đó, Apple tỏ ra ‘dịu dàng’ với Bắc Kinh hơn là với Washington”.

Ông cũng chỉ ra rằng không chỉ Apple, mà General Electric, General Motors, Boeing cũng như nhiều công ty lớn khác phụ thuộc không nhỏ vào Trung Quốc và “tất cả đều phải chịu sự cưỡng ép của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”.

“Lockheed Martin F-35 có một linh kiện được sản xuất tại Trung Quốc. Trên cơ sở đó, quý vị có thể hiểu được mức độ thâm nhập của các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc (vào thị trường Mỹ)”, ông Prestowitz nói.

“California và nhiều bang khác đang thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển các tấm pin mặt trời. Tất cả các tấm pin mặt trời được làm ở đâu? Chúng được sản xuất tại Trung Quốc”, ông nói thêm.

Thúc đẩy sản xuất tại Hoa Kỳ, hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc

Để chống lại mối đe dọa từ ĐCSTQ, ông Prestowitz đề xuất một chính sách công nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất ở Hoa Kỳ, đồng thời hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ông cho biết, Đạo luật Khoa học và CHIPS vừa được chính phủ Mỹ thông qua, sẽ phân bổ 280 tỷ USD trợ cấp, giảm thuế và tài trợ nghiên cứu để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Ông cho hay, dự luật “sẽ rất nhanh chóng dẫn đến việc tăng ít nhất gấp đôi — có thể là hơn gấp đôi — sản lượng chất bán dẫn ở Hoa Kỳ.

Ông Prestowitz cho biết, cần áp dụng cách tiếp cận tương tự đối với các công nghệ khác như viễn thông tại Mỹ.

“Vốn đầu tư mạo hiểm (venture capital) của Mỹ đã tỏ ra rất tích cực ở thị trường Trung Quốc. Nếu người Trung Quốc đang cố gắng tuyên truyền các ngành công nghệ cụ thể, họ sẽ hoan nghênh và cố gắng lôi kéo các nhà đầu tư mạo hiểm của Mỹ đầu tư vào các công nghệ đó ở thị trường Trung Quốc”.

Ông nhấn mạnh: “Điều đó không hề tốt cho nước Mỹ. Chúng ta cần các khoản đầu tư công nghệ đó đổ vào thị trường Hoa Kỳ”.

Huyền Anh

Related posts