Ukraine bác bỏ việc Nga chiếm quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Tư (5/10) đã ra lệnh cho chính phủ của ông nắm quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia của Ukraine, trong bối cảnh cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng nguồn điện cung cấp cho khu vực này là “cực kỳ mong manh”.
Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan năng lượng nhà nước Ukraine tuyên bố sẽ tiếp quản nhà máy này. Zaporizhzhia hiện đang trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế về nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân sau các cuộc pháo kích vào khu vực mà cả Moscow và Kyiv đều đổ lỗi cho nhau.
Quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (ZNPP) này không lâu sau khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Các cuộc giao tranh giữa 2 bên tại khu vực gần nhà máy hồi tháng 3 đã dẫn đến một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại khu vực đào tạo của nhà máy này. Nga vẫn cho phép các nhân viên Ukraine tiếp tục làm việc để giữ cho nhà máy hoạt động và cung cấp điện cho các vùng do chính phủ Ukraine kiểm soát.
Nhà máy này nằm ở khu vực miền nam Ukraine còn được gọi là Zaporizhzhia, một trong bốn khu vực mà Tổng thống Vladimir Putin chính thức sáp nhập vào Nga hôm thứ Tư, một động thái bị Kyiv lên án là chiếm lãnh thổ bất hợp pháp.
Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Vershinin cho biết: “Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hiện nằm trên lãnh thổ Liên bang Nga và theo đó, cần được vận hành dưới sự giám sát của các cơ quan liên quan của chúng tôi”.
Ông Putin sau đó đã ký một sắc lệnh chỉ định nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là “tài sản liên bang”.
Nhà điều hành năng lượng hạt nhân của Nga Rosenergoatom cho biết trong một tuyên bố sẽ tiến hành đánh giá các phương án sửa chữa thiệt hại và chuyển tất cả nhân viên Ukraine hiện có sang một tổ chức mới do Nga làm chủ.
“Tổ chức vận hành mới được thiết kế để đảm bảo sự vận hành an toàn của nhà máy điện hạt nhân và các hoạt động chuyên môn của nhân viên nhà máy hiện có”, theo Rosenergoatom.
Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, cho biết nỗ lực tấn công bất hợp pháp của ông Putin yêu cầu một phản ứng tức thì. Viết trên Twitter, ông kêu gọi các biện pháp trừng phạt đối với nhà cung cấp năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước Rosatom.
Ông Mykhailo Podolyak cũng yêu cầu ngừng mọi hoạt động xây dựng cơ sở hạt nhân với Rosatom và từ chối mọi quan hệ đối tác hạt nhân với Nga.
Ukraine khẳng định quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân
Người đứng đầu công ty năng lượng hạt nhân của Ukraine cho biết ông đang phụ trách nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, đồng thời ông kêu gọi các công nhân ở đó không ký bất kỳ tài liệu nào với những người chiếm đóng Nga.
“Tất cả các quyết định tiếp theo liên quan đến hoạt động của nhà máy điện hạt nhân sẽ được thực hiện trực tiếp tại văn phòng trung tâm của Energoatom”, ông Petro Kotin cho biết trong một video.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc theo luật pháp Ukraine, trong hệ thống năng lượng Ukraine, trong Energoatom”, ông Kotin nói.
Những bình luận của ông diễn ra sau cuộc giam giữ ngắn ngủi của lực lượng Nga vào cuối tuần trước đối với giám đốc người Ukraine của ZNPP Ihor Murashev. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) sau đó cho biết ông Murashev đã được trả tự do nhưng sẽ không quay lại công việc cũ.
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi hiện đang ở Ukraine để tham vấn thêm về việc “đồng ý và triển khai khu vực bảo vệ an ninh và an toàn hạt nhân xung quanh ZNPP càng sớm càng tốt”, cơ quan Liên Hợp Quốc cho biết.
Hôm 5/10, ông Grossi cũng lặp lại mối quan tâm của mình về việc cung cấp điện cho nhà máy.
Ông nói tại Diễn đàn Tình báo Năng lượng diễn ra ở London (Anh) qua điện thoại: “Tình hình liên quan đến nguồn điện bên ngoài nhà máy là cực kỳ bấp bênh. Hiện tại, chúng ta có nguồn điện bên ngoài nhưng nó rất mong manh”
Ông Grossi cũng sẽ đến thăm Moscow trong tuần này, và hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga cho biết ông cũng có thể đến thăm ZNPP sau khi đến đó vào tháng trước cùng một nhóm điều tra độc lập để kiểm tra thiệt hại do pháo kích ở khu vực lân cận.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng đối với cả Nga và Ukraine. Hai bên đã nỗ lực tranh giành quyền kiểm soát địa điểm này kể từ khu xung đột nổ ra. Nó được xây dựng từ thời Liên Xô, nằm ở bờ Nam sông Dnipro, gần thị trấn Enerhodar thuộc vùng Zaporizhzhia. Đây là một trong 10 nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới.
Trước cuộc xâm lược của Nga, nhà máy này đã sản xuất điện năng đạt từ 40 tỷ đến 42 tỷ kWh, chiếm 1/5 sản lượng điện trung bình hàng năm ở Ukraine và gần 47% sản lượng điện do các nhà máy điện hạt nhân tại nước này tạo ra.
Nhà máy điện này có 6 lò phản ứng hạt nhân (trong đó có ít nhất 2 lò phản ứng đang hoạt động) và một cơ sở lưu trữ nhiên liệu đã qua sử dụng. Mỗi lò tạo ra 950MW với tổng sản lượng là 5.700MW, đủ để cung cấp điện năng cho 4 triệu ngôi nhà.
Nga đã có các động thái sáp nhập Zaporizhzhia và ba khu vực khác sau khi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý – các cuộc bỏ phiếu bị chính phủ Kyiv và phương Tây tố cáo là bất hợp pháp và mang tính cưỡng chế. Moscow không hoàn toàn kiểm soát bất kỳ khu vực nào trong bốn khu vực này.
Thanh Hải
Mỹ cáo buộc Trung Quốc và Nga ‘tạo điều kiện’ cho Triều Tiên
Mỹ cáo buộc Trung Quốc và Nga hôm thứ Tư (5/10) đã tạo điều kiện cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bằng cách bảo vệ Bình Nhưỡng khỏi các nỗ lực áp đặt các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đối với các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc, Linda Thomas-Greenfield, cho biết, “Triều Tiên đã được hưởng sự bảo vệ toàn diện từ hai thành viên của hội đồng này. Nói tóm lại, hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an đã tạo điều kiện cho Kim Jong Un”.
Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc gồm 15 thành viên đã nhóm họp hôm thứ Tư (5/10) về vấn đề Triều Tiên sau khi nước này phóng một tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản hôm 4/10, lần đầu tiên sau 5 năm. Động thái này khiến giới chức Nhật Bản phát đi cảnh báo cho người dân tìm nơi trú ẩn, theo tờ Reuters.
Trung Quốc và Nga không muốn có một cuộc họp hội đồng công khai về vấn đề Triều Tiên vì cho rằng nỗ lực đó sẽ gây bất lợi cho việc xoa dịu tình hình.
Sau cuộc họp hôm thứ Tư, 9 thành viên Hội đồng Bảo an – Mỹ, Anh, Pháp, Albania, Brazil, Ấn Độ, Ireland, Na Uy và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – đã lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trong một tuyên bố chung.
Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp quốc, Geng Shuang, nói rằng Hội đồng Bảo an cần đóng một vai trò mang tính xây dựng “thay vì chỉ dựa vào những lời hùng biện hoặc tăng cường gây sức ép”.
Ông nói: “Các cuộc thảo luận và cân nhắc nên góp phần vào giảm căng thẳng, hơn là thúc đẩy leo thang”.
Vào tháng 5, Trung Quốc và Nga đã phủ quyết nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp quốc đối với Triều Tiên về các vụ phóng tên lửa đạn đạo mới, đánh dấu đầu tiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc công khai sự bất đồng kể từ khi họ bắt đầu trừng phạt Bình Nhưỡng vào năm 2006.
Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp quốc, Anna Evstigneeva, nói với Hội đồng Bảo an rằng “việc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên là một ngõ cụt” và “không mang lại kết quả”.
Bà nói: “Chúng tôi tin rằng các cơ chế của Liên Hợp quốc và Hội đồng Bảo an cần được sử dụng để hỗ trợ đối thoại liên Triều và các cuộc đàm phán đa phương hơn là trở thành một trở ngại đối với nỗ lực này”.
Trong nhiều năm, Triều Tiên đã bị Hội đồng Bảo an cấm tiến hành các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo.
Trong những năm gần đây, các cường quốc có quyền phủ quyết Trung Quốc và Nga đã đề nghị nới lỏng các lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc đối với Triều Tiên vì mục đích nhân đạo, đồng thời nhằm lôi kéo Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán quốc tế đang bị đình trệ để thuyết phục ông Kim giải trừ vũ khí hạt nhân.
“Đây là một nỗ lực rõ ràng của Trung Quốc và Nga nhằm thưởng cho Triều Tiên vì những hành động xấu xa của họ và không thể bị hội đồng này xem xét một cách nghiêm túc”, bà Thomas-Greenfield tuyên bố.
Trung Quốc và Nga đổ lỗi cho các cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ và Hàn Quốc vì đã khiêu khích Triều Tiên. Bà Thomas-Greenfield bác bỏ các nhận xét, nói rằng không có sự tương đồng giữa hai hoạt động này.
Lam Giang
Triều Tiên phóng thêm 2 tên lửa đạn đạo sau khi Mỹ tái điều động tàu sân bay
Triều Tiên hôm thứ Năm (6/10) tiếp tục phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào Biển Nhật Bản một ngày sau khi Hoa Kỳ điều một tàu sân bay đến vùng biển trong khu vực để đáp trả việc Bình Nhưỡng phóng một tên lửa vào Nhật Bản hôm thứ Ba (4/10).
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) và văn phòng Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida xác nhận vụ phóng tên lửa vào sáng ngày 6/10 theo giờ địa phương từ gần thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên.
Tờ Reuters dẫn lời Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, họ đã phát hiện ra các vụ phóng diễn ra lần lượt lúc 6h01 và 6h23 sáng nay (giờ Hàn Quốc) tại khu vực Samsok ở gần thủ đô Bình Nhưỡng. Hai vụ phóng cách nhau 22 phút.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói với các phóng viên trong cuộc họp báo: “Đây là lần thứ sáu trong thời gian ngắn chỉ tính từ cuối tháng 9. Điều này tuyệt đối không thể chấp nhận được”.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada thông báo, tên lửa đầu tiên đạt độ cao 100km và bay xa 350km, trong khi tên lửa thứ hai bay cao 50km, đạt tầm xa 800km và nhiều khả năng “sử dụng quỹ đạo bất thường” trong hành trình.
Đáp lại, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đang tăng cường vị thế giám sát và duy trì sự sẵn sàng trước sự hung hăng của Bình Nhưỡng.
Tàu USS Ronald Reagan và nhóm tác chiến đã đột ngột được tái triển khai sau khi quân đội Hàn Quốc và Mỹ tiến hành các cuộc tập trận tên lửa hiếm hoi ở phía Đông Triều Tiên.
Quân đội Hàn Quốc cho biết sự trở lại của nhóm tấn công tàu sân bay Mỹ thể hiện “ý chí kiên định” của các đồng minh của nước này trong việc chống lại các hành động khiêu khích và đe dọa của chế độ hiếu chiến.
Triều Tiên coi các cuộc tập trận gần bán đảo của Hàn Quốc và các đồng minh là một cuộc diễn tập xâm lược. Bộ Ngoại giao Triều Tiên chỉ trích việc Mỹ tái điều động tàu sân bay đến khu vực, cho rằng hành động này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định của bán đảo, theo Reuters.
Trước đó, Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung qua Nhật Bản và ra Thái Bình Dương buộc công dân Nhật Bản phải tìm nơi trú ẩn. Các chuyên gia nghi ngờ đó là tên lửa Hwasong-12 có khả năng vươn tới lãnh thổ Guam ở Thái Bình Dương của Mỹ và thậm chí còn xa hơn nữa. Đây là vụ thử vũ khí đầu tiên trong vòng 5 năm.
Liên quân Mỹ, Hàn đáp trả
Mỹ và Hàn Quốc cho đến nay đã đáp trả các hành động khiêu khích của Triều Tiên bằng các cuộc tập trận bắn đạn thật, bao gồm phóng tên lửa đạn đạo xuống biển và thả bom dẫn đường chính xác từ máy bay chiến đấu.
Một trong những vụ phóng tên lửa Hyumoo-2 của Hàn Quốc đã gặp trục trặc khi cất cánh và đâm vào một căn cứ không quân hôm thứ Tư (5/10) nhưng không có báo cáo thương vong.
Cộng đồng quốc tế đã lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Albania, Na Uy và Ireland đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Triều Tiên đã thực hiện một số vụ thử tên lửa kỷ lục trong năm nay trong bối cảnh quan hệ ngoại giao với Mỹ bị đình trệ từ lâu.
Các nhà lập pháp Hàn Quốc tin rằng Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân khác vào giữa tháng 10 trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào tháng 11 và trước thềm đại hội Đảng của Trung Quốc lần thứ 20, dự kiến diễn ra vào ngày 16/10.
Theo giới quan sát, Triều Tiên đặt mục tiêu mở rộng kho vũ khí hạt nhân để tăng cường đòn bẩy trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Mỹ.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tin rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là con rối của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), mà theo đó, Trung Quốc coi Bình Nhưỡng như “một quốc gia vùng đệm quan trọng”, khiến Washington phải tốn sức bảo vệ Đông Á trước các hệ thống vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói với các phóng viên rằng đất nước của ông sẽ đảm bảo an ninh thông qua liên minh với Hoa Kỳ và hợp tác với Nhật Bản. Ông cũng xác nhận tàu sân bay Mỹ đã đi vào vùng biển ngoài khơi Hàn Quốc vào cuối ngày 5/10.
Hội đồng an ninh quốc gia Hàn Quốc cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ phải đối mặt với phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế về các cuộc thử nghiệm.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada cho biết Tokyo đã đưa ra một “phản đối kịch liệt” với Triều Tiên về việc phóng thử hôm thứ Năm thông qua các phái đoàn ở Bắc Kinh.
Nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) gần đây nhất của Triều Tiên được thiết kế để bay trên quỹ đạo thấp hơn và có khả năng cơ động, làm phức tạp nỗ lực phát hiện và đánh chặn chúng.
Ông Hamada nói với các phóng viên: “Triều Tiên đã không ngừng và đơn phương leo thang các hành động khiêu khích, đặc biệt là kể từ đầu năm nay”.
Phản ứng của Nga và Trung Quốc
Triều Tiên đã phóng khoảng 40 tên lửa trong năm nay. Lịch trình kỷ lục của nước này bắt đầu vào tháng Giêng với việc phóng một “tên lửa siêu thanh” mới, và tiếp tục phóng các tên lửa hành trình tầm xa. Tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) phóng ra từ toa tàu, sân bay và tàu ngầm; tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên được Bình Nhưỡng phóng từ năm 2017, và gần đây nhất được phóng qua Nhật Bản, theo Reuters.
Hoa Kỳ và các đồng minh đã tăng cường phô trương lực lượng quân sự trong khu vực, nhưng dường như đạt rất ít triển vọng về các lệnh trừng phạt quốc tế hơn nữa từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vốn đã thông qua các nghị quyết cấm phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc và Nga hôm thứ Tư đã tạo điều kiện cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bằng cách ngăn chặn các nỗ lực tăng cường các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng về vũ khí hạt nhân và các chương trình tên lửa đạn đạo.
Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp quốc, Geng Shuang, nói rằng Hội đồng Bảo an cần đóng một vai trò mang tính xây dựng “thay vì chỉ dựa vào những lời hùng biện hoặc tăng cường gây sức ép”.
Ông nói: “Các cuộc thảo luận và cân nhắc nên góp phần vào giảm căng thẳng, hơn là thúc đẩy leo thang”.
Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp quốc, Anna Evstigneeva, nói với Hội đồng Bảo an rằng “việc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên là một ngõ cụt” và “không mang lại kết quả”.
Vào tháng 5, Trung Quốc và Nga đã phủ quyết nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp quốc đối với Triều Tiên về các vụ phóng tên lửa đạn đạo mới, đánh dấu đầu tiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc công khai sự bất đồng kể từ khi họ bắt đầu trừng phạt Bình Nhưỡng vào năm 2006.
Huyền Anh
Cáo buộc Trung Quốc phá hủy thỏa thuận ngầm trên eo biển, Đài Loan đưa ra lằn ranh đỏ
Ngày 5/10, người đứng đầu cơ quan Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính chỉ trích Trung Quốc phá hủy một thỏa thuận ngầm liên quan đến hoạt động quân sự ở eo biển Đài Loan khi điều máy bay quân sự băng qua “đường trung tuyến” không chính thức phân chia hai bờ thuộc khu vực này.
“Đường trung tuyến được cho là một thỏa thuận ngầm đối với tất cả các bên. Tuy nhiên, thỏa thuận ngầm đó đã bị phá hủy”, ông Khâu nói.
Đường trung tuyến được Hoa Kỳ quyết định làm vùng đệm vào những năm 1950 như một phương tiện làm giảm leo thang xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan. Kể từ đó, cả hai bên nói chung đều tôn trọng ranh giới này. Eo biển Đài Loan rộng khoảng 180 km. Ở đoạn hẹp nhất của eo biển, đường trung tuyến cách vùng biển của Đài Loan khoảng 40 km.
Phát biểu tại Lập Pháp Viện Đài Loan hôm 5/10, ông Khâu cho biết hành động gây hấn gần đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đòi hỏi hòn đảo phải mở rộng định nghĩa về “cuộc tấn công đầu tiên”. Theo đó, chính phủ Đài Loan sẽ coi các cuộc xâm nhập vào không phận của hòn đảo bằng máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của Trung Quốc là một “cuộc tấn công đầu tiên” giống như một cuộc tấn công tên lửa.
Đài Loan trước đây khẳng định rằng họ sẽ không tấn công quân sự chống lại Trung Quốc trừ khi Trung Quốc tấn công trước. Cho đến bây giờ, điều đó có nghĩa là lực lượng quân sự của ĐCSTQ sẽ cần phải tấn công hòn đảo bằng tên lửa.
“Ban đầu chúng tôi nói rằng chúng tôi không thực hiện cuộc tấn công đầu tiên, trừ khi họ thực hiện trước, nghĩa là bắn một quả đạn hoặc phóng tên lửa”, ông nói. “Nhưng tình hình rõ ràng đã thay đổi”.
Phát biểu trước Lập pháp Viện Đài Loan hôm 5/10, ông Khâu Quốc Chính tuyên bố hòn đảo sẽ phản ứng nếu Trung Quốc vượt qua “lằn ranh đỏ”. Ông Khâu không nêu rõ “lằn ranh đỏ” của Đài Loan là gì, nhưng nêu ví dụ máy bay Trung Quốc, trong đó có máy bay không người lái, bay vào lãnh thổ Đài Loan.
Ông Khâu Quốc Chính nhấn mạnh: “Trung Quốc muốn thiết lập trạng thái bình thường mới nhưng chúng tôi sẽ không thay đổi… Chúng tôi sẽ không nhượng bộ”.
Ông Khâu cũng lên án ĐCSTQ vì những nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng eo biển Đài Loan thông qua vũ lực và đe dọa quân sự và nói rằng người dân Đài Loan luôn trong tư thế sẵn sàng tự vệ.
Ông nói thêm rằng việc ĐCSTQ phá hủy đường trung tuyến, điểm giữa của eo biển Đài Loan, là một nỗ lực nhằm tạo ra một trạng thái bình thường mới, tạo điều kiện cho việc đe dọa và quấy rối hòn đảo.
Trong vài tháng qua, các lực lượng của ĐCSTQ dưới thời ông Tập Cận Bình đã khởi xướng một chiến dịch tích cực nhằm “bình thường hóa” sự hiện diện quân sự trên tuyến đường thủy của Đài Loan.
ĐCSTQ tuyên bố rằng Đài Loan là một tỉnh “bất hảo” của Trung Quốc cần phải được thống nhất với đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết. Ban lãnh đạo ĐCSTQ đã công khai đe dọa sẽ “phát động một cuộc chiến tranh” để đảm bảo rằng nền độc lập của Đài Loan không được quốc tế công nhận.
Đài Loan là một nền dân chủ tự quản từ năm 1949 và chưa bao giờ bị kiểm soát bởi ĐCSTQ. Hơn nữa, hòn đảo luôn tự hào với nền kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ và là nhà sản xuất chất bán dẫn tiên tiến hàng đầu thế giới, trong đó các linh kiện điện tử của hòn đảo được sử dụng để chế tạo mọi thứ từ xe bán tải đến tên lửa siêu thanh.
Vào tháng 8, ĐCSTQ đã coi chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi như một cái cớ để bắt đầu các cuộc tập trận quân sự chưa từng có, bao gồm bắn tên lửa đạn đạo qua Đài Loan và tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Giới lãnh đạo Đài Loan tuyên bố rằng, các cuộc tập trận và sự hiện diện quân sự liên tục của ĐCSTQ nhằm chuẩn bị cho một cuộc xâm lược hòn đảo này.
Hầu hết người dân Đài Loan đều bác bỏ quan điểm cho rằng hòn đảo này nên nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ.
Cho đến nay, các lực lượng của ĐCSTQ phần lớn chỉ xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan chứ chưa thực hiện một cuộc tấn công toàn diện vào không phận của hòn đảo.
Bình luận của ông Khâu chỉ ra rằng nếu ĐCSTQ theo đuổi một đường lối hung hăng như vậy, quân đội Đài Loan có thể sẽ đáp trả bằng vũ lực sát thương, không loại trừ khả năng sử dụng một cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào đại lục.
Lam Giang
Theo The Epoch Times
Ngân hàng Thế giới: Mục tiêu chấm dứt nghèo cùng cực vào năm 2030 khó đạt được
Ngân hàng Thế giới cho biết trong một báo cáo mới công bố hôm 5/10, thế giới khó có thể đạt được mục tiêu lâu dài là chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030, sau hàng loạt cú sốc liên quan đến đại dịch COVID-19 và cuộc chiến tranh Nga – Ukraine.
Báo cáo cho biết, đại dịch COVID-19 đánh dấu một bước ngoặt lịch sử sau nhiều thập kỷ xóa đói giảm nghèo. Trước đó, tỷ lệ người nghèo cùng cực trên toàn cầu đã giảm xuống 8,4% vào năm 2019, so với mức 38% trong năm 1990. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 khiến tỷ lệ này lần đầu tiên tăng trở lại trong hơn 2 thập kỷ, khiến thế giới có thêm 71 triệu người rơi vào cảnh sống cùng cực trong năm 2020.
Điều đó có nghĩa là 719 triệu người – khoảng 9,3% dân số thế giới – chỉ sống với mức dưới 2,15 đô la Mỹ mỗi ngày. Trong khi chiến tranh đang diễn ra, tốc độ tăng trưởng ở Trung Quốc suy giảm, giá lương thực và năng lượng cao hơn đe dọa sẽ tiếp tục đình trệ nỗ lực giảm nghèo.
Báo cáo nhận định, nếu không đạt được mức tăng trưởng mạnh, thì ước tính khoảng 574 triệu người, hay khoảng 7% dân số thế giới vẫn sẽ phải sống ở mức thu nhập đó vào năm 2030, mà chủ yếu là ở châu Phi.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass nhận xét, báo cáo Đói nghèo và Thịnh vượng chung cho thấy viễn cảnh tồi tệ mà hàng chục triệu người đang phải đối mặt, đồng thời kêu gọi những thay đổi chính sách lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng cũng như giúp đẩy mạnh các nỗ lực xóa đói giảm nghèo.
Ông nhấn mạnh trong một tuyên bố: “Tiến bộ trong việc giảm nghèo cùng cực về cơ bản đã chững lại, song song với tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang giảm dần.” Ông cũng đổ lỗi cho lạm phát, đồng tiền mất giá và các cuộc khủng hoảng chồng chéo sâu rộng hơn là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng nghèo cùng cực.
Để thay đổi hướng đi, Ngân hàng Thế giới cho rằng các quốc gia nên tăng cường hợp tác, tránh trợ cấp rộng rãi mà nên tập trung vào tăng trưởng dài hạn cũng như áp dụng các biện pháp như thuế tài sản hay thuế carbon, vốn có thể giúp tăng doanh thu mà không làm tổn hại đến những người nghèo nhất.
Theo báo cáo, trong khi các nước giàu có tiềm lực để chống đỡ với những tác động nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra, các nền kinh tế đang phát triển không có điều kiện tốt như vậy. Do đó, về cơ bản là những người nghèo nhất đã phải gánh chịu hệ quả lớn nhất. Thiệt hại về doanh thu của các nước nghèo nhất thế giới cao gấp đôi so với các quốc gia giàu có hơn.
Báo cáo còn cho thấy, chi tiêu của chính phủ và hỗ trợ khẩn cấp đã giúp ngăn chặn sự gia tăng lớn hơn về tỷ lệ nghèo đói, nhưng sự phục hồi kinh tế không đồng đều, trong đó các nền kinh tế đang phát triển có ít nguồn lực chi tiêu ít hơn và đạt được ít thành tựu hơn.
Tình trạng nghèo cùng cực hiện tập trung ở khu vực cận Sahara, châu Phi, nơi có tỷ lệ nghèo đói khoảng 35% và chiếm 60% tổng số người nghèo cùng cực.
Minh Ngọc (Theo Reuters)