Cù Tuấn, dịch
6-10-2022
Tóm tắt: Những người Nga ủng hộ chiến tranh đã lên tiếng chỉ trích Điện Kremlin và các nhà lãnh đạo quân sự khi các thất bại quân sự chiếm trọn màn hình TV ở Nga.
Sau cuộc rút lui hỗn loạn của Nga ở Kherson – chưa đầy một tuần sau khi Vladimir Putin sáp nhập bất hợp pháp tỉnh Ukraine này cùng với ba tỉnh khác – thống đốc vùng do Moscow bổ nhiệm, Kirill Stremousov, đã tìm cách xoa dịu tâm trạng chung.
Việc rút quân là một chiến thuật “tập hợp lại” để “tung đòn trả đũa”, chứ không phải là tháo chạy, Stremousov cho biết hôm thứ Tư.
Những bình luận của Stremousov – sự công khai thừa nhận đầu tiên về việc Nga rút chạy tại Kherson – cố gắng che giấu điều mà ngay cả những người ủng hộ chiến tranh hiện nay bắt đầu lên tiếng: tình hình hiện tại là vị thế thảm khốc nhất mà quân đội Nga phải đối mặt kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược bảy tháng trước đây.
“Tôi biết các bạn đang đợi tôi bình luận về tình hình. Nhưng tôi thực sự không biết phải nói gì với bạn. Cuộc rút lui… thật là thảm khốc,” Roman Saponkov, một phóng viên chiến trường nổi tiếng, đã viết trên kênh Telegram của mình, mô tả sự tuyệt vọng của anh ta về việc quân Nga rút chạy ở Kherson.
Hiện tại, mức độ rút lui của quân Nga vẫn chưa rõ ràng. Trong bài phát biểu hàng đêm vào thứ Ba 4/10, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, cho biết: “Quân đội Ukraine đang tiến hành các đợt tấn công khá nhanh và mạnh mẽ ở miền nam đất nước ta”. Ông kể tên tám thị trấn nhỏ ở Kherson đã được tái chiếm gần đây.
Khi được các nhà báo hỏi liệu có mâu thuẫn giữa luận điệu thôn tính của Nga và thực tế trên chiến trường hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết không có bất kỳ mâu thuẫn nào. Ông nói thêm, các lãnh thổ “sẽ ở với Nga mãi mãi và chúng sẽ được chiếm lại”.
Tuy nhiên, các nhà báo và blogger quân sự ủng hộ chiến tranh thì không thể có được sự tự tin như vậy. Nhóm đưa tin này ngày càng lớn tiếng hơn, do có các mối liên hệ với binh sĩ Nga ở tuyến đầu; và hàng triệu độc giả đã lên tiếng chỉ trích Điện Kremlin vì đã không đạt được các mục tiêu của mình.
Họ vẽ nên một bức tranh ảm đạm về tinh thần đang sa sút của quân Nga, và đổ lỗi cho việc thiếu luân chuyển quân nhân, dẫn đến sự kiệt quệ của quân đội, gây ra những thất bại ở miền nam Ukraine.
Aleksandr Kots, một nhà báo ủng hộ Điện Kremlin đi cùng quân đội Nga, viết ngày 4/10: “Tôi bị chỉ trích vì đã khiến mọi người chán nản với tin tức của tôi… chà, thời điểm này là vậy, sẽ không có tin tốt lành nào trong tương lai gần”.
“Chúng ta không có đủ người… sự mệt mỏi đã ập đến… không còn chút sức lực nào để bám trụ và giữ các lãnh thổ đã giành được.”
Vào ngày Putin tuyên bố cái gọi là “tổng động viên một phần” vào tháng trước, hợp đồng của các binh sĩ đang chiến đấu ở Ukraine cũng tự động được gia hạn vô thời hạn. Quyết định đó đã khiến nhiều người lính đã chiến đấu từ tháng 2 không còn cách nào có thể thoát khỏi cuộc chiến.
“Chúng tôi nhận được hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày từ những người lính muốn tìm cách hủy bỏ hợp đồng của họ”, một luật sư chuyên về quân sự yêu cầu giấu tên cho biết, vì sợ vi phạm luật pháp Nga hình sự hóa tin tức “giả mạo” về quân đội.
“Hầu hết các binh sĩ không biết rằng họ sẽ đến Ukraine khi chiến tranh bắt đầu. Họ đã hy vọng được phép giải ngũ khi hợp đồng của họ hết hạn. Giờ đây, điều đó đơn giản là không thể.”
Việc Nga rút chạy khỏi Lyman, một thành phố chiến lược quan trọng ở phía bắc của vùng Donetsk, đã dẫn đến những lời chỉ trích công khai hiếm hoi đối với lãnh đạo quân sự cấp cao từ một số quan chức hàng đầu.
Nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov viết: “Tôi không biết Bộ Quốc phòng báo cáo những gì [với Putin], nhưng theo ý kiến cá nhân của tôi, cần thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn.”
Quân đội Nga đã tìm cách hạ thấp sự việc rút lui khỏi Lyman hôm thứ Bảy, chỉ coi nó như một bước lùi quân sự nhỏ. “Và trong quá trình rút quân, quân Nga đã khiến quân Ukraine phải chịu thương vong nặng nề.”
Nhưng theo một cuộc điều tra của BBC News Russia, một trong những đơn vị tình báo quân sự tinh nhuệ nhất của Nga đã phải chịu thương vong cao trong cuộc rút lui đó. Lữ đoàn Spetsnaz cận vệ 3 hiện đã mất tới 3/4 lực lượng trinh sát kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, BBC cho biết.
Những thất bại quân sự mới nhất, dường như quá lớn để có thể bỏ qua, giờ đây đã tràn ngập màn ảnh truyền hình Nga.
“Tại sao chúng ta chỉ tiến từng mét một trong khi họ tiến từng làng một?” Olga Skabeyeva, người dẫn chương trình truyền hình nhà nước hàng đầu của đất nước, đã giận dữ hỏi Andrei Marochko, một quan chức do Nga bổ nhiệm ở Luhansk, trong một chương trình phát sóng gần đây.
Điện Kremlin hy vọng đợt tổng động viên đầu tiên sẽ sớm có thể giúp khắc phục được những tổn thất.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu, cho biết hôm thứ Ba rằng 200.000 tân binh đã được huy động và có mặt tại 80 khu huấn luyện và sáu trung tâm huấn luyện trên khắp nước Nga.
Bộ Quốc phòng Nga cũng công bố các đoạn video hấp dẫn về các tân binh đang được huấn luyện, kèm theo các cảnh quay khác cho thấy họ đã đến khu vực Luhansk do Nga kiểm soát, tại đó họ được những người dân địa phương vui vẻ chào đón.
Tuy nhiên, chiến dịch tuyên truyền của chính phủ Nga đã không ngăn được sự hỗn loạn và giận dữ trên khắp nước Nga do lệnh tổng động viên. Sự tức giận đó càng gia tăng sau khi xuất hiện các video cho thấy cảnh những tân binh phải chịu các điều kiện tồi tệ tại các trung tâm huấn luyện tân binh khi họ chờ được đưa đến Ukraine.
Pavel Chikov, một trong những luật sư nhân quyền hàng đầu của Nga, cho biết ít nhất sáu tân binh đã chết trong các trung tâm huấn luyện kể từ khi bắt đầu tổng động viên. Một trong số các tân binh đã chết này được cho là đã tự sát.
Trong video về tổng động viên được cho là đáng xấu hổ nhất cho đến nay của Điện Kremlin, một nhóm tân binh từ vùng Siberia Omsk được cho là đang nhắc nhở chính quyền về khoản tiền mà chính phủ Nga đã hứa cho họ vì đã tham chiến. “Chúng tôi sẵn sàng đi chiến đấu. Nhưng xin hãy giúp chúng tôi, giúp đỡ gia đình chúng tôi”, một người trong số họ nói.