Tin thế giới sáng thứ Sáu

Microsoft sẽ ra mắt “vũ trụ ảo” metaverse cho ứng dụng văn phòng vào năm 2022

Phan Anh 

Tập đoàn Microsoft đang thực hiện ý tưởng xây dựng một “vũ trụ ảo” (metaverse) cho các ứng dụng văn phòng (Office), trong đó có PowerPoint, Excel.
Microsoft đang điều chỉnh các sản phẩm phần mềm văn phòng đặc trưng để tạo ra một phiên bản metaverse, khái niệm được thúc đẩy bởi người đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg.

Sản phẩm metaverse đầu tiên của Microsoft sẽ là phiên bản chương trình hội nghị và trò chuyện Teams, hiện được thử nghiệm và sẽ có sẵn vào nửa đầu năm 2022. Khách hàng sẽ có thể chia sẻ các tệp và tính năng Office trong thế giới ảo.

“Dịch COVID-19 đã làm cho việc sử dụng công nghệ thương mại trở nên phổ biến hơn nhiều, dù cho đôi khi những thứ đó có cảm giác giống như khoa học viễn tưởng”, Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella cho biết. Ông Nadella cho hay rằng bản thân mình đã sử dụng công nghệ thực tế ảo để đến thăm khu COVID-19 tại một bệnh viện ở Vương quốc Anh, một nhà máy sản xuất của Toyota và thậm chí cả Trạm Vũ trụ Quốc tế.

Các tính năng mới của Teams được công bố hôm 2/11 tại hội nghị Ignite của Microsoft. Công nghệ này sử dụng phần mềm Microsoft ra mắt vào đầu năm nay có tên là Mesh, cho phép trải nghiệm thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường trên nhiều loại kính VR.

Theo ông Nadella, việc ứng dụng kinh doanh đã bắt đầu có sẵn ngay lúc này. Công ty tư vấn Accenture đã sử dụng phần mềm của Microsoft để tạo ra một “cặp song sinh kỹ thuật số” của trụ sở chính, nhằm điều hành các định hướng cho nhân viên mới trong thời gian dịch bệnh diễn ra. Phó chủ tịch Microsoft Jared Spataro cho biết Accenture đã tổ chức hơn 100 sự kiện như vậy, tiếp cận hơn 10.000 nhân viên.

Thực tế ảo và công nghệ mạng xã hội ngày càng phát triển là một bước tiến hay một con đường nguy hiểm cho nhân loại?
“Thế giới ảo” cho phép con người sống và làm việc trong thực tế ảo, nhưng đằng sau đó ẩn chứa nhiều nỗi lo. CEO Elon Musk của Tesla từng chỉ ra rằng việc lạm dụng những công nghệ như vậy có thể hủy diệt nhân loại.

“Thế giới ảo” cũng gợi nhớ đến cốt truyện kinh dị trong bộ phim “The Matrix”: loài người sống trong một thế giới được định hình bởi máy tính, mọi trải nghiệm đều được máy tính hư cấu, cơ thể ngủ vùi dưới điều khiển của cỗ máy; nhân vật chính phải đối mặt với sự lựa chọn: uống viên thuốc màu xanh lam (trong cảnh mộng nhàn hạ) hay viên thuốc màu đỏ (để nhìn rõ hiện thực)?

Trong một chương trình trực tuyến, học giả Gavinchiu người Hồng Kông cho biết, việc phát minh ra các trang mạng xã hội như Facebook thỏa mãn mong muốn được chú ý của con người, cho phép những người bình thường tận hưởng cảm giác là “người nổi tiếng”, cảm giác được mọi người chú ý đến suy nghĩ cá nhân và cuộc sống riêng tư của người dùng. Tuy vậy, người ta dần phát hiện ra rằng Facebook đang bán quyền riêng tư và sử dụng dữ liệu lớn để thu lợi nhuận, thế hệ mới đã bắt đầu không thích sử dụng Facebook.

Nhưng “thế giới ảo” còn tiến xa hơn nữa, cho phép người dùng tạo dựng danh tính cá nhân mới và tương tác xã hội trong thực tế ảo đó với tính chất thời gian thực, cho phép người dùng nhập vai và hoàn toàn ở trong đó sau giờ làm việc và học hành. “Thế giới ảo” đã hoàn toàn thay đổi cách tiếp xúc xã hội của con người, thậm chí có thể có vòng kinh tế riêng trong đó, mọi người có thể kiếm tiền ảo và chi tiêu trong đó; với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, nó có nhiều khả năng thỏa mãn các giác quan cho đến cả thể chất, và thậm chí kết hôn trong đó. Nhưng học giả Gavinchiu nhận định điều này thực sự rất đáng sợ, “Làm thế nào để mọi người rút lui khỏi thực tế ảo như vậy? Hậu quả sẽ như thế nào nếu loài người chỉ chìm đắm trong đó?”.

Bắc Hàn ca ngợi lợi ích sức khỏe ‘đặc biệt’ của thịt thiên nga đen trong bối cảnh thiếu hụt lương thực trầm trọng

Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un nói trong một cuộc họp Bộ Chính trị của Đảng Lao động cầm quyền ở Bình Nhưỡng, Bắc Hàn, hôm 29/06/2021. (Ảnh: Thông tấn xã Trung ương Bắc Hàn/Dịch vụ tin tức Bắc Hàn/AP) Đông Dương

Theo thông tấn nhà nước Bắc Hàn, nước này đã đang bắt đầu ca ngợi những lợi ích sức khỏe “đặc biệt” khi ăn thịt thiên nga đen được chăn nuôi, đồng thời họ cũng sẽ nuôi cả thỏ khi đất nước này đang phải chống chọi với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.

Tờ Rodong Sinmun của đảng cầm quyền cho biết trong một bài báo xuất bản vào ngày thứ Hai (01/11) rằng, “Thịt thiên nga đen rất ngon và có giá trị về mặt y học.” 

Theo tờ báo này, ông Ri Jong Nam, bí thư đảng ủy tỉnh Hamgyong Nam, đã dẫn đầu buổi lễ khai trương một trung tâm [chăn nuôi] thiên nga đen mới tại trang trại vịt Kwangpho nằm ở quận Jongphyong trên bờ biển phía đông vào ngày trước đó.

Thông tấn nhà nước Bắc Hàn trước đây đã gọi thịt thiên nga đen là “một loại thực phẩm đặc biệt cho sức khỏe trong thế kỷ 21 với hương vị độc đáo và có giá trị dinh dưỡng vô cùng cao,” và quá trình nghiên cứu cách nuôi dưỡng loại “chim cảnh quý hiếm” này để làm thực phẩm đã được bắt đầu vào mùa xuân năm 2019, theo trang NK News đưa tin. Họ cũng nói rằng loại thịt này có chứa các đặc tính hiếm hoi “chống ung thư”.

Trang NK News cho biết, việc nuôi thiên nga đen là nhằm tháo gỡ cho việc chăn nuôi quy mô lớn đã không thể đáp ứng đủ nguồn cung thực phẩm cho toàn bộ Bắc Hàn, cũng như bù đắp cho các hạn chế gia tăng liên quan đến COVID-19 của chính quyền gần đây vốn đã chặn phần lớn nguồn thực phẩm và các mặt hàng nhập cảng khác kể từ đầu năm 2020.

Thiên nga đen là một loài chim nước cỡ lớn, chủ yếu được tìm thấy ở các khu vực đông nam và tây nam nước Úc, mặc dù chúng cũng đã được đưa vào một số quốc gia, trong đó có New Zealand.

Trong khi đó, vào tháng 07/2020, Bộ Lực lượng Vũ trang Nhân dân (MPAF) đã ra lệnh cho các binh sĩ và gia đình của họ phải chăn nuôi thỏ, theo trang DailyNK đưa tin.

Mỗi người lính được lệnh phải nuôi 15 con thỏ và đánh giá mức tăng trưởng của những con vật này, theo trang DailyNK.

Bắc Hàn đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng cửa hoàn toàn biên giới của mình ngay từ thời đầu đại dịch COVID-19. Mặc dù chính quyền này tuyên bố không hề có ca nhiễm COVID-19 nào được ghi nhận và vào tháng Chín (09/2021) đã từ chối lời đề nghị [viện trợ] gần 3 triệu liều vaccine COVID-19, nhưng khắp nơi đều có các báo cáo rằng đất nước này đã chứng kiến các ca nhiễm bệnh và tử vong do chủng virus này, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW).

Trong khi đó, theo HRW, hoạt động thương mại của nước này với Trung Quốc đã giảm gần 81% vào năm 2020 và chính quyền nước này cũng đã giảm mạnh nhập cảng các nguồn thực phẩm chính cũng như các mặt hàng thiết yếu khác từ Trung Quốc bao gồm cả thuốc men.

Nhiều trận lũ lụt từ tháng Sáu đến tháng Chín năm nay đã làm hư hại hàng nghìn ngôi nhà và hủy hoại mùa màng, gây thêm căng thẳng cho cuộc khủng hoảng kinh tế, sản xuất nông nghiệp, và tình trạng thiếu lương thực.

Bắc Hàn cũng đang phải vật lộn với các lệnh trừng phạt quốc tế được áp đặt do các chương trình hạt nhân của họ. Tháng trước (10/2021), họ đã phóng thử một hỏa tiễn đạn đạo “kiểu mới” từ một tàu ngầm ở ngoài khơi bờ biển phía đông vào Biển Nhật Bản.

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc (WFP) và Tổ chức Nông Lương (FAO) cho biết có khoảng 6 triệu người, tức một phần tư dân số nước này, bị suy dinh dưỡng.

Mặc dù vậy, chính phủ Bắc Hàn đã nhiều lần từ chối các đề nghị viện trợ quốc tế.

Việc chăn nuôi thiên nga đen và tán dương những lợi ích cho sức khỏe mà chúng mang lại diễn ra ngay sau khi nhà độc tài Bắc Hàn Kim Jong-Un nói trong một bài diễn văn hôm 29/09 rằng để đem đến cho người dân Bắc Hàn một “cuộc sống ổn định và sung túc, thì cần đặt nỗ lực chủ yếu vào việc phát triển nông nghiệp,” đồng thời lưu ý rằng đảng [cầm quyền] của mình sẽ quyết tâm “xóa bỏ hoàn toàn vấn đề lương thực trong tương lai gần bằng cách nhanh chóng phát triển sản xuất nông nghiệp.”

Nhà [lãnh đạo] độc tài này cũng kêu gọi rằng “dứt khoát phải gia tăng chăn nuôi dê và gia súc và tiến hành ồ ạt phong trào chăn nuôi thỏ” như đã đề ra trong “chính sách thu hoạch thịt từ gia súc ăn cỏ trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc của Đảng này.”

Vào tháng Sáu, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã thừa nhận một cuộc khủng hoảng lương thực trên cả nước, và nói với các nhà lãnh đạo cao cấp rằng, “tình hình lương thực của người dân hiện đang trở nên căng thẳng.”

32 quốc gia, gồm cả EU, huỷ bỏ cơ chế ưu đãi thương mại với Trung Quốc

Gần đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo từ ngày 1/12, sẽ hoàn toàn dừng cấp giấy Chứng nhận xuất xứ mẫu A (GSP form A) cho hàng xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu (EU), Anh, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liechtenstein. Nghĩa là có 32 nước đã hủy bỏ ưu đãi đối với thương mại với Trung Quốc. Cho đến nay, chỉ có Na Uy, New Zealand và Úc là vẫn giữ nguyên ưu đãi này cho Trung Quốc.

GSP là tên viết tắt của Hệ thống ưu đãi phổ cập (Generalized System of Preferences). Đây là một hệ thống mà theo đó các nước phát triển (được gọi là các nước cho hưởng) cho các nước đang phát triển (được gọi là các nước được hưởng) hưởng chế độ ưu đãi bằng cách giảm hoặc miễn thuế. Chế độ ưu đãi được xây dựng trên cơ sở không có sự phân biệt đối xử và không đòi hỏi bất kỳ nghĩa vụ nào từ phía các nước đang phát triển.

Thông báo ngày 28/10 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, từ ngày 1/12/2021, hàng hóa xuất khẩu sang các nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Liechtenstein đã không còn được ưu đãi thuế quan. Tổng cục Hải quan sẽ ngừng cấp giấy chứng nhận GSP (Mẫu A).

Vì EU có 27 quốc gia thành viên nên tổng số nước hủy bỏ cơ chế ưu đãi thương mại với Trung Quốc trong thông báo lần này là 32.

Phó giáo sư Thẩm Vinh Khâm (Shen Rongqin) của Đại học York ở Canada cũng chia sẻ tin tức này trên Facebook rằng, “32 quốc gia gồm EU, Vương quốc Anh, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Liechtenstein đã hủy bỏ GSP đối với hàng hóa thương mại từ Trung Quốc, sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/12. Trung Quốc đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình”.

Theo Tổng cục Hải quan, kể từ khi thực hiện cơ chế GSP từ năm 1978 tới nay, có 40 quốc gia đã liên tiếp dành ưu đãi thuế quan GSP cho Trung Quốc, bao gồm 27 quốc gia EU, Vương quốc Anh, 3 quốc gia thuộc Liên minh Kinh tế Á – Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Canada, Thụy Sĩ, Liechtenstein, Nhật Bản, Na Uy, New Zealand, Úc.

Theo khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các nước đang phát triển có thể được hưởng sự đãi ngộ đặc biệt. Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, nhưng vẫn tự khẳng định vị thế của mình là “nước đang phát triển” để có được những đại ngộ này. Nếu Trung Quốc không còn được coi là quốc gia đang phát triển, xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ phải chịu mức thuế cao hơn và các ưu đãi khác sẽ bị hủy bỏ.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều quốc gia tuyên bố hủy bỏ ưu đãi GSP đối với Trung Quốc. Từ ngày 12/10/2021, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đã không còn được hưởng các ưu đãi thuế quan của Nga, Kazakhstan và Belarus (3 thành viên của Liên minh Kinh tế Á – Âu).

Bắt đầu từ ngày 1/4/2019, Nhật Bản đã ngừng cấp GSP cho hàng hóa Trung Quốc. Từ ngày 1/7/2014, Thụy Sĩ cũng ngừng cấp đãi ngộ này. 

Cho đến nay, chỉ còn Na Uy, New Zealand và Úc là 3 quốc gia vẫn còn cấp GSP cho Trung Quốc.

Trước đó tại Hoa Kỳ, nhiều nhà lập pháp đã đề xuất Đạo luật Quan hệ Thương mại Trung Quốc (China Trade Relations Act) để tước bỏ quy chế “quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” (PNTR) mà Trung Quốc đang được hưởng. Có nghĩa là thu hồi đãi ngộ tối huệ quốc vĩnh viễn của Trung Quốc và quay trở lại quy chế trước năm 200.

Các đảng viên Cộng hòa hàng đầu chúc mừng ông Youngkin trở thành Thống đốc Virginia

Tối 2/11, một số đảng viên Cộng hòa đã chúc mừng ông Glenn Youngkin sau chiến thắng của ông trước ứng cử viên Đảng Dân chủ Terry McAuliffe trong cuộc đua vào chức Thống đốc bang Virginia.

“Tôi tự hào khi chứng thực cho Glenn Youngkin”, Thượng nghị sĩ Rand Paul tweet. “Chiến thắng của ông ấy tối nay là một tín hiệu rõ ràng và cần thiết cho tự do cá nhân và rằng cha mẹ là người quyết định việc học hành và tương lai của con cái họ.”

Ông Youngkin đã gần như chắc chắn đánh bại ông McAuliffe, người từng giữ chức Thống đốc bang Virginia nhiệm kỳ 2014 – 2018, bất chấp tiểu bang có xu hướng ngày càng nghiêng về đảng Dân chủ trong thập kỷ qua, gần đây nhất là sau khi Tổng thống Biden giành chiến thắng trước cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2020.

Thượng nghị sĩ Tom Cotton cũng viết trên Twitter: “Xin chúc mừng Glenn Youngkin, Winsome Sears và Jason Miyares về những chiến thắng vang dội của họ. Người dân Virginia sẽ được hưởng lợi từ sự lãnh đạo của họ. Cảm ơn Biden & Garland đã hỗ trợ! Các bậc cha mẹ lo âu không thích bị gọi là những kẻ khủng bố trong nước. Ai có thể đoán được điều này cơ chứ?”

Cuộc bầu cử cuối năm của Virginia thường được coi là một chỉ số quan trọng về quan điểm của cử tri trước cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào năm tới.

Cựu Phó Tổng thống Mike Pence, người gần đây đã tổ chức sự kiện riêng của mình ở bang, cũng nói rằng chiến thắng của ông Youngkin là một dấu hiệu của sự trở lại của phe bảo thủ.

“Chúc mừng Thống đốc Glenn Youngkinon với chiến thắng TO LỚN này! Ông Glenn sẽ phục vụ tốt người dân Old Dominion với tinh thần chung của các chính sách bảo thủ, sẽ mang lại lợi ích cho các bậc cha mẹ, gia đình và những người dân Virginians chăm chỉ!”

Nikki Haley, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, người từng là Thống đốc Nam Carolina, cũng bày tỏ sự lạc quan rằng ông Youngkin sẽ đưa tiểu bang Virginia đi đúng hướng.

Ông Youngkin đã được hầu hết các kênh truyền thông lớn ở Hoa Kỳ tuyên bố chiến thắng. 

Ông Youngkin đã điều hành một chiến dịch bầu cử tập trung vào các vấn đề về thuế, tội phạm và giáo dục; trong khi đối thủ của ông là McAuliffe dành phần lớn sức lực của mình trong vài tháng qua để lên án Youngkin và cựu Tổng thống Donald Trump.

“Được rồi, Virginia, chúng tôi đã giành được vị trí này,” ông Youngkin nói với những người ủng hộ trong bài phát biểu chiến thắng của mình sau 1 giờ sáng Thứ Tư, thề rằng sẽ “thay đổi quỹ đạo của khối thịnh vượng chung.”

Cuộc chạy đua giành chức Thống đốc ở Virginia được coi là chìa khóa then chốt trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm tới. Chiến thắng của ông Youngkin ở một bang mà đảng Cộng hòa đã không giành chiến thắng trong mười năm được cho là sẽ làm tăng thêm sự lo lắng của đảng Dân chủ khi họ sẽ phải cố gắng bảo vệ thế đa số ở Hạ viện và Thượng viện. 

Ngoài Virginia, tiểu bang New Jersey cũng tổ chức cuộc đua Thống đốc ngay sau cuộc đua Tổng thống. Và cả hai bang đều có truyền thống bỏ phiếu chống lại ứng cử viên thống trị của đảng đã giành được Nhà Trắng năm trước.

Mặc dù cả ông Biden và ông Trump đều không có tên trong lá phiếu, nhưng Tổng thống và cựu Tổng thống đều được coi là trung tâm của cuộc đua.

Thất bại của đảng Dân chủ ở bang Virginia trong cuộc bầu cử lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Biden được coi như một bước lùi chính trị lớn đối với ông.

Các nhà khoa học tìm thấy nước trong thiên hà, nằm cách chúng ta gần 12,88 tỷ năm ánh sáng

Ngọc Mai

Những thiên hà cổ đại này đã hình thành các ngôi sao với tốc độ gấp hàng nghìn lần Ngân hà. (Ảnh minh hoạ: Pixabay)

Các vũ trụ sơ khai hình thành như thế nào vẫn là một bí ẩn đối với khoa học. Nhưng thỉnh thoảng, các nhà thiên văn học lại có được cái nhìn sơ lược về vũ trụ như thế nào bằng cách nhìn ngược thời gian về những thiên hà cổ đại xa xôi. Và thiên hà SPT0311-58 vừa chứng minh các nhà khoa học chưa biết bao nhiêu về vũ trụ trẻ.

Các nhà khoa học tìm thấy nước trong thiên hà, nằm cách chúng ta gần 12,88 tỷ năm ánh sáng. Điều này đánh dấu sự phát hiện xa nhất về H2O trong một thiên hà hình thành sao và là cái nhìn toàn diện nhất về khí phân tử có từ sớm trong dòng thời gian của vũ trụ.

Các nhà nghiên cứu đã trình bày chi tiết những phát hiện của họ trong một nghiên cứu được công bố hôm thứ Tư trên Tạp chí Vật lý Thiên văn.

Sreevani Jarugula, nhà thiên văn học tại Đại học Illinois và là tác giả chính của nghiên cứu mới nói rằng lần đầu tiên phát hiện ra thiên hà SPT0311-58 vào năm 2017 và bị ảnh hưởng bởi lượng bụi và khí trong thiên hà.

“Chúng tôi muốn biết thành phần phân tử của thiên hà là gì,” Jarugula nói với Inverse. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra cả phân tử nước và carbon monoxide.

SPT0311-58 thực sự được tạo thành từ một cặp thiên hà dường như đang hợp nhất.

Jarugula nói: “Vì vậy, nó thực sự là một cấu trúc rất dài, rất đông kết. Có rất nhiều thứ tập hợp trong thiên hà đó, nó không giống như một dải ngân hà mịn màng”.

Thiên hà sáng hơn nằm ở bên phải của hình ảnh, có hình dạng giống như một vòng cung. Nó xuất hiện rất rõ ràng bất chấp khoảng cách của nó vì nó được thấu kính hấp dẫn bởi một thiên hà khổng lồ gần đó.

Thấu kính hấp dẫn là một hiệu ứng vũ trụ hoạt động giống như một thấu kính phóng đại khổng lồ. Khi một vật thể lớn như một ngôi sao hoặc thiên hà đi qua phía trước một vật thể trong nền theo quan điểm của người quan sát, nó sẽ làm biến dạng và khuếch đại ánh sáng đến từ một nguồn ở xa, làm cho nó có vẻ sáng hơn.

Các phân tử trong thiên hà này được phóng đại bởi thiên hà kia, nhờ đó mà chúng ta có thể quan sát chúng dễ dàng hơn.

Các nhà khoa học có thể phát hiện ra H2O khi bụi hấp thụ bức xạ cực tím từ các ngôi sao trong thiên hà và phát lại nó dưới dạng các photon hồng ngoại xa, kích thích các phân tử nước. Điều này tạo ra khí thải nước mà các nhà khoa học có thể quan sát được.

Các phân tử nước có màu xanh lam, trong khi carbon monoxide có màu tím.

Nước là phân tử phong phú thứ ba trong vũ trụ sau phân tử hydro và carbon monoxide, nhưng các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên khi thấy các phân tử nước xuất hiện sớm như vậy trong vũ trụ.

Cặp thiên hà nằm trong kỷ nguyên được gọi là Kỷ nguyên tái ion hóa.

Kỷ nguyên tái ion hóa đánh dấu sự kết thúc của thời đại đen tối của vũ trụ và đề cập đến thời kỳ trong dòng thời gian của vũ trụ khi hydro trung tính được tái ion hóa. Trước đó, hydro trung tính khiến không gian giữa các vì sao trở nên mờ đục, cản trở ánh sáng chiếu ra xa. Điều này đánh dấu sự xuất hiện của các thiên hà lớn đầu tiên.

Thời kỳ này diễn ra khi vũ trụ xấp xỉ 780 triệu năm tuổi, chỉ bằng 5% so với tuổi hiện tại (các nhà khoa học ước tính vũ trụ vào khoảng 13,8 tỷ năm tuổi ).

Nếu những thiên hà đầu tiên chỉ mới bắt đầu xuất hiện, thì khám phá mới nhất khiến các nhà khoa học phải tự hỏi làm thế nào mà những phân tử này lại có thể hình thành nhanh chóng như vậy.

Jarugula nói: “Làm thế nào mà nhiều bụi và khí lại tích tụ sớm như vậy trong vũ trụ?. Bụi chủ yếu sinh ra từ các ngôi sao, chúng đang chuyển động và tạo ra lớp bụi bên ngoài của chúng vào thiên hà”.

“Vì vậy, chúng ta cần một lượng sao tốt để tạo ra bụi này,” cô nói thêm.

Các nhà khoa học không chắc chắn bụi có thể đến từ đâu, hoặc bụi hình thành từ những ngôi sao ban đầu.

Theo Jarugula, những thiên hà cổ đại này đã hình thành các ngôi sao với tốc độ gấp hàng nghìn lần Ngân hà. Do đó, việc nghiên cứu các thiên hà xa xôi sẽ giúp cho cho các nhà khoa học biết có bao nhiêu ngôi sao đang được tạo ra và tốc độ khí trong các thiên hà sơ khai được chuyển thành sao.

Bằng cách quan sát các thiên hà này, các nhà khoa học có thể quay trở lại mô hình vũ trụ sơ khai và hạn chế các đặc tính của nó.

Anh trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir

Vương quốc Anh đã chính thức trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt thuốc kháng virus Molnupiravir dạng viên uống tại nhà (2 viên/ngày) để điều trị COVID-19, trong đó ưu tiên dùng cho nhóm đối tượng lớn tuổi và dễ bị nhiễm bệnh.

“Hôm nay là ngày lịch sử đối với đất nước chúng ta khi Anh trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt thuốc kháng virus có thể được sử dụng tại nhà cho bệnh nhân COVID-19. Đây sẽ là loại thuốc giúp thay đổi cục diện cho những người dễ bị nhiễm bệnh nhất và bị suy giảm miễn dịch”, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết ngày 4/11.

Sau khi được Cơ quan Quản lý dược phẩm và các sản phẩm y tế Anh (MHRA) phê duyệt, Molnupiravir được phát triển bởi công ty dược phẩm Merck của Mỹ, dự kiến sẽ tạo ra bước ngoặt trong điều trị bệnh COVID-19. Theo MHRA, loại thuốc này an toàn và hiệu quả trong việc giảm nguy cơ nhập viện và tử vong ở những người mắc bệnh COVID-19 từ mức độ nhẹ đến trung bình và những người có nguy cơ cao do virus gây ra.

Molnupiravir được cấp phép dùng cho những người có nhiễm virus corona (gây bệnh COVID-19) và có ít nhất một yếu tố nguy cơ phát triển bệnh nặng như béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch, hoặc trên 60 tuổi. MHRA cho hay rằng loại thuốc này nên được dùng càng sớm càng tốt sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính, trong khoảng 5 ngày đầu tiên. Thuốc hoạt động bằng cách can thiệp vào quá trình phát triển của virus, ngăn chặn virus phát triển, duy trì tải lượng virus ở mức thấp trong cơ thể và qua đó làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Trong các thử nghiệm lâm sàng, loại thuốc này ban đầu được phát triển để điều trị bệnh cúm, giúp giảm khoảng 50% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong.

Theo kết quả phân tích sơ bộ về nghiên cứu thử nghiệm giai đoạn 3 đối với 775 bệnh nhân được Merck & Co công bố ngày 1/10, có 7,3% trong số đó được dùng thuốc Molnupiravir phải nhập viện trong vòng 29 ngày sau khi được điều trị, trong khi con số này ở những người dùng giả dược là 14,1%. Không có ca tử vong nào được ghi nhận ở những bệnh nhân dùng Molnupiravir trong vòng 29 ngày, trong khi ở những người dùng giả dược là 8 ca.

Hãng dược phẩm Merck và đối tác Ridgeback Biotherapy cho biết họ cũng đang yêu cầu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp loại thuốc này cho người lớn mắc COVID-19 từ mức độ nhẹ đến trung bình, cho những người có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc phải nhập viện.

Related posts