Alex Marshall, Alexandra Alter và Laura Cappelle
Hồng Anh dịch
Viện Hàn lâm Thụy Điển, nơi quyết định giải thưởng, ca ngợi “lòng dũng cảm và sự sắc lạnh trong cách bà khám phá ra những căn nguyên, sự ghẻ lạnh và những hạn chế của tập thể đối với ký ức cá nhân”.
“Nhà văn đặc biệt và độc đáo” ghi lại cuộc đời mình, gồm cả chuyện phá thai, tình yêu và sự không chung thủy
Giải Nobel Văn học được trao hôm thứ Năm cho Annie Ernaux, tiểu thuyết gia người Pháp với những cuốn sách mang đậm dấu ấn cá nhân của nhiều thế hệ phụ nữ bằng cách nêu bật những biến cố trong cuộc đời bà, bao gồm một vụ phá thai lén lút vào những năm 1960 và một mối tình cuồng nhiệt ngoài hôn nhân.
Mats Malm, thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển, nơi quyết định giải thưởng, đã công bố kết quả này tại một cuộc họp báo ở Stockholm, ca ngợi “lòng dũng cảm và sự sắc lạnh trong cách bà khám phá ra những căn nguyên, sự ghẻ lạnh và những hạn chế của tập thể đối với ký ức cá nhân”.
Malm cho biết, ủy ban đã không thể liên lạc với Ernaux qua điện thoại, nhưng tác giả đã nhanh chóng biết được tin tức. Vào chiều thứ Năm, ở nhà mình tại ngoại ô Paris, bà đã xuất hiện để trò chuyện ngắn với các phóng viên. Trông bà có vẻ choáng ngợp, nói rằng mình đã biết về giải thưởng trên đài phát thanh. “Tôi rất hạnh phúc – Tôi thật tự hào”, bà nói thêm khi mấy người hàng xóm đang xây nhà, không để ý đến sự ồn ào.
Ernaux, 82 tuổi, trở thành nhà văn nữ thứ 17 thắng giải, được xem là giải thưởng danh giá nhất trong văn học thế giới, từ khi được thành lập vào năm 1901. Bà là người phụ nữ thứ hai được trao giải trong vòng ba năm qua, sau Louise Glück, nhà thơ Mỹ, được trao giải năm 2020.
Các tác phẩm của Ernaux bao gồm sáng tác đầu tay, “Cleaned Out”[1], một câu chuyện kể về tuổi trẻ thuộc tầng lớp lao động của bà, bao gồm cả chuyện phá thai, xảy ra khi thủ tục này vẫn còn là bất hợp pháp ở Pháp, và “A Simple Passion”[2], một quyển sách bán chạy nhất ở Pháp kể về chuyện tình của Ernaux với một nhà ngoại giao nước ngoài đã có gia đình.
Bên ngoài nước Pháp, có lẽ bà được biết đến nhiều nhất với “The Years”[3], kết nối các sự kiện trong hơn 70 năm cuộc đời của Ernaux với lịch sử nước Pháp và vào năm 2019, tác phẩm đã lọt vào danh sách rút gọn cho Giải thưởng Booker International, một giải thưởng lớn ở Anh dành cho tác phẩm hư cấu được dịch sang tiếng Anh.
Edmund White nói trong một bài đánh giá về tác phẩm này cho The New York Times: “Đây là một cuốn tự truyện không giống như bất kỳ cuốn tự truyện nào bạn từng đọc”.
Tác phẩm của bà từ lâu đã được giới phê bình khen ngợi. Các tiểu thuyết tự truyện của Ernaux thách thức “những yêu cầu về thể loại của mình – mong muốn được khám phá nội dung sâu sắc và mượt mà khi kể chuyện hư cấu”, Claire Messud viết trên tờ The Times năm 1998. Thay vào đó, các tác phẩm “cung cấp một sự xác thực nhức nhối và tiết lộ cái không đáng tin cậy của nhiều thứ mà ta gọi là hồi ký”.
Hôm thứ Năm, Anne Hidalgo, thị trưởng Paris, cho biết trên Twitter rằng những tác phẩm của Ernaux đã “vén bức màn che sự thân thuộc của người phụ nữ với sự khiêm tốn lớn lao, mà không hề tô điểm thêm”.
Ernaux thử sáng tác lần đầu là khi học đại học, nhưng cuốn sách của bà đã bị các nhà xuất bản từ chối vì “quá tham vọng”, bà nói với tờ The Times năm 2020. Bà không tiếp tục viết lách cho đến tuổi 30, khi đã là một bà mẹ đã có gia đình và hai người con, là một giáo viên tiếng Pháp.
Bà đã bí mật viết “Cleaned Out” vì chồng bà chế nhạo những nỗ lực viết lách thuở ban đầu của bà. Ernaux nói, “Tôi giả vờ đang viết luận án Tiến sĩ”. Sau khi cuốn sách được xuất bản, chồng bà lại có phản ứng thậm tệ. “Ông ấy nói với tôi: Nếu em có khả năng bí mật viết một cuốn sách, thì em cũng có khả năng lừa dối tôi”, Ernaux nhớ lại. Ngay sau đó, bà viết về cuộc hôn nhân không hạnh phúc của mình.
Những tác phẩm sau kể chi tiết kinh nghiệm về căn bệnh ung thư của Ernaux và bệnh Alzheimer của mẹ bà, cũng như những sự kiện hạnh phúc hơn, như những mối tình của bà.
Jacques Testard ở Fitzcarraldo Editions, nhà xuất bản Anh Quốc xuất bản tác phẩm của bà, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng, Ernaux là “một nhà văn đặc biệt và độc đáo”, người đã ghi chép lại qua nhiều thập kỷ việc trở thành một người phụ nữ là như thế nào trong thế kỷ 20 và 21. Ông nói thêm, tác phẩm của bà liên quan đến xã hội và chính trị trong và ngoài nước Pháp trong bối cảnh các sự kiện chẳng hạn như việc đảo ngược vụ án Roe v. Wade[4] mới đây của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.
Audrey Diwan, đạo diễn điện ảnh người Pháp, người đã chuyển thể cuốn tiểu thuyết “Happening”[5] năm 2000 của Ernaux, thành một bộ phim nổi tiếng, kể về việc phá thai bất hợp pháp của một phụ nữ 23 tuổi, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng, sáng tác của Ernaux có “sự chân thành thô mộc” “nói với rất nhiều và trở thành một “chúng ta”, “một tiếng nói chung vượt ra ngoài các đường biên”. Bà nói thêm, giải thưởng “rọi đèn chiếu rất xứng đáng làm nổi bật một khối lượng đồ sộ các tác phẩm”.
Ernaux từ lâu đã được nhắm đến giải thưởng, mặc dù trước khi công bố vào thứ Năm, Salman Rushdie được kỳ vọng sẽ thắng giải. Rushdie, tác giả từng đoạt giải Booker với “Midnight’s Children”, đã bị đâm vào tháng 8 tại sân khấu miền tây New York mà các công tố viên cho là một cuộc tấn công được tính toán trước.
Giải Nobel, được trao cho toàn bộ tác phẩm của một nhà văn, được coi là giải thưởng quan trọng nhất trong văn học thế giới, với những người từng đoạt giải bao gồm Toni Morrison, J.M. Coetzee và thậm chí cả Bob Dylan. Giải đi kèm với phần thưởng trị giá 10 triệu krona Thụy Điển, tương đương khoảng 911.000 đô la.
Viện Hàn lâm Thụy Điển trong những năm gần đây đã cố gắng gia tăng sự đa dạng các tác giả được xét tặng giải thưởng, sau khi vấp phải chỉ trích rằng tính từ trước khi công bố giải hôm nay, 95 trong số 118 người đoạt giải Nobel trước đây là người châu Âu hoặc Bắc Mỹ, và chỉ có 16 phụ nữ.
Anders Olsson, chủ tịch Ủy ban Nobel, người đã bảo vệ cho sự lựa chọn một nhà văn châu Âu khác, nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm rằng, có rất ít phụ nữ đoạt giải. Ông nói: “Điều chúng tôi chú ý trước hết phải là chất lượng văn học”.
Nguồn:
[1] Nhan đề nguyên tác: “Les armoires vide”. (Tất cả chú thích trong bài là của người dịch)
[2] Nhan đề nguyên tác: “Passion simple”.
[3] Nhan đề nguyên tác: “Les Années”.
[4] Roe là Jane Roe, tên giả của Norma McCorvey; còn Wade là Henry Wade, Ủy viên công tố quận Dallas, người đại diện cho tiểu bang Texas. Đây là một vụ kiện đòi thực hiện quyền được phá thai. Năm 1973, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cho rằng phụ nữ ở Hoa Kỳ có quyền cơ bản trong việc lựa chọn phá thai mà không có sự hạn chế quá mức của chính phủ; cấm phá thai là vi hiến. Tuy nhiên, ngày 24/6/2022, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ lật ngược lại, khẳng định phá thai không phải là một quyền hiến định.
[5] Nhan đề nguyên tác: “L’Événement”.