Máy bay ‘cây nhà lá vườn’ C919 của Trung Quốc chỉ là ‘dự án phù phiếm’

Chi Anh

Mô hình máy bay chở khách C919 được trưng bày trong Hội chợ Thương mại Dịch vụ Quốc tế Trung Quốc năm 2022 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 03/09/2022. (Ảnh: VCG / VCG qua Getty Images)

Dự án trọng điểm C919 của Trung Quốc đang rơi vào thảm cảnh: không thể cạnh tranh về mặt công nghệ, không khả thi về mặt kinh tế, không đi theo bất kỳ chiến lược đột phá nào và cũng không hoàn toàn “Made in China”.

Cách đây vài ngày — 5 năm sau chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, C919 đã đạt được một chút thành tựu; cuối cùng, nó đã nhận được chứng nhận đủ điều kiện bay từ Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC).

C919 đáng lẽ phải được chứng nhận vào tháng 12 năm ngoái, tuy nhiên việc tiếp tục chậm trễ trong quá trình bay thử nghiệm đã khiến điều ấy trở thành không tưởng. Vào thời điểm đó, C919 mới chỉ bay 34 trong tổng số 276 chuyến bay được yêu cầu.

Tôi biết rằng tôi đã viết nhiều bài về C919 (xem ở đâyở đâyở đây); tôi nên để cho chiếc máy bay này một lối thoát. Nhưng thực tế là có rất ít quốc gia đã hoàn toàn làm hỏng một cơ hội tốt như vậy trong việc phát triển và sản xuất một sản phẩm thực sự có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.

Đối với một đất nước như Trung Quốc, việc chế tạo C919 chắc chắn là một mục tiêu có thể đạt được. Ngay từ đầu, nó đã không phải là một chiếc máy bay đột phá đặc biệt. Nhà phân tích hàng không vũ trụ nổi tiếng Richard Aboulafia đã gọi C919 là chiếc máy bay phản lực quá đỗi bình thường; ông nói thêm rằng C919 không được trang bị bất kỳ công nghệ mới nào.

Điều ông Aboulafia nhận xét là chắc chắn đúng; ví dụ, C919 không giống như dòng máy bay phản lực nhỏ của Embraer [nhà sản xuất hàng không vũ trụ đa quốc gia của Brazil]. Embraer đi tiên phong trong việc phát triển các loại máy bay phản lực nhỏ nhưng mạnh mẽ, có sức chứa dưới 125 hành khách, chẳng hạn như ERJ45 hoặc dòng E170 / E190. Do đó, Embraer đã giúp cách mạng hóa ngành kinh doanh chuyên phục vụ các khách hàng thường xuyên di chuyển, đặc biệt là từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại.

Ngay từ đầu, C919 đã là một chiếc máy bay tầm thường. Nó là một chiếc máy bay thân hẹp có sức chứa khoảng 160 hành khách; điều này xếp nó vào cùng loại với hai chiếc máy bay đã tồn tại lâu trên bầu trời là Boeing 737 và Airbus A320.

Boeing 737 (trái) và Boeing 777 (phải) được trưng bày tại Farnborough Airshow, ở Farnborough, Vương quốc Anh, ngày 18/07/2022. (Ảnh: Justin Tallis / AFP qua Getty Images)

Phải nói rằng, không có gì sai khi trở thành một chiếc máy bay chở khách có sức chứa lớn. Thị trường toàn cầu cho máy bay phản lực thân hẹp là khá lớn và C919 có khả năng trở thành một “kẻ thách thức” giá rẻ, dựa vào nguồn lao động giá rẻ của Trung Quốc để cạnh tranh. Ngay cả khi nó chỉ được bán cho các hãng hàng không Trung Quốc, tiềm năng doanh số cũng là rất lớn.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã bỏ lỡ mọi cơ hội. C919, được khởi xướng vào năm 2008, được cho là sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2014 và bắt đầu giao hàng vào năm 2016. Trên thực tế, nó đã không thể bay cho đến năm 2017.

Mặc dù chiếc máy bay này cuối cùng cũng nhận được chứng nhận của CAAC, nó vẫn cần đạt được các chứng nhận khác từ Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) và Cơ quan Hàng không chung của châu Âu (JAA) nếu Bắc Kinh muốn bán loại máy bay này ra nước ngoài.

Trong khi đó, chi phí cho chương trình C919 đã tăng vọt. Trung Quốc được cho là đã chi hơn 20 tỷ USD cho C919.

Kết quả là, giá bán của C919 tăng gấp đôi. Theo dự kiến ​​ban đầu, C919 có giá khoảng 50 triệu USD/chiếc; hiện nay, nó được dự đoán sẽ có giá khoảng 90 – 100 triệu USD cho mỗi chiếc. Đây là mức giá tương đương với Boeing 737 và Airbus A320. C919 đã đánh mất lợi thế về giá mà đáng ra nó có thể có được.

Máy bay chở khách cỡ lớn C919 đầu tiên cất cánh từ Sân bay Quốc tế Phố Đông ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 14/05/2022. (Ảnh: VGC / VCG qua Getty Images)

Cuối cùng, việc gọi C919 là hàng “Made in China” đang trở nên không thật sự đúng. Chiếc máy bay này sử dụng nhiều chi tiết và hệ thống phụ quan trọng mua từ các nhà cung cấp phương Tây, bao gồm hệ thống điện tử hàng không, thiết bị hạ cánh, vỏ bọc các bộ phận, hệ thống điều khiển chuyến bay và quan trọng nhất là động cơ phản lực. Khoảng 60% các nhà cung cấp nước ngoài của C919 là doanh nghiệp Hoa Kỳ như General Electric, Honeywell và Eaton.

Trên thực tế, người ta ước tính rằng chỉ 25% tổng giá trị của C919 thực sự là của Trung Quốc, chủ yếu là trong việc sản xuất thân và cánh, cũng như lắp ráp cuối cùng.

Như nhà phân tích Aboulafia đã nói, “đó là máy bay phản lực của phương Tây hơn là máy bay của Trung Quốc”. Không chỉ đơn giản là làm tổn thương lòng tự hào của người Trung Quốc, sự phụ thuộc quá nhiều vào các thành phần và công nghệ nước ngoài khiến dự án C919 gặp nguy hiểm nghiêm trọng. Mặc dù có bằng chứng cho thấy phần lớn công nghệ được chuyển giao cho Trung Quốc trong C919 hầu như đã cũ và không mang tính đột phá, việc phụ thuộc vào nước ngoài vẫn khiến C919 phải để ý đến tâm trạng của các nhà cung cấp ngoại quốc.

Trong khi đó, các nhà cung cấp nước ngoài này ngày càng trở nên do dự, thậm chí chán ghét, khi nói đến việc hợp tác với Bắc Kinh trong các dự án công nghệ cao. Hành vi hiếu chiến của chính quyền Trung Quốc — như tăng cường đe dọa Đài Loan, bắt nạt các nước trong khu vực, bóp nghẹt dân chủ và nhân quyền ở Hong Kong, không lên án hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine — đã khiến nhiều người ở phương Tây thấy khó chịu và ngày càng lạnh nhạt với Trung Quốc.

Tháng 12/2020, dưới thời chính quyền Trump, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm danh sách “Người dùng cuối trong quân sự” (MEU) vào các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện có. Về cơ bản, danh sách MEU cấm xuất khẩu một số công nghệ nhất định cho một số thực thể (ở Trung Quốc và các quốc gia khác) nếu những thực thể này có “mức rủi ro không thể chấp nhận được trong việc sử dụng hoặc chuyển hướng sang ‘mục đích sử dụng quân sự’”. Những thực thể này bao gồm AVIC – công ty hàng không vũ trụ thuộc sở hữu nhà nước có nhiệm vụ giám sát dự án C919. Say này, chính quyền Biden đã mở rộng cách tiếp cận cứng rắn của ông Trump, đưa 7 công ty Trung Quốc vào danh sách đen; một phần là để ngăn doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc.

Một lúc nào đó, Bắc Kinh có thể sẽ chi mạnh tay cho một số hãng hàng không trong nước mua máy bay C919. Cho đến nay, chỉ có các hãng hàng không Trung Quốc và nhiều công ty cho thuê tài chính Trung Quốc đặt hàng C919 – nhưng nó không có khả năng trở thành dự án cạnh tranh toàn cầu. Thay vào đó, C919 có thể sẽ đi trên con đường của nhiều “dự án phù phiếm” [dự án chỉ để đánh bóng tên tuổi] mang tầm quốc gia khác như Superjet của Nga, N-250 của Indonesia hoặc máy bay phản lực của Thổ Nhĩ Kỳ: không cạnh tranh về mặt công nghệ cũng như không khả thi về mặt kinh tế.

Chi Anh

Related posts