Tin thế giới sáng thứ Sáu: Ngôi sao truyền hình Mỹ bị phạt gần 1.3 triệu USD vì quảng bá tiền ảo

Ngôi sao truyền hình Mỹ bị phạt gần 1.3 triệu USD vì quảng bá tiền ảo

Kim Kardashian. (Ảnh: Tinseltown/Shutterstock)

Theo hãng tin CNN, ngôi sao truyền hình thực tế Kim Kardashian đã đồng ý trả mức phạt 1,26 triệu USD cho Ủy ban Giao dịch Chứng khoán (SEC) sau khi cô quảng bá loại tiền điện tử EthereumMax trên mạng xã hội Instagram.

Cụ thể, SEC đã buộc tội Kardashian vì không khai báo cô được trả 250.000 USD để đăng bài quảng cáo tiền ảo trên Instagram. Theo SEC, Kardashian có 225 triệu người theo dõi Instagram vào thời điểm đăng bài.

“Trường hợp này là một lời nhắc nhở. Khi những người nổi tiếng hoặc những người có sức ảnh hưởng nhận các cơ hội đầu tư, bao gồm cả chứng khoán tài sản tiền điện tử, điều đó không có nghĩa là các sản phẩm đầu tư đó phù hợp với tất cả mọi người. Chúng tôi khuyến khích các nhà đầu tư xem xét các rủi ro của một khoản đầu tư dựa trên các mục tiêu tài chính riêng”, Chủ tịch SEC Gary Gensler khuyến cáo.

Nữ ngôi sao truyền hình cũng cam kết không quảng bá bất kỳ loại tiền điện tử nào trong 3 năm.

SEC phát hiện Kardashian đã vi phạm điều khoản chống quảng bá của luật chứng khoán liên bang. Cơ quan này đã ra mức tiền phạt 1 triệu USD và khoản tiền nữ ngôi sao đã nhận để quảng bá là 250.000 USD cộng với lãi suất. Theo tạp chí Forbes, giá trị tài sản ròng của Kardashian ước tính là 1,8 tỷ USD.

Theo Charles Whitehead, giáo sư tại Trường Luật Cornell, việc SEC phạt Kardashian như một cách để gửi thông điệp đến những người có sức ảnh hưởng khác đang quảng cáo tiền điện tử hoặc các tài sản đầu tư khác.

Kardashian không phải là người nổi tiếng đầu tiên trả tiền phạt cho SEC vì sử dụng sức ảnh hưởng của mình để quảng bá tiền điện tử. Được biết, hồi năm 2018, võ sĩ quyền anh Floyd Mayweather Jr. và nhà sản xuất âm nhạc DJ Khaled từng bị phạt vì quảng bá tiền điện tử. Anh này đã trả hơn 600.000 USD tiền phạt, gấp đôi số tiền mình nhận được khi quảng cáo. Ngoài ra, nam diễn viên Steven Segal đã phải trả hơn 300.000 USD tiền phạt vì làm điều tương tự vào năm 2020.

Phan Anh

Nikkei: Apple đẩy mạnh kế hoạch chuỗi cung ứng thoát phụ thuộc Trung Quốc

Có thông tin Apple đang thương thảo để chuyển một số sản xuất tai nghe AirPods và Beats sang Ấn Độ – một giải pháp để Apple đa dạng hóa nhằm tránh quá phụ thuộc Trung Quốc.

Nikkeidẫn nguồn tin cho hay công ty Apple luôn hy vọng giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, bởi vì chính sách ‘Zero-COVID’ nghiêm ngặt của nhà chức trách Trung Quốc và căng thẳng Mỹ – Trung ngày càng cao làm tăng nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng. Những lý do này khiến động thái tích cực mở rộng sản xuất tại các nước khác như Ấn Độ, Mexico, Việt Nam ngày càng quan trọng đối với Apple.

Nguồn tin chỉ ra công ty Apple đang chuẩn bị cho kế hoạch xem Ấn Độ là cơ sở sản xuất chiến lược, nơi họ dự định sản xuất các thiết bị để xuất khẩu sang các thị trường như châu Âu. Động thái này có thể xem là chiến thắng lớn cho Ấn Độ khi nước này đang “trỗi dậy” trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trước đó trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, có chuyên gia tài chính nổi tiếng tại Đài Loan cũng nhận định rằng một trong những lý do có thể khiến Apple chọn dời trụ sở là do nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu điện thoại Apple bán cho người Trung Quốc, phải có tỷ lệ thành phần nội địa hóa nhất định ở Trung Quốc, ví dụ cần dùng bộ nhớ flash NAND của YMTC Trung Quốc. Nhưng nếu Apple làm vậy có thể ảnh hưởng đến tiếp cận thị trường của họ tại nhiều nơi khác trên thế giới.

Chuyên gia Đài Loan này cho rằng chính sách của Apple thiên về “điện thoại di động bán cho Trung Quốc được sản xuất tại Trung Quốc”, trong khi điện thoại di động sản xuất tại Ấn Độ có thể bán ra thế giới.

Được biết hiện nay công ty Luxshare Precision Industry chuyên sản xuất AirPods ở Việt Nam và Trung Quốc cũng có kế hoạch sản xuất tai nghe không dây phổ biến này ở Ấn Độ. Hiện Luxshare đang tập trung vào việc kinh doanh sản xuất AirPods tại Việt Nam, nhưng sớm muộn cũng sẽ bắt đầu sản xuất AirPods ở Ấn Độ.

Nikkei lưu ý rằng AirPods là một trong những sản phẩm đầu tiên của Apple được sản xuất hàng loạt bên ngoài Trung Quốc. Việc sản xuất được chuyển sang Việt Nam hồi năm 2019 trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.

Hiện tại mỗi năm AirPods xuất xưởng hơn 7000 bộ, trong các sản phẩm của Apple thì mặt hàng này chỉ đứng sau iPhone. Nguồn tin cho biết từ năm ngoái, phần lớn việc sản xuất tai nghe Beats cũng đã được chuyển sang Việt Nam.

Thời gian gần đây ‘gã khổng lồ’ công nghệ Mỹ này đã không ngừng dịch chuyển một số khu vực sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Ví như vào đầu năm nay, Apple bắt đầu sản xuất iPhone 13 ở Ấn Độ và tuần trước đã công bố kế hoạch sản xuất iPhone 14 mới nhất tại Ấn Độ.

Tháng trước, nhà chức trách Ấn Độ cũng đã lên kế hoạch tăng các ưu đãi tài chính để lôi kéo Apple lắp ráp máy tính bảng iPad tại nước này.

Nhà phân tích Joey Yen tại công ty Công ty Dữ liệu Quốc tế IDC nói với Nikkei rằng Ấn Độ đang học hỏi kinh nghiệm nhiều năm của Trung Quốc. Bà Joey Yen nói: “Họ có tiềm năng tương tự để trở thành bên tham gia rất có ý nghĩa trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Họ có nền tảng là nhiều tài năng công nghệ trẻ, lực lượng lao động khổng lồ và thị trường nội địa khổng lồ”.

Bà nhận định: “Chính sách ‘Zero-COVID’ kéo dài của Trung Quốc thúc đẩy các công ty công nghệ tìm giải pháp thay thế, theo đó về dài hạn Ấn Độ có thể có cơ hội phát triển. Nhưng trước mắt Ấn Độ vẫn cần nhiều thời gian để minh bạch hơn về tất cả các chính sách và hoàn thiện hơn chuỗi cung ứng”.

Theo Trần Đình, Epoch Times

TT Zelensky: Ông Putin sẽ không sống sót nếu quyết định tấn công hạt nhân

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm thứ Năm (6/10) nói rằng “thật khó để nói” liệu rủi ro chiến tranh hạt nhân đã leo thang cùng với việc quân đội Ukraine giành lại lãnh thổ hay không. Nhưng ông vẫn tự tin người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ không sống sót nếu chiến tranh tăng lên đến mức độ như vậy.

Ông Zelensky đưa ra phát biểu nêu trên trong video gửi hội nghị của Viện Lowy. Tuần qua, quân đội Ukraine tuyên bố đã lấy lại được một số lãnh thổ mà Nga vừa sáp nhập bất hợp pháp.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng cảnh báo rằng ông ta sẽ không do dự sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn Ukraine nỗ lực giành lại quyền kiểm soát các khu vực Moscow chiếm đóng.

Khi được hỏi liệu rủi ro Nga sử dụng vũ khí hạt nhân đã tăng lên, ông Zelensky nói qua một thông dịch viên: “Thật khó để trả lời”.

Ông Zelensky đã đặt nghi vấn liệu ông Putin có hoàn toàn kiểm soát được chiến dịch của Nga để ra lệnh tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật hay chưa. Người Nga đã thấy “thật khó để kiểm soát mọi thứ đang xảy ra trong đất nước họ, cũng giống như họ đang không kiểm soát được mọi thứ họ gặp phải trên chiến trường”, ông Zelensky nói.

Tổng thống Zelensky cũng nói rằng người đồng cấp Putin đã hiểu rằng “thế giới sẽ không bao giờ tha thứ” cho Nga khi họ tiến hành tấn công hạt nhân.

“Ông ta hiểu rằng sau khi sử dụng vũ khí hạt nhân, thì ông sẽ không thể bảo vệ mạng sống của mình thêm nữa, và tôi tự tin về điều đó”, ông Zelensky nói.

Hải Đăng (Theo AP)

Mỹ cáo buộc Nga khai thác tài nguyên của châu Phi để cấp tiền cho chiến tranh Ukraine

Mỹ hôm thứ Năm (6/10) đã cáo buộc Nga đang khai thác tài nguyên thiên nhiên tại Cộng hòa Trung Phi, Mali, Sudan và những nơi khác để cấp tiền cho cuộc chiến tranh tại Ukraine. Moscow bác bỏ cáo buộc này và gọi đó là “sự cuồng nộ chống Nga”.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield hôm 6/10 nói rằng nhóm lính đánh thuê Wagner Group đang khai thác tài nguyên thiên nhiên và “khoản tiền phi pháp này được sử dụng để chi trả cho cỗ máy chiến tranh của Moscow tại châu Phi, Trung Đông và Ukraine”.

“Chắc chắn là: Mọi người dân khắp châu Phi đang trả giá đắt cho những hoạt động bóc lột của Wagner Group và các hành vi vi phạm nhân quyền của nhóm này”, bà Thomas-Greenfield nói trong cuộc cuộc của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thảo luận về vấn đề tài chính của các nhóm vũ trang có được thông qua buôn lậu tài nguyên thiên nhiên tại châu Phi.

Wagner Group tập hợp các cựu chiến binh từng biên chế trong lực lượng vũ trang Nga. Nhóm này hiện chiến đấu tại Libya, Syria, Cộng hòa Trung Phi, Mali và các quốc gia khác. Wagner Group được thành lập vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và bắt đầu ủng hộ các phần tử ly khai thân Nga tại khu vực Donbass, miền đông Ukraine.

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia nói ông lấy làm tiếc khi bà Thomas-Greenfield dấy lên vấn đề về “sự ủng hộ của Nga đối với các đối tác châu Phi”.

“Điều này bộc lộ rõ những kế hoạch và mục đích thực sự của họ – bộc lộ rõ những gì họ thực sự cần từ các quốc gia châu Phi”, ông Vassily Nebenzia nói mà không nêu chi tiết.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine từ 24/2 đến vào thời điểm sự cạnh tranh tăng cao giữa phương Tây, Trung Quốc và Nga về nguồn tài nguyên thiên nhiên, thương mại và các mối quan hệ tại châu Phi. Một số quốc gia châu Phi lo lắng về việc bị siết chặt vào giữa một cuộc cạnh tranh địa chính trị mãnh liệt.

Ở thời điểm hiện tại, Nga đang gặp khó khăn trên chiến trường cũng như mặt trận ngoại giao. Moscow đang nỗ lực thoát khỏi sự cô lập của quốc tế sau khi từ đầu tháng Ba đã có tới ¾ thành viên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu khiển trách và yêu cầu Nga phải rút quân khỏi Ukraine.

9 thành viên của Hội đồng Bảo an vừa qua cũng đã phát đi tuyên bố chung lên án Nga sáp nhập trái phép 4 khu vực của Ukraine. Động thái này được đưa ra sau khi Nga phủ quyết nghị quyết lên án của Hội đồng Bảo an. Không có thành viên nào đứng về phía Nga, trong khi Ấn Độ và Trung Quốc bỏ phiếu trắng.

Tuần tới, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc 193 thành viên dự kiến sẽ bỏ phiếu xem liệu có thông qua nghị quyết lên án Nga sáp nhập 4 khu vực của Ukraine hay không.

Hải Đăng (Theo Reuters)

Related posts