‘Một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra’: Hai mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ

New York Times

Tác giả: David Leonhardt

Đỗ Kim Thêm dịch

21-9-2022

Hoa Kỳ đã trải nghiệm sự bất ổn chính trị nghiêm trọng nhiều lần trước đó trong thế kỷ qua. Cuộc Đại Suy thoái khiến cho người Mỹ nghi ngờ về hệ thống kinh tế của đất nước. Thế chiến thứ hai và Chiến tranh Lạnh cho thấy những mối đe dọa từ các phong trào toàn trị trên toàn cầu. Thập niên 1960 và 1970 bị đánh dấu bởi các vụ ám sát, bạo loạn, thua chiến và một tổng thống bị thất sủng.

Mỗi giai đoạn trước đó là mỗi một lần báo động theo một số cách khác nhau so với bất cứ những gì đã xảy ra gần đây ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong mỗi thời kỳ hỗn loạn trước đây, các năng động cơ bản của nền dân chủ Mỹ vẫn còn vững chắc. Các ứng cử viên giành được nhiều phiếu bầu nhất đã có thể nắm quyền và cố gắng giải quyết các vấn đề của đất nước.

Giai đoạn hiện nay là khác hẳn. Do đó, ngày nay Hoa Kỳ tự thấy mình đang ở trong một tình huống có ít tiền lệ lịch sử. Nền dân chủ Mỹ đang đối mặt với hai mối đe dọa riêng biệt, cùng thể hiện thách thức nghiêm trọng nhất đối với lý tưởng cai trị đất nước trong nhiều thập niên.

Mối đe dọa đầu tiên là nghiêm trọng: Một phong trào ngày càng gia tăng trong lòng một trong hai chính đảng của đất nước: Đảng Cộng hòa phủ nhận thất bại trong cuộc bầu cử.

Cuộc tấn công bằng bạo lực tại Quốc Hội vào ngày 6 tháng 1 năm 2021 nhằm ngăn chặn việc chứng nhận Biden thắng cử tổng thống là biểu hiện rõ ràng nhất của phong trào này, nhưng nó vẫn tiếp tục kể từ đó. Hàng trăm quan chức thuộc đảng Cộng hòa được bầu trên khắp đất nước tuyên bố sai sự thật rằng cuộc bầu cử năm 2020 đã bị gian lận. Một số trong nhóm người này đang tranh cử vào các chức vụ trên toàn tiểu bang sẽ giám sát các cuộc bầu cử trong tương lai, có tiềm năng đưa họ vào vị thế lật ngược một cuộc bầu cử vào năm 2024 hoặc sau đó nữa.

Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, một tổng thống được bầu một cách hợp pháp sẽ không thể nhậm chức, chuyện có thể xảy ra“, Yascha Mounk, nhà khoa học chính trị tại Đại học Johns Hopkins, người nghiên cứu về nền dân chủ, nói.

Mối đe dọa thứ hai đối với nền dân chủ là kinh niên nhưng cũng đang gia tăng: Quyền lực thiết lập chính sách của chính phủ đang ngày càng trở nên mất kết nối với công luận.

Theo các cuộc thăm dò, việc thực hiện các quyết định gần đây của Tối cao Pháp viện, cả trong tầm bao quát và không được ưa chuộng, nó làm nổi bật việc mất kết nối này. Mặc dù Đảng Dân chủ đã thắng số phiếu phổ thông trong bảy của tám cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, Tối cao Pháp viện bị khống chế bởi những người được đảng Cộng hòa bổ nhiệm dường như đã sẵn sàng định hình nền chính trị Mỹ trong nhiều năm, nếu không nói là nhiều thập niên. Và tòa án chỉ là một trong những phương tiện mà qua đó các kết quả chính sách đang trở nên ít gắn bó chặt chẽ hơn với ý muốn của quần chúng.

Hai trong số bốn tổng thống trong quá khứ đã nhậm chức mặc dù thua phiếu phổ thông. Các thượng nghị sĩ đại diện cho đa số người Mỹ thường không thể thông qua các dự luật, một phần là do việc họ sử dụng ngày càng nhiều thủ tục kéo dài thời gian. Ngay cả Hạ viện cũng vậy, được xem như một bộ phận trong công quyền để phản ánh hầu hết ý chí quần chúng, không phải lúc nào cũng làm như vậy, vì phương cách được các địa phương quy định.

“Chúng ta đang ngày càng xa rời với nền dân chủ chống lại đa số nhất trên thế giới,” Steven Levitsky, giáo sư ngành Công quyền, thuộc học Đại học Harvard nói. Cùng với Daniel Ziblatt, ông là đồng tác giả của cuốn sách “How Democracies Die”.  (Các nền dân chủ chết như thế nào).

Nguyên nhân của hai mối đe dọa đối với nền dân chủ rất phức tạp và được các học giả tranh luận.

Các mối đe dọa kinh niên đối với nền dân chủ thường xuất phát từ những đặc điểm lâu dài của chính phủ Mỹ, một số được quy định trong Hiến pháp. Nhưng các đe doạ này đã không mâu thuẫn với ý kiến của đa số ở cùng một mức độ trong những thập niên qua. Một lý do là, các tiểu bang đông dân hơn, nơi các cư dân nhận được ít quyền lực hơn vì Thượng viện và Đại cử tri đoàn đã phát triển rộng lớn hơn rất nhiều so với các tiểu bang nhỏ.

Các mối đe dọa cấp thời đối với nền dân chủ – và sự gia tăng của tình cảm độc đoán, hoặc ít nhất là việc chấp nhận nó, trong số nhiều cử tri – có những nguyên nhân khác nhau. Chúng phản ánh phần nào sự thất vọng trong gần nửa thế kỷ về mức sống phát triển chậm chạp của tầng lớp lao động và trung lưu Mỹ. Chúng cũng phản ánh nỗi sợ hãi về văn hóa, đặc biệt là ở người da trắng, rằng Hoa Kỳ đang được biến đổi thành một quốc gia mới, đa dạng hơn về chủng tộc và ít tín ngưỡng tôn giáo hơn, cùng với các thái độ đang thay đổi một cách nhanh chóng đối với giới tính, ngôn ngữ và hơn thế nữa.

Những thất vọng về kinh tế và nỗi sợ hãi về văn hóa đã kết hợp nhau để tạo ra một sự ngăn cách trong sinh hoạt chính trị của Mỹ, giữa các khu vực đô thị lớn thịnh vượng, đa dạng và các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn còn nặng về truyền thống, tôn giáo và đang đấu tranh về kinh tế hơn. Loại thứ nhất là ngày càng tự do và theo đảng Dân chủ, loại thứ hai ngày càng bảo thủ và theo đảng Cộng hòa.

Ảnh: Cuộc tấn công điện Capitol ngày 6-1-2022 là biểu hiện rõ ràng nhất của phong trào ngày càng gia tăng trong đảng Cộng hòa phủ nhận việc thất cử. Nguồn: Ashley Gilbertson /NYT.

Cuộc cạnh tranh chính trị giữa hai bên có thể cảm thấy vấn đề sinh tồn đối với người dân ở cả hai phe, họ có những bất đồng gần như mọi vấn đề nổi bật. Lilliana Mason, nhà khoa học chính trị và là tác giả của tác phẩm Uncivil Agreement: “How Politics Became Our Identity” nói: “Khi  bỏ phiếu, chúng tôi không chỉ bỏ phiếu cho một loạt các chính sách, mà còn cho những gì mà chúng tôi nghĩ khiến mình trở thành người Mỹ và với tư cách là một dân tộc. Nếu đảng của chúng tôi thua cử, thì tất cả những phần này của chúng tôi đều cảm thấy như những kẻ thua cuộc”.

Những bất đồng gay gắt này đã khiến nhiều người Mỹ nghi ngờ hệ thống chính phủ của đất nước. Trong một cuộc thăm dò gần đây của đại học Quinnipiac, 69% đảng viên Dân chủ và 69% đảng viên Cộng hòa nói rằng, nền dân chủ “có nguy cơ sụp đổ”. Tất nhiên, hai bên có quan điểm rất khác nhau về bản chất của mối đe dọa.

Nhiều đảng viên của đảng Dân chủ chia sẻ các mối quan tâm của các nhà sử học và học giả, họ nghiên cứu nền dân chủ, chỉ ra khả năng của việc kết quả bầu cử bị lật ngược và sự suy tàn của chế độ theo quy luật đa số. Trong một bài diễn văn đọc trước Independence Hall ở Philadelphia tháng này, Tổng thống Biden nói: “Tình trạng bình đẳng và nền dân chủ đang bị tấn công. Tự chúng ta không lợi khi ngụy tạo một cách khác đi“.

Nhiều đảng viên của đảng Cộng hòa đã bảo vệ các chiến thuật công kích ngày càng tăng lên của họ bằng cách nói rằng, họ đang cố gắng bảo vệ các giá trị Mỹ. Trong một số trường hợp, những lời tuyên bố này dựa trên sự giả dối về gian lận bầu cử, “chủ nghĩa xã hội” được cho là của ông Biden, nơi sinh của Barack Obama, v.v…

Những người khác, bắt nguồn từ sự lo lắng về những phát triển thực sự, bao gồm việc nhập cư bất hợp pháp và “văn hóa phủ nhận”. Một số người thuộc cánh tả hiện nay coi những ý kiến được tôn trọng một cách rộng rãi giữa những người Mỹ bảo thủ và ôn hòa – về các vấn đề phá thai, trị an, biện pháp chiếu cố đặc biệt đến các thành phần trước đây bị xem là kỳ thị, Covid-19 và các chủ đề khác – là có thể bị phản đối đến mức là họ không thể tranh luận được. Theo quan điểm của giới bảo thủ và một số chuyên gia, tình thế không thể khoan dung này đang bóp nghẹt cuộc tranh luận mở rộng ở trọng tâm của hệ thống chính trị Mỹ.

Ý nghĩa dị biệt về cuộc khủng hoảng phe cánh tả và hữu tự nó có thể làm suy yếu nền dân chủ, và nó đã trở nên trầm trọng hơn bởi công nghệ.

Các thuyết âm mưu và những lời nói dối trơ trẽn có một lịch sử lâu dài của Mỹ, bắt nguồn từ các cuộc tấn công cá nhân vốn là sản phẩm chính yếu của báo chí thuộc đảng phái trong thế kỷ 18. Vào giữa thế kỷ 20, hàng chục ngàn người Mỹ đã gia nhập Hiệp hội John Birch, một nhóm cực hữu đã cáo buộc Dwight Eisenhower là mật vụ Cộng sản.

Tuy nhiên, ngày nay, sự giả dối có thể lan truyền một cách dễ dàng hơn, thông qua phương tiện truyền thông xã hội và môi trường tin tức bị rạn nứt. Trong thập niên 1950, không có mạng lưới truyền hình quan trọng nào truyền tải những lời nói dối về Eisenhower. Trong những năm gần đây, Fox News, kênh truyền hình cáp được theo dõi nhiều nhất của đất nước, thường xuyên quảng bá sự giả dối về kết quả bầu cử, nơi sinh của ông Obama và các chủ đề khác.

Những lực lượng tương tự này – truyền thông kỹ thuật số, thay đổi văn hóa và đình trệ kinh tế ở các nước giàu có – giúp giải thích tại sao nền dân chủ cũng đang tranh đấu ở những nơi khác trên thế giới. Chỉ hai thập niên trước, vào đầu thế kỷ 21, dân chủ là hình thức chính phủ chiến thắng trên khắp thế giới, chế độ chuyên chế lâm cảnh thoái trào ở đế chế Liên Xô cũ, Argentina, Brazil, Chile, Nam Phi, Hàn Quốc và các nơi khác. Ngày nay, xu hướng trên toàn cầu đang đi theo hướng khác.

Vào cuối thập niên 1990, 72 quốc gia đang dân chủ hóa và chỉ có ba quốc gia ngày càng phát triển độc đoán hơn, theo dữ liệu của V-Dem, một viện nghiên cứu Thụy Điển theo dõi nền dân chủ. Năm ngoái, chỉ có 15 quốc gia phát triển dân chủ hơn, trong khi 33 quốc gia ngã theo phía chủ nghĩa độc tôn.

Một số chuyên gia vẫn còn hy vọng rằng, sự quan tâm ngày càng gia tăng ở Hoa Kỳ đối với các vấn đề của nền dân chủ có thể giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng hiến pháp ở đây. Những nỗ lực của Donald Trump vốn dĩ nhằm lật ngược cuộc bầu cử năm 2020 đã thất bại, một phần là do sự từ chối tham gia của nhiều quan chức thuộc đảng Cộng hòa, và cả các công tố viên liên bang và tiểu bang đang điều tra các hành vi của ông ta. Trong khi sự suy vi kinh niên của quy luật theo đa số sẽ không sớm thay đổi, nó cũng là một phần của cuộc đấu tranh lịch sử rộng lớn hơn để tạo ra một nền dân chủ Mỹ gắn kết toàn diện hơn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, vẫn chưa rõ làm thế nào đất nước sẽ thoát ra khỏi một cuộc khủng hoảng lan rộng hơn, chẳng hạn như một cuộc bầu cử bị lật ngược, vào một thời điểm nào đó trong thập niên tới. Carol Anderson, giáo sư Đại học Emory và là tác giả của cuốn sách, “One Person, No Vote,” nói về sự đàn áp cử tri: “Đây không phải là nền chính trị bình thường, hãy sợ hãi”.

Ý chí của đa số

Các bậc quốc phụ đã không thiết kế cho Hoa Kỳ thành một nền dân chủ thuần túy. Họ không tin tưởng vào khái niệm cổ điển về nền dân chủ trực tiếp, trong đó một cộng đồng cùng nhau bỏ phiếu về từng vấn đề quan trọng và tin rằng điều đó sẽ không thực tế đối với một quốc gia rộng lớn. Họ không coi nhiều cư dân của đất nước mới là những công dân xứng đáng có tiếng nói trong chính sự, bao gồm cả người bản địa, người châu Phi bị bắt làm nô lệ và phụ nữ. Giới lập quốc cũng muốn hạn chế chính phủ quốc gia có quá nhiều quyền lực, khi họ tin rằng đó là trường hợp ở Anh. Họ có một vấn đề thực tế là cần thuyết phục cho 13 tiểu bang bỏ một số quyền lực cho một chính phủ liên bang mới.

Thay vì một nền dân chủ trực tiếp, những nhà lập quốc đã tạo ra một nước cộng hòa, với các đại diện được bầu để đưa ra các quyết định và một chính phủ có nhiều tầng lớp, trong đó các ban ngành khác nhau kiểm soát lẫn nhau. Hiến pháp cũng tạo ra Thượng viện, nơi mọi tiểu bang đều có tiếng nói bình đẳng, bất kể dân số.

Khi chỉ ra lịch sử này, một số chính trị gia đảng Cộng hòa và các nhà hoạt động bảo thủ đã lập luận rằng, giới lập quốc cảm thấy thoải mái với sự nguyên tắc thiểu số. “Tất nhiên, chúng ta không phải là một nền dân chủ,” Thượng nghị sĩ Mike Lee của Utah viết.

Nhưng bằng chứng lịch sử cho thấy rằng, các bậc khai quốc tin rằng ý muốn của đa số – được định nghĩa là quan điểm chiếm ưu thế của những công dân có quyền đầu phiếu- nói chung, họ nên quy định chính sách quốc gia, như George Thomas của Claremont McKenna College và các học giả khác về hiến pháp giải thích.

Trong luận phẩm Federalist Paper, James Madison đã đánh đồng giữa “một liên minh của đa số trên toàn xã hội” với “công lý và tiện ích chung”. Alexander Hamilton cũng đưa ra những quan điểm tương tự, khi mô tả “nền dân chủ đại nghị” “hạnh phúc, thường xuyên và bền vững”. Đó là một ý tưởng cấp tiến vào thời điểm đó.

Đối với hầu hết lịch sử Hoa Kỳ, ý tưởng này chiếm ưu thế. Ngay cả với sự hiện hữu của Thượng viện, Đại cử tri đoàn và Tối cao Pháp viện, quyền lực chính trị phản ánh quan điểm của dân chúng, những người có quyền bầu cử. Ziblatt, nhà khoa học chính trị thuộc đại học Harvard, nói: “Để nói rằng chúng ta là một nước cộng hòa, không phải một nền dân chủ, là xem thường 250 năm lịch sử quá khứ“.

Trước năm 2000, chỉ có ba ứng cử viên thắng cử tổng thống trong khi thua phiếu phổ thông (John Quincy Adams, Rutherford Hayes và Benjamin Harrison) và mỗi ứng cử viên chỉ phục vụ một nhiệm kỳ duy nhất. Trong cùng thời gian đó, các đảng thắng cử nhiều lần có thể cầm quyền, bao gồm đảng Dân chủ-Cộng hòa trong thời Thomas Jefferson, Dân chủ thời New Deal và Cộng hòa thời Reagan.

Tình hình đã thay đổi trong thế kỷ 21, đảng Dân chủ đang ở giữa hàng loạt chiến thắng lịch sử. Bảy trong số tám cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, từ chiến thắng năm 1992 của Bill Clinton, ứng cử viên đảng Dân chủ, đã thắng trong cuộc bầu phiếu phổ thông. Trải qua hơn hai thế kỷ của nền dân chủ Mỹ, trước đây không có đảng nào phát triển tốt như vậy trong một thời kỳ kéo dài.

Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại hầu như không phải là thời thống trị của đảng Dân chủ.

Điều gì đã thay đổi? Một yếu tố quan trọng là trong quá khứ, nhiều nơi trên đất nước được Hiến pháp trao quyền lực quá lớn – cho các tiểu bang ít dân cư hơn, có xu hướng thiên về nông thôn hơn – đã bỏ phiếu theo những cách tương tự như các tiểu bang rộng lớn và khu vực thành thị.

Sự tương đồng này có nghĩa là phần thưởng của các tiểu bang nhỏ tại Thượng viện và Đại cử tri đoàn chỉ có ảnh hưởng hạn chế đến kết quả trên toàn quốc. Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều được hưởng lợi và phải chịu đựng những đặc điểm phi dân chủ của Hiến pháp.

Đảng Dân chủ đôi khi thắng cử ở các tiểu bang nhỏ như Idaho, Montana, Utah và Wyoming vào giữa thế kỷ 20. Và tiểu bang California từ lâu đã là một bang dao động: Giữa cuộc Đại Suy thoái và năm 2000, các ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã thắng cử với một số lần bằng nhau. Việc Hiến pháp trao các lợi thế cho các cư dân của các tiểu bang nhỏ và những bất lợi cho người dân thuộc tiểu bang California đã không thúc đẩy một cách đáng tin cậy cho cả một trong hai đảng.

Trong những thập niên gần đây, người Mỹ ngày càng tự mình tuân theo các đường lối về ý thức hệ. Những người theo chủ thuyết tự do đã đổ xô đến các khu vực đô thị lớn, tập trung nhiều ở các tiểu bang lớn như California, trong khi cư dân của các thành phố nhỏ hơn và các khu vực nông thôn hơn đã trở nên bảo thủ hơn.

Sự kết hợp này – cấu trúc của Hiến pháp và sự phân vùng địa lý của đất nước – đã tạo ra sự mất kết nối giữa công luận và các kết quả về bầu cử. Nó đã ảnh hưởng đến mọi cơ quan của chính phủ liên bang: Nhiệm kỳ tổng thống, Quốc hội và thậm chí cả Tối cao Pháp viện.

Ảnh: Joe Biden vận động tranh cử ở Los Angeles hồi tháng 3-2020 và tiếp tục thắng cử với 29 phần trăm điểm ở tiểu bang California. Nguồn: Josh Haner/ NYT.

Ông Levitsky nói: “Trong quá khứ, hệ thống này vẫn là phản dân chủ, nhưng nó không có tác dụng đảng phái. Bây giờ nó phi dân chủ và có tác dụng đảng phái. Nó nghiêng sân chơi về phía đảng Cộng hòa. Đó là điều mới lạ trong thế kỷ 21“.

Trong các cuộc bầu cử tổng thống, sự thiên vị của các tiểu bang nhỏ là quan trọng, nhưng nó thậm chí không phải là vấn đề chính. Một yếu tố tinh tế hơn là tính chất kẻ thắng cử nắm tất cả trong các cuộc bầu cử của Đại cử tri ở hầu hết các tiểu bang. Các ứng viên chưa bao giờ nhận được thêm tín nhiệm để thắng cử trong các vụ thắng phiếu gây long trời lở đất ở cấp tiểu bang. Nhưng đặc tính này thường không quan trọng, bởi vì thắng cử trên quy mô lớn này rất hiếm khi xảy ra ở các tiểu bang lớn hơn, có nghĩa là, có ít phiếu bầu bị “lãng phí” một cách tương đối, như các nhà khoa học chính trị nói.

Ngày nay, đảng Dân chủ chế ngự một số tiểu bang lớn, lãng phí nhiều phiếu bầu. Năm 2020, ông Biden đã thắng ở tiểu bang California với 29 phần trăm điểm; New York tăng 23 điểm; và Illinois với 17 điểm. Bốn năm trước đó, mức thắng của Hillary Clinton cũng tương tự.

Sự thay đổi này có nghĩa là hàng triệu cử tri ở các khu vực đô thị lớn đã rời xa Đảng Cộng hòa mà không có bất kỳ tác động nào đến các kết quả bầu cử tổng thống. Đó là lý do chính mà cả George W. Bush và Trump đều có thể giành chiến thắng trong nhiệm kỳ tổng thống trong khi thua trong cuộc bỏ phiếu phổ thông.

Mindy Romero, Giám đốc Trung tâm Hội nhập Dân chủ tại Đại học Nam California nói: “Ngày nay, chúng ta đang ở trong một thế giới rất khác biệt so với khi hệ thống đã thiết kế. Động lực của việc bị đẩy sang một bên là rõ ràng hơn và tôi nghĩ càng nản lòng nhiều hơn“.

Đảng viên đảng Cộng hòa đôi khi chỉ ra rằng, hệ thống này ngăn cản một vài tiểu bang đông dân chế ngự nền chính trị của đất nước, điều này là đúng. Nhưng sự lật ngược nhanh và bất ngờ cũng đúng: Hiến pháp dành những đặc quyền cho cư dân của các tiểu bang nhỏ. Trong các cuộc bầu cử tổng thống, nhiều cử tri ở các tiểu bang lớn đã trở nên không liên quan theo cách không có tiền đề trong lịch sử.

Nguyên nhân tai hoạ là do việc phân vùng địa lý

Ảnh: Sau vụ kiện Roe v. Wade đã bị đảo ngược vào tháng 6, nhiều người đến biểu tình bên ngoài Tối cao Pháp viện. Nếu các cuộc bầu cử phản ánh ý kiến của quần chúng, thì những thẩm phán do đảng Dân chủ bổ nhiệm sẽ khống chế Tòa, nhưng hiện nay, Toà có đa số theo bảo thủ với sáu thành viên. Nguồn: Doug Mills/ NYT

Các mô hình về dân số của đất nước đang thay đổi, có thể đã có tác động thậm chí còn lớn hơn đối với Quốc hội – đặc biệt là Thượng viện – và Tối cao Pháp viện so với nhiệm kỳ tổng thống.

Việc phân vùng của những người theo chủ thuyết tự do vào trong các khu vực đô thị lớn và những người bảo thủ vào trong các khu vực nông thôn chỉ là một lý do. Một lý do khác là các tiểu bang lớn đã phát triển nhanh hơn nhiều so với các tiểu bang nhỏ. Năm 1790, tiểu bang lớn nhất (Virginia) có số lượng cư dân gấp 13 lần so với tiểu bang nhỏ nhất (Delaware). Ngày nay, California có số lượng cư dân gấp 68 lần so với Wyoming; gấp 53 lần so với Alaska; và ít nhất gấp 20 lần so với 11 tiểu bang khác.

Cộng chung lại, những xu hướng này có nghĩa là Thượng viện có khuynh hướng mạnh để ủng hộ đảng Cộng hoà, mà nó sẽ tồn tại trong tương lai trước mắt.

Ngày nay, Thượng viện được chia theo tỷ lệ 50-50 giữa hai đảng. Nhưng 50 thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ đại diện một cách hiệu quả cho 186 triệu người Mỹ, trong khi 50 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đại diện đúng cho 145 triệu. Để giành quyền kiểm soát Thượng viện, đảng Dân chủ cần thắng hơn một nửa số phiếu bầu trên toàn quốc trong cuộc bầu cử Thượng viện.

Tình trạng này đã dẫn đến vấn đề bất bình đẳng về chủng tộc trong việc đại diện chính trị. Các cư dân của các tiểu bang nhỏ được Hiến pháp tạo thêm ảnh hưởng một cách không cân xứng là người da trắng,  trong khi các tiểu bang lớn là nơi sinh sống của nhiều cử tri người Mỹ gốc Á, da đen và Latin hơn.

Ngoài ra, hai khu vực của đất nước có người da đen hoặc người Mỹ La tinh không cân xứng – Washington, DC và Puerto Rico – không có đại diện của Thượng viện. Washington có nhiều cư dân hơn Vermont hoặc Wyoming, và Puerto Rico có nhiều cư dân hơn 20 tiểu bang. Do đó, Thượng viện đưa ra tiếng nói chính trị cho người Mỹ da trắng lớn hơn số lượng của họ.

Hạ viện có một hệ thống công bằng hơn để phân bổ quyền lực chính trị. Nó chia đất nước thành 435 địa hạt bầu cử, mỗi địa hạt có số lượng người tương tự nhau (hiện tại là khoảng 760.000). Tuy nhiên, các địa hạt tranh cử Hạ viện có hai đặc điểm có thể khiến việc chuẩn bị thành hình cho Hạ viện không phản ánh ý kiến quốc gia, và cả hai đều trở nên quan trọng hơn trong những năm gần đây.

Việc đầu tiên đã được biết rõ: đó là các thủ thuật làm thay đổi các biên giới của các địa hạt tranh cử (gerrymandering). Các cơ quan lập pháp tiểu bang thường quy định ranh giới cho địa hạt tranh cử và trong những năm gần đây đã trở nên công hãm hơn trong các ranh giới này theo những cách thuộc về đảng phái. Ví dụ như ở Illinois, đảng Dân chủ kiểm soát chính quyền tiểu bang đã tập hợp các cử tri thuộc đảng Cộng hòa vào trong một số lượng nhỏ các địa hạt thuộc Hạ viện, để cho phép hầu hết các địa hạt khác nghiêng về đảng Dân chủ. Ở Wisconsin, đảng Cộng hòa đã làm điều ngược lại.

Bởi vì đảng Cộng hòa đã mạnh bạo trong các thủ thuật này hơn đảng Dân chủ, bản đồ Hạ viện hiện tại sẳn sàng ủng hộ cho đảng Cộng hòa, có thể là một vài ghế. Ở cấp tiểu bang, đảng Cộng hòa thậm chí còn táo bạo hơn. Các thủ thuật thay đổi biên giới tranh cử đã giúp họ chế ngự các cơ quan lập pháp tiểu bang ở Michigan, Bắc Carolina và Ohio, mặc dù các tiểu bang bị phân hoá nặng nề.

Tuy nhiên, các thủ thuật không phải là lý do duy nhất khiến tư cách dân biểu Hạ viện trở nên ít phản ánh quan điểm quốc gia hơn trong những năm gần đây. Nó thậm chí có thể không phải là lý do lớn nhất, theo Jonathan A. Rodden, nhà khoa học chính trị tại Đại học Stanford. Phân vùng tranh cử theo địa lý là vấn đề.

Rodden đã viết: “Không nghi ngờ gì là các thủ thuật này khiến cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn đối với đảng Dân chủ, nhưng vấn đề cơ bản của họ có thể được tóm tắt bằng câu châm ngôn cũ thuộc về giá trị bất động sản: địa thế, địa thế, địa thế.”

Các cử tri đảng Dân chủ tập trung ngày càng tăng nơi các khu vực có tàu điện ngầm lớn, có nghĩa là, ngay cả một hệ thống trung dung cũng sẽ gặp khó khăn trong việc phân phối cho những cử tri theo đảng Dân chủ đông đúc này trên khắp các địa hạt theo cách mà nó cho phép đảng thắng cử nhiều hơn.

Thay vào đó, đảng Dân chủ hiện thắng cử Hạ viện ở các khu vực thành thị do việc chia khu vực và mất nhiều phiếu bầu. Năm 2020, chỉ có 21 ứng viên Hạ viện của đảng Cộng hòa thắng cử với ít nhất 50 phần trăm điểm. Bốn mươi bảy đảng viên Đảng Dân chủ đã thắng.

Quan sát các nơi mà nhiều cuộc bầu cử trong số này đã xảy ra giúp cho Rodden đưa ra quan điểm. Những người chiến thắng vang dội bao gồm dân biểu Hạ viện Diana DeGette tại Denver; dân biểu Hạ viện Jerry Nadler tại thành phố New York; Đại biểu Jesús García tại Chicago; Đại biểu Donald Payne Jr. ở phía bắc New Jersey; và dân biểu Hạ viện Barbara Lee tại Oakland, California. Không có địa hạt tranh cử nào trong số đó nằm ở các tiểu bang mà đảng Cộng hòa đã kiểm soát ranh giới lập pháp, điều đó có nghĩa là, chúng không phải là kết quả trong thủ thuật quy định biên giới của đảng Cộng hòa.

Liên tục như vậy, việc phân vùng tranh cử theo địa lý đã gây ra nguyên nhân cho sự mất kết nối ngày càng tăng giữa công luận và các kết quả bầu cử, và sự mất kết nối này cũng đã định hình cho Tối cao Pháp viện. Tại bất kỳ thời điểm xác định nào, các thành viên của tòa án được quyết định bởi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống và Thượng viện trong vài thập niên trước. Nếu các cuộc bầu cử này phản ánh ý kiến của quần chúng, những người được đảng Dân chủ bổ nhiệm sẽ chế ngự tòa án.

Mọi thẩm phán hiện tại đã được bổ nhiệm trong một trong chín nhiệm kỳ tổng thống vừa qua, và một đảng viên đảng Dân chủ đã giành được phiếu phổ thông ở bảy trong số chín nhiệm kỳ đó và nhiệm kỳ tổng thống ở năm trong số chín nhiệm kỳ. Tuy nhiên, tòa án hiện đang bị chi phối bởi đa số gồm sáu thành viên bảo thủ.

Có nhiều lý do (bao gồm cả quyết định của Ruth Bader Ginsburg không nghỉ hưu vào năm 2014, khi một tổng thống và Thượng viện của đảng Dân chủ có thể đã thay thế bà). Nhưng các bản chất ngày càng phi dân chủ của cả Đại cử tri đoàn và Thượng viện đóng các vai trò quan trọng.

Ông Trump đã có thể bổ nhiệm ba thẩm phán mặc dù thua phiếu phổ thông. (Ông Bush là một trường hợp phức tạp hơn, đã thực hiện các cuộc bổ nhiệm với tòa án sau khi ông tái thắng cử và cuộc bỏ phiếu phổ thông vào năm 2004.) Cũng tương tự như vậy, nếu các ghế ở Thượng viện dựa trên dân số, không ai trong số các ứng cử viên của ông Trump – Thẩm phán Neil M. Gorsuch, Brett M. Kavanaugh và Amy Coney Barrett – có thể sẽ được chuẩn nhận, Michael J. Klarman, giáo sư luật tại Harvard cho biết. Các đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện cũng sẽ không thể ngăn cản ông Obama khi lấp đầy ghế tòa án trong năm cuối trong nhiệm kỳ của ông.

Ngay cả việc chuẩn nhận Thẩm phán Clarence Thomas vào năm 1991 cũng dựa vào cấu trúc của Thượng viện: 52 thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu để chuẩn nhận cho ông ta làm đại diện cho một thiểu số người Mỹ.

Phương cách của tòa án hiện nay đã làm tăng việc mất kết nối giữa công luận và chính sách của chính phủ, bởi vì các thẩm phán do đảng Cộng hòa bổ nhiệm đã bác bỏ Quốc hội về một số vấn đề quan trọng. Danh sách này bao gồm các dự luật về quyền bầu cử và chiến dịch tài trợ mà các Quốc hội trước đó đã thông qua theo đường lối lưỡng đảng. Dựa trên các cuộc thăm dò, thì trong nhiệm kỳ này, tòa án đã đưa ra phán quyết về phá thai, chính sách khí hậu và luật về vũ khí dường như không phù hợp với ý kiến đa số.

Ông Klarman nói: “Các thẩm phán thuộc đảng Cộng hòa sẽ không nói gì về điều này và có thể không tin điều này, nhưng mọi thứ họ đã làm đều chuyển thành lợi thế trực tiếp cho Đảng Cộng hòa.”

Để đối phó với quyết định về quyền bầu cử vào năm 2013, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa ở một số tiểu bang đã thông qua luật khiến việc bỏ phiếu trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là ở các khu vực có phần đông theo đảng Dân chủ. Họ đã làm như vậy với lý do cần phải bảo vệ an ninh bầu cử, mặc dù không có gian lận lan tràn nào trong những năm gần đây.

Hiện tại, hiệu quả bầu cử của các quyết định này vẫn còn bất trắc. Một số nhà phân tích chỉ ra rằng, các hạn chế vẫn chưa đủ mạnh để kéo tỷ lệ cử tri đi bầu xuống thấp. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, tỷ lệ người Mỹ đủ điều kiện bỏ phiếu đã đạt mức cao nhất trong ít nhất thế kỷ.

Các chuyên gia khác vẫn còn lo ngại rằng, các luật mới cuối cùng có thể xoay chuyển một cuộc bầu cử chặt chẽ ở một tiểu bang có dao động. Bà Anderson, giáo sư Emory, nói: “Khi bạn có một bên đang chuẩn bị nói ‘Làm thế nào để chúng ta ngăn chặn kẻ thù bỏ phiếu?’ điều đó nguy hiểm cho một nền dân chủ.”

Một vụ kiện sắp tới tại Tối cao Pháp viện cũng có thể cho phép các cơ quan lập pháp của tiểu bang áp đặt nhiều hạn chế bỏ phiếu hơn. Tòa án đã đồng ý xét xử một trường hợp trong đó các nhà lập pháp đảng Cộng hòa ở tiểu bang Bắc Carolina lập luận rằng Hiến pháp trao cho họ thẩm quyền giám sát các cuộc bầu cử liên bang, chứ không phải là cho các tòa án tiểu bang.

Trong những năm gần đây, các tòa án tiểu bang đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hạn chế cả các nhà lập pháp đảng Cộng hòa và Dân chủ, những người đã cố gắng quy định thay đổi các biên giới thuộc địa hạt tranh cử để mang lại lợi ích nhiều hơn cho một đảng. Nếu Tối cao Pháp viện đứng về phía Cơ quan Lập pháp của tiểu bang Bắc Carolina, thủ thuật này có thể tăng lên, cũng như luật có thể thiết lập các rào cản mới đối với việc bỏ phiếu.

Khuếch đại những lời dối trá trong bầu cử

Ảnh: Các cuộc thăm dò cho biết, gần 70% cử tri thuộc đảng Cộng hòa tin rằng ông Biden đã không thắng cử hợp pháp trong năm 2020. Nguồn ảnh: Adriana Zehbrauskas/ NYT.

Nếu chỉ những thách thức đối với nền dân chủ liên quan đến các lực lượng kinh niên, phát triển lâu dài này, nhiều chuyên gia sẽ ít quan tâm hơn việc các thách thức này là gì. Sau rốt, nền dân chủ Mỹ luôn có thiếu sót.

Nhưng những cách xây dựng chậm chạp mà trong đó quy luật đa số bị suy yếu đang xảy ra cùng lúc với việc đất nước đối phó với một mối đe dọa trước mắt mà nó rất ít có tiền lệ. Ngày càng có nhiều quan chức thuộc đảng Cộng hòa đặt vấn đề về một tiền đề cơ bản của nền dân chủ: những người thua cử sẵn sàng chấp nhận sự thất bại.

Các nguồn gốc của phong trào hiện nay về phủ nhận bầu cử khởi đầu từ năm 2008. Khi ông Obama đang tranh cử tổng thống và sau khi ông thắng cử, một số nhà phê bình về ông đã cáo buộc một cách sai lạc rằng, chiến thắng của ông là bất hợp pháp, vì ông sinh ra ở Kenya, không phải là Hawaii. Phong trào này được biết đến như là chủ thuyết về sinh quán, và ông Trump là một trong những người ủng hộ. Bằng cách đưa ra các cáo buộc trên lên đài Fox News và các nơi khác, Trump đã giúp biến mình từ một ngôi sao truyền hình trong các chương trình thực tế thành một khuôn mặt chính trị.

Khi tự mình tranh cử tổng thống vào năm 2016, ông Trump đã biến các tuyên bố sai lệch về gian lận bầu cử làm thành trọng tâm trong chiến dịch tranh cử. Trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, ông cáo buộc đối thủ cạnh tranh gần nhất của mình cho việc đề cử, Thượng nghị sĩ Ted Cruz là gian lận. Trong cuộc tổng tuyển cử chống lại Hillary Clinton, ông Trump cho biết ông sẽ chỉ chấp nhận kết quả nếu thắng cử. Vào năm 2020, sau khi ông Biden thắng, những lời nói dối trong cuộc bầu cử đã trở thành thông điệp chính trị chủ yếu của ông Trump.

Việc ông chấp nhận những lời nói dối này hoàn toàn khác với phương cách của các nhà lãnh đạo trong quá khứ từ cả hai đảng. Vào những năm 1960, Reagan và Barry Goldwater cuối cùng đã cô lập những kẻ âm mưu của Hiệp hội John Birch. Năm 2000, Al Gore kêu gọi những người ủng hộ cho ông nên chấp nhận chiến thắng mong manh của George W. Bush, giống như Richard Nixon đã khuyến khích những người ủng hộ ông làm như vậy, sau khi ông thua suýt soát John F. Kennedy vào năm 1960. Năm 2008, khi một cử tri thuộc đảng Cộng hòa tại một cuộc biểu tình mô tả ông Obama là người Ả Rập, Thượng nghị sĩ John McCain, ứng cử viên đảng Cộng hòa và là đối thủ của ông Obama, đã điều chỉnh việc này.

Ngược lại, việc ông Trump thúc đẩy sự giả dối đã biến chúng thành một phần chủ yếu trong thông điệp của đảng Cộng hòa. Theo các cuộc thăm dò, khoảng hai phần ba cử tri đảng Cộng hòa nói rằng ông Biden đã không thắng cử trong năm 2020 một cách hợp pháp. Theo một phân tích của FiveThirtyEight, trong số các ứng cử viên đảng Cộng hòa tranh cử vào chức vụ trong toàn tiểu bang năm nay, 47% đã phủ nhận kết quả bầu cử năm 2020.

Mặt khác, hầu hết các chính trị gia thuộc đảng Cộng hòa, những người đã đối đầu với ông Trump, kể từ đó đã mất việc làm hoặc không bao lâu sau sẽ mất. Ví dụ như trong số 10 đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện, những người đã bỏ phiếu luận tội dàn hặc ông vì vai trò của ông trong vụ tấn công ngày 6 tháng Giêng, kể từ đó tám người đã quyết định nghỉ hưu hoặc thua trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, kể cả dân biểu Liz Cheney của Wyoming.

Ông Levitsky nói: “Cho dù trong bất kỳ dấu hiệu nào, đảng Cộng hòa – dù ở cao cấp, trung cấp và cơ sở quần chúng – là một đảng chỉ có thể được mô tả là không cam kết với nền dân chủ.” Ông nói thêm rằng, ông quan tâm sâu xa đến nền dân chủ Mỹ hơn khi so với khi cuốn sách của ông và ông Ziblatt “How Democracies Die” ra mắt vào năm 2018.

Juan José Linz, nhà khoa học chính trị đã qua đời vào năm 2013, đã đặt ra thuật ngữ “các tác nhân chỉ trung thành nửa vời” để mô tả các quan chức chính trị mà họ thường không khởi xướng một cách đặc trưng các cuộc tấn công vào các quy tắc hoặc thể chế dân chủ, nhưng họ cũng không cố gắng ngăn chặn các cuộc tấn công này. Thông qua sự đồng lõa của họ, những tác nhân trung thành nửa vời này có thể khiến một đảng phái và một quốc gia nghiêng về phía chủ thuyết độc tài.

Đó là những gì đã xảy ra ở châu Âu vào những năm 1930 và ở Mỹ La tinh trong những năm 1960 và 70. Gần đây hơn, việc này đã xảy ra ở Hungary. Hiện nay, có nhiều dấu hiệu tương tự như vậy ở Hoa Kỳ.

Ngay cả những đảng viên Cộng hòa thường tự cho mình là khác với ông Trump, họ cũng đồng tình với các thuyết âm mưu của ông Trunp trong các chiến dịch tranh cử của họ, họ nói rằng họ, cũng tin rằng ” sự liêm chính của cuộc bầu cử” là một vấn đề chủ yếu. Ví dụ như Thống đốc Glenn Youngkin của Virginia và Thống đốc Ron DeSantis của Florida, gần đây đều đã vận động tranh cử khi thay mặt cho những người phủ nhận bầu cử.

Tại Quốc hội, các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa phần lớn đã ngừng chỉ trích cuộc tấn công bằng bạo lực vào điện Capitol. Dân biểu Kevin McCarthy, nhà lãnh đạo Hạ viện đảng Cộng hòa, đã đi quá xa khi báo hiệu sự ủng hộ của mình đối với các bạn đồng viện – như dân biểu Marjorie Taylor Greene của tiểu bang Georgia –  người đã sử dụng hình ảnh bạo lực trong các bình luận công khai. Bà Greene, trước khi được bầu vào Quốc hội, nói rằng bà ủng hộ ý tưởng hành quyết các đảng viên Dân chủ nổi tiếng.

Ông Levitsky nói: “Khi các đảng phái thuộc dòng chính dung túng cho những kẻ này, bào chữa, bảo vệ họ, đó là khi nền dân chủ gặp rắc rối, ở đó luôn có Marjorie Taylor Greenes. Điều mà tôi chú ý nhiều hơn là hành vi của Kevin McCarthys”.

Ảnh: Dân biểu Marjorie Taylor Greene thuộc đảng Cộng hòa tiểu bang Georgia trong một cuộc biểu tình ủng hộ Trump vào tháng Năm. Nguồn ảnh: Nicole Craine/ NYT.

Sự chấp nhận ngày càng tăng của đảng đối với những lời nói dối trong cuộc bầu cử đặt ra vấn đề là điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump hoặc một ứng cử viên tổng thống trong tương lai khác cố gắng lặp lại nỗ lực của ông để lật ngược kết quả trong năm 2020.

Theo nhóm nghiên cứu States United Action, trong năm nay, tại 11 tiểu bang, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa cho chức vụ bộ trưởng tiểu bang, một vị trí thường là giám sát việc điều hành hành chánh cho cuộc bầu cử, được xem như là “người phủ nhận bầu cử”. Ở 15 tiểu bang, ứng cử viên cho chức vụ thống đốc là người phủ nhận, và ở 10 tiểu bang, ứng cử viên ch chức vụ tổng công tố cũng làm như vậy.

Sự phát triển của phong trào phủ nhận bầu cử đã tạo ra một sác xuất mà dường như không thể nào tưởng tượng được cách đây không lâu. Hiện vẫn chưa rõ liệu người thua cuộc bầu cử tổng thống sắp tới sẽ nhượng bộ hay thay vào đó cố gắng lật ngược kết quả.

‘Cuộc khủng hoảng đang đến’

Ảnh: Nếu đảng Dân chủ kiểm soát cả Nhà Trắng và Quốc hội, thì họ đã báo hiệu rằng họ sẽ cố gắng thông qua luật để giải quyết cả những mối đe dọa kinh niên và cấp tính đối với nền dân chủ. Nguồn: Oliver Contreras/ NYT.

Vẫn còn nhiều kịch bản mà trong đó Hoa Kỳ sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng dân chủ.Vào năm 2024, ông Biden có thể tái thắng  cử lại với cách biệt lớn – hoặc một đảng viên Cộng hòa khác ngoài ông Trump có thể thắng với cách biệt lớn. Ông Trump sau đó có thể mờ dần trong chính trường, và những người kế nhiệm ông có thể chọn không chấp nhận sự giả dối trong cuôc bầu cử. Kỷ nguyên về việc phủ nhận bầu cử của đảng Cộng hòa có thể được chứng minh là sớm tàn lụn.

Việc cũng có thể xảy ra là ông Trump hoặc một ứng cử viên đảng Cộng hòa khác sẽ cố gắng đảo ngược thất bại sát nút vào năm 2024, nhưng sẽ thất bại, như đã xảy ra vào năm 2020. Sau đó, Brad Raffensperger, bộ trưởng thuộc đảng Cộng hòa của tiểu bang Georgia, người đã phản bác ông Trump sau khi ông Trump ra lệnh cho Raffensperger tìm 11. 780 phiếu, và Tối cao Pháp viện cũng từ chối can thiệp. Nhìn rộng hơn, Mitch McConnell, nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện, gần đây đã nói rằng Hoa Kỳ có “rất ít gian lận bầu cử”.

Nếu một đảng viên Cộng hòa một lần nữa cố gắng đảo ngược cuộc bầu cử và thất bại, phong trào cũng có thể bắt đầu tan biến.

Nhưng nhiều chuyên gia về dân chủ lo ngại rằng những kịch bản này có thể là ước vọng. Những người kế nhiệm có khả năng nhất của ông Trump với tư cách là lãnh đạo đảng cũng đưa ra hoặc khoan dung cho những tuyên bố sai lệch về gian lận bầu cử. Phong trào là rộng lớn hơn một người – và được luôn luôn lập luận là: Một số nỗ lực để làm cho việc bỏ phiếu trở nên khó khăn hơn, một điều mà nói chung, thường được biện minh bằng những đề nghị sai lầm về gian lận cử tri phổ biến, nó có trước khi ông Trump ứng cử năm 2016.

Để tin rằng đảng Cộng hòa sẽ không lật ngược tình trạng thua cử khích khao trong những năm tới dường như phụ thuộc vào việc bỏ qua các quan điểm công khai của nhiều chính trị gia thuộc đảng Cộng hòa. Ông Mounk của Đại học Johns Hopkins nói: “Các kịch bản mà chúng ta không có một cuộc khủng hoảng dân chủ trầm trọng vào cuối thập kỷ này có vẻ khá ít.”

Và ông Levitsky nói: “Không rõ là cuộc khủng hoảng sẽ tự biểu hiện như thế nào, nhưng một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra.” Ông nói thêm, “Chúng ta nên lo âu nhiều hơn.”

Nhiều học giả nói rằng, chiến lược hứa hẹn nhất để tránh một cuộc bầu cử bị lật ngược, liên quan đến một liên minh ý thức hệ rộng lớn, mà nó cô lập những người phủ nhận bầu cử. Nhưng vẫn chưa rõ là có bao nhiêu chính trị gia đảng Cộng hòa sẽ sẵn sàng tham gia một liên minh như vậy.

Cũng không rõ liệu việc các chính trị gia và cử tri đảng Dân chủ có quan tâm đến việc thực hiện các thỏa hiệp mà nó sẽ giúp cho họ thu hút nhiều cử tri hơn không. Thay vào đó, nhiều đảng viên Dân chủ đã chấp nhận một phiên bản thuần túy hơn của chủ thuyết tự do trong những năm gần đây, đặc biệt là về các vấn đề xã hội. Sự thay đổi sang cánh tả không ngăn cản được việc đảng này thắng phiếu phổ thông trong các cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng nó đã làm tổn thương đảng Dân chủ bên ngoài các khu vực đô thị lớn và nói rộng ra là trong cuộc bầu cử Đại cử tri đoàn và quốc hội.

Nếu đảng Dân chủ đã kiểm soát cả Nhà Trắng và Quốc hội – và bằng hơn một phiếu duy nhất, như hiện nay họ đang làm tại Thượng viện – họ đã báo hiệu rằng họ sẽ cố gắng thông qua luật để giải quyết cả những mối đe dọa kinh niên và cấp thiết đối với nền dân chủ.

Năm ngoái, Hạ viện đã thông qua một dự luật để bảo vệ quyền bỏ phiếu và hạn chế các thủ thuật về đi6a lý để thay đổi luật về bầu cử theo địa hạt. Luật này không thành tại Thượng viện một phần vì nó bao gồm các biện pháp mà ngay cả một số đảng viên Dân chủ ôn hòa tin rằng đã đi quá xa, chẳng hạn như các hạn chế về luật nhận dạng cử tri, điều mà nhiều nền dân chủ khác trên thế giới thực hiện.

Hạ viện cũng đã thông qua một dự luật cấp cho Washington, DC có quyền hạn như một tiểu bang, điều này sẽ làm giảm sự thiên vị hiện tại của Thượng viện đối với các khu vực đô thị và người Mỹ da đen. Hoa Kỳ hiện đang trong giai đoạn dài nhất mà không thừa nhận một tiểu bang mới.

Các chuyên gia về dân chủ cũng đã chỉ ra các giải pháp khả thi khác cho sự mất kết nối ngày càng tăng giữa dư luận và chính sách của chính phủ. Trong số đó có sự mở rộng số lượng dân biểu Hạ viện, điều mà Hiến pháp cho phép Quốc hội làm – và  Quốc hội đã làm thường xuyên cho đến đầu thế kỷ 20. Một quốc hội đông đảo hơn sẽ tạo ra các địa hạt tranh cử nhỏ hơn, do đó, có thể làm giảm sự tham gia các địa hạt thiếu sức cạnh tranh.

Các học giả khác ủng hộ cho các đề xuất nhằm hạn chế quyền lực của Tối cao Pháp viện, điều mà Hiến pháp cũng cho phép và các tổng thống và Quốc hội trước đây đã làm.

Trong ngắn hạn, nói chung, những đề xuất này sẽ giúp cho đảng Dân chủ bởi vì các mối đe dọa hiện nay đối với quy luật theo đa số chủ yếu mang lại lợi ích cho đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, về lâu dài, các tác động đảng phái của những thay đổi như vậy là ít rõ ràng.

Lịch sử của các tiểu bang mới đưa ra điểm này: Vào những năm 1950, ban đầu, đảng Cộng hòa ủng hộ cho việc biến Hawaii thành một tiểu bang, bởi vì nó có vẻ nghiêng về đảng Cộng hòa, trong khi đảng Dân chủ nói rằng Alaska cũng phải được kết nạp, cũng vì các lý do đảng phái. Ngày nay, Hawaii là một tiểu bang ủng hộ mạnh mẽ cho đảng Dân chủ, và Alaska là một bang ủng hộ mạnh cho đảng Cộng hòa. Dù bằng cách nào, thực tế là cả hai đều là các tiểu bang đã làm cho đất nước trở nên dân chủ nhiều hơn.

Trong suốt chiều dài của lịch sử, chính phủ Mỹ đã có xu hướng trở nên dân chủ hơn, thông qua quyền bầu cử của nữ giới, các luật về dân quyền, bầu cử trực tiếp cho  thượng nghị sĩ và hơn thế nữa. Các trường hợp ngoại lệ, như thời kỳ hậu Tái thiết, khi những người da đen ở miền Nam mất quyền, là rất hiếm. Giai đoạn hiện tại rất nổi bật một phần vì nó là một trong những trường hợp ngoại lệ đó.

Ông Mounk nói: “Vấn đề không phải là nền dân chủ Mỹ tồi tệ hơn so với trước đây. Trong suốt lịch sử nước Mỹ, việc loại trừ các nhóm thiểu số, và đặc biệt là người Mỹ gốc châu Phi, đã tồi tệ hơn nhiều so với hiện nay. Nhưng bản chất của mối đe dọa rất khác so với trước đây”, ông nói.

Việc chuẩn bị hình thành của chính phủ liên bang phản ánh công luận ít gắn bó chặt chẽ hơn so với việc làm này trước đây. Và khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp thực sự – trong đó người chiến thắng cử hợp pháp không thể nhậm chức – đã tăng lên một cách đáng kể. Sự kết hợp đó cho thấy nền dân chủ Mỹ chưa bao giờ phải đối mặt với một mối đe dọa nào giống như mối đe doạ hiện nay.

_______

Tác giả: David Leonhardt là một cây bút thâm niên của báo New York Times và đoạt giải thưởng Pulitzer với một bài viết về cuộc Đại suy thoái.

Nick Corasaniti, Max Fisher, Adam Liptak, Jennifer Medina, Jeremy W. Peters và Ian Prasad Philbrick có đóng góp trong bài tường thuật này.

Phụ chú của người dịch:

Lúc còn tại chức, ông Trump bổ nhiệm ông Neil Gorsuch, ông Brett Kavanaugh và bà Amy Coney Barrett làm thẩm phán TCPV, nâng tổng số thành viên thuộc đảng Cộng Hoà lên sáu, nhưng không phải lúc nào TCPV cũng phán quyết có lợi cho ông Trump, bằng chứng là TCPV liên tục bác đơn của ông Trump kiện về kết quả bầu cử tống thống năm 2020.

Cuộc điều tra tại tiểu bang Georgia đi vào giai đoạn mới. Công tố viên Fani Willis, người đang điều tra xem ông Trump có vi phạm luật bầu cử năm 2020 hay không, cho biết là ông Trump phải làm sáng tỏ việc đã thuê một toán chuyên gia đến Coffee County để tạo bản sao dữ liệu và nhu liệu của thiết bị bầu cử. Bà Willis đang xin trát tòa cho phép lục soát thêm các tài liệu khác có liên quan. Ngoài ông Trump ra, còn có 16 đảng viên Cộng Hòa ở Georgia có thể bị dính líu hình sự. Nghị Sĩ Lindsey Graham thuộc Cộng Hòa ở South Carolina cũng gọi điện thoại cho Raffensperger gây áp lực, nên cũng là yếu tố mới cần xem xét.

Các diễn biến này sẽ có nhiều ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay và năm 2024.

Đối với dân Mỹ, chủ đề chính cho hai kỳ bầu cử sắp tới là di dân, giáo dục, lạm phát, thuế và phạm pháp. Trong khi đảng Cộng hoà đề cao tối đa vai trò sắc tộc và các giá trị truyền thống Mỹ, ngược lại, đảng Dân chủ cổ cho vai trò bản sắc và khả năng hội nhập trong một xã hội đa dạng.

Thực tế cho thấy, trong tình trạng cực kỳ phân hoá nội bộ hiện nay, Mỹ sẽ còn gặp một thách thức nan giải. Nếu Mỹ muốn tiếp tục đóng vai trò lãnh đạo thế giới và chống Trung Quốc cũng như Nga thành công, Mỹ phải đạt quan điểm lưỡng đảng dung hoà.

Related posts