Xuân Hoa
Với tình hình chiến sự đang diễn ra ở Ukraine, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dường như mất kiên nhẫn với Moscow. Một số cây viết cho rằng Trung Quốc có thể sớm quay lưng lại với Nga. Tuy nhiên, những nhận định như vậy là xa rời thực tế.
Dưới đây là lý do tại sao.
Nằm ở cực bắc của trái đất, Bắc Cực bao gồm Bắc Băng Dương và một phần của các quốc gia như Canada, Phần Lan, Iceland, Mỹ và tất nhiên là cả Nga. Trong số 4 triệu người sinh sống ở vùng cực, khoảng 2,5 triệu người là người Nga. Dù về mặt chính thức, khu vực này không do bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào kiểm soát nhưng về mặt không chính thức, nơi đây do Nga kiểm soát. Đối với nhiều người, tôi chắc chắn rằng, Bắc Cực dường như không gì khác hơn là một nơi khó sống. Tuy vậy, đối với người Nga, nó được coi là vô giá – vì lý do chính đáng.
Bắc Cực là một nơi đáng sợ, nhưng cũng là một nơi hấp dẫn. Đó là bởi vì nó sở hữu trữ lượng lớn các tài nguyên khoáng sản có giá trị, bao gồm phốt phát, bô xít, kim cương, quặng sắt và vàng. Thế giới đang thiếu bô xít – một nguyên liệu thô quan trọng được sử dụng trong sản xuất xi măng, thép và xăng dầu. Khu vực này cũng có trữ lượng bạc, đồng đỏ và kẽm rất lớn. Bloomberg gần đây đã cảnh báo độc giả hãy chuẩn bị tinh thần cho một “đợt khan hiếm đồng trên quy mô lớn”. Ngành công nghiệp bán dẫn dựa vào đồng. Không có đồng, không có chip. Thực tế này cũng đúng đối với ĐCSTQ. Như tôi đã thảo luận ở các bài viết khác, Bắc Kinh rất muốn kiểm soát các nguyên tố đất hiếm trên thế giới. Đây là lý do tại sao ĐCSTQ có nguyện vọng ‘cướp phá’ Bắc Cực.
Theo một nghiên cứu mới đây của tổ chức tư vấn Rand Corporation ở Mỹ, ảnh hưởng của ĐCSTQ tại Bắc Cực sẽ tăng lên trong thập kỷ tới. Rõ ràng, ảnh hưởng tăng cũng có nghĩa là quyền tiếp cận tăng. Để tiếp cận nhiều hơn, ĐCSTQ sẽ thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Moscow.
Báo cáo cho biết: “Theo quan điểm của Trung Quốc, có những lợi ích rõ ràng khi hợp tác với Nga. Xét cho cùng, vận chuyển bằng đường biển “chiếm hơn 90% vận chuyển thương mại quốc tế của Trung Quốc”; và “việc mở các tuyến đường ở Bắc Cực sẽ giảm chi phí vận chuyển hàng hải cũng như giảm rủi ro trong các tuyến vận tải khác, giảm bớt tình trạng thiếu hụt năng lượng của Trung Quốc, đồng thời biến Trung Quốc thành trung tâm vận chuyển năng lượng từ Bắc Cực đến thế giới”. Đổi lại, Điện Kremlin sẽ tìm đến Bắc Kinh “để được giúp đỡ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển ở Bắc Cực, bao gồm các khoản đầu tư vào khai thác năng lượng và phát triển [Tuyến Đường biển phía Bắc] phục vụ vận tải thương mại”.
Đôi chút thông tin dành cho những người chưa từng tìm hiểu về vấn đề này: toàn bộ Tuyến đường Biển phía Bắc nằm trong vùng biển Bắc Cực và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Nga. Tầm quan trọng của tuyến đường này là không thể nói hết. Thay vì phải đối mặt với những phức tạp của Kênh đào Suez – tuyến đường biển nhân tạo ở Ai Cập, nơi thường xuyên xảy ra các vụ cướp biển, tuyến đường mới này cung cấp giải pháp thay thế nhanh hơn, rẻ hơn và an toàn hơn.
Chỉ những kẻ ngốc nhất mới tin câu chuyện “Trung Quốc sẽ quay lưng lại” với Nga, đặc biệt là hiện nay, khi Moscow đang bận rộn bơm những khoản tiền lớn vào việc làm cho Bắc Cực trở nên dễ tiếp cận và dễ sinh lợi hơn.
Như tạp chí Russia Briefing đưa tin hồi tháng 8, chính phủ Nga gần đây đã phân bổ 1,8 nghìn tỷ RUB (khoảng 29 tỷ USD) để phát triển hơn nữa Tuyến Đường biển phía Bắc. “Các mục tiêu chính của kế hoạch”, tờ tạp chí cho biết, “là đảm bảo vận chuyển hàng hóa một cách đáng tin cậy và an toàn cho người dân sống ở vùng Viễn Bắc của Nga, cũng như tạo điều kiện để thực hiện các dự án đầu tư ở khu vực Bắc Cực thuộc Nga”.
Như cây viết Tim Gibson từng tiết lộ: Nga đang xây dựng một cảng lớn trên bán đảo Taymyr – vùng đất xa xôi nhất ở cực bắc trên hành tinh này. Theo ông Gibson, đây “có thể là điều ấn tượng nhất mà Nga đang xây dựng vào lúc này”.
Ông ấy đã đúng. Với dự án mới này, trị giá khoảng 110 tỷ USD, Nga đã đánh dấu quyền hạn của họ đối với Bắc Cực – khoảng 6% bề mặt Trái đất. Bán đảo Taymyr là nơi có các khoáng chất vô giá như palladium – một kim loại quý được sử dụng để cung cấp năng lượng cho ô tô và xe buýt. Giá palladium hiện ở mức cao nhất mọi thời đại. Tại sao? Bởi vì Nga kiểm soát hầu hết nguồn cung của thế giới. Bán đảo Taymyr cũng là nơi có rất nhiều platinum (bạch kim) – một kim loại có giá trị cao và rất cần thiết để chế tạo các thiết bị kiểm soát khí thải.
Mặc dù có rất ít nghi ngờ rằng sự kiên nhẫn của Trung Quốc đối với Nga ngày càng mỏng, nhưng cũng có rất ít lý do, nếu có, để tin rằng Bắc Kinh sẽ quay lưng lại với Moscow. Hiện tại, Nga cần đồng minh hơn bao giờ hết và có thể sẵn sàng cho phép Trung Quốc tiếp cận Bắc Cực một cách thoải mái; đây là lý do để tin rằng ĐCSTQ và Điện Kremlin sẽ trở nên gần gũi hơn nữa.
Xuân Hoa