Thanh Hải
Phân tích của tờ Forbes chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng tài chính của Trung Quốc đang ngày càng trở nên tồi tệ, thực chất đây chỉ là sự tiếp nối của cuộc khủng hoảng lan rộng do nhà phát triển bất động sản Evergrande khởi xướng. Lần này, Trung Quốc có nguy cơ rơi vào tình trạng chung là khủng hoảng tài chính và rối loạn kinh tế.
Sự mất giá nhanh chóng của đồng Nhân dân tệ (CNY) dẫn đến việc dòng vốn tiếp tục tháo chạy và dự trữ ngoại hối thậm chí còn sụt giảm nhanh hơn bao giờ hết.
Tờ Forbes, một tạp chí tài chính và kinh doanh của Mỹ, đã đăng một bài báo mô tả tình hình hiện tại ở Trung Quốc: “Những gì Trung Quốc đang trải qua giống như một cuốn sách giáo khoa giải thích cách một cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra. Thất bại ở một nơi kéo theo thất bại ở nhiều nơi khác. Nỗi sợ hãi và sự thiếu tự tin khiến cho hệ thống tài chính của Trung Quốc đơn giản là không thể hoạt động hiệu quả, chưa nói đến hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”.
Bài báo cho rằng những vấn đề của ngành ngân hàng Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên. Các ngân hàng Trung Quốc, vốn được cho là sẽ bị thiệt hại khi mở rộng khoản vay, đã thực hiện các bước quan trọng để tăng dự phòng nợ khó đòi. Và các nhà chức trách ở Bắc Kinh dường như không hiểu điều gì sẽ xảy ra sau cuộc khủng hoảng nợ của nhà phát triển bất động sản khổng lồ Evergrande Group. Họ từ chối đưa ra các biện pháp nhanh chóng hoặc sâu rộng để ngăn chặn sự lây lan của rủi ro tài chính ở Trung Quốc. Những thất bại và khủng hoảng này thường tiếp tục lan rộng cho đến khi Bắc Kinh có hành động quyết đoán hơn.
Hiện tại, các vấn đề tài chính của Trung Quốc đã có tác động rõ ràng về kinh tế. Nền kinh tế Trung Quốc đã suy yếu đáng kể, bất chấp các khoản đầu tư chính thức vào xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn đang tăng lên, nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% được công bố tại “Hai kỳ họp” vào tháng 3 năm nay. “Hai kỳ họp” là cách gọi tắt kỳ họp của Quốc hội và kỳ họp của Chính hiệp Trung Quốc.
Mặc dù nhiều người đổ lỗi cho sự yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc đến từ sự đình trệ kinh tế và gián đoạn chuỗi cung ứng do chính sách phòng chống dịch bệnh “zero COVID” của Bắc Kinh gây ra, nhưng chắc chắn đây chỉ là một trong những nguyên nhân. Cuộc khủng hoảng tài chính, vốn bị Bắc Kinh đánh giá thấp, nay đã gây ra những hậu quả sâu rộng.
Theo bài báo của Forbes, có rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh nhận thức được tất cả những điều này. Bắc Kinh cho đến nay vẫn chống lại việc thực hiện nhiều hơn một vài đợt cắt giảm lãi suất tối thiểu.
“Báo cáo hoạt động của các ngân hàng Trung Quốc năm 2021, đánh giá và triển vọng năm 2022” mới nhất do Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc công bố cho biết, rủi ro và thách thức đối với sự phát triển kinh tế Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Điều này tỷ lệ thuận với áp lực phòng ngừa và kiểm soát rủi ro của ngành ngân hàng Trung Quốc, khiến môi trường hoạt động trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn nhiều.
Theo báo cáo, tính đến cuối quý II năm nay, tổng tài sản và tổng nợ phải trả của các tổ chức tài chính Trung Quốc lần lượt đạt 367,7 nghìn tỷ CNY và 337,3 nghìn tỷ CNY, tăng 9,4% và 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo cho thấy đến cuối quý II năm nay, số dư nợ xấu tại các ngân hàng thương mại của Trung Quốc ở mức cao là 2,95 nghìn tỷ CNY, tăng 106,9 tỷ CNY so với đầu năm. Tỷ lệ cho vay khả quan là 1,67%.
Các nhà bình luận tin rằng tốc độ tăng của các khoản nợ xấu trong quý II rất “đáng kinh ngạc”. Báo cáo nêu ra một số dữ liệu cho thấy sự tích tụ của các khoản nợ xấu là đáng báo động. Bởi vì ngành ngân hàng của Trung Quốc không chỉ tiến hành các hoạt động thương mại, mà còn cần phục vụ chính phủ, rất nhiều rủi ro tài chính đã được tạo ra dưới tác động của các mệnh lệnh hành pháp. Dưới những yếu tố bất lợi như tăng trưởng kinh tế yếu kém và bất động sản ế ẩm ở Trung Quốc, cũng như chính sách phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt, các khoản nợ xấu của các ngân hàng chỉ có thể tăng vọt.
Bên cạnh sự gia tăng nhanh chóng của các khoản nợ xấu, các rủi ro khác đối với hệ thống tài chính cũng đang xuất hiện. Vào ngày 6/9, phương tiện truyền thông Nhật Bản Japan Forward đã đăng một bài báo thẳng thắn nhận định rằng, đồng CNY sẽ tiếp tục suy yếu so với đồng USD. Nguyên nhân trực tiếp là do các nhà đầu tư nước ngoài bán trái phiếu Trung Quốc và tháo chạy vốn, điều này sẽ dẫn đến khủng hoảng tài chính.
Bài báo chỉ ra rằng theo thống kê chính thức của Trung Quốc, thặng dư tài khoản vãng lai, bao gồm cả thương mại, đạt 169 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc lẽ ra phải lấy số thặng dư này để bổ sung vào dự trữ ngoại hối của mình. Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối của nước này sụt giảm 179 tỷ USD so với cùng kỳ. Điều đó có nghĩa là có tổng cộng 348 tỷ USD đã tháo chạy. Dòng vốn tháo chạy bao gồm các khoản đầu tư ra nước ngoài hợp pháp được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Bài báo chỉ ra rằng sự mất giá của đồng CNY vào mùa hè năm 2015 đã kích hoạt dòng vốn tháo chạy. Lần này, Trung Quốc có nguy cơ rơi vào tình trạng chung là khủng hoảng tài chính và rối loạn kinh tế.Thanh HảiTheo Visiontimes