Tin VN sáng thứ Tư: Gần 2,000 ngôi nhà bị ngập, 2 người mất tích trong mưa lũ ở Quảng Ngãi

Quảng Ngãi: Gần 2,000 ngôi nhà bị ngập, 2 người mất tích trong mưa lũ

Mưa lớn, nhiều ngôi nhà ở Đức Phổ bị ngập. (Ảnh: Tôi là dân Quảng Ngãi/Facebook)

Mưa lớn kéo dài nhiều ngày, phổ biến từ 300-500mm, khiến khoảng 2.000 ngôi nhà ở tỉnh Quảng Ngãi bị ngập và 2 người bị mất tích.

Tối 11/10, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 1.995 nhà dân bị ngập do mưa lũ. Trong đó, huyện Nghĩa Hành bị ngập lụt nặng nhất với 1.882 nhà và thị xã Đức Phổ 113 nhà.

Các địa phương tại tỉnh Quảng Ngãi đã di dời 197 hộ/392 khẩu vùng ngập lụt đến nơi an toàn. Ngoài ra, tỉnh này cũng di dời 203 hộ/702 khẩu ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở núi.

Mưa lũ cũng gây ra tình trạng sạt lở núi ở thủy điện Kà Tinh (huyện Trà Bồng) làm một người mất tích. Khối lượng đất đá cực lớn, sạt xuống tỉnh lộ 622B ở huyện Trà Bồng khiến hàng nghìn hộ dân của 6 xã ở huyện Trà Bồng gồm: Hương Trà, Trà Tây, Trà Phong, Trà Xinh, Trà Thanh, Sơn Trà bị cô lập.

Tại huyện Bình Sơn có 1 vụ đuối nước do đi thả lưới bị chìm xuồng, làm mất tích 1 người, 2 người còn lại được cứu sống. Hiện các lực lượng cứu hộ đang tích cực tìm kiếm người mất tích.

Theo thống kê, lượng mưa đo được tại tỉnh Quảng Ngãi phổ biến từ 300 -500mm, trong đó các địa phương như: Xã Trà Hiệp 653mm, Trà Thanh 667mm, Lưu vực hồ chứa nước Núi Ngang 560mm, Trà Nham 601mm, Ba Cung 545mm, Sơn Kỳ 591mm, Ba Điền 541mm, Thanh An 448mm, Long Môn 509mm…

Toàn tỉnh có 126 hồ thủy lợi đa phần đều đạt dung tích lưu chứa trên 75%. Trong đó, hồ có tràn tự do đạt 100% dung tích là 57 hồ. Riêng hồ chứa nước Nước Trong, mực nước đang ở cao trình 124.13m, dung tích đạt khoảng 231,19 triệu m3 (79,86%). Hồ thủy điện Đakđrinh, mực nước hồ chứa đang ở cao trình 405.68m, dung tích khoảng 211,18 triệu m3 (84,98%)…

Do lưu lượng nước về hồ lớn nên nhiều hồ đã xả lũ điều tiết. Theo đó, các hồ chứa thủy điện xả điều tiết và phát điện về hạ du khoảng 874m3/s. Cụ thể, thủy điện Đăkđrinh xả 157m3/s (qua máy phát điện và điều tiết); hồ chứa nước Nước Trong xả 42m3/s (qua máy phát điện); thủy điện Sơn Trà 1 xả 675m3/s (qua tràn tự do) 675m3/s… Việc các hồ cùng xả điều tiết và hạ lưu có mưa lớn đã khiến nhiều khu vực đồng bằng ven các sông lớn rơi vào tình trạng ngập nặng.

Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, dự báo từ ngày 14/10 tới đây, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục đón một đợt mưa lớn, do ảnh hưởng của không khí lạnh và áp thấp.

Ông Sỹ nhận định khoảng cách giữa các đợt mưa lớn gần nhau, nên nguy cơ sạt lở núi, lũ quét ở các huyện miền núi trong tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn rất cao.

Minh Long

Hà Nội đề xuất tăng tiền bồi dưỡng cho NSND, NSƯT

Giới chức Hà Nội đề xuất tăng tiền bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn vì nhiều NSND, NSƯT còn gặp khó khăn.

Giới chức Hà Nội đề xuất tăng tiền bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn vì nhiều NSND, NSƯT còn gặp khó khăn. (Ảnh: hanoitv.vn)

UBND TP. Hà Nội vừa lấy ý kiến về quy định chế độ hỗ trợ đối với NSND, NSƯT, nghệ sĩ đoạt giải thưởng cao nhất tại các kỳ liên hoan cấp quốc gia, quốc tế trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Cụ thể, NSND hỗ trợ thêm 80.000 đồng/buổi đối với tiền bồi dưỡng luyện tập, 200.000 đồng/buổi đối với tiền bồi dưỡng biểu diễn.

NSƯT hỗ trợ thêm 40.000 đồng/buổi đối với tiền bồi dưỡng luyện tập, 100.000 đồng/buổi đối với tiền bồi dưỡng biểu diễn.

Đến nay, Hà Nội có gần 200 nghệ sĩ, diễn viên có danh hiệu NSND, NSƯT.

Theo giới chức Hà Nội, đời sống vật chất nghệ sĩ hiện phần lớn còn khó khăn, trong đó một phần do mức lương, phụ cấp… còn thấp so với mặt bằng giá cả hiện tại.

Do đặc thù của ngành biểu diễn, họ chủ yếu hoạt động vào ban đêm, di chuyển nhiều, cộng thêm tác động của thời tiết, hóa chất (son phấn, tẩy trang)… từ đó ảnh hưởng sức khỏe lẫn thanh sắc. Thời gian qua, nhiều tên tuổi giỏi nghề đã xin nghỉ việc, chuyển công tác.

Đặc biệt, 2 năm qua do COVID-19, nhiều nghệ sĩ, diễn viên bị ảnh hưởng thu nhập, phải bươn chải với nhiều công việc để nuôi đam mê, bám trụ với nghiệp diễn. Hiện Hà Nội chưa có nghị quyết nào quy định chế độ đãi ngộ với NSND, NSƯT và các tên tuổi đoạt giải cao nhất trong các kỳ liên hoan quốc gia, quốc tế.

Ngoài các mức hỗ trợ, chính sách cũng quy định mức thưởng cho các tên tuổi đoạt NSND là 18,6 triệu đồng mỗi người (gấp 12,5 lần mức lương cơ sở), 13,41 triệu đồng mỗi người (gấp 9 lần mức lương cơ sở). Các cá nhân đoạt huy chương vàng các kỳ liên hoan, hội diễn cấp quốc gia, quốc tế nhận 1,49 triệu đồng mỗi người và 2,92 triệu đồng đối với tập thể.

Cơ quan chức năng lấy ý kiến về chính sách ở mục Xin ý kiến công dân tại Cổng Giao tiếp điện tử TP. Hà Nội, tham khảo góp ý từ nhiều nghệ sĩ, chuyên gia. Dự thảo sẽ được trình HĐND TP. Hà Nội xem xét để thông qua vào kỳ họp cuối năm.

Minh Long

Phê bình giám đốc Trung tâm Y tế ‘chỉ đạo chữa bệnh nhẹ thành nặng’

Trung tâm Y tế Thành phố Phan Thiết (ảnh: NLĐ).

Sở Y tế Bình Thuận phê bình Giám đốc TTYT Phan Thiết vì những phát ngôn thiếu chuẩn mực, “chỉ đạo chẩn đoán bệnh nhẹ thành bệnh nặng”.

Theo NLĐ, ngày 11/10, tin từ Sở Y tế Bình Thuận cho biết, đã có thông báo chỉ đạo phê bình đối với ông Lê Huy Thuần – giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết – liên quan đến ‘chỉ đạo chẩn đoán bệnh nhẹ thành nặng”.

Theo Sở Y tế Bình Thuận, ông Thuần được bổ nhiệm làm giám đốc trung tâm này được khoảng một năm, trong bối cảnh đơn vị gặp nhiều khó khăn. Ông cũng có nhiều cố gắng trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, là người đứng đầu nhưng ông đã có nhiều phát ngôn chỉ đạo, ứng xử thiếu chuẩn mực.

Cụ thể, ông “chỉ đạo chẩn đoán tình trạng bệnh thật nặng, bệnh nhẹ thành bệnh nặng hoặc khác với bệnh hiện tại”.

Sở cho rằng các chỉ đạo trên của ông Thuần không có động cơ, vụ lợi. Nhưng cách biểu đạt ý kiến này trong cuộc họp đã gây hiểu lầm.

Do đây là hành vi vi phạm lần đầu, chưa gây hậu quả nghiêm trọng, bản thân đã nhận thiếu sót nên hội đồng kỷ luật của sở đã phê bình đối với ông Thuần.

Trước đó, bác sĩ thuộc TTYT Phan Thiết có đơn phản ánh lãnh đạo Sở Y tế về việc Giám đốc TTYT này sắp xếp công việc tréo ngoe, có dấu hiệu ưu ái nhân viên hợp đồng, mắng một số bác sĩ “lương y như hổ báo, loi nhoi như lũ dòi” và chỉ đạo chẩn đoán bệnh nhẹ thành bệnh nặng.

Huệ Liên

Nghệ An: Nữ nhân viên bưu điện lừa đảo hơn 9.3 tỷ đồng bị tuyên án tù chung thân

Bị cáo Lê Thị Lưu trong phiên xét xử ngày 3/10/2022. Phía sau là các bị hại trong vụ án. (Ảnh chụp màn hình video/plo.vn)

Với phán quyết của tòa án, các bị hại trong vụ án “nữ giao dịch viên bưu cục lừa đảo hơn 9,3 tỷ đồng” tại Nghệ An tiếp tục phản đối, cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội và sẽ tiếp tục kháng cáo.

Sau 7 ngày tạm ngừng xét xử, chiều ngày 10/10, TAND tỉnh Nghệ An mở lại phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Lê Thị Lưu (SN 1983) – nguyên nhân viên Bưu điện huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ vụ án, bà Lưu làm giao dịch viên tại Bưu cục Tân An (Bưu điện huyện Tân Kỳ) từ ngày 1/11/2006.

Từ năm 2012, bà Lưu được giao thêm nhiệm vụ làm giao dịch viên dịch vụ tiết kiệm bưu điện tại Phòng giao dịch Bưu điện Tân An thuộc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (đặt tại Bưu cục Tân An). Bà Lưu có con dấu Phòng giao dịch Bưu điện Tân An và dấu nhật ấn bưu cục, đảm nhiệm nhiệm vụ thu, nhận tiền của người dân đến gửi tiền tiết kiệm bưu điện tại Phòng giao dịch Bưu điện Tân An.

Trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2017, bà Lưu đã vay mượn tiền của một số hộ dân ở xã Tân An và các xã lân cận để chữa bệnh và chi tiêu cá nhân. Đến cuối năm 2017, bà Lưu bị đòi nợ nhưng không có khả năng để trả nợ nên đã nảy sinh ý định lừa đảo người dân đến giao dịch gửi tiền tiết kiệm tại Phòng giao dịch Bưu điện Tân An.

Đánh vào tâm lý ham lãi suất của người dân, khi có người đến gửi hoặc rút tiền tiết kiệm, bà Lưu đưa ra thông tin ngân hàng đang có chương trình khuyến mãi với lãi suất cao (từ 0,6 % đến 1%/tháng).

Để không bị nghi ngờ, bà Lưu chuẩn bị sẵn sổ tay, viết xác nhận việc nhận tiền vào sổ hoặc giấy rồi dùng con dấu của Phòng giao dịch Bưu điện Tân An hoặc dấu nhật ấn của Bưu cục Tân An đóng lên đưa cho người dân giữ.

Một thủ đoạn khác là sau khi nhận tiền xong, bà Lưu viện cớ bị nghẽn mạng không nhập tiền về quỹ bưu điện được, hẹn khách hàng hôm sau quay lại để lấy sổ. Sau đó, bà Lưu viết giấy vay nợ, đóng dấu nhật ấn của bưu điện vào rồi đưa cho khách hàng để làm tin.

Nhằm tạo lòng tin và che đậy việc nợ nần của mình, hàng tháng đến thời hạn trả tiền lãi suất, bà Lưu cho người dân rút tiền lãi, còn gốc thì tiếp tục “theo chương trình khuyến mãi”. Có người sau khi tính tiền lãi thì nhập vào cùng số tiền gốc trước đó và cộng thêm tiền đưa từ nhà đến để tiếp tục gửi “theo chương trình khuyến mãi”.

Đến ngày 19/4/2019, Phòng giao dịch Bưu điện Tân An chấm dứt mọi hoạt động tiết kiệm bưu điện nhưng bà Lưu không thông báo và tiếp tục thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của người dân (khi bị thu hồi con dấu của ngân hàng, bà Lưu khai dùng dấu nhật ấn của bưu cục để đóng vào giấy nhận tiền).

Sau đó, Công an huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) liên tục nhận đơn tố cáo, kêu cứu của người dân các xã: Tân An, Đồng Văn, Nghĩa Phúc, Hương Sơn… thuộc huyện Tân Kỳ về việc bà Lê Thị Lưu – cán bộ bưu cục Tân An lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đến ngày 11/3/2020, bà Lưu bị Công an huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) khởi tố, bắt tạm giam.

Cơ quan tố tụng xác định bị can Lưu thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ ngày 13/12/2017 đến 31/12/2019, chiếm đoạt tổng cộng hơn 9,3 tỷ đồng của 27 người bị hại.

Tháng 3/2021, TAND tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Lưu tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và buộc bị cáo trả lại hơn 9,3 tỷ đồng đã chiếm đoạt. Nhưng bị cáo Lưu khai đã tiêu xài hết số tiền lừa đảo, không có khả năng thanh toán.

Sau phiên tòa, có 25/27 bị hại kháng cáo, đề nghị xem xét trách nhiệm liên quan của lãnh đạo bưu điện, chi nhánh ngân hàng trong việc quản lý đơn vị để xảy ra vụ án, không bố trí kiểm soát viên mà bà Lưu lại có con dấu khiến mọi người tin tưởng và giao tiền. Các bị hại cũng đề nghị xác minh, thu hồi tài sản để nhận lại tiền.

Tại phiên xét xử phúc thẩm vào ngày 24/12/2021, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại.

Ngày 3/10/2022, TAND tỉnh Nghệ An mở lại phiên xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, các bị hại và luật sư bảo vệ cho các bị hại đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bưu điện huyện Tân Kỳ, Bưu điện tỉnh Nghệ An và Chi nhánh Ngân hàng Thương mại CP Bưu điện Liên Việt chi nhánh Nghệ An với lý do khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo Lưu đang là giao dịch viên tại Bưu cục Tân An, có con dấu của Phòng giao dịch Bưu điện Tân An khiến người dân tin tưởng và đồng ý gửi tiền.

Sau một ngày xét xử, HĐXX công bố cần triệu tập thêm một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, cho tạm ngừng phiên tòa, đến ngày 10/10 xét xử tiếp.

Chiều 10/10, TAND tỉnh Nghệ An mở lại phiên xét xử sơ thẩm.

Tại phiên tòa, các bị hại và luật sư của các bị hại đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra lại vì cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội và cần làm rõ dòng tiền lừa đảo… Tuy nhiên, theo HĐXX, trong vụ án này, chỉ có bị cáo Lưu thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân, không có dấu hiệu tội tham ô tài sản.

Cuối phiên xét xử, HĐXX tuyên tù chung thân đối với bị cáo Lưu về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời bị buộc phải trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt là hơn 9,3 tỷ đồng cho 27 bị hại.

Sau khi nghe tòa tuyên án, nhiều bị hại cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo lên cấp phúc thẩm.

Khánh Vy

Related posts