Tin thế giới trưa thứ Năm: Cyprus thông báo tước quốc tịch của nhiều người thuộc diện “Hộ chiếu Vàng”

Cyprus thông báo tước quốc tịch của nhiều người thuộc diện “Hộ chiếu Vàng”

Hôm 12/10 vừa qua, Cyprus thông báo sẽ tước quốc tịch của 10 cá nhân trong số hàng nghìn người được hưởng lợi từ chương trình “Hộ chiếu Vàng (Golden Passort)” của đất nước này.

Cụ thể, trong thông báo, người phát ngôn Chính phủ Cyprus Niovi Parisinou cho biết rằng những người bị tước quốc tịch bao gồm 3 nhà đầu tư và 7 người trong diện phụ thuộc. Tuy nhiên, danh tính và quốc tịch của những người này không được tiết lộ.

Cyprus đã cấp hộ chiếu cho trên 7.000 người theo chương trình “Hộ chiếu Vàng”, theo đó những cá nhân đầu tư tối thiểu 2 triệu EUR (1,94 triệu USD) sẽ được cấp quốc tịch nước này. Chương trình đã thu hút nhiều nhà đầu tư Nga và châu Á.

Kể từ tháng 10/2021, Cyprus đã tiến hành quá trình thu hồi quốc tịch của 60 nhà đầu tư và 159 người là thân nhân của họ. Tính đến nay, đã có 6 người bị tước quốc tịch.

Được biết, năm 2020, Chính phủ Cyprus đã hủy chương trình đổi đầu tư lấy hộ chiếu sau khi xuất hiện loạt thông tin những đối tượng lừa đảo, trốn tránh luật pháp và các nhà đầu tư gian dối được hưởng lợi từ chương trình này.

Hôm 22/8 vừa qua, Cơ quan kiểm toán Cyprus cho biết nước này đã thiệt hại hàng trăm triệu USD liên quan đến chương trình “Hộ chiếu Vàng”. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ việc áp dụng các biện pháp cắt giảm thuế không hợp lý.

Bên cạnh đó, cơ quan kiểm toán cũng nhận định rằng giới chức trách Cyprus có thể đã cấp hộ chiếu cho những cá nhân đầu tư hàng tỷ USD, nhưng chỉ là trên giấy tờ. “Sự giám sát gần như thiếu hụt hoàn toàn”, Văn phòng Tổng kiểm toán Cyprus cho hay.

Phan Anh

Cộng hòa Séc đóng cửa biên giới với công dân Nga có thị thực Schengen

Hôm 12/10 vừa qua, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc thông báo rằng chính phủ đã quyết định kể từ ngày 25/10 tới, công dân Nga có thị thực Schengen hợp lệ do các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cấp với mục đích du lịch, thể thao hoặc văn hóa sẽ bị từ chối nhập cảnh vào nước này, theo Reuters.

Ngoại trưởng Séc Jan Lipavsky cho biết mỗi ngày có khoảng 200 công dân Nga nhập cảnh Cộng hòa Séc qua các sân bay quốc tế. Theo quy định mới, công dân Nga sẽ bị từ chối nhập cảnh Cộng hòa Séc qua các sân bay quốc tế tại Cộng hòa Séc với mục đích du lịch, thể thao hoặc văn hóa. Biện pháp hạn chế này được áp dụng đối với các công dân Nga có thị thực Schengen hợp lệ do bất kỳ quốc gia thành viên EU nào cấp.

Với quy định mới, Cộng hòa Séc sẽ trở thành nước tiếp theo ở châu Âu, sau các quốc gia Baltic, Ba Lan và Phần Lan, đóng cửa biên giới đối với du khách Nga.

Ba Lan và ba quốc gia Baltic hôm 8/9 cho biết họ sẽ tạm thời hạn chế nhập cảnh đối với các công dân Nga có thị thực EU vào ngày 19/9 để giải quyết “các mối đe dọa về chính sách công và an ninh”.

Trong khi đó, hãng tin Reuters cho biết Phần Lan đã từ chối cho du khách Nga nhập cảnh sau khi hàng nghìn người từ Nga tìm cách rời khỏi đất nước. Theo đó, quốc gia này sẽ không cho phép khách du lịch Nga nhập cảnh kể từ nửa đêm. Với tuyên bố đưa ra ngày 29/9, Phần Lan đã đóng cửa tuyến đường bộ trực tiếp cuối cùng từ Nga vào EU.

Phan Anh

Đường ống dẫn dầu Druzhba dài nhất thế giới qua Ba Lan bị rò rỉ

Đường ống dẫn dầu Druzhba dài nhất thế giới (Ảnh: Janos Kummer / Getty Images)

Đường ống dẫn dầu Druzhba dài nhất thế giới đã bị rò rỉ tại một số khu vực của Ba Lan. Các nhà chức trách Warsaw (thủ đô của Ba Lan) cho biết họ tin rằng đây là một sự cố, hiện đã bắt đầu sửa chữa và ngừng một số nguồn cung cấp dầu cho Đức.

Reuters đưa tin, Chính phủ Đức cho biết các lô hàng dầu đến Đức đã giảm sau khi một phần đường ống Druzhba của Nga tới châu Âu bị rò rỉ ở Ba Lan. Các nhà chức trách ở Warsaw cho biết đây có thể là một sự cố chứ không phải do phá hoại.

Tối ngày 11/10, công ty điều hành đường ống dẫn dầu PERN của Ba Lan ra thông báo cho biết đã xảy ra sự cố rò rỉ đường ống dẫn dầu từ đường ống Druzhba sang Đức, và đoạn đường ống này đã bị đóng cửa. “Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân sự cố, một số tuyến ống bị ảnh hưởng đã lập tức ngừng cung cấp dầu; tuyến ống số 2 đang hoạt động bình thường.”

Ngày 12/10, người phát ngôn của Bộ Kinh tế Đức ra tuyên bố: “Đức vẫn còn một số nguồn cung cấp dầu, là các nhà máy lọc dầu của thành phố Schwedt thuộc bang Brandenburg và thành phố Leuna ở bang Sachsen-Anhalt đều có thể nhận dầu từ đường ống Druzhba.” Hy vọng Ba Lan sẽ cung cấp thông tin chi tiết về nguyên nhân rò rỉ đường ống dẫn dầu Druzhba, và việc sửa chữa đường ống trong thời gian sớm nhất.

Nhà máy lọc dầu Schwedt của Đức, bên phụ thuộc nhiều vào đường ống Druzhba và cung cấp 90% nhiên liệu cho Berlin. Bộ Kinh tế và cơ quan quản lý liên bang của nước này hiện chưa bình luận.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 12/10, ông Mateusz Berger, quan chức cấp cao phụ trách cơ sở hạ tầng năng lượng của Ba Lan, cho biết sự cố rò rỉ tại đường ống Druzhba có khả năng là do “thiệt hại ngẫu nhiên”. Trả lời về khả năng cố ý phá hoại đường ống dẫn dầu, ông cho biết không có bằng chứng nào về khả năng đó xảy ra ở giai đoạn này.

Ông Mateusz Berger cho biết vụ rò rỉ đường ống dẫn dầu nằm cách thành phố Płock (miền trung Ba Lan) 70 km về phía tây, nơi công ty bán lẻ và lọc dầu PKN Orlen sở hữu nhà máy lọc dầu lớn nhất Ba Lan. Việc sửa chữa hệ thống đường ống có thể sẽ “không mất nhiều thời gian.”

Transneft, công ty vận chuyển đường ống dẫn dầu của Nga, tuyên bố rằng dầu vẫn sẽ tiếp tục được vận chuyển đến Ba Lan thông qua đường ống. Công ty PKN Orlen của Ba Lan cho biết không có sự gián đoạn nguồn cung cấp dầu từ nhà máy lọc dầu của họ ở Płock. Công ty điều hành đường ống dẫn dầu của Séc MERO cũng cho biết họ không thấy bất kỳ sự thay đổi nào về khối lượng dầu giao cho Cộng hòa Séc.

Druzhba có nghĩa là “tình bạn” trong tiếng Nga, là một trong những đường ống dẫn dầu lớn nhất thế giới, cung cấp dầu của Nga cho hầu hết các nước Trung Âu, gồm Đức, Ba Lan, Belarus, Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc và Áo.

Vụ rò rỉ tại đường ống dẫn dầu Druzhba ở Ba Lan diễn ra khi châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Sự kiện này được cho là sẽ làm tăng thêm mối lo ngại về an ninh năng lượng của châu Âu, sau vụ rò rỉ đường ống khí đốt Nord Stream.

Chính phủ Đức đã đàm phán để Kazakhstan cung cấp dầu cho Schwedt, nhưng nguồn dầu này cũng phải chảy qua đường ống Druzhba để tới Đức.

Hồi tháng Chín, đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 và Nord Stream 2 nối giữa Nga và Đức ở Biển Baltic được phát hiện có 4 chỗ bị cố tình làm hư hỏng. Theo Reuters, các vụ rò rỉ đã làm thất thoát 800 triệu m3 khí đốt tự nhiên. Nga và các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu cáo buộc nhau phải chịu trách nhiệm.

Bình Minh

Related posts