Chuyên gia: Mỹ nên nâng cao khả năng răn đe hạt nhân trước các mối đe dọa ngày càng tăng

Huyền Anh

Chuyên gia: Mỹ nên nâng cao khả năng răn đe hạt nhân trước các mối đe dọa ngày càng tăng
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại khuôn viên Đại học Liên bang Viễn Đông trên đảo Russky ở cảng Vladivostok, miền viễn đông nước Nga, hôm 25/4/2019. (Ảnh: Alexey Nikolsky/AFP/Getty Images)

Theo ông Rick Fisher, thành viên cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, vì ngày càng có nhiều mối đe dọa hạt nhân như Nga, Trung Quốc và Triều Tiên, cho nên Mỹ cần quay trở lại biện pháp răn đe hạt nhân.

“Chúng ta cần quay trở lại hoạt động răn đe hạt nhân trong khu vực. Hoa Kỳ cần triển khai hàng trăm, có thể là 1.000 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm vừa và tầm trung được trang bị vũ khí hạt nhân”, ông Fisher nói với chương trình “China in Focus” của đài NTD.

“Động thái này phải phù hợp với kho vũ khí hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc và phải đủ sức răn đe cả Trung Quốc lẫn Nga và Triều Tiên”, ông nói thêm.

Ông Fisher cho hay, Nga sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân hơn Hoa Kỳ.

Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (Arms Control Association-ACA), Nga sở hữu 1.458 đầu đạn trên 527 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom. Trong khi đó, Mỹ sở hữu khoảng 100 vũ khí hạt nhân được cất giữ ở châu Âu tại các căn cứ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Ý, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ và Hà Lan.

Ông nói: “Và những quả bom này sẽ phải được vận chuyển bằng máy bay. Chúng có thể bị bắn hạ bởi các hệ thống tên lửa đất đối không với độ chính xác cao của Nga”.

Ông Fisher chỉ ra rằng chính quyền ông Biden đã chấm dứt chương trình tên lửa hành trình phóng từ biển được trang bị vũ khí hạt nhân từ thời cựu Tổng thống Trump vào cuối tháng Ba.

Ông Fisher nói: “Hầu hết các nhà lãnh đạo quân sự của Mỹ muốn có được tên lửa hành trình này vì họ biết rằng khả năng răn đe hạt nhân trong khu vực cũng quan trọng như khả năng răn đe hạt nhân chiến lược trên phạm vi toàn cầu”.

“Mỹ hiểu rõ điều này trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Và Washington đã sản xuất 1.000 vũ khí hạt nhân, đủ sức răn đe Nga”.

Thúc đẩy nước Nga tiến xa hơn trong cuộc chiến tại Ukraine

Theo chuyên gia này, sự thua kém về phương diện vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ thúc đẩy Nga tiến xa hơn nữa trong cuộc chiến ở Ukraine.

Ông Fisher nói: “Tổng thống Nga Putin cho rằng vũ khí hạt nhân chiến thuật mà ông ấy đang sở hữu là nguyên nhân then chốt ngăn cản Tổng thống Biden gửi quân đội Mỹ và NATO đến Ukraine”.

Ông Fisher cho hay, nhà lãnh đạo Nga tự tin rằng ưu thế hạt nhân của Moscow đủ sức ngăn cản Mỹ và NATO phản ứng hạt nhân nếu ông Putin sử dụng vũ khí hạt nhân với quy mô nhỏ.

Theo quan điểm của ông Fisher, nếu Hoa Kỳ đáp trả bằng hiện vật bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật đối với Nga, thì họ sẽ tạo cho người Nga một cái cớ để leo thang, có thể tấn công Ba Lan, biển Baltic, bất kỳ quốc gia châu Âu nào, hoặc thậm chí là Hoa Kỳ với bằng loại vũ khí hạt nhân lớn hơn.

Do đó, vị chuyên gia hoài nghi rằng Hoa Kỳ sẽ đáp trả Nga bằng hiện vật thông qua sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, vì đơn giản là nước này không có hệ thống để làm điều đó.

Ông cho rằng tình hình sẽ gây nguy hiểm cho Đài Loan, vì “người Trung Quốc sẽ bắt đầu làm điều tương tự để đe dọa chính phủ dân chủ ở Đài Loan, cho nổ tung hoặc trình diễn các vụ nổ hạt nhân gần eo biển Đài Loan”.

Bắn hạ tên lửa của Triều Tiên

Là một phần của phương pháp răn đe hạt nhân, ông Fisher nói rằng Hoa Kỳ “cần nhập cuộc trong việc phòng thủ tên lửa và thực sự nên bắt đầu bắn hạ một số tên lửa của Triều Tiên”.

Ông chỉ ra báo cáo rằng Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo vào Biển Nhật Bản hôm 6/10, một ngày sau khi Hoa Kỳ tái triển khai một tàu sân bay đến khu vực.

Ông nhấn mạnh rằng, Mỹ nên ngăn chặn động thái này và thông báo cho người Triều Tiên rằng Washington có khả năng này: “Quý vị không được phép phóng tên lửa của mình qua Nhật Bản”.

Ông nói, phản ứng của Triều Tiên sẽ tạo thêm cái cớ để kiềm chế chế độ bất hảo này. Bên cạnh đó, Washington cần thuyết phục công chúng ở Hàn Quốc rằng Hoa Kỳ cần tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới lãnh thổ của họ.

“Và nếu Mỹ làm điều đó, rất có thể Nhật Bản và Úc sẽ làm theo”, ông nói.

Học thuyết ‘Hòa bình thông qua sức mạnh’

Ông Fisher nói rằng Hoa Kỳ cần quay trở lại chính sách “Hòa bình thông qua sức mạnh” (Peace Through Strength), vốn là chính sách nhất quán trong Chiến tranh Lạnh.

“Mỹ thực sự không còn lựa chọn nào khác. Sự lựa chọn khác là chứng kiến ​​con em chúng ta bị bắt đi lính và bị đưa ra chiến trường”.

Sau khi lên cầm quyền vào đầu năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa quan điểm học thuyết “Hòa bình thông qua sức mạnh” vào Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ.

Theo đó, Mỹ sẽ ưu tiên hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của mình cùng các phương tiện phóng, phát triển các công nghệ quốc phòng mới để đối phó nguy cơ đến từ Triều Tiên cũng như Nga và Trung Quốc.

“Hòa bình thông qua sức mạnh” cũng có nghĩa là dần dần mở rộng và hiện đại hóa lực lượng Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chủ yếu để đối phó các tình huống khẩn cấp trên bán đảo Triều Tiên.

Chiến lược này cho thấy Mỹ đảm nhiệm vai trò dẫn dắt phản ứng tập thể để duy trì trật tự khu vực dựa trên việc tôn trọng “chủ quyền và độc lập”.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Related posts