Bắt ‘bà trùm’ buôn bán vũ khí, thu giữ hơn 200 khẩu súng
Ngày 21/10, Công an tỉnh Kiên Giang cho hay, trong việc mở rộng điều tra đường dây sản xuất và mua bán vũ khí, đã bắt Vũ Thị Diệp, 32 tuổi, ở TP.HCM cùng 3 đàn em, thu 229 khẩu súng các loại.
Theo VnExpress, ngày 21/10, Diệp (ở huyện Củ Chi, TP.HCM) cùng Đặng Quốc Ánh, Đặng Quốc Huân, Đặng Văn Tỉnh (25-28 tuổi, cùng quê Phú Yên) bị di lý về Kiên Giang để điều tra hành vi Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ.
Động thái này được nhà chức trách đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra đường dây mua bán súng đặc biệt lớn do Dương Minh Tuấn, 30 tuổi, cùng 11 đồng phạm thực hiện. Lúc bắt nhóm này, cảnh sát thu giữ 84 khẩu súng, hơn 300 viên đạn, hàng loạt máy móc chế tạo và cải tạo súng.
Năm 2019, vợ chồng Diệp từng bị TAND huyện Củ Chi xử phạt về tội Mua bán trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ, trong đó Diệp bị tuyên 3 năm tù nhưng được tạm hoãn thi hành án do nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Tuy nhiên, thời gian được tại ngoại, Diệp tiếp tục kết nối những đầu mối cũ để tổ chức mua các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ từ Thái Lan về Việt Nam. “Hàng” được Diệp phân ra, giao cho các đại lý trên toàn quốc rao bán trên mạng xã hội.
Hôm 13/10, Diệp chỉ đạo Đặng Văn Tỉnh (ở Bình Dương) nhận 3 thùng hàng chứa 63 khẩu súng rồi gửi ra TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cho “đại lý miền Trung” Đặng Quốc Huân bán.
Hai hôm sau Tỉnh bị bắt tại nhà trọ, thu giữ 2 khẩu súng cùng nhiều tang vật liên quan.
Ngày 16/10, cảnh sát bắt thêm Đặng Quốc Huân cùng anh ruột Đặng Quốc Ánh tại căn hộ ở Nha Trang. Khám xét nhà kho, Ban chuyên án thu giữ 229 khẩu súng lục, rulo (chưa xác định có hay không là vũ khí quân dụng) và súng bắn đạn bi, cao su; 455 bình khí nén; 6 kg đạn bi sắt; nhiều linh kiện của súng và các đồ vật, tài liệu liên quan.
Nguyễn Đồ
Nhóm sinh viên tại Hà Nội dùng điếu cày, vỏ chai đánh người ngay tại trường
Nghi ngờ anh H. trong nhóm thanh niên đã xông vào ký túc xá đánh mình, một nhóm sinh viên cầm hung khí đến tận lớp học đánh hội đồng anh H. để trả thù.
Ngày 20/10, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 10 người liên quan đến vụ đánh nhau xảy ra tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội để điều tra về hành vi “Cố ý gây thương tích”.
Vụ việc được cơ quan công an tiếp nhận từ đơn đề nghị của Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội và đơn trình báo của nam sinh viên Trịnh Bá H.
Qua xác minh của cơ quan công an, vào tối 30/8, Phan Văn An cùng Trần Gia Huy, Trần Mai Phong, Nguyễn Văn Hoàn (cùng SN 2004, đều là sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội) và một số người khác đang ở trong ký túc xá thì bị nhóm 7-8 thanh niên lạ mặt xông vào dùng điếu cày, quạt cây đánh. Vụ việc khiến An bị chảy máu ở miệng và mũi. Sau đó, nhóm thanh niên trên bỏ đi.
Gia Huy nói là nhớ được mặt của một người trong nhóm vừa đánh An. Để trả thù, An bàn với Phong, Huy, Hoàn cùng những người trong phòng sẽ đến từng lớp tìm người đã đánh mình để trả thù, đồng thời nhắn tin cho Bùi Việt Anh (SN 2004, trú phường Tây Mỗ) nhờ rủ thêm nhiều người đến hỗ trợ.
Khoảng 9h ngày 31/8, khi nhóm của An đi ăn sáng có gặp Tạ Quang Huy và Đinh Văn Hải, nói có 1 thanh niên trong nhóm đánh An đang học ở Khoa Công nghệ ô tô.
Đến 9h30 cùng ngày, nhóm của An mang theo 1 ba lô bên trong có 3 vỏ chai thủy tinh đi lên khu lớp học trên tầng 2. Gia Huy chỉ vào Trịnh Bá H., nói là người đã tham gia đánh An tối hôm trước. Huy mở cửa xin phép giáo viên cho H. ra ngoài nói chuyện nhưng giáo viên không đồng ý. Cả nhóm cầm sẵn hung khí ngồi đợi, Phong quay về ký túc xá lấy thêm 6 vỏ chai thủy tinh.
Khoảng 15 phút sau, gần hết tiết học đến giờ ra chơi, giáo viên vừa bước ra khỏi lớp, nhóm của An xông vào lớp dùng điếu cày, gậy, vỏ chai thủy tinh liên tục tấn công vào người khiến H. gục xuống. Nạn nhân sau đó được mọi người đưa xuống phòng y tế của trường rồi tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện 198 – Bộ Công an để điều trị vết thương.
Lực lượng chức năng đã thu giữ vật chứng là 1 điếu cày bằng gỗ, 1 gậy nhựa, 1 vỏ chai thủy tinh nhãn Coca Cola. Trong nhóm tham gia đánh anh H., có 3 người chưa đủ 16 tuổi tại thời điểm gây án. Vụ việc đang được tiếp tục làm rõ.
Thạch Lam
Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam chuyển nhượng hơn 30.000m2 đất ‘vàng’ không đấu giá
Thanh tra Chính phủ xác định Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam sai phạm khi chuyển nhượng hơn 30.000m2 “đất vàng” tại địa chỉ 152 Trần Phú, TP.HCM.
Ngày 20/10, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản, thoái vốn và tái cơ cấu tại Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam.
Theo kết luận, trong việc đầu tư xây dựng, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam có sai phạm khi thực hiện góp vốn Dự án tại 152 Trần Phú (TP.HCM).
Trong đó, Tổng Công ty không thực hiện đánh giá lại tài sản; làm trái, vi phạm pháp luật về chuyển nhượng tài sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ khi chuyển nhượng hơn 30.000m2 tại địa chỉ 152 Trần Phú; không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất có nguy cơ gây thất thoát tiền của Nhà nước, doanh nghiệp.
Dự án 152 Trần Phú là “đất vàng” nằm trong khu vực sầm uất bậc nhất TP.HCM. Khu đất có vị trí có 3 mặt tiền đường: Trần Phú – Lê Hồng Phong – Trần Nhân Tông, Phường 2, Quận 5.
Trước đây, khu đất là Nhà máy thuốc lá Sài Gòn. Năm 2008, với việc di dời nhà máy ra huyện Bình Chánh, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam và Công ty Thuốc lá Sài Gòn quyết định góp vốn thực hiện dự án thương mại trên cùng các đối tác.
Theo Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, hợp đồng liên doanh quy định giá trị khu đất hơn 30.000m2 là hơn 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, ghi nhận của các nhà đầu tư dự án tới nay vẫn chỉ là bãi đất trống. Không những vậy, dự án còn được rao bán với mức giá rất cao, khoảng 4.520 tỷ đồng vào năm 2018 cho cả lô đất, tương đương 146 triệu đồng/m2.
Đối với việc quản lý đất đai, Thanh tra Chính phủ kết luận, một số thành viên của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam chưa hoàn thiện các thủ tục đối với diện tích đất được Nhà nước cho thuê (như Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá, Công ty Thuốc lá Sài Gòn). Một số dự án khác cũng chậm tiến độ, phải phê duyệt nhiều lần làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh (Dự án đầu tư chiều sâu phân xưởng sợi, Dự án đầu tư thiết bị kho nguyên liệu và kho thành phần của Công ty Thuốc lá Sài Gòn, Dự án xây trụ sở Vinataba tại 30 Nguyễn Du, Hà Nội).
Trong việc quản lý sử dụng vốn, tài sản, một số công ty thành viên chưa ban hành quy chế quản lý tài sản; chưa xây dựng định mức dự trữ hàng tồn kho; lượng hàng tồn kho lớn gây ứ đọng vốn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh; chưa ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong các hoạt động bảo đảm tính liên tục cho sản xuất, kinh doanh thường xuyên của doanh nghiệp; một số chi phí không phù hợp với hoạt động kinh doanh, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp bổ sung hơn 38,5 tỷ đồng.
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra Công ty Thuốc lá Thăng Long giữ lại hơn 73 tỷ đồng vốn bổ sung cho dự án đầu tư của hai công ty thành viên (Thanh Hóa, Bắc Sơn) là chưa phù hợp với Quyết định 171/QĐ-TLVN của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam…
Ngoài ra, theo kết luận thanh tra, việc mua nguyên liệu của người trồng theo hình thức mua xô, bán lại nguyên liệu thuốc lá khi không có giấy phép mua bán, không tổ chức chào hàng cạnh tranh để quyết định giá mua nguyên liệu và hàng tồn kho ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh; nguồn gốc một số nguyên liệu thuốc lá có dấu hiệu hợp thức hóa nguyên liệu không hợp pháp.
Theo Thanh tra Chính phủ, để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Ban lãnh đạo Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, lãnh đạo các công ty thành viên…
Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi cơ sở nhà đất diện tích hơn 30.000 m2 tại 152 Trần Phú, TP.HCM, nếu phát hiện sai phạm thì chuyển cơ quan điều tra; xem xét trách nhiệm, có hình thức kỷ luật theo quy định với các tổ chức cá nhân để xảy ra vi phạm.
Riêng tại Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, Thanh tra Chính phủ còn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo doanh nghiệp này rà soát toàn bộ vốn điều lệ đã điều chỉnh cho Công ty Thuốc lá Thăng Long, trong đó, có khoản tiền hơn 73 tỷ đồng…
Về xử lý kinh tế, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam phải yêu cầu các đơn vị thành viên thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính thiếu do một số khoản chi không được giảm trừ, với số tiền hơn 38,5 tỷ đồng.
Phạm Toàn
Gần 400 cán bộ các Sở, huyện ở Gia Lai nghỉ việc
Tiền lương thấp, quá tải công việc, đặc biệt trong ngành y tế và giáo dục, được cho là lý do chủ yếu khiến gần 400 cán bộ, công chức, viên chức tại tỉnh Gia Lai xin nghỉ việc trong 18 tháng qua.
Ngày 20/10, Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai cho hay đã báo cáo Bộ Nội vụ về tình trạng cán bộ nghỉ việc ở tỉnh này, đồng thời đề xuất các chính sách đãi ngộ để giữ chân người tài ở địa phương.
Theo Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai, trong vòng 18 tháng (từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2022), có 360 công chức, viên chức thôi việc theo nguyện vọng cá nhân; tức bình quân mỗi tháng 20 người nghỉ việc.
Trong số những người nghỉ việc có cán bộ thuộc Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, công chức thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghỉ việc nhiều nhất với số lượng 7 người; các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ngoại vụ, Tư pháp, Sở Xây dựng…; cán bộ tại các huyện Chư Păh, Chư Pưh, Chư Prông…
Trong đó, 323 người nghỉ việc thuộc ngạch viên chức, phần nhiều là giáo dục (125 người) và y tế (115 người). Trong 37 công chức xin nghỉ, có 24 người cấp tỉnh, 13 người cấp huyện.
Phân loại về giới tính, có 162 người là nam giới, 198 người là nữ giới xin thôi việc. Về trình độ của các cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, có 3 người có trình độ tiến sĩ, 68 người trình độ thạc sĩ, 178 người trình độ đại học, 20 người chuyên khoa II, 10 người chuyên khoa I, còn lại trình độ cao đẳng và trung cấp.
Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai cho hay nguyên nhân dẫn đến tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc hàng loạt nói trên là do tỉnh Gia Lai chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút cán bộ làm việc tại tỉnh. Tiền lương chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được điều kiện sống; áp lực công việc căng thẳng, chủ yếu đến từ việc quá tải công việc, đặc biệt là đối với công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực y tế, giáo dục; việc tuyển chọn lãnh đạo, quản lý hiện nay thiếu tính cạnh tranh, chưa tạo được động lực để cán bộ, công chức, viên chức trẻ rèn luyện, phấn đấu.
Đưa ra giải pháp, Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai đề nghị tăng thu nhập; đẩy mạnh việc luân chuyển, đưa lãnh đạo, quản lý về cơ sở và ngược lại để rèn luyện, nâng cao năng lực thực tiễn; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng. Ngoài ra, Sở này đề xuất Bộ Nội vụ tăng biên chế cho tỉnh theo thực tiễn khối lượng công việc.
Hiện tính riêng ngành giáo dục, trong năm học 2022-2023, tỉnh Gia Lai đang thiếu 4.481 giáo viên, nhân viên giáo dục.
Một ngày trước, ngày 19/10, Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng cho biết cùng thời gian trên (từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2022), tỉnh Lâm Đồng có tổng cộng 580 cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên và viên chức nghỉ thôi việc theo nguyện vọng; chiếm số lượng nhiều nhất là 262 viên chức y tế và 210 viên chức giáo dục.
Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng nhận định tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc đang có chiều hướng gia tăng. Sở này cho hay có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, cả chủ quan lẫn khách quan, trong đó có ảnh hưởng từ hậu quả của dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán).
Minh Sơn
Mường Tè, Lai Châu: Chủ tịch xã tham ô tới 90% tiền hỗ trợ người khó khăn
Được cấp 306 triệu làm Dự án hỗ trợ 82 hộ khó khăn, một chủ tịch xã ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã “rút ruột” tới 90% số vốn, chưa kể dàn xếp để người thân trúng thầu 10 lô đất, cho khai thác khoáng sản trái phép.
Ngày 20/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Lý Chà Lối (SN 1967, trú tại bản Seo Hai, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) để điều tra về hành vi Tham ô tài sản quy định tại Điều 353, Bộ luật hình sự 2015.
Ông Lối bị khởi tố, bắt giam khi đang giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Can Hồ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu).
Theo kết quả điều tra, năm 2020, UBND xã Can Hồ được giao làm chủ đầu tư Dự án hỗ trợ 82 hộ khó khăn thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (đợt 2); dự án có tổng kinh phí 306 triệu đồng.
Lợi dụng chức vụ là Chủ tịch UBND xã, ông Lối đã chỉ đạo thủ quỹ chuyển 278 triệu đồng cho một số người để sử dụng vào mục đích riêng; trong đó, ông Lối lấy 178 triệu đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân.
Để che giấu hành vi chiếm đoạt tiền từ dự án nông thôn mới, đến cuối tháng 3/2021, ông Lối đã chỉ đạo một số người cấp dưới lập hồ sơ, ký giả tên người nhận tiền trên danh sách chi trả để quyết toán khống dự án.
Ngoài ra, qua điều tra, cơ quan công an còn xác định ông Lối đã buông lỏng quản lý và dàn xếp, can thiệp vào việc đấu giá 10 lô đất thuộc bản Seo Hai (xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) để người thân trúng thầu. Sau đó, ông Lối tiếp tay cho những người này khai thác khoáng sản trái phép trên những lô đất, gây ảnh hưởng đến môi trường và mất an ninh trật tự.
Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, củng cố tài liệu để xử lý những người có liên quan .
Khánh Vy
Thanh Hóa chi sai gần 100 tỷ đồng thực hiện chế độ chính sách người có công
Thanh Hóa phát hiện 2.114 hồ sơ về chính sách ưu đãi cho người có công bị thiếu thành phần hoặc chưa đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để hưởng chế độ.
Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng kinh phí đối với người có công với cách mạng, từ năm 2019-2021 tại Thanh Hóa.
Kết quả kiểm tra cho thấy có 13.425 hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ đang hưởng chế độ chất độc hóa học, phát hiện 2.114 hồ sơ thiếu thành phần hoặc chưa đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để hưởng chế độ.
Trong 2.114 trường hợp vi phạm, có 696 hồ sơ không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn; 579 hồ sơ thiếu điều kiện; 781 hồ sơ thiếu cơ sở cần xác minh lại thông tin; 39 hồ sơ hưởng không đúng mức trợ cấp và 19 hồ sơ cần xem lại kết quả giám định y khoa.
Theo Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, tổng số tiền sai phạm là gần 100 tỷ đồng. Hiện tỉnh chưa thu hồi được số tiền trên.
Về nguyên nhân vụ việc, ông Dương Văn Huệ, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, nhận định là do một số cá nhân, tập thể còn thiếu kinh nghiệm, thiếu trách nhiệm để lọt hồ sơ chưa đảm bảo yêu cầu, chưa đầy đủ điều kiện; việc xét duyệt hồ sơ và quản lý chưa chặt chẽ.
Cấp ủy chính quyền, cán bộ làm chính sách còn thiếu trách nhiệm. Công tác thanh tra, kiểm tra hàng năm còn chưa thường xuyên, liên tục nên chưa bảo đảm quy định.
“UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu chậm nhất đến 31/10/2022 phải báo cáo về việc thu hồi tiền chi sai và hình thức xử lý kỷ luật đối với cá nhân, tập thể có liên quan”, ông Huệ nói.
Minh Long