Nhà Trắng từ chối bình luận về nhiệm kỳ thứ ba dự kiến ​​của ông Tập Cận Bình

Thanh Hải

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày trong Phòng họp Báo chí James S. Brady tại Nhà Trắng ở Washington, hôm 19/10/2022. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Nhà Trắng sẽ không đưa ra bất kỳ bình luận nào về nhiệm kỳ thứ ba dự kiến ​​của nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình hoặc bài phát biểu của ông ấy vào ngày 16/10 vừa qua, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết hôm 17/10.

“Tôi không muốn đưa ra bình luận về bất kỳ tiến trình chính trị nội bộ nào của các nước khác”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói trong cuộc họp báo ngày 17/10, khi được các phóng viên yêu cầu bình luận về bài phát biểu của ông Tập và khả năng ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba.

Cuộc họp toàn quốc kéo dài một tuần của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sắp kết thúc. Nhiều người tin rằng ông Tập sẽ đảm bảo nhiệm kỳ thứ ba trong 5 năm tới với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, cũng như của đất nước và quân đội Trung Quốc.

Ông Tập đã có bài phát biểu dài 25.000 từ vào ngày đầu tiên của Đại hội 20, đề cập đến công việc của ĐCSTQ trong 5 năm qua và các chính sách đối nội và đối ngoại của ĐCSTQ trong 5 năm tới.

Vào ngày 19/10, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cũng từ chối xác nhận cuộc gặp của chính quyền ông Biden với ông Tập tại Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức vào ngày 15/11 và 16/11 tại Bali, Indonesia.

Bà Jean-Pierre nói với các phóng viên tại cuộc họp giao ban: “Tôi không có thông tin gì về cuộc họp của Tổng thống để thông báo cho quý vị vào thời điểm này”.

Các đại biểu ĐCSTQ vỗ tay khi ông Tập Cận Bình bước vào Đại lễ đường Nhân dân, nơi tổ chức lễ khai mạc Đại hội 20 hôm 16/10/2022. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Nhà Trắng đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) năm nay vào ngày 12/10, trong đó tuyên bố rằng Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng phát triển sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thúc đẩy mục tiêu đó”.

Theo đó, Chiến lược An ninh Quốc gia của chính quyền ông Biden đối với Trung Quốc gồm ba nội dung chính. Thứ nhất là đầu tư vào nền tảng sức mạnh của Mỹ ở quê nhà. Thứ hai là gắn kết các nỗ lực với các đồng minh và đối tác và cuối cùng là cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc để bảo vệ lợi ích của Mỹ.

Hôm 12/10, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan đã giới thiệu bộ tài liệu NSS và cho biết, các hành động của Mỹ trong suốt thập kỷ tới đây sẽ kiến tạo hoặc phá vỡ những nỗ lực nhằm duy trì một trật tự quốc tế tự do chống lại những tiến bộ của chủ nghĩa độc tài của ĐCSTQ.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc (Ma Zhaoxu) không trả lời giới truyền thông về việc, liệu ông Tập có tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 hay không.

Tại cuộc họp báo ngày 20/10 diễn ra bên lề cuộc họp toàn quốc của ĐCSTQ ở Bắc Kinh, một nhà báo Indonesia đã yêu cầu ông Mã xác nhận xem ông Tập có tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali hay không.

Ông Mã Húc trả lời: “Chúng tôi sẽ công bố thông tin về sự tham gia của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong thời gian thích hợp”.

Khảo sát Pew của dư luận Mỹ về Trung Quốc

Giữa sự ảm đạm của mối quan hệ song phương Mỹ-Trung, nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập không phải là một trong những “mối quan tâm cấp bách nhất” đối với người Mỹ, theo một cuộc khảo sát mới của Trung tâm Nghiên cứu Pew được thực hiện từ ngày 10/10 đến ngày 16/10. Có khoảng 5.098 người trưởng thành ở Mỹ đã tham gia cuộc khảo sát.

Theo khảo sát của Pew, chỉ 30% người Mỹ cho rằng nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập trên cương vị là nhà lãnh đạo Trung Quốc được cho là một vấn đề rất nghiêm trọng đối với nước Mỹ.

Thay vào đó, người tham gia khảo sát quan tâm nhiều hơn đến mối quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và Nga (57%), sức mạnh quân sự của Trung Quốc (50%), căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan (43%), các chính sách của Trung Quốc về nhân quyền (42%) và cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc (41%).

Thanh Hải

Related posts