Xuân Hoa
Một Bắc Kinh vụng về đã biến New Delhi thành đối thủ kinh tế và địa chính trị đáng gờm, đe dọa đến giấc mơ bá chủ toàn cầu của Trung Quốc. Đây mới chỉ là một trong số những thất bại to lớn mà ông Tập sẽ phải đối mặt trong nhiệm kỳ 3.
Nếu kỷ nguyên Tập Cận Bình tiếp tục kéo dài ở Trung Quốc với nhiệm kỳ thứ 3 chưa từng có tiền lệ, thì chắc chắn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ kỷ niệm những ‘thành tựu’ to lớn nhất của ông Tập trong thập kỷ qua.
Dưới đây là danh sách ngắn.
Chiến thắng của ĐCSTQ trong thời đại Tập
Những chiến thắng của ĐCSTQ trong thời đại Tập Cận Bình bao gồm việc phá vỡ nền dân chủ Hong Kong; thanh trừng các đối thủ chính trị thông qua các chiến dịch chống tham nhũng; bóp nghẹt ngôn luận, công nghệ và tinh thần khởi nghiệp; nâng cao xếp hạng sử dụng lao động nô lệ với việc đàn áp hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ. Ngoài ra còn có cưỡng bức mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm, đàn áp tôn giáo và tất nhiên là đăng cai Thế vận hội Olympic 2022. Tuy nhiên, thành công khó quên nhất là việc “Tư tưởng Tập Cận Bình” đang trở thành một phần trong Điều lệ Đảng giống như Mao Trạch Đông đã làm trước đây.
Việc thôn tính Đài Loan nằm trong chương trình nghị sự tương lai gần của ĐCSTQ. Máy bay tiêm kích J-15 đang cất cánh từ sàn đáp của tàu sân bay Liêu Ninh trong cuộc tập trận quân sự ở Hoàng Hải, ngoài khơi bờ biển phía đông Trung Quốc, ngày 23/12/2016. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Thất bại nhiều gấp bội chiến thắng
Mọi thứ nêu ở trên không phải toàn bộ những gì thú vị đang diễn ra ở Trung Quốc, đặc biệt là thời gian gần đây. Đại dịch COVID-19, mà nhiều người tin rằng bắt nguồn từ phòng thí nghiệm Vũ Hán vào năm 2019, đã giết chết hàng triệu người cũng như phá hủy công ăn việc làm và các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Chính sách phong tỏa “zero-COVID” của ĐCSTQ tiếp tục kìm hãm tăng trưởng kinh tế và hoạt động của hàng triệu người trong khi khiến các nhà sản xuất nước ngoài tháo chạy khỏi đất nước. Do đó, GDP của Trung Quốc tiếp tục giảm, triển vọng phục hồi trong tương lai gần cũng mờ mịt.
Một trong những khó khăn kinh tế của Trung Quốc phải kể đến sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản. Khoản nợ ngày càng tăng cao của Evergrande và việc phá dỡ hàng loạt tòa nhà chung cư không ai muốn đến ở là các dấu hiệu của một ngành công nghiệp phá sản, trong khi hàng chục triệu nhà đầu tư phải đối mặt với khoản mất mát 130 tỷ USD.
Thị trường bất động sản sụp đổ cũng đang đe dọa những gì còn lại trong lĩnh vực tài chính của Trung Quốc.
Hơn nữa, dân số Trung Quốc đang già hóa và đa số không có khả năng chi tiêu, trong khi phần lớn thanh niên vỡ mộng vì nhận ra không có ích gì khi làm việc, lập kế hoạch hay xây dựng tương lai.
Sẽ bị thế giới xa lánh hơn
Danh mục thất bại của ĐCSTQ không chỉ dừng lại trong biên giới đất nước. Bắc Kinh đã thành công trong việc khiến hầu hết các nước phát triển – bao gồm Mỹ, Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines – xa lánh vì chán ghét.
Quan điểm tiêu cực về Trung Quốc là kết quả của đại dịch và hồ sơ dài dằng dặc các hoạt động thương mại đối đầu của nước này — trái ngược trực tiếp với quan điểm tích cực mà Trung Quốc có được chỉ một vài năm trước đó. Những gì mà Bắc Kinh đối xử với Hong Kong và người Duy Ngô Nhĩ làm tăng thêm tinh thần chống Trung Quốc ở châu Âu, làm sâu sắc thêm cái nhìn tiêu cực của thế giới về Trung Quốc. Học viên Pháp Luân Công kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công, tại buổi diễu hành ngày 23/04/2022 ở Flushing, New York, Mỹ. (Ảnh: Larry Dye / The Epoch Times)
Ngày càng đối đầu với Ấn Độ
Thất bại lớn nhất trong chính sách địa chính trị của ĐCSTQ là không thể duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Ấn Độ – một quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân, có hơn 1,4 tỷ dân và tốc độ tăng trưởng GDP trên 7%. Cái giá phải trả cho việc đối đầu với Ấn Độ có thể là rất đắt. Trên thực tế, các trận chiến biên giới đẫm máu do Trung Quốc khởi động đã biến nước láng giềng lớn nhất của họ thành kẻ thù, trong khi Ấn Độ giờ đây đang liên kết nhiều hơn với phương Tây về cả chiến lược và kinh tế.
Điều đó không có nghĩa là các nhà lãnh đạo Ấn Độ có thể bỏ qua thực tế địa lý của khu vực. Nga và Trung Quốc là 2 nước láng giềng lâu đời. New Delhi biết rằng họ phải duy trì thế cân bằng giữa các siêu cường để giữ vị thế độc lập chiến lược và mối quan hệ tương đối ổn định với Nga và Trung Quốc. Ấn Độ cũng biết rằng không có lợi ích nào trong việc tạo ra 2 đối thủ hung hăng trong khu vực thay vì chỉ 1 – khi cân nhắc đến thực tế rằng Trung Quốc là mối đe dọa an ninh lớn nhất của họ.
New Delhi có ít hoặc không thu được gì từ việc chống lại Moscow khi Nga đang chiến đấu – và có thể thua – trong cuộc chiến ở Ukraine. Bên cạnh đó, New Delhi có các hợp đồng mua bán vũ khí và nhập khẩu dầu giá rẻ với Moscow, cũng như các khoản đầu tư chiến lược vào miền đông nước Nga. Mặc dù vậy, mối quan hệ an ninh của Ấn Độ với Mỹ đang phát triển nhanh chóng trong 15 năm qua.
Vì những lý do này, Ấn Độ đã tham gia cuộc tập trận quân sự đa phương Vostok 2022 cùng với Nga, Trung Quốc và các nước khác. Tuy vậy, đáng chú ý là Ấn Độ đã từ chối tham dự các cuộc tập trận trên biển vì sự phản đối của Nhật Bản đối với những cuộc tập trận được tổ chức gần các đảo phía nam của Nhật.
Ấn Độ đã thành công trong việc giữ được thiện cảm của Nga trong khi từ chối Trung Quốc, đồng thời quay về phía Mỹ – đây là nỗi sợ hãi lớn nhất của Bắc Kinh. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) bắt tay nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tại Hàng Châu, Trung Quốc, ngày 04/09/2016. (Ảnh: Wang Zhou / Pool / Getty Images)
Một bài phân tích chính sách gần đây của tổ chức tư vấn Stimson Center kết luận rằng hợp tác kinh tế Mỹ – Ấn mang đến “rắc rối lớn” cho Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và quân sự chiến lược. Nhiều chuyên gia của Trung Quốc cũng đồng ý như vậy.
ĐCSTQ đã thu được gì khi tấn công biên giới Trung – Ấn và đảo ngược 45 năm tiến bộ trong quan hệ song phương?
Không có gì ngoại trừ việc cắt giảm ít nhất 2 chiến lược của Bắc Kinh về mối quan hệ giữa họ với New Delhi. Đầu tiên là chiến lược Ngoại giao Nước lớn, liên quan đến việc Bắc Kinh đưa ra các ưu đãi và nhượng bộ kinh tế không cốt lõi (không có mấy giá trị) để thu hút Ấn Độ vào quỹ đạo địa chính trị của Trung Quốc. Chiếc lược này cũng có khả năng thu hút Ấn Độ trở thành đối tác quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Thứ hai là chiến lược Láng giềng, với ý tưởng buộc New Delhi chấp nhận vai trò bá chủ và thừa nhận “ưu thế quốc gia” của Trung Quốc trong khu vực. Cảm giác về sự vượt trội này xuất phát từ truyền thuyết rằng Trung Quốc từng là bá chủ toàn cầu trong quá khứ xa xôi – một vai trò mà Bắc Kinh cho rằng đúng là thuộc về họ; nhưng lại là sự xúc phạm đối với Ấn Độ. Trong khi đó, Ấn Độ đang giữa vị thế quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc.
Cả hai chiến lược nhắm đến Ấn Độ đều tan thành mây khói khi Trung Quốc lợi dụng đại dịch Covid-19 để điều động lực lượng quân sự đến các khu vực biên giới đang tranh chấp trên dãy Himalaya. Hành động của Trung Quốc đã thành công trong việc thúc đẩy Ấn Độ chuyển hướng chiến lược sang phương Tây.
Có thể thấy, các quyết định của ĐCSTQ không hề khôn ngoan.
Ấn Độ sẽ ‘thoát Trung’
Tại sao Ấn Độ phải coi Trung Quốc là “vượt trội” khi mọi sự phát triển kinh tế và công nghệ quan trọng của Trung Quốc đều đến từ bên ngoài biên giới nước này? Bên cạnh đó, có khả năng trong một thập kỷ tới, Ấn Độ sẽ vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành siêu cường.
Trong bối cảnh đó, chúng ta đã thấy sự tái hợp của Bộ tứ QUAD – một liên minh bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Mỹ, được nhen nhóm vào năm 2007 và thắt chặt vào năm 2017 – khi những nước này phải đối mặt với tham vọng thống trị châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Trung Quốc.
Cuộc đụng độ biên giới Trung – Ấn năm 2020 đã làm mạnh mẽ hơn cam kết của New Delhi với liên minh quân sự QUAD nhằm chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc. Ấn Độ biết rằng “Trung Quốc muốn thấy Ấn Độ đóng vai trò cấp dưới tại một châu Á do Trung Quốc thống trị”, theo Financial Times.
Rõ ràng, Ấn Độ sẽ chống lại trật tự kiểu như vậy ở châu Á và sẽ cản trở giấc mơ bá chủ của Trung Quốc. Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Ngoại trưởng Úc Marise Payne và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chụp ảnh trước cuộc họp QUAD Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tại văn phòng Thủ tướng ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 06/10/2020. (Ảnh: Nicolas Datiche / POOL / AFP/ Getty Images)
Càng trị càng méo mó
Một thất bại chính sách lớn như phân tích ở trên đặt ra câu hỏi làm thế nào mà giới lãnh đạo ĐCSTQ lại có thể mắc sai lầm nghiêm trọng và dễ nhận thấy như vậy.
Câu trả lời cho câu hỏi đó nằm ở thực tế là ĐCSTQ và toàn bộ quốc gia đã bị đưa vào chế độ một người cai trị; điều này thường dẫn đến các chính sách thảm khốc dựa trên cái nhìn duy nhất và méo mó về thực tế. Việc thanh trừng đối thủ chính trị thúc đẩy tâm lý đồng thuận tập thể, nơi chỉ những người đồng ý với nhà lãnh đạo mới được phép tham gia vào quá trình hoạch định chính sách.
Hơn nữa, các mô hình tư tưởng chính trị trong các chế độ độc tài khiến giới lãnh đạo không thể dung nạp quan điểm đối lập, dù trong nước hay ngoài nước. Cảm giác bị đe dọa [bởi ý kiến trái chiều] thường được phản ứng bằng đàn áp và khinh miệt. Nói tóm lại, ĐCSTQ bị lèo lái bởi sự kiêu ngạo của người đứng đầu một guồng máy chính trị; bộ máy chính trị này cho rằng nó có thể đối xử với các nước láng giềng giống như cách nó đối xử với chính người dân của nó.
Bài học từ lịch sử là rất rõ ràng: kiểu suy nghĩ đó luôn dẫn đến rắc rối to lớn cho tất cả mọi người.
Xuân Hoa