Tồn tại hay không tồn tại

Hà Nhật

Không hiểu sao lần đó, tại rạp Tháng Tám trên phố Hàng Bài, người ta bỗng đem chiếu một cuốn phim đặc biệt: HAMLET. Phim được chiếu theo dạng “phim tư liệu”, chỉ chiếu một lần rồi thôi. Khán giả hôm ấy chủ yếu là trí thức và văn nghệ sĩ.

Không biết anh chàng nào to gan!

Đó là một cuốn phim được dựng theo dạng “théâtre filmé”, nghĩa là giữ nguyên vở kịch với những câu thơ tuyệt vời của Shakespeare.

Phim được chiếu nguyên theo bản tiếng Pháp, rồi được thuyết minh bằng tiếng Việt.

Sau này tôi mới biết rằng những câu thơ ấy được dịch bởi một nhà văn nổi tiếng, lại rất rành tiếng Pháp: nhà văn Thuỵ An.

Thật tiếc cho những ai chưa từng được xem bộ phim ấy, và nghe những lời thuyết minh ấy.

Hơn sáu chục năm rồi, thế mà tôi vẫn nhớ như in hình ảnh chàng Hamlet dong dỏng và bên cạnh là người thiếu nữ kiều diễm Ophelia.

Vậy Hamlet là gì? Đó là bi kịch của người trí thức, về một vấn đề quan trọng nhất ở đời: Tồn tại hay không tồn tại?

Đây chính là câu nguyên văn tiếng Anh mà trên thế giới hầu như ai cũng biết:

TO BE OR NOT TO BE

Để trả lời câu hỏi ấy, vị hoàng tử xứ Đan Mạch ngày ấy đã chọn một việc phải làm là: giả điên!

Giả điên để tìm ra một sự thật, có làm thằng điên mới biết được sự thật:

Ai đã giết cha mình?

Kẻ đang ngồi trên ngai vàng kia là một tên sát nhân ác độc hay một ông chú nhân từ?

Cái vị hoàng hậu từng được cha mình yêu đến mức lo cả ngọn gió thổi qua, là một người đàn bà đức hạnh, một người mẹ đầy lòng thương con, hay chỉ là một mụ đàn bà hư hỏng, một kẻ dối trá, một kẻ tòng phạm giết vua, giết chổng?

Toàn những câu hỏi ghê gớm. Nhưng phải trả lời. Không thể không tìm câu trả lời!

Câu trả lời dù có đau đớn đến đâu cũng phải tìm cho ra.

Phải làm người điên mới tìm được câu trả lời.

Thế này thì cũng điên mất!

Tất nhiên, sau khi tìm được câu trả lời, vở kịch của Shakespeare đã kết thúc đúng kiểu bi kịch Shakespeare: xác chết ngổn ngang trên sân khấu.

Có lẽ chân lí phải luôn luôn gắn liền với cái chết!

Học chủ nghĩa Mác mãi, đến nay tôi chỉ còn nhớ nổi một câu của Karl Marx:

Không có chân lý nào là chân lý tuyệt đối! Chỉ có chân lý tương đối.

Đây chính là niềm vui và cũng bi kịch của đời.

Suốt mấy nghìn năm, cái này được khẳng định là chân lý: mặt đất vuông và phẳng, mặt đất là trung tâm của vũ trụ, mặt trời và mặt trăng là hai thứ được sinh ra để sưởi ấm và chiều sáng cho mặt đất.

Ai cũng tin là vậy, và phải tin là vậy, nếu không muốn tự liệt mình vào hạng ngu dốt.

Vậy mà, giữa thế kỷ 16, có một thằng điên, từ những quan sát về chuyển động của các tinh tú trên bầu trời mà phát hiện ra rằng: mặt đất không phải là trung tâm của vũ trụ, không phải mặt trời quay quanh mặt đất, mà chính là:

TRÁI ĐẤT TRÒN VÀ QUAY QUANH MẶT TRỜI!

Giả thuyết của Copernicus, nhà thiên văn học người Ba Lan, đã đúng!

Điên thật rồi! Và thằng điên ấy tên là Galileo (1564-1642)

Không thể để cho nó làm mọi người điên theo! Phải xử nó như cách đã xử những tên dị giáo, những mụ phù thuỷ vô đạo ngày đó. Bị Toà án của Giáo hội Ki tô giáo kết tội là dị giáo, Galileo phải phủ nhận lý thuyết của mình về vũ trụ , về dải Ngân Hà mà thần thoại Hy Lạp gọi là Con Đường Sữa (La Voie lactée-The Milky way)

Galileo phải nói:

– Mặt trời quay quanh mặt đất, không phải trái đất quay quanh mặt trời!

Kẻ dị giáo phải nói thế mới giữ được mạng sống cho mình, để rồi còn được chiêm nghiệm, thí nghiệm những lý thuyết còn dở dang, để còn được leo lên tháp nghiêng Pisa mà nghiên cứu về trọng lực!

Chân lý là vậy mà. Những phát kiến mới trong đời luôn luôn là vậy mà!

Galileo có nói thế thật , nhưng trong thâm tâm thì vẫn nghĩ rằng: dù tôi có nói thế thì trái đất vẫn làm đúng cái công việc của nó, nó cứ quay quanh mặt trời!

Có lẽ ta cũng nên biết rằng, phải đến hơn bốn trăm sáu mươi năm sau cái năm 1633 ấy, nghĩa là đến năm 1992, Giáo hội La Mã mới thừa nhận rằng Toà án của họ đã từng kết tội oan sai cho bị cáo Galileo!

Vô địch về thời gian cho các vụ án oan sai.

Cuộc sống có tiến về phía trước được hay không, chính là vậy mà!

Cuộc sống mà không có những Galileo thì chỉ mãi trở về với hang động thôi!

To be or not to be, that’s the question!

Tôi bỗng nhớ lại hình ảnh một người thầy dạy tôi hai năm liền và sau đó mất luôn chiếc ghế trên giảng đường: giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, người mới hai mươi tư tuổi đã vác luôn hai bằng tiến sĩ (văn khoa và luật khoa) từ Pháp về nước.

Câu nói đáng sợ nhất của thầy lúc giảng về Hamlet của Shakespeare chính là câu này:

Là trí thức là phải biết hoài nghi!

Không lên giàn hỏa thiêu là may rồi!

May quá thầy ạ! Chỉ mất cái ghế giáo sư! (Còn ghế luật sư thì bỏ lâu rồi, bởi lúc ấy có còn luật đâu!)

Related posts