Trân Văn (VOA)
27-10-2022
Đến giờ, có thể thấy rất rõ, chính các “biện pháp nghiệp vụ” chỉ làm khủng hoảng trên thị trường tài chính, tín dụng thêm trầm trọng.
Ông Tô Ân Xô – Trung tướng, Chánh văn phòng kiêm Phát ngôn viên của Bộ Công an – lại vừa hăm dọa công chúng: Bộ Công an sẽ tiếp tục xác minh, điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác. Đồng thời đề nghị người dân không tin, không lan truyền những thông tin thất thiệt, sai sự thật (1). Thông tin bị xác định “thất thiệt, sai sự thật” là chuyện… “sẽ có thêm nhiều tập đoàn lớn bị xử lý”.
Đây là lần thứ hai trong vòng nửa tháng Bộ Công an hăm dọa về việc “xác minh, điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác”. Lần trước – hôm 9/10/2022 – Bộ Công an tuyên bố “sẽ xử lý tất cả tổ chức, cá nhân nếu đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, tin gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự” (2).
Trên thực tế, Bộ Công an đã bắt vài người vì… “bình luận thất thiệt về hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) gây hoang mang dư luận”. Tuy nhiên chỉ một tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định “hoạt động của SCB vẫn bình thường và ổn định” (3), Bộ Công an hăm dọa và thực hiện vài lệnh bắt giữ giống như răn đe, NHNN đột nhiên đưa SCB vào diện… “kiểm soát đặc biệt” (4).
Điều đó có khác gì thừa nhận, chỉ các tin bị cho là… “không chính xác, thất thiệt, sai sự thật” mới… “đúng sự thật”. Điều đó cũng có khác gì chứng minh, NHNN đã tung… tin giả.
Chẳng phải chỉ có NHNN tung tin giả, Bộ Công an cũng vậy. Khi công bố quyết định khởi tố vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại An Dong Group và các tổ chức, đơn vị có liên quan”, Bộ Công an xác định có bốn bị can, một trong bốn bị can – bà Nguyễn Phương Hồng được Bộ Công an xác định là “Trợ lý Công ty cổ phần Vạn Thịnh Phát” (5). Tuy nhiên khi tố cáo SCB đục bỏ danh sách thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) của ngân hàng này và tiểu sử của từng người, một số cơ quan truyền thông chính thức như Infonet (6), Vietnam Finance (7),… vô tình tố cáo Bộ Công an tung… tin giả. Bà Hồng là người đã làm việc cho SCB suốt 11 năm, trong 11 năm đó từng đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau của SCB (Trưởng phòng Tín dụng, Trưởng phòng Kinh doanh, Trưởng phòng Hỗ trợ kinh doanh, Phó Giám đốc chi nhánh, Giám đốc chi nhánh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định kiêm Giám đốc chi nhánh) và lúc bị bắt đang là “Ủy viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định của SCB”.
Dẫu Infonet, Vietnam Finance,… đã đục bỏ các tố cáo hai chiều (tố cáo SCB và vô tình tố cáo các cơ quan hữu trách) song tin đã đưa vẫn còn có thể tìm thấy ở một số nơi trên Internet (8). Có thể NHNN và Bộ Công an vẫn đinh ninh chính quyền có quyền làm ra và phát tán tin giả cũng như tin giả có thể giữ cho thị trường tài chính, tín dụng nói riêng, kinh tế – xã hội nói chung… “hoạt động bình thường, ổn định” nhưng công chúng đủ khôn ngoan để không bị gạt. Các… “biện pháp nghiệp vụ” như… chế tạo, khoác cho bị can lai lịch giả, buộc hệ thống truyền thông chính thức đục bỏ những thông tin cho thấy chính quyền tung… tin giả, che đậy việc bà Hồng đột tử khi vừa bị tạm giam, lờ đi một số trường hợp “bất đắc kỳ tử”, chẳng khác gì định hướng cho công chúng nên tin vào loại “tin” nào – “tin” do chính quyền công bố hay “tin” bị chính quyền xếp vào loại “tin giả, tin sai sự thật”.
Cứ nhìn vào sự hỗn loạn của thị trường tài chính, tín dụng, ví dụ VN-Index liên tục xuyên thủng hết đáy này tới đáy khác, chỉ trong vòng nửa năm, giá trị toàn bộ cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam giảm khoảng… 2,2 triệu tỉ đồng (9)… thì sẽ xác định được công chúng chọn tin lọai “tin” nào. Thiên hạ vẫn gọi những tình huống kiểu này là “gậy ông đập lưng ông”! “Ông” đã bị “đập” rất đích đáng!
***
Khi hăm dọa sẽ “xác minh, điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác” bởi các “tin” này “gây rối loạn, mất an ninh, an toàn thị trường”, Bộ Công an hoặc cố ý, hoặc vô tình không nhìn thấy hậu quả của các “biện pháp nghiệp vụ” mà chính quyền đã áp dụng. Chính những “biện pháp nghiệp vụ” ấy mới là nguyên nhân dẫn tới hậu quả như đang thấy.
Khi chính quyền bất chấp các qui định pháp luật làm ra và phát tán tin giả về lai lịch bị can, che đậy và cưỡng bức báo chí phải tham gia che đậy sự thật thì sẽ có bao nhiêu người tin những “biện pháp nghiệp vụ” đã thực thi thật sự vì… “lợi ích, hoạt động bình thường của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp”. Chẳng lẽ thiếu trung thực, không minh bạch có thể “bảo vệ an ninh, an toàn thị trường” và ngược lại là sai?
Đến giờ, có thể thấy rất rõ, chính các “biện pháp nghiệp vụ” chỉ làm khủng hoảng trên thị trường tài chính, tín dụng thêm trầm trọng. Hăm dọa để tiếp tục áp đặt các “biện pháp nghiệp vụ” không chỉ khiến Bộ Công an trở thành cơ quan vừa táo bạo nhất trong việc tung tin giả, vừa tàn bạo nhất khi cố gắng chứng minh sẽ xử lý cả những người “đồng thuận” với những thông tin không phải là tin giả do Bộ Công an phát tán.
Chú thích
(4) https://tuoitre.vn/kiem-soat-dac-biet-ngan-hang-scb-20221015175432938.htm