Điểm tín dụng xã hội doanh nghiệp giống Trung Quốc gây nguy cơ cho nền cộng hòa

Tác giả J.G Collins

Điểm tín dụng xã hội doanh nghiệp giống Trung Quốc gây nguy cơ cho nền cộng hòa
Một cuộc diễn hành chậm của chủ nghĩa lý tưởng cánh tả phá hoại đã dẫn đến các cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận căn bản. (Ảnh: Josh Edelson/AFP/Getty Images) Bình luận

Các biện pháp trừng phạt lấy cảm hứng từ ĐCSTQ đối với các dịch vụ tài chính gây rủi ro cho việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận

Khi Hoa Kỳ bắt đầu quan hệ thương mại nghiêm túc với Trung Quốc vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra giả thuyết rằng một thị trường tư bản ở Trung Quốc sẽ chuyển thành một chính phủ dân chủ đa đại diện theo kiểu phương Tây.

Khi Trung Quốc tiến hành Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần thứ 20 trong tuần này (17-23/10), nơi ông Tập Cận Bình được bổ nhiệm cho nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có và được gọi là “Chủ tịch Trọn đời”, người Mỹ giờ đây chỉ có thể tiếc nuối, bởi sự ngây thơ của các nhà lãnh đạo đã tạo điều kiện và tiếp sức mạnh cho sự trỗi dậy của nhà cầm quyền cộng sản, hiện đang là một mối đe dọa hiện hữu trên toàn thế giới này.

Nhưng khi chúng ta than vãn về sự ngây thơ của ông George H. W. Bush, ông Bill Clinton, và Quốc hội khóa 106, thì người Mỹ cũng nên thận trọng. Vì chúng ta đã không những thất bại trong việc “chuyển đổi” Trung Quốc từ chủ nghĩa độc tài cộng sản sang lối sống của một xã hội dân chủ, như chúng ta đã hy vọng, mà còn khiến xã hội của chính chúng ta trở nên độc tài hơn theo cách bắt chước một số khía cạnh của Trung Quốc.

Một khu vực tư nhân dập tắt ngôn luận

Ông John Locke, nhà triết học thế kỷ 17, người rất có ảnh hưởng đến các Tổ phụ Lập quốc, từng viết trong “Một Bức Thư Về Sự Khoan Dung” (“A Letter Concerning Toleration”): “Sự khoan dung cho những người khác biệt với người khác là thuận theo… mục đích thực sự của nhân loại đến nỗi, việc con người mù quáng đến mức không nhận thức được tính cần thiết và lợi ích của sự khoan dung này trong một ánh sáng rất rõ ràng như vậy dường như là vô lý.”

Mặc dù ông Locke đang chỉ viết về sự khoan dung tôn giáo giữa các giáo phái khác nhau, nhưng quan niệm của ông đã được các vị Tổ phụ Lập quốc đón nhận nhiều đến nỗi chúng trở thành cơ sở cho việc ngài James Madison đúc rút ra Tu chính án thứ Nhất, cấm Quốc hội cắt bỏ quyền tự do ngôn luận hoặc báo chí.

Tuy nhiên, ngày nay, sự khoan dung về ngôn luận đang có nguy cơ mất đi. Và chính các tập đoàn tư nhân đang hạn chế ngôn luận theo những cách mà Quốc hội không thể — và những cách mà các Tổ phụ Lập quốc có thể chưa bao giờ cân nhắc đến.

Như tôi đã báo cáo hồi đầu tháng này, công ty tư nhân PayPal duy trì một chính sách cho phép công ty này ghi nợ 2,500 USD từ tài khoản của những người dùng kích động “thù địch, bạo lực, phân biệt chủng tộc, hoặc các hình thức không khoan dung khác mang tính phân biệt đối xử.” Tài khoản của quý vị có thể bị đóng nếu quý vị “cung cấp thông tin sai lệch, không chính xác, hoặc gây hiểu lầm.” Tất nhiên, các quyết định về việc quý vị có đáp ứng các ngưỡng ấy hay không, chỉ do PayPal thực hiện.

Đầu năm nay (2022), ông Mike Lindell, “My Pillow Guy”, đã bị Minnesota Bank & Trust chấm dứt tài khoản ngân hàng sau khi ngân hàng này mô tả ông là một “rủi ro về danh tiếng.” Ngân hàng này rõ ràng nhận thấy những nghi ngờ liên tục của ông Lindell về tính liêm chính trong cuộc bầu cử năm 2020 bằng cách nào đó là một mối đe dọa đối với mình.

Cô Lauren Witzke, một ứng cử viên cho Thượng viện Hoa Kỳ ở Delaware và tự nhận là “người Cơ Đốc theo chủ nghĩa dân tộc” phản đối phong trào LGBTQ, đã bị từ chối truy cập vào tài khoản của cô tại Wells Fargo. Cô tuyên bố cô đã giao dịch ngân hàng với Wells Fargo trong nhiều năm nhưng chỉ bị các dịch vụ ngân hàng từ chối khi cô trở thành ứng cử viên và có một nền tảng để thể hiện các quan điểm của mình.

Tất cả những vụ loại bỏ ngôn luận đối lập này của các tổ chức tài chính đều dường như chống lại các nhóm bảo tồn truyền thống. Các nhóm cánh tả như Antifa và Black Lives Matter dường như không bị các tổ chức tài chính trừng phạt, mặc dù họ đã bị cáo buộc tham gia bạo lực. ActionNetwork, một nền tảng đóng góp và mạng xã hội kiểu chìa khóa trao tay cho tất cả các loại mục tiêu “cấp tiến”, lớn và nhỏ, thì được phép nhận đóng góp qua thẻ tín dụng.

Một loại virus được khai triển vào năm 2013

Dường như tất cả những vụ loại bỏ này đã bắt đầu với “Chiến Dịch Điểm Án Ngữ” (Operation Choke Point),  một chính sách điều tiết ám muội mà chính phủ ông Obama bắt đầu vào năm 2013, nhắm mục tiêu vào hoạt động rửa tiền nhưng cũng nhắm mục tiêu vào những người bán vũ khí và đạn dược và cái gọi là “những người cho vay ngắn hạn” (“payday lenders”, những người có những khoản cho vay đến hạn trả vào ngày nhận lương tiếp theo). Các tài liệu được phát hiện trong một vụ kiện đã cho thấy một số cơ quan quản lý trong chính phủ ông Obama có ác cảm với những loại hình kinh doanh này, mặc dù chúng hợp pháp.

Ông Dennis Shaul, CEO của Hiệp hội Dịch vụ Tài chính Cộng đồng Hoa Kỳ (CFSA) đã viết một bài báo cho The American Banker, trong đó ông mô tả sự thù nghịch của các nhà quản lý đối với ngành này, mà ông nói rằng họ đã cố gắng vòng vo che lấp khi sự thù nghịch này được đưa ra ánh sáng; ông đã viết khi ấy rằng:

“Một tiền lệ nguy hiểm đã được đặt ra ở đây. Nếu các cơ quan quản lý của một chính phủ có thể nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp mà cá nhân họ không ưa, thì bất kỳ chính phủ nào kế theo cũng có thể làm như vậy. Định kiến ​​cá nhân không thể là tiêu chuẩn để đặt ra quy định, và chính phủ không bao giờ được bất chấp quy trình pháp lý hoặc thủ tục pháp lý để ép uổng các doanh nghiệp hợp pháp.”

Rất may, Bộ Tư pháp đã kết thúc Chiến Dịch Điểm Án Ngữ trong vài tháng đầu tiên của thời chính phủ cựu TT Trump.

Nhưng dường như hành động của Bộ Tư pháp chưa kết thúc được chế độ tín nhiệm xã hội kiểu cộng sản do các tổ chức tài chính áp đặt. Một số ngân hàng tiếp tục áp đặt các rào cản đối với dịch vụ tài chính dựa trên quan điểm chủ quan của riêng họ về các doanh nghiệp hợp pháp và các ý kiến ​​gây tranh cãi, mặc dù những doanh nghiệp này không còn phải chịu sự điều tiết của chính phủ nữa. Các nhà quản lý cổ phần tư nhân theo tư tưởng ESG và các quỹ hưu trí của công chức khuyến khích hầu hết những việc làm như vậy.

Chẳng hạn, mới tháng trước, các tổng chưởng lý của California và New York đã viết thư cho ba công ty thẻ tín dụng lớn yêu cầu họ thiết lập mã danh mục thương gia cho các nhà bán lẻ súng và đạn dược. Các quỹ hưu trí của công chức đã sớm cùng tham gia vào sáng kiến ​​này, với lý do “rủi ro pháp lý, uy tín, và kiện tụng có thể gây tổn hại đến giá trị cổ đông lâu dài” của các tổ chức phát hành thẻ tín dụng. Người ta có thể dễ dàng hình dung sẽ ra sao, nếu các ngân hàng thuận theo yêu cầu này, thì họ cũng có thể được yêu cầu “hủy các dịch vụ ngân hàng” cho các phong trào chính trị, đảng phái chính trị, và các tổ chức tôn giáo gây tranh cãi.

Các công ty dịch vụ tài chính là công ty tiện ích công cộng và nhà cung cấp dịch vụ chung

Không ai nên bị hủy các dịch vụ ngân hàng hoặc bị đóng băng tài khoản tín dụng của mình vì ủng hộ các quan điểm chính trị gây tranh cãi hoặc tham gia vào các hoạt động pháp lý mà các giám đốc điều hành ngân hàng hoặc các nhà quản lý không được bầu chọn ghét bỏ. Đó là một hình phạt ngoài tư pháp xúc phạm ngay đến bản chất của những bảo đảm trong Tu chính án thứ Nhất và sự nhạy cảm của một xã hội dân chủ. Mặc dù lời nói tục tĩu, phỉ báng, lừa đảo, kích động, đe dọa thực sự, và ngôn luận mà tự thân vốn đã thuộc về hành vi phạm tội thì là bất hợp pháp, nhưng những ngôn luận khác — kể cả là xúc phạm ghê gớm và “ngôn luận thù hận” — được bảo vệ hợp pháp, miễn là nó không phải là kích động. Và nếu Quốc hội muốn thông qua một sửa đổi Hiến Pháp để thay đổi điều đó và làm cho một số diễn ngôn trở nên bất hợp pháp, như ở một số quốc gia ở Âu Châu và Canada, thì có một quy trình cho việc đó. Nhưng Quốc hội, cơ quan quản lý các ngân hàng, không nên cho phép các nhân viên hành chính và ngân hàng bỏ qua quy trình này.

Ngài Harry Truman, thành viên Dân Chủ Missouri ăn nói chất phác, người trở thành tổng thống ngoài ý muốn, đã từng nói về các biện pháp hạn chế bất đồng chính kiến ​​(vào thời của ông là mối đe dọa của Khủng Hoảng Đỏ (Red Scare)):

“Một khi chính phủ thực hiện nguyên tắc làm im lặng tiếng nói của phe đối lập, thì chính phủ đó chỉ có một con đường để đi, và đó là con đường áp dụng các biện pháp ngày càng đàn áp, cho đến khi nó trở thành nguồn khủng bố cho tất cả công dân và tạo ra một đất nước nơi mà tất cả mọi người đều sống trong sợ hãi.”

Quốc hội tiếp theo nên thiết lập một dự luật về quyền của các dịch vụ tài chính quốc gia để giới hạn quyền của các ngân hàng và cơ quan quản lý trong việc từ chối cấp tín dụng, đóng tài khoản, hoặc áp đặt các loại tiền phạt mà PayPal có trong các điều khoản của công ty này. Rõ ràng đây là một vai trò phù hợp hơn với một tòa án, với sự bảo đảm về thủ tục và kháng cáo đúng pháp luật hơn là đối với các quan chức và doanh nhân.

Bà Evelyn Beatrice Hall, một nhà văn người Anh viết tiểu sử về ngài Voltaire, đã tóm tắt quan điểm của nhà triết học này về diễn ngôn bằng cách trích dẫn câu nói của ông: “Tôi không tán thành những gì quý vị nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết quyền được nói của quý vị.”

Trong một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc như chúng ta, nơi mà những kẻ ngoại đạo có xu hướng gây chú ý lớn nhất, và diễn ngôn mà chúng ta không ưa là phổ biến, thì điều quan trọng là chúng ta phải nhớ câu nói của ngài Voltaire. Và của ngài Truman. Và tuân thủ cả hai.

Nếu không, cuối cùng chúng ta có thể sẽ hy sinh nền cộng hòa.


Ông J.G. Collins là giám đốc điều hành của Stuyvesant Square Consultancy, một công ty tư vấn chiến lược, khảo sát thị trường, và cố vấn tại thành phố New York. Các bài viết của ông về kinh tế, thương mại, chính trị, và chính sách công đã được đăng trên Forbes, New York Post, Crain’s New York Business, The Hill, The American Conservative, và các ấn phẩm khác.

Vân Du biên dịch

Related posts