Ít nhất 100 người thiệt mạng, 300 người bị thương trong vụ đánh bom kép rung chuyển Somalia
Tổng thống Somalia cho biết ít nhất 100 người đã thiệt mạng trong 2 vụ đánh bom xe hôm thứ 7 (29/10) tại một giao lộ đông đúc ở thủ đô Mogadishu; con số này có thể còn tăng lên.
Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất tại Somalia kể từ vụ đánh bom xe tải ở cùng địa điểm cách đây 5 năm khiến hơn 500 người thiệt mạng.
Tổng thống Hassan Sheikh Mohamud, tại địa điểm xảy ra các vụ nổ ở thủ đô Mogadishu, nói với các nhà báo rằng gần 300 người khác đã bị thương. “Chúng tôi đề nghị các đối tác quốc tế và người Hồi giáo trên khắp thế giới cử đội ngũ bác sĩ đến hỗ trợ vì chúng tôi không thể đưa tất cả nạn nhân ra nước ngoài điều trị”.
Nhóm khủng bố al-Shabab có liên hệ với al-Qaeda – thường tấn công vào thủ đô và đã kiểm soát nhiều vùng tại Somalia – đã lên tiếng nhận trách nhiệm, đồng thời cho biết chúng nhắm mục tiêu vào Bộ Giáo dục. Nhóm này coi Bộ Giáo dục là một “căn cứ của kẻ thù” – nơi nhận được sự hỗ trợ từ các quốc gia không theo đạo Hồi và nơi “cam kết đưa trẻ em Somali rời khỏi đức tin Hồi giáo”.
Al-Shabab thường không tuyên bố nhận trách nhiệm khi có số lượng lớn dân thường thiệt mạng, như trong vụ nổ năm 2017; nhưng nhóm này đang trở nên tức giận bởi một động thái của chính phủ nhằm đóng cửa mạng lưới tài chính của nhóm. Nhóm cho biết họ cam kết chiến đấu cho đến khi đất nước được cai trị bởi luật Hồi giáo và họ yêu cầu dân thường tránh xa các khu vực của chính phủ.
Tổng thống Somalia Hassan Sheikh Mohamud, được bầu vào năm nay, nói rằng đất nước của ông vẫn duy trì chiến đấu với al-Shabab “và chúng tôi đang chiến thắng”.
Vụ tấn công ở thủ đô Mogadishu xảy ra cùng ngày khi Tổng thống, Thủ tướng và các quan chức cấp cao khác của Somalia họp bàn để thảo luận về các nỗ lực mạnh mẽ hơn nhằm chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực và đặc biệt là al-Shabab. Các phần tử cực đoan, những người muốn có được một nhà nước Hồi giáo, đã đáp trả bằng cách giết những người có ảnh hưởng tại địa phương để ngăn cản chính phủ nhận được sự ủng hộ từ cơ sở.
Cuộc tấn công đã khiến lực lượng phản ứng nhanh của Somalia kiệt quệ. Somalia là một trong những quốc gia có hệ thống y tế yếu nhất thế giới sau nhiều thập kỷ xung đột. Tại các bệnh viện và các nơi khác, người dân đang cuống cuồng tìm kiếm thân nhân thiệt mạng hoặc bị thương.
Cô Halima Duwane đang tìm kiếm chú của mình. “Chúng tôi không biết liệu chú ấy còn sống hay đã chết nhưng lần cuối cùng chúng tôi liên lạc với nhau thì chú ấy đã ở quanh đây”, cô vừa nói vừa khóc.
Những người chứng kiến vụ tấn công đã vô cùng hốt hoảng. Nhân chứng Abdirazak Hassan cho biết: “Tôi không thể đếm được các thi thể trên mặt đất bởi số lượng những người thiệt mạng là quá nhiều”. Ông cho biết vụ nổ đầu tiên đã đánh trúng bức tường của Bộ Giáo dục, nơi có nhiều người bán hàng rong và người đổi tiền.
Một nhà báo của Associated Press có mặt tại hiện trường cho biết vụ nổ thứ hai xảy ra ngay trước một nhà hàng đông đúc trong giờ ăn trưa. Vụ nổ đã phá hủy nhiều xe tuk-tuk và các phương tiện khác.
Mỹ luôn coi al-Shabab là một trong những tổ chức nguy hiểm nhất của al-Qaeda và đã tấn công tổ chức này bằng nhiều cuộc không kích trong những năm gần đây.
Xuân Hoa
Ít nhất 70 người thiệt mạng trong vụ sập cây cầu dây ở Ấn Độ
Ít nhất 70 người đã thiệt mạng vào chiều Chủ nhật (30/10) khi một cây cầu treo bắc qua sông tại miền tây Ấn Độ bị sập khiến hàng trăm người rơi xuống nước, theo India Today.
Giới chức Ấn Độ cho biết có hơn 150 người đang ở trên cây cầu treo bắc qua sông Machhu tại quận Morbi (bang Gujarat) vào thời điểm cây cầu bị sập. Theo kênh truyền hình địa phương Zee News, có hơn 400 người trên cây cầu vào thời điểm đó.
Hình ảnh từ truyền hình cho thấy hàng chục người bám vào dây cáp và những phần còn lại của cây cầu sập trong khi các đội cứu hộ phải vật lộn để giải cứu họ. Một số người leo lên các phần đổ nát để cố gắng tìm đường đến bờ sông trong khi những người khác bơi đến nơi an toàn.
Ông Mohan Kundariya, một thành viên Quốc hội Ấn Độ, nói rằng: “60 người chết được xác nhận cho đến nay.” Thông tin mới hơn được India Today cập nhật cho thấy số người chết đã được nâng lên ít nhất 70 người.
Những quan chức khác cho biết có ít nhất 30 người bị thương.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nhà nước Harsh Sanghavi nói có hơn 150 người trên cây cầu dây cáp hẹp, một điểm tham quan du lịch thu hút nhiều người đến trong mùa lễ hội, khi lễ Diwali và Chhath Puja được tổ chức.
Cây cầu lịch sử dài 230 mét được xây dựng dưới thời cai trị của Anh vào thế kỷ 19. Nó được đóng cửa sửa chữa trong 6 tháng và mới được mở cửa trở lại cho công chúng vào tuần trước.
Thủ tướng Narendra Modi, đang ở quê nhà Gujarat trong chuyến thăm 3 ngày, cho biết ông đã chỉ đạo thủ hiến bang điều động khẩn cấp các lực lượng cho chiến dịch cứu hộ.
Chính quyền bang đã thành lập một đội điều tra đặc biệt gồm 5 thành viên để tiến hành điều tra về thảm họa.
Morbi là một trong những khu vực sản xuất gốm sứ lớn nhất thế giới và chiếm hơn 80% sản lượng gốm sứ Ấn Độ.
Tuyết Mai
Người đứng đầu Vệ binh Iran cảnh cáo: 29/10 là ngày cuối của bạo động
Người đứng đầu Vệ binh đầy quyền lực của Iran đã cảnh báo những người biểu tình rằng hôm thứ Bảy (29/10) chính là ngày cuối cùng họ còn được phép chiếm lĩnh đường phố. Ông đưa ra tín hiệu rõ ràng rằng quân lực sẽ được tăng mạnh và đã bắt đầu trấn áp và bắt giữ ở nhiều nơi.
Cái chết của cô Mahsa Amini (22 tuổi, người Kurd) trong khi bị Cảnh sát Đạo đức Iran tạm giữ cuối tháng trước, đã khai hỏa cho làn sóng biểu tình nhanh chóng đẩy Iran vào tình thế bất ổn. Đây là làn sóng bạo động lớn nhất tại quốc gia này kể từ khi chính quyền tôn giáo lên nắm quyền năm 1979.
“Đừng xuống đường! Hôm nay là ngày cuối cho bạo động,” ông Hossein Salami, Tổng tư lệnh Vệ binh Iran đã tuyên bố như vậy hôm 29/10 bằng ngôn từ cứng rắn. Hiện trạng này vẫn được Tehran đổ lỗi cho kẻ thù quốc tế, tính cả Israel và Mỹ quốc.
“Đó là âm mưu nham hiểm, là kế hoạch được ấp ủ… bởi Nhà Trắng và chế độ của bọn Do Thái phục quốc Zionist,” ông Salami tuyên bố. “Đừng bán rẻ thanh danh cho Mỹ và đừng ô nhục những cảnh binh đang hàng ngày hàng giờ bảo vệ an ninh cho quý vị.”
Người Iran bất chấp những cảnh báo như vậy bằng những bạo động mà phụ nữ đóng vai trò nổi bật. Báo cáo cho hay họ còn tái diễn nhưng biểu tình mới và đẫm máu hơn nữa vào hôm Thứ Bảy vừa qua.
Nhóm nhân quyền Hengaw đưa tin rằng cảnh binh đã bắn những sinh viên ở một trường học nữ sinh tại thành phố Saqez. Một báo cáo khác cho hay an ninh nổ súng vào sinh viên một trường Y ở Sanandaj, thủ phủ tỉnh thành của người Kurd.
Một số sinh viên bị thương, một người trúng đạn vào đầu, Hengaw đưa tin.
Cuối ngày Thứ Bảy, nhiều cuộc biểu tình nổ ra ở các thị trấn người Kurd ở Marivan, theo các nguồn tin video, trong đó có các đoạn phim người biểu tình đốt lửa ngoài phố và nghe tiếng súng đạn trong phim.
Tài khoản Twitter @1500tasvir, người có gần 300.000 tài khoản theo dõi, đã đăng video quay cảnh người biểu tình ở phía bắc thành phố Astara, nhóm lửa trại bằng những mảnh vỡ và xe mô-tô cướp từ cảnh sát.
Đồng thời @1500tasvir cùng một số tài khoản Twitter khác cũng nói rằng lực lượng an ninh đã bao vây một số cơ sở, gồm cả các nơi như Trường Đại học Mashhad Azad và Trường Đại học Kỹ thuật Tehran, để vây bắt những sinh viên hoạt động.
Một số cảnh cũng trong video của @1500tasvir cho thấy những người biểu tình bắt nhịp hô lớn “Các thầy tu lạc lối rồi!”
Xét xử người biểu tình
Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), xưa nay khét tiếng là lực lượng trung kiên bàn tay sắt khi xử lý những tình huống bất đồng chính kiến, trực tiếp trong tay điều hành của Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, vẫn chưa được điều động kể từ khi biểu tình bắt đầu nổ ra các nơi từ tháng trước.
Cảnh báo của ông Salami là tín hiệu ám chỉ rõ rằng Khamenei có thể sẽ ra tay lần này khi phải đối mặt với làn sóng biểu tình có xu thế lật đổ chính quyền Hồi giáo.
Những đoạn video mấy ngày qua cho thấy các nhóm hoạt động đã hữu ý tổ chức biểu tình ở các trường đại học toàn quốc và các thành phố, gồm cả Kerman, Mashhad, Qazvin, Ahvaz, Arak, Kermanshah, Yazd, Bushehr, và một số cơ sở nơi thủ đô Tehran.
Hãng tin HRANA của những người hoạt động cho hay 272 người biểu tình đã bị giết trong tình trạng bất ổn tính đến Thứ Sáu (28/10), trong đó có 39 người là dân tộc thiểu số. Khoảng 34 người của lực lượng an ninh cũng đã bị giết. Khoảng 14.000 người đã bị bắt khi xuống đường biểu tình tại 129 thị trấn và thành phố và 116 trường đại học, cũng theo nguồn tin này.
Hãng tin IRNA trong bản tin chính thức cho hay một Tòa án Cách mạng theo đường lối cứng rắn đã bắt đầu xét xử một số trong những 315 người biểu tình ở Tehran, và ít nhất 5 người trong đó đã bị kết tội tử hình.
Trong những bị cáo có một người đàn ông bị cáo buộc đã đánh và giết viên chức ảnh sát bằng ô-tô của mình, và gây thương tích cho 5 người khác. Ông bị kết án “tuyên truyền hủ bại trên trái đất”, một trong những tội án sẽ bị tử hình theo luật Hồi giáo.
Một người khác cũng bị kết án tử với tội “moharebeh”, cách nói của người Hồi giáo có ý tứ là gây chiến với Chúa Trời, khi người đàn ông này bị cáo buộc dùng dao tấn công cảnh sát, và trợ giúp người khác nổ súng vào cảnh sát tại một trấn gần Tehran, cũng theo IRNA đưa tin.
Tòa án được điều hành bởi Abolghassem Salavati, một quan tòa mà Hoa Kỳ đã có sắc lệnh trừng phạt năm 2019 khi cáo buộc ông ta trừng trị những công dân Iran và công dân đa quốc tịch khi những công dân này thực hiện quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp.
Ông Salami đưa ra cảnh báo nói trên khi ông phát biểu ở lễ tang những người mà Chính quyền Hồi giáo xác định là nạn nhân một cuộc tấn công tuần qua.
Một người mà theo tin từ nhóm chiến binh cho hay đã tiến hành tấn công, giết hại 15 tín đồ tại đền thờ Shah Cheragh thành phố Shiraz, đã thề trung thành với Nhà nước Hồi giáo trong một video đăng tải trên Telegram của mình vào hôm Thứ Bảy. Quan chức Iran cho hay người này đã chết ở nơi giam giữ do những vết thương xảy ra trong quá trình giam giữ.
Thiên Đức, theo Reuters
Quan chức Ukraine: TT Putin có thể bị lật đổ trước khi chiến tranh kết thúc
Một quan chức quân sự Ukraine tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “khó có thể” trụ lại sau cuộc chiến ở Ukraine mà ông đã phát động vào ngày 24/2.
Phát biểu với tờ War Zone, Thiếu tướng Ukraine Kyrylo Budano nhận định: “Không chắc ông ấy [Tổng thống Putin] sống sót sau cuộc chiến. Và hiện tại, đang có các cuộc thảo luận tích cực diễn ra ở Nga về việc ai đó sẽ thay thế ông ấy.”
Vị tướng này cũng cho biết, Ukraine đang “cố gắng để chiến thắng kẻ thù”, nhưng điều đó chỉ có thể hoàn thành bằng cách đẩy Nga trở về ranh giới với Ukraine vào năm 1991, khi quốc gia Đông Âu này giành được độc lập. Mặc dù ông tin rằng Ukraine có thể đạt được mục tiêu này vào một khoảng thời gian nào đó trong năm tới, nhưng ông không tiết lộ chi tiết cụ thể khi nào mục tiêu đó sẽ đạt được.
Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã kéo dài hơn tám tháng. Ukraine vẫn đang tiếp tục phản công và đã giành được một số thắng lợi quan trọng trên chiến trường. Trước đó hồi tháng 9, theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Moscow đã phải tính đến việc mua vũ khí từ Triều Tiên, bao gồm rocket và đạn pháo, để bổ sung cho kho vũ khí đang cạn kiệt của mình.
Theo một quan chức hàng đầu của Điện Kremlin, Nga đề nghị sẽ ngừng ném bom hệ thống lưới điện của Ukraine để đổi lấy lãnh thổ của quốc gia Đông Âu này. Lời đề nghị của Moscow được đưa ra ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố, Washington dự kiến sẽ giao các hệ thống phòng không hiện đại của Hoa Kỳ cho Kyiv vào đầu tháng 11.
Hôm thứ Sáu (28/10), Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự mới nhất dành cho Ukraine, trị giá khoảng 275 triệu đô la. Phó phát ngôn viên của Lầu Năm Góc Sabrina Singh lưu ý, đây là lần thứ 24 mà quyền rút vốn của tổng thống được áp dụng. Thẩm quyền này cho phép tổng thống Hoa Kỳ chuyển giao các hàng hóa và dịch vụ có sẵn tại các kho hàng mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ trong những trường hợp khẩn cấp. Đến nay, Washington đã cung cấp hơn 18,5 tỷ đô la hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức.
Gia Huy (Theo washingtonexaminer)
Nga tuyên bố khôi phục và phân tích UAV tấn công hạm đội Biển Đen ở Crimea
Lưu ý: Nội dung này được lấy từ Nga, vùng bị luật kiểm soát không cho viết bài chi tiết về tình hình chiến sự tại Ukraine
Hôm Chủ Nhật (30/10), Bộ Quốc Phòng Nga tuyên bố họ đã khôi phục và phân tích xác chiếc UAV (máy bay không người lái, drone) từng được dùng khi tấn công Hạm đội Biển Đen của Nga tại Crimea vào một ngày trước đó. Phân tích của Nga cho hay, chiếc UAV này trang bị hệ thống điều hướng do Canada sản xuất.
Bộ Quốc Phòng Nga cho hay Ukraine đã tấn công Hạm đội Biển Đen gần Sevastopol bằng 16 chiếc UAV đầu giờ sáng hôm Thứ Bảy, và rằng các “chuyên gia” Hải quân Anh quốc đã trợ giúp điều phối để làm ra cái mà họ gọi là cuộc tấn công khủng bố đó. Phía Anh quốc đã bác bỏ cáo buộc này.
Nga nói rằng họ đã đẩy lui cuộc tấn công. Nhưng mục tiêu của cuộc tấn công là những tàu đậu ở đó đảm bảo cho hành lang ngũ cốc nằm ngoài cửa biển ra Biển Đen của Ukraine.
Quan chức Ukraine chỉ ra rằng chính Nga phải chịu trách nhiệm về những vụ nổ mà nước này lấy cớ rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc do Liên Hợp Quốc làm trung gian, một động thái làm suy yếu nỗ lực xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Chánh văn phòng Andriy Yermak của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Nga đã thực hiện “các cuộc tấn công khủng bố hư cấu vào các cơ sở của chính họ”.
“Theo thông tin thu được từ bộ nhớ của bộ thu điều hướng thì chiếc UAV đã được phóng từ bờ biển gần thành phố Odesa,” Bộ Quốc Phòng Nga tuyên bố.
Họ nói chiếc UAV này đã di chuyển dọc theo vùng an toàn của “hành lang ngũ cốc”, rồi mới chuyển hướng nhắm vào căn cứ quân sự của Nga ở Sevastopol, thành phố lớn nhất trong khu vực Crimea do Nga lấy lại từ Ukraine hồi năm 2014.
Cả Nga và Ukraine đều không cung cấp bằng chứng cho tuyên bố của mình.
Thiên Đức, theo Reuters