Tin thế giới chiều thứ Bảy: Ba Lan chấp thuận cho tập đoàn của Mỹ xây nhà máy hạt nhân đầu tiên

Thị trưởng Bắc Kinh kế nhiệm ông Lý Cường làm Bí thư Thượng Hải

Sau Đại hội 20, nhân sự cấp cao bắt đầu có sự điều chỉnh mạnh mẽ. Ông Trần Cát Ninh (Chen Jining), Thị trưởng thành phố Bắc Kinh, thay ông Lý Cường (Li Qiang) làm Bí thư thành phố Thượng Hải. (Nguồn: VOA /Wikimedia

Ngày 28/10, ông Trần Cát Ninh (Chen Jining), thành viên mới của Bộ Chính trị, kiêm Thị trưởng Bắc Kinh, đã được bổ nhiệm thay thế ông Lý Cường (Li Qiang) giữ chức Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Trước đó, ngoại giới từng dự đoán ông Trần Cát Ninh sẽ kế vị ông Thái Kỳ (Cai Qi) và cai quản Bắc Kinh.

Sau Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội 20 của ĐCSTQ), nhân sự cấp cao bắt đầu có sự điều chỉnh mạnh mẽ.

Sáng ngày 28/10, Tân Hoa Xã, cơ quan truyền thông chính thức của ĐCSTQ đưa tin, mới đây Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã quyết định: Ông Lý Cường sẽ thôi giữ chức Bí thư, Thường vụ và Ủy viên của Thành ủy Thượng Hải; ông Trần Cát Ninh sẽ kế nhiệm những chức vụ trên.

Thuận theo việc ông Lý Cường, ông Thái Kỳ – Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, và ông Lý Hy (Li Xi) – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị mới sau Đại hội 20, các “lãnh đạo cao nhất” ở Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Đông đều sẽ đổi chủ.

Theo thông tin công khai, ông Trần Cát Ninh (SN 1964, 58 tuổi, quê ở Lê Thụ, tỉnh Cát Lâm) không có quan hệ gì với ông Tập Cận Bình trong những năm đầu, là một quan chức về kỹ thuật được ông Tập đề bạt.

Sau khi lấy bằng thạc sĩ tại Khoa Kỹ thuật Môi trường thuộc Đại học Thanh Hoa, ông đã đến Vương quốc Anh để nghiên cứu thêm. Ông lần lượt theo học Khoa Hóa sinh tại Đại học Brunel và Khoa Kỹ thuật Xây dựng tại Đại học Hoàng gia London, và lấy bằng tiến sĩ.

Từ tháng 2/2006, ông Trần Cát Ninh giữ chức Phó hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng điều hành và Hiệu trưởng Đại học Thanh Hoa (cấp Thứ trưởng); Bí thư Tổ đảng kiêm Bộ trưởng Bộ Bảo vệ Môi trường.

Từ tháng 5/2017, ông giữ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, kiêm Phó Thị trưởng, Bí thư Tổ đảng, Phó Bí thư Tổ đảng Ban Tổ chức Olympic Mùa đông Bắc Kinh.

Đầu năm 2018, ông Trần Cát Ninh (khi đó 54 tuổi) trở thành Thị trưởng trẻ nhất của Bắc Kinh trong hơn 30 năm qua. Ngày 23/10, ông nhậm chức Ủy viên Cục Chính trị của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ tại Đại hội 20.

Ngày 23/10, ông Lý Cường trở thành ủy viên số 2 của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa 20 của ĐCSTQ, dự kiến ​​sẽ kế nhiệm ông Lý Khắc Cường, trở thành Thủ tướng Trung Quốc vào tháng Ba năm sau.

Ông Lý Cường (63 tuổi) được biết đến là một thành viên của “Tân binh Chi Giang” (Phe cánh của ông Tập). Khi ông Tập nắm quyền ở Chiết Giang từ năm 2002 – 2007, ông Lý Cường được thăng làm Tổng bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang vào năm 2004, trở thành “bí mật lớn” của ông Tập.

Sau đó, ông giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật, kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Chiết Giang. Từ năm 2016, ông Lý Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Nhân đại (Đại hội Đại biểu nhân dân) tỉnh Giang Tô.

Tại Đại hội 19 của ĐCSTQ năm 2017, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô, Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Nhân đại tỉnh Giang Tô. Năm 2017, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải.

Nhưng ông Lý Cường chưa từng có kinh nghiệm làm việc trong chính quyền trung ương như những người tiền nhiệm. Ông cũng chưa từng làm bộ trưởng hay phó thủ tướng.

Nghĩa là, sau Cách mạng Văn hóa, ông Lý Cường là quan chức đầu tiên được trực tiếp thăng chức thủ tướng từ cấp tỉnh thành, mà không có bất kỳ kinh nghiệm làm việc nào với chính quyền trung ương.

Ngày 27/10, ông Charles Boustany, Cố vấn của “Văn phòng Nghiên cứu Châu Á Quốc gia” (National Bureau of Asian Research), một viện nghiên cứu chính sách của Hoa Kỳ, nói với VOA rằng kinh nghiệm của ông Lý Cường dường như không đủ để ông ấy có thể đảm nhiệm vị trí thủ tướng.

Ông nói: “Ông ấy dường như không có bất kỳ kinh nghiệm nào làm việc trong chính quyền trung ương. Kinh nghiệm của ông ấy về kinh tế có thể không phải là kinh nghiệm mà Trung Quốc cần, để giải quyết các vấn đề lớn mà Trung Quốc phải đối mặt, như nợ và tác động của chính sách Zero-COVID.”

Trong một chương trình trên kênh truyền thông cá nhân, nhà bình luận Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang) người Hoa tại Mỹ nói rằng: “Có lẽ sau Đại hội 20, ông Tập Cận Bình sẽ đẩy mạnh việc thanh trừng kẻ thù chính trị phe Giang trên quy mô lớn.” Quan sát cũng cho thấy “làn sóng thay máu” quan chức chủ chốt trong hệ thống này đã xảy ra tại nhiều khu vực.

Bình Minh

Ba Lan chấp thuận cho tập đoàn của Mỹ xây nhà máy hạt nhân đầu tiên

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki (Ảnh: Wikimedia)

Ba Lan đã chấp thuận lời đề nghị của Mỹ về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này. Thông tin trên được Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đưa ra vào hôm 28/10 vừa qua. Theo đó, tập đoàn Westinghouse Electric sẽ nhận hợp đồng xây dựng các lò phản ứng và lò phản ứng đầu tiên sẽ hoàn thành vào năm 2033.

Ông Morawiecki cho biết: “Một liên minh Ba Lan Mỹ mạnh mẽ đảm bảo thành công của các sáng kiến ​​chung”. Ông cho hay rằng quyết định sử dụng công nghệ an toàn, đáng tin cậy của Westinghouse được đưa ra sau cuộc hội đàm với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm.

Ông Morawiecki cũng cảm ơn đại sứ Mỹ tại Ba Lan Mark Brzezinski, người đã trình đề xuất của Westinghouse vào tháng trước.

Một công ty nhà nước Hàn Quốc cũng đã nộp hồ sơ đấu thầu cho dự án xây dựng nhà máy hạt nhân vào tháng 4. Ba Lan cũng đã thảo luận về dự án với các công ty Pháp.

Một quan chức Mỹ cấp cao cho biết việc Ba Lan lựa chọn Mỹ và Westinghouse đang gửi một thông điệp tới Nga về sức mạnh và gắn kết của liên minh Mỹ – Ba Lan.

Theo Ba Lan, dự án năng lượng nói trên sẽ có tổng cộng 6 lò phản ứng được xây dựng vào năm 2040 và sẽ sản xuất 6 đến 9 gigawatt điện. Westinghouse sẽ cung cấp công nghệ, hỗ trợ quản lý và cấp vốn cho các nhà máy, đổi lấy 49% cổ phần trong liên doanh.

Ở một diễn biến khác, ngày 29/9, Đại sứ quán Mỹ tại Ba Lan thông báo nước này sẽ nhận được 288,6 triệu USD trong chương trình “Viện trợ quân sự nước ngoài” của Mỹ.

Viện trợ quân sự nước ngoài là một cơ chế viện trợ của Mỹ dành cho các đồng minh. Khoản viện trợ này có thể được cung cấp dưới hình thức cho vay không hoàn lại để mua các trang thiết bị của Mỹ, cũng như chi trả cho việc huấn luyện do các chuyên gia quân sự Mỹ thực hiện.

Đại sứ quán Mỹ thông báo số tiền này sẽ giúp Ba Lan đẩy nhanh quá trình bù đắp số trang thiết bị Ba Lan đã lấy từ các kho dự trữ để giúp Ukraine tăng cường khả năng phòng thủ, trong đó có các xe tăng. Đại sứ quán Mỹ cũng nhấn mạnh: “Mỹ không ngừng khuyến khích các nước hỗ trợ khẩn cấp cho Ukraine, cũng như bắt đầu đàm phán hợp đồng với các công ty chế tạo vũ khí để sản xuất trang thiết bị quân sự cho Ukraine càng sớm càng tốt”.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov, tính đến đầu tháng 6, Ba Lan đã trở thành quốc gia cung cấp vũ khí nhiều thứ 2 cho Ukraine sau Mỹ.

Phan Anh

Bão Nalgae khiến 72 người chết ở Philippines sắp vào Biển Đông

Dự báo đường đi của bão Nalgae sắp vào Biển Đông. (Ảnh: VNDMS).

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão Nalgae hiện đã tăng một cấp so với hôm qua, dự báo sẽ còn tiếp tục mạnh thêm. Dự báo khoảng ngày 30/10 đi vào Biển Đông.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 7h sáng nay (29/10), vị trí tâm bão  Nalgae ở vào khoảng 13,9 độ Vĩ Bắc; 122,6 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/giờ), giật cấp 12.

Dự báo, trong chưa đầy 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20km/h, gió mạnh cấp 10, giật cấp 12.

Sau đó, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ 10-15km/h, sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.

Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km, cường độ mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.

Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km, cường độ mạnh cấp 9-10, giật cấp 12.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, khoảng ngày 30/10 bão sẽ vượt qua khu vực miền Trung của Philippines và đi vào Biển Đông, khả năng cao (đến 90%) đây sẽ là cơn bão số 7, ảnh hưởng đến nước ta trong mùa bão lũ năm nay.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết sau khi di chuyển vào Biển Đông, bão Nalgae sẽ chịu tác động tương tác với không khí lạnh.

Đồng thời trên các tầng khí quyển độ cao 3.000-5.000m, bão chịu sự chi phối của 2 khối khí áp cao cận nhiệt đới, nhánh phía đông và phía tây.

“Chính vì vậy, sau khi vào Biển Đông, hướng di chuyển của bão còn có nhiều biến động”, theo ông Hưởng.

Theo VnExpress đưa tin, bão Nalgae đổ bộ đảo chính Philippines sáng 29/10 khiến ít nhất 72 người chết. Ít nhất 14 người mất tích và 33 người bị thương.

Huệ Liên

Related posts