Nguyên nhân lính nghĩa vụ Nga không sẵn sàng chiến đấu cho ông Putin

Xuân Hoa

Lính Nga tham dự lễ xuất quân ở Sevastopol, bán đảo Crimea, hôm 27/9/2022. (Ảnh: Stringer/AFP/Getty Images)

Hàng trăm nghìn người Nga chạy trốn nghĩa vụ quân sự đã tiết lộ một điểm yếu của quân đội Nga, đó là không có tinh thần chiến đấu.

Vào cuối tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh điều động 300.000 thanh niên tham gia cuộc chiến tại Ukraine. Kể từ đó, người Nga đã tràn sang Georgia, Kazakhstan và Mông Cổ để tránh phải đi nghĩa vụ quân sự. Thủ đô Tbilisi của Georgia ghi nhận sự xuất hiện của 40.000 người Nga chỉ vài ngày sau đợt điều động. Ở Ulaanbaatar (Mông Cổ) cũng có rất nhiều người Nga. Theo các nguồn tin địa phương, một số kỹ sư Nga đã tìm được công việc tại các khu mỏ. Nhiều thanh niên Nga cũng đang nộp đơn vào các trường đại học để ở lại đất nước với tư cách sinh viên. Ngoài ra còn có những người Nga bỏ nhà ra đường phố chơi nhạc hoặc ăn xin.

Việc Ukraine, một quốc gia có diện tích chỉ bằng một phần nhỏ của Nga, có thể cầm cự lâu trước một cuộc xâm lược của Nga đã làm dấy lên nghi ngờ về sức mạnh của quân đội Nga. Đối với Mỹ, điều này đã luôn được nghiên cứu từ khi Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh kết thúc. Hiện tại, các nhà phân tích an ninh của Mỹ coi Nga và Trung Quốc là hai mối đe dọa lớn nhất. Trong bối cảnh Hoa Kỳ và cả hai quốc gia gia tăng căng thẳng, việc so sánh sức mạnh quân sự giữa các bên đang được tiến hành cẩn trọng.

Mỹ đứng đầu về hỏa lực toàn cầu, Nga đứng thứ hai. Tuy nhiên, Nga có quân đội lớn hơn với từ 1 triệu đến 2,2 triệu quân, trong khi Mỹ có 1,4 triệu. Sự khác biệt cơ bản giữa hai quân đội là quân Mỹ gồm những người lính chuyên nghiệp – tình nguyện và đã tuyên thệ chiến đấu cho đất nước; trong khi đó, khoảng 25% lực lượng vũ trang của Nga là lính nghĩa vụ – phần lớn đến từ các dân tộc thiểu số, những vùng nghèo nhất của Nga và không theo Chính thống giáo phương Đông (Eastern Orthodox). Những người lính này có thể không muốn giết người hoặc hy sinh cho một chính phủ đã luôn coi họ như những công dân hạng hai. Lính Mỹ trong cuộc huấn luyện tác chiến đô thị tại Fort Benning, bang Georgia, Mỹ, ngày 26/01/2011. (Mathieu Rabechault / AFP qua Getty Images)

Nói chung, Nga nghèo hơn nhiều so với Mỹ; sự giàu có tại Nga phân bổ không đồng đều, phần lớn dân số có mức sống ngang bằng với một nước đang phát triển. Các vùng dân tộc thiểu số và nông thôn – quê hương của phần lớn binh sĩ – cho đến nay vẫn là những vùng nghèo nhất. Sự bất bình đẳng này có thể tạo ra phẫn nộ đối với giới tinh hoa ở Moscow – những người đang kiểm soát số phận của nông dân.

Trong thời Xô Viết, nghĩa vụ quân sự được thực thi theo chủ nghĩa bình quân. Tất cả nam giới sẽ phải nhập ngũ trong một khoảng thời gian nhất định để nhận huấn luyện quân sự cơ bản. Sau đó, họ sẽ được gọi để đào tạo bổ sung định kỳ. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga bắt đầu xây dựng một hệ thống kết hợp giữa nghĩa vụ quân sự và quân tình nguyện. Hệ thống này duy trì cho đến ngày nay. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Nga kể từ Thế chiến II là lính nghĩa vụ chiến đấu không hiệu quả. Năm 2015, số lượng quân nhân chuyên nghiệp là chuẩn úy, hạ sĩ quan hoặc binh sĩ của Nga lên tới 300.000, cao nhất trong lịch sử cho đến thời điểm đó. Trong quân đội, các đơn vị chuyên nghiệp được tách biệt với các đơn vị nghĩa vụ; có rất ít liên hệ giữa họ với nhau.

Nga, giống như Liên Xô trước đây, vẫn yêu cầu học sinh và sinh viên hoàn thành giáo dục quốc phòng hay kỳ học quân sự để ngay cả lính nghĩa vụ mới cũng có kiến thức cơ bản về quân đội và sơ cứu. Lính nghĩa vụ được phân chia theo khả năng về thể lực, thể thao và ngôn ngữ, sau đó được giao các công việc liên quan đến Không quân, tín hiệu hoặc các công việc thích hợp khác. Năm 2013, Nga thành lập một đơn vị khoa học, trong đó lính nghĩa vụ có trình độ học vấn cao hoặc thông minh sẽ làm việc trong các lĩnh vực công nghệ và nghiên cứu. Điều này có tác động mạnh đến an ninh mạng của Mỹ.

Hiện tại, một số đơn vị chiến đấu của Nga ở Ukraine có khoảng 50% lính nghĩa vụ. Nhìn chung, việc [ông Putin] gọi nhập ngũ hàng loạt để phục vụ cuộc chiến đang vấp phải nhiều phản đối. Thông thường, Nga sẽ tuyển quân từ khu vực nông thôn, nhưng những người này ngày càng nhiều không phải là người Nga xét theo sắc tộc và có ít ý chí chiến đấu cho ông Putin. Nhiều cuộc biểu tình bạo lực đã nổ ra ở cộng hòa Dagestan có đa số người Hồi giáo. Hơn 100 người Dagestan đã bị bắt.

Các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo vốn đã là đối tượng bị đàn áp tại Nga. Do luật pháp bảo hộ nhóm dân tộc Nga/Slav và những người theo Chính thống giáo phương Đông, 136 ngôn ngữ dân tộc tại Nga đang trên đà biến mất hoàn toàn. Sự phân bổ của cải không đồng đều trên khắp đất nước khiến hầu hết người Nga ở các vùng nông thôn và các khu vực chủ yếu là người dân tộc thiểu số phải chịu cảnh đói nghèo. Các khu vực quê hương của phần lớn lính nghĩa vụ là những nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao. Năm 2021, Cộng hòa Ingushetia có tỷ lệ thất nghiệp 30,9%. Con số này ở Cộng hòa Dagestan là 15,1%, 15% ở Cộng hòa Tuva, 14,5% ở Cộng hòa Chechnya, 13,4% ở Bắc Ossetia–Alania, 12,3% ở Karachay-Cherkess và 12% ở Altai. Tỷ lệ này không có bất kỳ cải thiện nào trong năm nay.

Trong thời gian gọi lính nghĩa vụ cho cuộc chiến tại Ukraine, Nga đặc biệt chọn người Mông Cổ từ Cộng hòa Buryatia, cũng như các dân tộc thiểu số khác, để gửi ra tiền tuyến. Các khu vực chịu nhiều thương vong nhất là Dagestan, Buryatia, Krasnodar Krai, Bashkortostan và Volgograd Oblast; đây cũng là những nơi có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao. Theo một bài báo, những người không phải là người Slav chiếm tới 40% thương vong của Nga tại Ukraine.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Xuân Hoa

Related posts