Cuộc chiến chip Mỹ – Trung sẽ trở thành trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh G20?

Huyền Anh

Cuộc chiến chip Mỹ - Trung sẽ trở thành trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh G20?
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong một hội nghị thượng đỉnh ảo từ Phòng Roosevelt của Nhà Trắng ở Washington vào ngày 15/11/2021. (Ảnh: Mandel Ngan/AFP/Getty Images)

Cuối tháng này, Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức tại Bali, Indonesia. Các quan chức Mỹ và Trung Quốc vẫn đang trong quá trình sắp xếp cho một cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, Nhà Trắng cho biết hôm thứ Ba (1/11). Liệu cuộc chiến chip Mỹ – Trung sẽ trở thành trọng tâm của Hội nghị này?

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ được tổ chức tại Bali, Indonesia từ ngày 15/11 đến ngày 16/11. Indonesia đảm nhận chức vụ Chủ tịch luân phiên của hội nghị thượng đỉnh.

Vào ngày 28/10, Nhà Trắng xác nhận rằng ông Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20, còn Trung Quốc vẫn chưa thông báo liệu ông Tập Cận Bình có tham dự sự kiện này hay không. Nhưng Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho hay, cả ông Tập và ông Putin đều có kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh G20.

Phát ngôn viên an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói với các phóng viên hôm 1/11 rằng, các nhân viên Mỹ và Trung Quốc đang sắp xếp một cuộc họp tiềm năng cho các nhà lãnh đạo tại Hội nghị G20

“Chúng tôi có rất nhiều vấn đề cần thảo luận với phía Trung Quốc”, ông Kirby nói vào ngày 30/10 và cho biết thêm rằng, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực để sắp xếp một cuộc gặp cho các nhà lãnh đạo, mặc dù điều này vẫn chưa được xác nhận. Ông Kirby nói: “Một số vấn đề vẫn còn gây tranh cãi, và một số vấn đề cần được hợp tác”.

Cuộc chiến chip Mỹ – Trung có thể trở thành trọng tâm của Hội nghị G20

Trong cuộc họp với các quan chức Bộ Quốc phòng hôm thứ Tư tuần trước (26/10), ông Biden nhấn mạnh rằng Mỹ “không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc”. Vài giờ sau, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, ông Tập Cận Bình nói với các thành viên của Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ – Trung rằng, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ để tìm cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp vì lợi ích của cả hai bên. Đây được coi là tín hiệu hòa giải giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nhưng ngày hôm sau, các quan chức Mỹ và Trung Quốc lại có một cuộc khẩu chiến về các quy định mới mà chính quyền ông Biden công bố vào ngày 7/10 trong việc ngăn cản Trung Quốc tiếp cận một số chip bán dẫn. Ông Wang Hongxia, tham tán công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, nói với các phóng viên rằng: “Mỹ quá chú trọng khái niệm an ninh quốc gia, đàn áp sự phát triển của Trung Quốc, và hợp tác kinh doanh bình thường bị chính trị hóa và vũ khí hóa”.

Ông Alan Estevez, một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Mỹ, sau đó đã nói với một diễn đàn ở Washington rằng, ông sẽ đặt cược vào các biện pháp kiểm soát xuất khẩu bổ sung của Mỹ đối với Trung Quốc.

Tối 30/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị để thảo luận về các vấn đề như quan hệ Mỹ – Trung, chiến tranh Nga – Ukraine và tình hình ở Haiti. Đây là cuộc điện đàm cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần thứ 20. Giới quan sát tin rằng, cuộc điện đàm giữa hai Ngoại trưởng có thể là bước đệm để mở đường cho một cuộc gặp tiềm năng giữa ông Tập và ông Biden vào Hội nghị thượng đỉnh G20 tới.

Sau cuộc điện đàm giữa ông Blinken và ông Vương Nghị, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục đưa ra một tuyên bố hôm thứ Hai (31/10) rằng, Mỹ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với Trung Quốc và hạn chế đầu tư vào Trung Quốc, điều này vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc tự do thương mại và gây tổn hại đến các quyền hợp pháp của Trung Quốc. Tờ Bloomberg đưa tin, cuộc chiến chip Mỹ – Trung có thể là trọng tâm của các cuộc thảo luận trong Hội nghị thượng đỉnh G20 tới đây.

Các quy định sâu rộng mới do Bộ Thương mại Mỹ áp đặt nhằm hạn chế việc xuất khẩu chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chip cho khách hàng Trung Quốc. Theo đó, Washington muốn ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng công nghệ của họ để phát triển khả năng quân sự và kiểm soát người dân Trung Quốc. Động thái này của Mỹ là đòn giáng mạnh mẽ vào tham vọng tự chủ về chip của Trung Quốc và làm suy yếu nỗ lực của Bắc Kinh đối với tham vọng phát triển kinh tế của nước này, bao gồm chất bán dẫn, siêu máy tính, hệ thống giám sát và vũ khí tiên tiến.

Mỹ và Trung Quốc có nhiều khác biệt

Kể từ khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ tháng 1/2021, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Mỹ đã thực hiện 5 cuộc điện đàm. Nếu hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia, đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ kể từ khi ông Biden nhậm chức.

Sau khi kết thúc Đại hội 20, ông Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba của mình với tư cách là Tổng bí thư ĐCSTQ và đối mặt với những khó khăn cả trong và ngoài nước.

Sự củng cố quyền lực của ông Tập Cận Bình diễn ra khi Mỹ cập nhật chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia, nhấn mạnh rằng Trung Quốc hiện là đối thủ kinh tế và quân sự lớn nhất của Mỹ. Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ cũng đã bước vào giai đoạn nước rút, và phản ứng cứng rắn đối với ĐCSTQ là một trong số ít động thái đạt được sự đồng thuận của lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ. Giới quan sát tin rằng, bất kể kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ra sao, nước này vẫn sẽ tiếp tục coi Trung Quốc là đối thủ lớn nhất.

Trên cương vị Tổng thống, ông Biden đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác; đàn áp các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hong Kong; cưỡng ép các hoạt động thương mại; khiêu khích quân sự chống lại Đài Loan và không lên án cuộc chiến của Nga với Ukraine.

Về phần mình, ông Tập Cận Bình đã chỉ trích cách tiếp cận của chính quyền ông Biden đối với Đài Loan, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền và cho biết, họ sẽ thống nhất hòn đảo bằng vũ lực nếu cần thiết. Ông Tập cũng ám chỉ rằng, Washington muốn kìm hãm ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực không ngừng để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại do chính sách phòng chống dịch Zero Covid cực đoan của chính quyền nước này. Bắc Kinh cũng đang phải đối mặt với việc xuất khẩu chậm chạp và giá nhà ở chạm đáy trong tháng 9, đạt mức thấp nhất trong 7 năm qua.

Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), những quốc gia đang đầu tư hàng chục tỷ USD để cạnh tranh trong lĩnh vực bán dẫn và các công nghệ khác. Tất cả những điều này cho thấy một thực tế là GDP của Trung Quốc khó có thể vượt qua Mỹ.

Thanh Hải

Related posts