Việt Nam tự sản xuất được 80% xăng dầu, vì sao người dẫn vẫn khó mua

Hội An

Tình trạng cửa hàng xăng dầu tạm đóng cửa, hết hàng tiếp tục tái diễn ở Hà Nội và TP.HCM (ảnh: Zing).

Tự chủ được khoảng 80% nguồn cung xăng dầu trong nước nhưng tình trạng người dân vẫn khó khăn khi mua nhiên liệu đang liên tục tái diễn.

Theo báo Zing, từ đầu tháng 10, TP.HCM và các tỉnh phía Nam chứng kiến “cơn sốt” xăng dầu khi hàng loạt cửa hàng đóng cửa, người dân chật vật tìm đủ cách mua xăng.

Song hơn một tháng trôi qua, tình trạng thiếu xăng dầu không chỉ dừng lại ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam mà đã lan rộng tới nhiều quận, huyện ở Hà Nội. Hiện, nhiều cây xăng ở Hà Nội đã tạm ngưng bán hàng hoặc chỉ bán cầm chừng, giới hạn 30.000 đồng/xe máy, 500.000-600.000 đồng/ôtô và xuất hiện các điểm bán xăng tự phát giá cao gây bức xúc cho người dân.

Riêng trong năm nay, đây không phải lần đầu có tình trạng thiếu xăng, các cửa hàng bán nhỏ giọt. Hồi tháng 2, tháng 8 khi nguồn cung từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp đầu mối bị rút giấy phép nhập khẩu, cảnh tượng này đã diễn ra.

Vậy nguyên nhân do đâu?

Hiện nay, xăng dầu sản xuất trong nước thông qua hai nhà máy lọc dầu đảm bảo 80% nhu cầu thị trường, còn lại là nhập khẩu. Tuy nhiên, một nửa lượng dầu thô để sản xuất xăng dầu được nhập khẩu từ thế giới, nên giá xăng dầu biến động sẽ có tác động trực tiếp đến xăng dầu trong nước.

Trong hệ thống kinh doanh xăng dầu hiện có 4 tầng: 36 doanh nghiệp đầu mối, hơn 300 thương nhân phân phối (đơn vị nhận hàng từ doanh nghiệp đầu mối), đại lý/tổng đại lý và cửa hàng bán lẻ. Tổng đại lý/đại lý và cửa hàng bán lẻ có khoảng 17.000 cửa hàng, đây là hệ thống do chính quyền các tỉnh, thành phố cấp, quản lý trực tiếp.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, hệ thống phân phối này liên tục bộc lộ những điểm yếu, gây nên bất ổn trong thị trường xăng dầu cả nước.

Theo nguồn tin trên, về nguyên nhân thiếu xăng dầu thời gian qua, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thừa nhận do các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng. Họ chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Bộ Tài chính cũng thừa nhận nguồn hàng ít hơn một phần vì chính các doanh nghiệp đầu mối hiện cũng e dè hơn khi nhập khẩu do giá thế giới biến động khó lường, nguy cơ thua lỗ cao.

Bên cạnh đó, nguồn cung cho xăng dầu của thế giới ngày càng khan hiếm bởi gần đây châu Âu và các nền kinh tế lớn gia tăng thu mua lượng dầu hiện có từ các nguồn cung chính là OPEC+ và Nga. Hơn nữa, tỷ giá ngoại tệ liên tục thay đổi khiến doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu gặp khó khăn.

Đồng thời, việc tiếp cận vốn ngoại tệ để được bảo lãnh nhập, hỗ trợ thanh toán của các doanh nghiệp đầu mối và phân phối còn khó khăn do không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của các ngân hàng.

Chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam tăng cao trong khi chi phí này chưa tính đủ vào giá cơ sở do Nhà nước điều hành nên doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu để giảm thua lỗ.

Đáng chú ý, cùng thời điểm này nhiều doanh nghiệp đầu mối bị rút giấy phép nhập khẩu xăng dầu 1-1,5 tháng cũng khiến nguồn cung bị ảnh hưởng đáng kể. Ngoài ra, việc ngân hàng siết tín dụng, không có nguồn tài chính cũng là một trong số nguyên nhân khiến doanh nghiệp xăng dầu hạn chế nhập hàng.

Quy định, chính sách điều hành xăng dầu “có vấn đề”

Cũng theo nguồn tin Zing, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho hay, việc thị trường xăng dầu bất ổn trong thời gian qua còn xuất phát từ việc điều hành của cơ quan quản lý “có vấn đề”, thiếu minh bạch từ cơ chế điều hành giá bán lẻ, sử dụng quỹ bình ổn giá, điều chỉnh chi phí kinh doanh, quản lý chuỗi hệ thống phân phối xăng dầu từ đầu mối đến đại lý bán lẻ…

Chưa kể, trong vấn đề điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính chưa có sự thống nhất và phối hợp. Đơn cử, ngay đầu tháng 10, Bộ Công Thương cho biết đã 4 lần đề xuất cơ quan này điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu, nhưng chưa được Bộ Tài chính đồng thuận. Điều này khiến chiết khấu giảm về 0, cửa hàng bán lẻ bị thua lỗ…

TS Nguyễn Quốc Việt – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định: “Cơ quan điều hành chốt giá bán ra nhưng lại ‘thả nổi’ hợp đồng giữa các doanh nghiệp trung gian như đầu mối, phân phối, đại lý, tổng đại lý… thì sẽ có vấn đề”.

Liên quan đến xăng dầu, theo báo Thanh Niên cập nhật giá xăng dầu nhập khẩu từ Bộ Công thương đến ngày 7/11 đã tăng so với mức giá nhập khẩu trung bình tại kỳ điều chỉnh trước (1/11). Cụ thể, xăng A95-III lên 106,48 USD/thùng, xăng E5 RON92 lên 100,39 USD, dầu diesel giảm nhẹ về 135,16 USD/thùng, dầu hỏa 127,32 USD/thùng và dầu mazut 445,07 USD/tấn.

Trong khi đó, chiều 8/11, Bộ Tài chính cũng đã chính thức cho điều chỉnh tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về nước, mức tăng cao nhất đối với dầu hỏa là 660 đồng/lít, lên 1.740 đồng/lít; xăng RON95 tăng thêm 560 đồng lên 1.280 đồng/lít, xăng nền RON92 tăng 290 đồng lên 640 đồng/lít; dầu diesel tăng 160 đồng lên 730 đồng/lít và dầu mazut tăng 60 đồng lên 1.350 đồng/kg.

Theo một lãnh đạo đầu mối xăng dầu phía nam, mức tăng của giá xăng dầu nhập khẩu, cộng với tăng chi phí đưa xăng dầu về nếu được tính luôn trong vài ngày tới, sẽ đẩy giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng.

Related posts