Trung Quốc xử lý ngành dịch vụ di dân để ngăn ‘làn sóng xuất cảnh đào thoát’?

Sau khi phiên bản nâng cấp của “thịnh vượng chung” được ĐCSTQ đưa ra trong Đại hội 20, có tin đồn về làn sóng đào thoát từ giới nhà giàu Trung Quốc vì lo ngại bị nhà cầm quyền tước đoạt của cải. (Nguồn: Wikipedia / Tổng hợp hình ảnh).

Nhà cầm quyền Trung Quốc vừa thiết lập thêm nguyên tắc “Quy định về tích lũy tài sản” liên quan chính sách “thịnh vượng chung”. Động thái được cho là gây làn sóng người giàu bỏ chạy vì không muốn trở thành “cỗ máy rút tiền” của nhà chức trách.

Đề xuất “Quy định về tích lũy tài sản”

Sau khi Đại hội 20 của ĐCSTQ đưa ra chiêu trò mới “Quy định về tích lũy tài sản” nhằm thúc đẩy cái gọi là “thịnh vượng chung”, tờ WSJ (Wall Street Journal) của Mỹ có nhận định rằng cơ chế này của nhà cầm quyền là để phân phối lại tài sản của những người giàu ở Trung Quốc. Một số nhà kinh tế chỉ ra rằng nhà chức trách Trung Quốc đang thúc đẩy tăng thuế đối với người giàu, và thuế nhà đất có thể là một trong những lựa chọn. Điều đó cho thấy ĐCSTQ đang tăng cường thêm công cụ quản lý giám sát thuế.

Cái gọi là “Quy định về tích lũy tài sản” đã được Thông tấn xã Trung Quốc đề cập ngày 18/10, lần đầu tiên được đề xuất bởi ông Lý Thực (Li Shi) – Viện trưởng Viện Chia sẻ và Phát triển của Đại học Chiết Giang. “Chuyên gia” này cho rằng tốc độ tích lũy của cải hiện nay của nhiều người Trung Quốc quá nhanh, khiến chênh lệch giàu nghèo đang ngày càng mở rộng. Trong bối cảnh thúc đẩy thịnh vượng chung, cần tiêu chuẩn hóa cơ chế tích lũy của cải theo hướng tăng cường công bằng trong phân phối và thu hẹp khoảng cách phân bổ của cải, qua đó ngăn chặn hiện tượng “người giàu ăn cao lương mỹ vị không hết, người nghèo ăn cặn bã”.

Sau khi lần đầu tiên thông báo về “Quy định về tích lũy tài sản”, giới quan sát bên ngoài nhìn chung cho rằng đó là nguyên tắc nhằm kiện toàn hóa lý luận “thịnh vượng chung” của ĐCSTQ.

Người giàu thành mục tiêu tăng thu thuế

Giới quan sát chỉ ra trong xu thế nâng cấp “thịnh vượng chung”, ngày 22/9 cơ quan thuế ĐCSTQ còn đưa ra “Giai đoạn 4 thuế vàng” (đánh thuế thông minh) được biết sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Sau đó, ngày 28/9 tờ báo mạng Caixin cũng đưa tin về trường hợp Sở thuế và Ban quản lý giám sát thị trường tỉnh Hải Nam thông báo trong năm 2022 này sẽ thực hiện thí điểm kiểm tra thuế đối với nhóm người thu nhập cao có giá trị ròng cao, sẽ sàng lọc một số trường hợp trọng điểm để kiểm toán.

Ngày 7/11, Chi cục thuế thành phố Thâm Quyến đã ban hành “Thông báo đấu thầu Dự án xây dựng giai đoạn 4 nền tảng ứng dụng thuế cá nhân”, nêu rõ vấn đề hoàn thiện về kỹ thuật đối với quản lý thuế thu nhập cá nhân tập trung vào người thu nhập cao có giá trị ròng cao… Số tiền mời gọi thầu là gần 2 tỷ nhân dân tệ.

Ngày hôm sau tờ báo mạng Xinshui chuyên về hoạt động thuế của Trung Quốc cũng đưa tin rằng với sự ra mắt của “Thuế vàng giai đoạn 4” sẽ ngăn chặn mọi lỗ hổng về thuế đối với những người có giá trị ròng cao, thông qua việc thiết lập mã số thuế và quy định chống trốn thuế lần đầu tiên sẽ được đưa vào điều tra tín dụng, thu chi tài sản cá nhân của người Trung Quốc minh bạch hơn dù nguồn thu chi đó ở trong hay ngoài nước.

Có thể thấy nhiều dấu hiệu chung chỉ ra ĐCSTQ đã sớm có kế hoạch chính sách nhắm vào những người có thu nhập cao và có giá trị ròng cao để cải thiện tình hình tài chính nhân danh cái gọi là “thịnh vượng chung”.

Xu thế người giàu Trung Quốc bỏ ra nước ngoài

Để tránh tình trạng tài sản của mình thành “tài sản chung” và tránh phải chịu những biện pháp phong tỏa cực đoan của nhà cầm quyền, có tin đồn từ cộng đồng mạng Trung Quốc về nhiều người giàu có và nổi tiếng đã sẵn sàng cho con đường rời khỏi đất nước, họ đã bị cơ quan hải quan gây khó khăn, thậm chí cả công ty dịch vụ di trú cũng bị thanh trừng.

Đài Á châu Tự do (RFA) tiết lộ, tài khoản mạng xã hội “@Sunny” làm dịch vụ hộ chiếu (tự xưng trú tại tỉnh Giang Tô – Trung Quốc) đăng tải thông tin rằng anh đã nhận được lệnh từ công ty trong đêm phải xóa tất cả nội dung liên quan đến người di cư trong vòng bạn bè WeChat, cũng như thoát ra khỏi tất cả các nhóm người di cư. Thông tin cũng gây chú ý khi cho hay “một số đồng nghiệp đã được mời uống trà, hoạt động di trú sẽ hứng chịu chỉnh đốn, trong tương lai không biết liệu sẽ còn có bất kỳ công ty dịch vụ di cư nào có thể giúp mọi người tháo chạy không!”.

Một người phụ trách về ngoại thương cũng tiết lộ rằng hôm 10/11 có nhiều chủ đề về di cư trên Weibo, nhưng qua ngày 11/10 tất cả đều “biến mất”, các quan chức không còn được phép thảo luận về vấn đề di cư. Nguồn tin cũng cho hay hộ chiếu của một người bạn làm việc cho Công ty Dịch vụ Đối ngoại Thượng Hải đã bị thu hồi vào sáng ngày 11.

Ngoài những khó khăn về di cư, việc xuất cảnh cũng được nhà chức trách đẩy mạnh kiểm tra. Lữ Bình (Lu Ping), một du khách Trung Quốc vừa đến Nhật Bản, xác nhận rằng anh đã bị hải quan hỏi khi xuất cảnh, “Tại sao anh ra nước ngoài, anh đi đâu, anh xuất cảnh làm gì, vì công việc hay làm gì khác…”. Người này cho hay nếu cơ quan chức năng thấy có khả nghi, sẽ đưa vào một căn phòng nhỏ để kiểm tra cẩn thận.

Những nguồn tin cũng chỉ ra kể từ khi xảy ra dịch bệnh ở Trung Quốc cách đây 3 năm, đã có nhiều người nổi tiếng tại Trung Quốc lao vào “làn sóng tháo chạy”, nhiều người đã chuyển đến Mỹ, Nhật Bản, hoặc Thái Lan.

Cộng đồng mạng chia sẻ nóng thông tin người nổi tiếng rời đất nước

Vào tháng 8 năm nay, Chủ tịch Hiệp hội Bóng rổ Trung Quốc là ông Diêu Minh (Yao Ming) đã bán hết tài sản trong nước và chuyển đến định cư tại Houston (Mỹ) cùng gia đình. Trước đây, ông Diêu Minh vốn đã nổi tiếng ở Mỹ vì là ngôi sao bóng rổ, con gái ông sinh ra ở Mỹ mang quốc tịch Mỹ, sau này Diêu Minh về Trung Quốc thi đấu và được bổ nhiệm chức vụ trong nhà nước.

Cùng tháng, nền tảng dịch vụ thông tin di cư Trung Quốc Hinabian đã có bài chỉ ra một số cư dân mạng người Hoa ở New York đã gặp vũ công Kim Tinh (Jin Xing) nổi tiếng Trung Quốc và xin chụp ảnh chung rồi đăng lên vòng bạn bè. Họ cho biết chắc chắn Kim Tinh không đi du lịch vì visa du lịch hiện không thể thông quan, vì vậy chỉ có thể là đã sống ở nước ngoài trong một thời gian dài trước đó.

Một người nổi tiếng khác là Lạc Hi (Le Jia) đã đăng những bức ảnh về cuộc sống của mình ở Mỹ trong Lễ Thất tịch truyền thống của Trung Quốc. Địa chỉ IP của hình ảnh và văn bản được hiển thị là “United States” và thời gian là ngày 4/8. Lạc Hi là khách mời trong show hẹn hò hot nhất Trung Quốc “Nếu bạn là người duy nhất” (Phi thành vật nhiễu).

Cũng có tin đồn rằng đạo diễn Trung Quốc Phùng Tiểu Cương (Feng Xiaogang) và vợ Từ Phàm (Xu Fan) cũng đã định cư ở Los Angeles. Đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu cũng đã đến Mỹ. Tuy nhiên ông Phùng Tiểu Cương đã phản hồi: “Sự thật là tôi và Từ Phàm đã đưa con gái đến trường vào đầu tháng 8, đây là lần đầu tiên con tôi đi xa nên tôi muốn đi cùng con để giúp con tôi thích nghi…. đến khi phù hợp tôi lại về nước”. Văn phòng Trương Nghệ Mưu cũng công bố một đoạn video về công việc mới của ông có tựa “Trương Nghệ Mưu đêm nay vẫn bận rộn”, chưa đi Mỹ.

Chiêu trò thuế khóa vì nguồn tài chính ngày càng khó khăn

Trong những năm gần, đây doanh thu tài chính của ĐCSTQ đã sụt giảm, trong khi chi tiêu không ngừng tăng lên.

Bloomberg dựa theo dữ liệu do Bộ Tài chính ĐCSTQ công bố ngày 26/10 năm nay, tính toán rằng thâm hụt tài chính của Chính phủ Trung Quốc ở tất cả các cấp ở mức cao tới 7.160 tỷ nhân dân tệ, là mức kỷ lục và gần gấp ba lần mức 2.600 tỷ nhân dân tệ của kỳ từ tháng 1-9 năm ngoái (giảm 6,6%; doanh thu từ thuế giảm 11,6%).

Trước đó ngày 21/6 năm nay, Tổng Kiểm toán của Văn phòng Kiểm toán Quốc gia của ĐCSTQ đã chỉ ra trong một báo cáo rằng từ năm 2018 – 2021, có 544 người có thu nhập cao ở 22 tỉnh và thành phố đã trốn 4,722 tỷ nhân dân tệ thuế thu nhập cá nhân bằng cách che giấu thu nhập và gian lận. Ngày 25/7, Tòa án Nhân dân Tối cao ĐCSTQ đã ban hành “Ý kiến” nêu rõ việc tăng hình phạt đối với hành vi trốn thuế, đặc biệt chú ý các cá nhân có giá trị ròng cao trong lĩnh vực giải trí.

Theo trang web của Cục Công chức Quốc gia Trung Quốc cho hay, kỳ thi công chức quốc gia năm 2023 có kế hoạch tuyển dụng 37.100 người, tăng 5.800 người so với 31.200 người trong năm trước, trong số đó có gần 25.000 người thuộc hệ thống thuế (chiếm 67,4% tổng số tuyển dụng).

Tố Nghĩa, Vision Times

Related posts