Xuân Hoa
Việc ông Tập Cận Bình một lần nữa đăng quang tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là điềm xấu cho toàn thế giới. Các dấu hiệu từ phía Bắc Kinh về tính hiếu chiến và về một cuộc chiến đã rõ như ban ngày.
Đại hội lần thứ 20 đã bầu ông Tập làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ, Chủ tịch Quân ủy Trung ương (QUTW), cũng như đã đưa các đồng minh của ông Tập vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị và QUTW.
Việc ông Tập củng cố và hợp nhất quyền lực sẽ thúc đẩy ĐCSTQ theo đuổi mạnh mẽ hơn tham vọng toàn cầu, bao gồm việc thay thế Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và thay thế trật tự quốc tế hiện tại bằng một trật tự “mang đặc sắc Trung Quốc”.
Từ kinh tế đến địa chính trị và quân sự
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã vạch ra nhiều chương trình chiến lược nhằm từng bước thống trị thế giới, bao gồm Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Sản xuất tại Trung Quốc 2025 (Made in China 2025), Con đường tơ lụa trên biển (Maritime Silk Road), Con đường tơ lụa kỹ thuật số (Digital Silk Road), Sáng kiến An ninh toàn cầu (Global Security Initiative), Sáng kiến phát triển toàn cầu (Global Development Initiative), v.v..
Mục tiêu là hiện đại hóa nền tảng công nghiệp của Trung Quốc — và cuối cùng là hiện đại hóa Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) — bằng các hoạt động khai thác, đánh cắp và chuyển giao công nghệ tiên tiến để phục vụ kinh tế Trung Quốc. Vị thế thống trị về kinh tế với tư cách là “công xưởng, kho hàng công nghiệp [nơi sản xuất và lưu trữ từ nguyên liệu thô cho đến thành phẩm] và nhà cung cấp của thế giới” sẽ mang đến vị thế thống trị về địa chính trị và quân sự. Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu thế kỷ là có thể xây dựng quân đội ở mức hoàn toàn hiện đại vào năm 2027, theo hãng thông tấn nhà nước Global Times.
Mở rộng PLA theo cách quyết liệt
Trong báo cáo đọc tại Đại hội lần thứ 20, ông Tập đã nói về ý định mở rộng PLA theo cách quyết liệt hơn. Ông tuyên bố Trung Quốc sẽ “thành thạo hơn trong việc triển khai các lực lượng quân sự một cách thường xuyên và đa dạng; quân đội của chúng ta [Trung Quốc] sẽ vừa kiên định, vững vàng, lại vừa linh hoạt khi thực hiện các nhiệm vụ”.
Thế giới đã chứng kiến cái gọi là “đa dạng” mà ông Tập nói đến, đó là các hoạt động đe dọa của PLA ở eo biển Đài Loan những tháng gần đây. Vào tháng 8, Wall Street Journal đưa tin “máy bay và tàu Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan”, đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan, mô phỏng các cuộc tấn công Đài Loan.
Các phương diện khác có thể được Trung Quốc chú trọng trong tương lai bao gồm: khả năng huy động sức mạnh và triển khai lực lượng (power projection), khả năng hiện diện tiền phương (forward presence) và các hoạt động gây ảnh hưởng nhằm hỗ trợ thương mại liên quan đến BRI ở Nam Á, Trung Đông và châu Phi. Chúng ta hãy cùng chờ đợi; trong thời gian tới, Hải quân PLA sẽ thực hiện các chuyến thăm cảng ở Vịnh Ba Tư (còn gọi là Vịnh Ả Rập) và ở một số quốc gia châu Phi ‘lọt tầm ngắm’. Ông Tập dự định biến PLA thành “quả đấm thép bọc nhung” trong các mối quan hệ ngoại giao và thương mại của ĐCSTQ.
Các nước láng giềng của Trung Quốc luôn chăm chú theo dõi và đã ngay lập tức phản ứng trước ý đồ của Bắc Kinh. Sách trắng hàng năm của Nhật Bản “Quốc phòng Nhật Bản 2022″ có đoạn: “Xu hướng quân sự của Trung Quốc, kết hợp với việc thiếu minh bạch về chính sách quốc phòng cũng như về tình hình quân đội, đã trở thành vấn đề gây lo ngại nghiêm trọng cho khu vực – bao gồm cả Nhật Bản và cộng đồng quốc tế”.
Những xu hướng quân sự đáng lo ngại của Trung Quốc bao gồm:
- Sự lớn mạnh nhanh chóng của Hải quân PLA: sắm mới tàu sân bay, tàu tấn công đổ bộ, tàu khu trục tên lửa dẫn đường và tàu ngầm hạt nhân
- Phát triển và triển khai các hệ thống tên lửa bội siêu thanh
- Hiện đại hóa máy bay chiến đấu tàng hình J-20
- Giới thiệu máy bay ném bom tàng hình H-20
- Hiện đại hóa lực lượng Tên lửa PLA
- Đạt nhiều tiến bộ trong chiến tranh trí tuệ nhân tạo
- Triển khai năng lực ISR và phát triển các loại vũ khí tiên tiến, bao gồm việc thử nghiệm hệ thống bắn phá quỹ đạo phân đoạn (FOBS)
- Đạt nhiều cải tiến đáng kể trong các hoạt động quân sự chung
Đột phá về hạt nhân
Có lẽ điều rắc rối nhất [đối với khu vực và thế giới] là bước đột phá về hạt nhân của Trung Quốc. Trong một bài viết của Viện Hải quân Mỹ, ông Toshi Yoshihara – thành viên cấp cao tại Trung tâm Đánh giá Ngân sách Chiến lược – cho biết “Trung Quốc đang xây dựng hàng trăm hầm chứa tên lửa mới ở phía tây đất nước, triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), phát triển một phi đội máy bay ném bom chiến lược mới với khả năng tấn công tầm xa được cải thiện đáng kể, đồng thời đưa thêm tàu ngầm tên lửa đạn đạo ra biển”.
Ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại rằng mục tiêu thực sự của ĐCSTQ đã vượt ra ngoài mong muốn trở nên ngang hàng với Mỹ về hệ thống vận chuyển/phân phối hạt nhân và đầu đạn. Trong khi Hiệp ước START mới giới hạn Mỹ ở mức “1.550 đầu đạn hạt nhân trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đã triển khai, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) đã triển khai và máy bay ném bom hạng nặng có trang bị vũ khí hạt nhân đã triển khai”, thì ĐCSTQ lại không bị ràng buộc bởi bất kỳ thỏa thuận hạn chế vũ khí hạt nhân nào. Đảng này cũng từ chối thực hiện các cuộc đàm phán song phương về vũ khí hạt nhân với Mỹ.
Kết hợp nhiều hoạt động ngoại giao và phi quân sự khác
Song song với việc xây dựng, hiện đại hóa và mở rộng nhanh chóng năng lực của PLA, Trung Quốc cũng phát triển chiến lược chính trị – quân sự tổng hợp cho chiến tranh hỗn hợp, trong đó kết hợp nhiều hoạt động ngoại giao và phi quân sự khác, qua đó nhằm đạt được các mục tiêu chiến thuật và chiến lược định sẵn. Các hoạt động này bao gồm:
- Đặt ra mục tiêu/mục đích rồi tuyên truyền chúng ở cả trong và ngoài nước thông qua các phương tiện truyền thông nhà nước.
- Xâm nhập và lợi dụng các thể chế quốc tế, qua đó gây ảnh hưởng và dần phá hoại các công ước và chuẩn mực quốc tế, từ đó đạt được mục tiêu/mục đích đề ra.
- Sử dụng chiến tranh tâm lý và chiến tranh thông tin để tác động đến những người có quyền ra quyết định cũng như quần chúng nhân dân.
- Lờ đi các hiệp ước và cam kết trong quá khứ, sẵn sàng vi phạm chúng khi thuận tiện (Hong Kong là ví dụ điển hình).
- Lợi dụng luật an ninh quốc gia mới để ép buộc và kiểm soát Hoa kiều, cũng như đe dọa và gây ảnh hưởng đến chính phủ nước ngoài.
- Sử dụng chiến tranh mạng và phương tiện truyền thông xã hội để làm gián đoạn, gây nhầm lẫn và tác động đến quá trình ra quyết định của nước ngoài, qua đó hỗ trợ mục tiêu/mục đích của ĐCSTQ.
- Đe dọa các quốc gia khác thông qua đoàn ngoại giao “sói chiến”, lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc, các hoạt động của Hải quân PLA, các chuyến bay của Không quân PLA và các hoạt động trực tiếp khác.
- Lợi dụng các nhà báo và các chính khách nước ngoài thân thiện, các tổ chức tư vấn, các nhà ngoại giao đã bị mua chuộc hoặc bị kiểm soát, cũng như những người khác để tạo ra một ‘buồng vang’ – môi trường mà những người trong đó từ chối tiếp nhận thông tin và quan điểm trái chiều; qua đó ĐCSTQ có thể củng cố các chính sách và kế hoạch liên quan đến mục tiêu/mục đích của họ.
- Lên án công khai và kịch liệt mọi hành vi phản kháng các chính sách, kế hoạch và hành động liên quan đến mục tiêu/mục đích của ĐCSTQ.
- Không ngừng theo đuổi các chiến thuật chiến tranh kết hợp nêu trên cho đến khi đạt được mục tiêu/mục đích.
Kết luận
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không hề giấu giếm ý định nâng Trung Quốc lên vị trí thống trị thế giới trong mọi lĩnh vực của nhân loại. Điều đó thậm chí được nhận thấy ở từ đầu tiên trong tên của 2 kế hoạch lớn của ông Tập: Global Development Initiative (Sáng kiến Phát triển Toàn cầu) và Global Security Initiative (Sáng kiến An ninh Toàn cầu). Ông Tập có nhiều thiết kế toàn cầu (nếu không muốn nói là hoang tưởng cực đại) đối với phần còn lại của thế giới.
Báo cáo của ông Tập Cận Bình trước Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ đã cung cấp cái nhìn bao quát về các mục tiêu trong nước và quốc tế của ông ấy, cũng như về kế hoạch “đa dạng” hoạt động và nhiệm vụ của PLA để giúp ông ấy đạt được những mục tiêu đó. Ông Tập đã hết lời ca ngợi quá trình hiện đại hóa nhanh chóng của PLA.
Ngoài ra, việc ông Tập bổ nhiệm những người thân cận vào QUTW nên được thế giới coi là lời cảnh báo cho thấy mức độ hung hăng của Trung Quốc ở Đông Á và hơn thế nữa.
ĐCSTQ đã phát triển và thử nghiệm các khái niệm chiến tranh hỗn hợp khác nhau để củng cố và tăng cường các hoạt động quân sự của PLA. Các khía cạnh khác nhau của các chiến thuật chiến tranh hỗn hợp đó đã và đang được triển khai nhằm chống lại Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Philippines và Đài Loan. Thật không may, có quá nhiều người trên thế giới sẵn sàng giúp ông Tập và ĐCSTQ đạt được mục tiêu thống trị thế giới của họ.
Các dấu hiệu về tính hiếu chiến của Trung Quốc và về một cuộc chiến do Trung Quốc phát động đã trở nên rõ như ban ngày.
Xuân Hoa
Theo Stu Cvrk – The Epoch Times