Thiên Đức
Theo layoffs.fyi, website chuyên theo dõi tình trạng cắt giảm việc làm trong lĩnh vực công nghệ, hơn 35.000 lao động tại 72 công ty đã bị sa thải trong tháng này, chủ yếu là từ các Big Tech, bổ sung vào tổng số 120.000 việc làm công nghệ bị mất trong năm nay trên toàn cầu.
Liên tục hơn hai thập kỷ, ngành CNTT Hoa Kỳ vẫn là điểm đầu tư đáng tin cậy với cổ phiếu bùng nổ, và cũng là nơi hấp dẫn thị trường lao động với công việc trí thức được trả lương cao. Nhưng ngày nay, những cái tên vang bóng một thời ấy, như Twitter, Meta, Amazon, Cisco,… giờ lại xuất hiện ở các bản tin hàng đầu về sa thải hàng loạt nhân sự. Có lý do nào đằng sau những việc này?
Có hai nguyên nhân chính được nhiều công ty công bố để lý giải việc sa thải như sau:
Thứ nhất, sự thay đổi về nhu cầu sử dụng Internet biến động do đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Trong thời dịch bệnh bùng nổ, nhu cầu về nhân viên CNTT tăng vọt để vận hành và phục vụ cho rất nhiều người làm việc và giải trí ở nhà thông qua Internet. Tuy nhiên khi đại dịch qua đi, nhu cầu nhân viên cho các vị trí đó cũng nguội lạnh nhiều.
Thứ hai, doanh thu đến từ quảng cáo trực tuyến trên các phương tiện truyền thông của Big Tech đột ngột giảm, mà phần lớn nguồn thu của họ là từ các quảng cáo này. Kinh tế bất ổn trên diện rộng, cũng góp phần khiến các thương hiệu ngần ngại đầu tư cho quảng cáo.
Ngoài ra có thể còn có một số lý do khác nữa, ví như tính tự động hóa cao của ngành CNTT. Những tác vụ cũ dần dần sẽ được máy móc và chương trình thực hiện thay cho con người. Một công ty thuộc ngành CNTT thường liên tục mở rộng quy mô hoặc đưa ra sản phẩm mới. Điều đó ngoài mục đích đảm bảo tính cạnh tranh của công ty, cũng đảm bảo tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.
Một lý do khác nữa là diễn biến về chính trị và nhận thức của người dân về vai trò của các mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Mạng xã hội được quần chúng chào đón như một phương tiện trung lập thuận lợi cho cộng đồng, mà ngành CNTT đem tới hơn một thập kỷ qua. Nhưng sự tham dự ít hoặc nhiều vào đấu tranh phe phái, đã khiến một số mạng xã hội và các phương tiện truyền thông lộ ra tính thiếu trung lập của mình, mà tính trung lập chính là cái gốc xác lập chỗ đứng của họ như một nền tảng công cộng ở xã hội.
Đặc biệt là sau đợt bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020. Khi đó, người ta đã gọi các mạng xã hội và các phương tiện truyền thông là thế lực thứ tư nổi lên trên chính trường, một thế lực có thể thay đổi tình thế. Sự xuất hiện thêm của một số mạng xã hội mới sau đó như Truth Social hay GanJingWorld, là dấu hiệu cho thấy người dùng muốn có mạng xã hội và kênh truyền thông trung lập hơn.
Dưới đây là một số công ty đã tuyên bố cắt giảm việc làm hàng loạt:
Amazon: Cắt 10.000 việc làm
Amazon tuyên bố hôm Thứ Tư (16/11) rằng sẽ bắt đầu sa thải, mặc dù không nêu rõ số nhân viên bị ảnh hưởng.
New York Times (NYT) là tờ báo đưa tin đầu tiên rằng ‘người khổng lồ’ bán lẻ trực tuyến và điện toán đám mây Amazon có kế hoạch sa thải khoảng 10.000 nhân viên.
“Sau khi xem xét kỹ, gần đây chúng tôi quyết định hợp nhất một số bộ phận và chương trình. Một trong những hệ quả của quyết định này là một số vị trí công việc sẽ không còn cần thiết nữa”, Dave Limp, phó chủ tịch cấp cao về thiết bị và dịch vụ của Amazon, viết trên website của công ty như vậy.
Theo số liệu mùa Thu năm nay, Amazon đã tuyển dụng hơn 1,5 triệu nhân viên toàn thời gian và bán thời gian trên khắp thế giới, nhiều người làm việc trong kho hàng. Như vậy, 10.000 người bị sa thải dự kiến sẽ chiếm khoảng 3% tổng số nhân viên thường trực của công ty Amazon và một phần nhỏ hơn đáng kể trong tổng lực lượng lao động của công ty.
Meta: Cắt 11.000 việc làm
Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, đã sa thải 11.000 người vào tuần trước, tức là khoảng 13% nhân viên của họ.
Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg cho rằng việc cắt giảm là do tuyển dụng quá nhiều trong thời kỳ đại dịch. Trong một bức thư gửi nhân viên được đăng trên trang web của công ty, ông đã trích dẫn sự suy giảm trong thương mại điện tử, suy thoái kinh tế rộng lớn hơn, cạnh tranh gia tăng và doanh số bán quảng cáo giảm.
“Tôi đã sai và tôi chịu trách nhiệm về điều đó”, ông viết.
Việc sa thải diễn ra khi công ty đã đầu tư hàng tỷ USD vào cái gọi là Metaverse, được coi là một tương lai thực tế ảo (VR), trong đó những ai tham gia sẽ làm việc, hòa nhập, tập thể dục, giải trí,… trên xã hội ảo đó. Tuy nhiên Metaverse không hề đem lại và chưa hề có dấu hiệu sẽ đem lại lợi nhuận như kỳ vọng.
Cisco: Cắt khoảng 4.000 việc làm
Hãng công nghệ thông tin Cisco chuyên về nền tảng mạng tin học, trụ sở tại San Francisco, dự tính sẽ cắt giảm 4.000 nhân viên trong thời gian tới, chiếm 5% trên tổng số khoảng 83.000 người của mình.
Người đại diện của hãng cho biết: “Chúng tôi cân nhắc rất kỹ quyết định này, và chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng, bao gồm các gói trợ cấp thôi việc hào phóng, dịch vụ giới thiệu việc làm và các lợi ích khác bất cứ khi nào có thể”.
Twitter: Cắt khoảng 3.700 việc làm
Tỷ phú Tesla và Giám đốc điều hành của SpaceX, ông Elon Musk, đã mua nền tảng truyền thông xã hội này vào cuối tháng 10 và một trong bước đầu tiên khi tiếp quản công ty là cắt giảm lực lượng lao động. Ngay lập tức ông đã cách chức ban lãnh đạo công ty, bao gồm giám đốc điều hành, giám đốc tài chính và luật sư hàng đầu. Việc sa thải hàng loạt đã được công bố vào ngày 4/11, với khoảng 50% nhân viên bị cắt giảm.
“Về việc cắt giảm nhân sự của Twitter, thật không may, đã không có lựa chọn nào khác khi công ty đang lỗ hơn 4 triệu USD/ngày”, ông Musk viết trên Twitter.
Đồng sáng lập và cựu Giám đốc điều hành Jack Dorsey đã tweet rằng ông nhận một phần lỗi về mình do việc thuê quá nhiều ở những năm gần đây.
“Tôi chịu trách nhiệm về lý do tại sao mọi người ở trong tình huống này. Tôi đã phát triển quy mô công ty quá nhanh. Tôi xin lỗi vì điều đó”, ông viết.
Stripe: Cắt khoảng 1.000 việc làm
Nền tảng xử lý thanh toán Stripe đã thông báo vào ngày 3/11 rằng họ đang cắt giảm 14% lực lượng lao động.
Giám đốc điều hành của Stripe, Patrick Collison, đã viết trong một email gửi cho nhân viên rằng đại dịch đã thúc đẩy thế giới hướng tới thương mại điện tử, thúc đẩy sự phát triển của công ty. Nhưng đại dịch qua đi đã dẫn đến những thức thách mới.
Giám đốc điều hành cho biết ông và anh trai và đồng sáng lập John Collison đã phạm phải “hai sai lầm rất nghiêm trọng”: Quá lạc quan về sự tăng trưởng ngắn hạn của nền kinh tế Internet và chi phí hoạt động của Stripe tăng quá nhanh.
“Chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát dai dẳng, những cú sốc về năng lượng, lãi suất cao hơn, ngân sách đầu tư giảm và nguồn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp thưa thớt hơn… Chúng tôi nghĩ rằng năm 2022 là thời điểm bắt đầu của một môi trường kinh tế khác”, Collison viết.
Microsoft: Cắt gần 1.000 việc làm
Axios đã thông báo vào ngày 18/10 rằng Microsoft sa thải nhân viên ở nhiều bộ phận. Các nguồn tin cho biết ít hơn 1.000 việc làm sẽ bị cắt giảm.
“Giống như tất cả các công ty, chúng tôi thường xuyên đánh giá lại các ưu tiên kinh doanh của mình và cấu trúc phù hợp. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào hoạt động kinh doanh của mình và tuyển dụng vào các lĩnh vực tăng trưởng quan trọng trong năm tới”, Microsoft cho biết trong một tuyên bố với Axios.
Thiên Đức