Tin thế giới sáng thứ Bảy: Nord Stream: Thụy Điển tìm thấy dấu vết chất nổ

Thủ tướng Kishida và Chủ tịch Tập thảo luận về quan hệ hai nước và eo biển Đài Loan

Ngày 17/11, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp song phương trong khuôn khổ hội nghị APEC tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: Chụp màn hình video)

Hôm thứ Năm (17/11), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng hợp tác, thiết lập mối quan hệ mang tính xây dựng giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và Nhật Bản trong 3 năm qua, đồng thời cũng là cuộc đối thoại thứ 2 giữa Thủ tướng Kishida và ông Tập Cận Bình kể từ cuộc điện đàm vào tháng 10/2021.

Thủ tướng Kishida và ông Tập đã tới Bangkok để tham dự cuộc họp thường niên của “Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương” (APEC) do Thái Lan tổ chức từ ngày 18 – 19/11, và có cuộc hội đàm song phương vào tối thứ Năm (17/11).

Khi căng thẳng về vấn đề Đài Loan gia tăng, trong bài phát biểu khai mạc tại hội nghị thượng đỉnh song phương ở Bangkok, Thủ tướng Kishida cho biết cả Trung Quốc và Nhật Bản đều có trách nhiệm đảm bảo “an ninh và hòa bình của khu vực và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn”.

Trước cuộc gặp với ông Tập Cận Bình, Thủ tướng Kishida nói: “Điều quan trọng là cả hai nước phải tăng cường nỗ lực phát triển mối quan hệ ổn định và mang tính xây dựng.” Hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Năm (17/11) được tổ chức theo yêu cầu của Nhật Bản, điều mà Tokyo cho là cần thiết để theo đuổi đối thoại song phương.

Theo bản tin của NHK ngày 17/11, khi bắt đầu cuộc họp, ông Tập Cận Bình cho biết năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Là những quốc gia quan trọng ở châu Á và thế giới, hai nước có nhiều lợi ích chung và dư địa hợp tác.

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ song phương Trung Quốc-Nhật Bản không thay đổi, và sẽ không thay đổi trong tương lai.

Sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Kishida nói với truyền thông rằng ông đã chuyển tới ông Tập sự quan tâm của mình về hòa bình ở eo biển Đài Loan. Hai bên đã đồng ý khởi động lại đối thoại song phương Nhật Bản-Trung Quốc, gồm cả đối thoại cấp lãnh đạo.

Thủ tướng Nhật nói đã trao đổi thông điệp rất tốt với ông Tập Cận Bình. Hiện nay, quan hệ Nhật-Trung đang đối mặt với nhiều thách thức và vấn đề chưa được giải quyết, và có nhiều khả năng hợp tác.

Ông từ chối bình luận nội dung cụ thể về những gì ông Tập nói, và nói rằng điều này trái với nghi thức. Thủ tướng Kishida từng là Ngoại trưởng Nhật Bản.

Tokyo và Washington vẫn luôn tăng cường quan hệ đối tác an ninh và cảnh giác với tham vọng của Bắc Kinh, đồng thời tìm cách giảm sự phụ thuộc kinh tế vào cường quốc châu Á này.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, bất kỳ sự thay đổi kinh tế nào dự kiến cũng ​​sẽ diễn ra dần dần. Vì nhiều công ty Nhật Bản thu được một phần đáng kể doanh thu ở nước ngoài từ Trung Quốc.

Bắc Kinh tiếp tục gây sức ép quân sự với Nhật Bản về quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) ở biển Đông. Ngoài ra, Nhật Bản, với tư cách là một nước láng giềng, cảm thấy ngày càng gặp rủi ro khi Bắc Kinh gây áp lực lên Đài Loan. Đài Loan là một cơ sở công nghiệp quan trọng, là nguồn cung cấp năng lượng và nguyên liệu cho Nhật Bản.

Tại Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Tập Cận Bình nói rằng ông “không bao giờ hứa sẽ từ bỏ việc sử dụng vũ lực” để thống nhất Đài Loan.

Hôm thứ Năm (17/11), ông Tập đã gặp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., người có lập trường cứng rắn hơn người tiền nhiệm về các vùng biển tranh chấp với Bắc Kinh, và đẩy nhanh thỏa thuận chia sẻ căn cứ với Hoa Kỳ.

Đầu tuần này, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tiếp với Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia. Nhưng ông Biden đã không tham dự cuộc họp APEC hôm thứ Năm (17/11).

Ông Tập Cận Bình đã chỉ trích Hoa Kỳ ẩn danh trong một bài phát biểu bằng văn bản tại cuộc họp APEC hôm thứ Năm (17/11). Ông cho rằng châu Á – Thái Bình Dương không phải là sân sau của bất kỳ ai, không nên trở thành chiến trường của các cường quốc.

Mọi âm mưu gây ra một cuộc chiến tranh lạnh mới sẽ không được con người và thời đại này cho phép, cũng như những âm mưu chính trị hóa, vũ khí hóa các quan hệ kinh tế, thương mại nên chống lại.

Hội nghị APEC là điểm dừng chân cuối cùng của các hội nghị quốc tế lớn ở châu Á, sau hội nghị cấp cao ASEAN và G20.

Theo hãng tin Kyodo của Nhật Bản, chính phủ các nước sẽ thúc đẩy các kế hoạch phục hồi hướng tới khái niệm tuần hoàn sinh học – kinh tế xanh. Đây sẽ là mục tiêu toàn diện đầu tiên được đặt ra cho vấn đề bảo vệ môi trường và khí hậu kể từ APEC. Một chủ đề quan trọng nữa của cuộc họp này là thảo luận về vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng, do giá năng lượng và lương thực tăng vọt bởi ảnh hưởng của cuộc chiến Nga-Ukraine.

APCE đại diện cho một nửa thương mại toàn cầu và 60% kinh tế thế giới, với 21 nền kinh tế thành viên, bao phủ dân số 2,9 tỷ người, chiếm 38% dân số thế giới, tổng khối lượng kinh tế là 52.000 tỷ USD, và 55% GDP toàn cầu.

Bình Minh

Nord Stream: Thụy Điển tìm thấy dấu vết chất nổ

Khí thoát ra từ một điểm rò rỉ trên đường ống dẫn khí Nord Stream 2 ở biển Baltic, 27/09/2022. (Tuần duyên Thụy Điển qua Getty Images)

Văn phòng Công tố Thụy Điển xác nhận chính thức đã có hành vi phá hoại trên các đường ống Nord Stream.

Thụy Điển xác nhận chính thức có phá hoại

Văn phòng Công tố Thụy Điển đã tìm thấy dấu vết của chất nổ trên một số vật thể quanh khu vực đường ống Nord Stream bị hư hại dưới đáy biển Baltic, theo một thông cáo báo chí ngày 18/11/2022 cho biết.

Văn phòng Công tố xác nhận, đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và Nord Stream 2 đã bị phá hoại.

Cuộc điều tra “rất phức tạp và sâu rộng” đang được tiếp tục, Văn phòng Công tố cho biết và thêm rằng cuộc điều tra phải chứng minh được liệu có thể đặt nghi ngờ vào ai đó được không.

Cuối tháng 9/2022, bốn điểm rò rỉ đã được phát hiện tại các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 sau các vụ nổ gần đảo Bornholm trên biển Baltic. Các vụ nổ xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch. Nord Stream 1 và 2 chạy từ Nga đến Lubmin ở đông bắc nước Đức.

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga sở hữu phần lớn đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 12.

Các cuộc điều tra riêng lẻ

Hãng tin Đức Tagesschau dẫn nguồn tin từ giới quan chức cho biết, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức vốn ban đầu muốn cùng nhau điều tra vụ việc, nhưng sau đó mỗi quốc gia đã tự tiến hành điều tra riêng.

Cả ba quốc gia đều từ chối không cho Nga tiếp cận vào các cuộc điều tra của mình.

Nga cho biết đã bắt đầu cuộc điều tra riêng về vụ việc Nord Stream.

Cuối tháng 10/2022, Thụy Điển đã cho phép nhà điều hành đường ống là Nord Stream AG khảo sát thiệt hại trong vùng đặc quyền kinh tế quốc gia này. Đầu tháng 11, Đan Mạch cũng đưa ra động thái tương tự.

Khả năng sửa chữa đường ống

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, cần phải đánh giá thiệt hại trước khi xem xét sửa chữa.

“Trước tiên, chúng tôi phải đợi đánh giá toàn bộ về thiệt hại. Chúng tôi cần nghiên cứu dữ liệu thiệt hại trước khi các chuyên gia đưa ra quyết định về cơ hội khôi phục hoặc không khôi phục [các đường ống Nord Stream và Nord Stream 2 bị hư hỏng]”, ông Peskov nói.

Cao Dương

Lãnh đạo tại APEC lên án mạnh mẽ Triều Tiên phóng tên lửa; Nga cũng bày tỏ “quan ngại”

Chính phủ Nhật Bản cho biết, Mỹ, Hàn Quốc, Canada, New Zealand, Nhật Bản và Australia hôm thứ Sáu (18/11) đã nhất trí lên án mạnh mẽ việc phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên trong một cuộc họp khẩn cấp được tổ chức bên lề hội nghị cấp cao APEC.

Hội nghị thượng đỉnh APEC đã bị gián đoạn vì nghi ngờ Triều Tiên thử ICBM.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp gồm các nhà lãnh đạo từ Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và New Zealand bên lề hội nghị thượng đỉnh sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa chỉ một giờ trước lễ khai mạc.

“Hành vi gần đây nhất của Triều Tiên là một sự vi phạm trắng trợn nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc,” bà nói tại cuộc họp. “Điều đó làm mất ổn định an ninh trong khu vực và làm gia tăng căng thẳng một cách không cần thiết.”

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, người đang ở Bangkok dự hội nghị APEC, nói với các phóng viên rằng Triều Tiên đã “lặp đi lặp lại các hành động khiêu khích với tần suất chưa từng thấy”.

Ông cảnh báo về các vụ phóng tên lửa tiếp theo, cũng như một vụ thử hạt nhân có thể xảy ra, chính phủ Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố, theo Reuters.

Triều Tiên đã bắn một tên lửa hôm thứ Sáu mà các quan chức Nhật Bản cho biết có đủ tầm bắn tới đất liền của Hoa Kỳ và có khả năng bay xa tới 15.000 km. Nó đã hạ cánh khoảng 200 km về phía tây của đảo Oshima-Oshima ở quận phía bắc của Hokkaido.

Được thành lập để thúc đẩy hội nhập kinh tế, APEC tập hợp 21 nền kinh tế, chiếm 38% dân số toàn cầu, 62% tổng sản phẩm quốc nội và 48% thương mại.

APEC là hội nghị cấp cao thứ ba trong khu vực trong tuần qua. Một hội nghị thượng đỉnh Đông Nam Á bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã được tổ chức tại Campuchia trong khi Nhóm G20 gặp nhau trên đảo Bali của Indonesia.

Các cuộc họp trước này đều bị chi phối bởi cuộc chiến ở Ukraine cũng như căng thẳng về Đài Loan và bán đảo Triều Tiên.

Nga là thành viên của cả G20 và APEC nhưng Tổng thống Vladimir Putin đã tránh xa các hội nghị thượng đỉnh. Phó Thủ tướng thứ nhất Andrei Belousov sẽ đại diện cho ông tại APEC.

Các cơ quan thông tấn Nga dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết, Nga “quan ngại” về tình hình trên bán đảo Triều Tiên và kêu gọi các bên liên quan tránh xa đối đầu.

Lê Vy

Related posts