Bảo Nguyên
Các container vận chuyển của Trung Quốc bên cạnh lá cờ Mỹ tại Cảng Los Angeles ở Long Beach, California, Mỹ, vào ngày 14/05/2019. (Ảnh: Mark Ralston / AFP / Getty Images)
Lợi dụng sự ngây thơ của phương Tây và việc các nước kém phát triển bị rơi vào bẫy nợ, Trung Quốc đã thiết lập được các cứ điểm ở nước ngoài. Với quyền sở hữu tại nhiều cảng, chế độ ĐCSTQ có thể có điều kiện phô diễn sức mạnh và kiểm soát chuỗi cung ứng.
Theo thông cáo báo chí của Tòa Bạch Ốc vào ngày 12/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ quan ngại về hoạt động quân sự của Trung Quốc và tính minh bạch tại Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia trong cuộc gặp với Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Phnom Penh.
Trung Quốc trả lời rằng sự hỗ trợ của họ trong việc xây dựng cơ sở cảng quân sự của Campuchia là một “hoạt động bình thường” giữa các đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết hoạt động của Trung Quốc nhằm “tăng cường sức mạnh” cho hải quân Campuchia và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ trên biển của nước này.
Các chuyên gia phân tích tham vọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc thiết lập các cứ điểm ở nước ngoài đã xác định rằng mục tiêu của nó không chỉ là sự kiểm soát quân sự, thu thập thông tin tình báo hay ảnh hưởng văn hóa một cách công khai. Nó cũng là nhằm mục đích kiểm soát hiệu quả hơn chuỗi cung ứng, vốn cũng rất quan trọng đối với việc giành giật quyền lực toàn cầu của Trung Quốc.
Mối quan tâm lớn
Ông Tao Rei, một nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc, nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times rằng lực lượng quân sự của Trung Quốc và sự bành trướng của nó là mối quan tâm lớn đối với cộng đồng quốc tế.
Mặc dù ông tin rằng nước chủ nhà vẫn có tiếng nói cuối cùng về việc sử dụng các cảng của mình trong trường hợp khẩn cấp, nhưng “việc sử dụng cho mục đích thương mại nên được cân nhắc chiến lược ở mức cao”, ông nói vào ngày 15/11.
Ông Tao nói, nếu sự kiểm soát của ĐCSTQ được tính đến, thì từng chính phủ phải chịu trách nhiệm cho việc hạn chế sở hữu cổ phần cảng của các công ty Trung Quốc.
Sự đe dọa
Theo nghiên cứu của ông Isaac B. Kardon thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ và bà Wendy Leutert của Đại học Indiana, được công bố đầu năm nay trên tạp chí An ninh Quốc tế, các công ty Trung Quốc sở hữu hoặc vận hành các điểm tiếp nhận tại 96 cảng ở 53 quốc gia.
Các nhà nghiên cứu cho biết, các tài liệu cho rằng kể từ năm 2017, các tàu chiến Trung Quốc đã thực hiện hơn 32 lần “tạm dừng kỹ thuật” trên tuyến đường từ Trung Quốc qua Ấn Độ Dương và vào Địa Trung Hải – một hoạt động sử dụng tích cực và mạnh mẽ các cơ sở thương mại kết hợp năng lực quân sự và dân sự.
Ông Kardon và bà Leutert dự đoán rằng phương thức này có khả năng mở rộng ra nhiều cảng trong số 64 cảng còn lại.
Họ kết luận rằng những hải cảng này – những nút thiết yếu trong việc vận chuyển hàng hóa toàn cầu – cho phép quân đội của Bắc Kinh phô diễn sức mạnh trong khu vực và toàn cầu.
Các tác giả cảnh báo rằng dòng chảy hàng hóa, thứ quan trọng đối với tình hình kinh tế và khả năng quân sự của Mỹ, có nguy cơ bị gián đoạn.
Đáng chú ý là các tàu Trung Quốc có sự hiện diện rõ ràng tại 5 cảng thương mại nhộn nhịp nhất ở Mỹ – Miami, Houston, Long Beach, Los Angeles và Seattle – nơi các công ty Trung Quốc có cổ phần.
Theo một báo cáo tháng 10 trên Newsweek, các nhà phê bình tin rằng đó là cách Bắc Kinh gây ảnh hưởng một cách chiến lược: kết hợp các lợi ích chính trị, kinh doanh và quân sự với tiềm năng hoạt động gián điệp.
Nhận thức chậm chạp của cộng đồng quốc tế
Nhà kinh tế Davy Jun Huang nói với The Epoch Times rằng, thật không may, phần lớn cộng đồng quốc tế không nhận ra hành vi gây hấn chính trị và việc chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên của ĐCSTQ.
“Nhiều bên vẫn tính đến lợi ích kinh tế khi giao dịch với Bắc Kinh”, ông nói, đề cập đến Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc có hiệu lực vào năm 2013 sau khi ông Tập Cận Bình giành được quyền lãnh đạo chế độ.
Thông qua các khoản vay và đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng của các nhà nước ở ngoại quốc, ĐCSTQ đã tiếp cận được các cảng quan trọng trên toàn cầu.
Ông Huang nói rằng các nước phương Tây tập trung vào lợi ích cá nhân của họ và ngây thơ trước mối đe dọa từ Trung Quốc. Sự ngây thơ đó đã tạo cơ hội cho ĐCSTQ.
“Đã có Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và giờ là Đức”. Ông nói, đây không phải là những trường hợp cá biệt và “hành động chung của họ rất đáng thất vọng”.
Mới năm ngoái, công ty Cosco thuộc sở hữu của ĐCSTQ đã ký một thỏa thuận với chính quyền cảng Hamburg. Bộ trưởng kinh tế Đức phản đối thỏa thuận này. Tuy nhiên, các cộng đồng vận chuyển và kinh doanh của thành phố, cũng như các lĩnh vực quan trọng của chính phủ, đã ủng hộ, chỉ ra lợi ích thương mại rõ ràng của thỏa thuận, theo Newsweek.
Cứ điểm nước ngoài
Nhiều nước nghèo và đang phát triển đã rơi vào bẫy nợ của ĐCSTQ khi trả các khoản vay BRI bằng các nguồn lực thay thế như quyền tiếp cận cảng, cơ sở công cộng hoặc hầm mỏ: cái mà ông Huang gọi là “cứ điểm quân sự hoặc chính trị”.
Do đó, việc triển khai BRI kéo dài hàng thập kỷ đã khiến nhiều cảng có ý nghĩa địa chính trị rơi vào dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ.
Ông Huang nói rằng phải đến thời chính quyền Trump, phương Tây mới bắt đầu thức tỉnh trước sự hung hăng của ĐCSTQ. Tuy nhiên, ông nói rằng cho đến nay, những nỗ lực của phương Tây nhằm giải phóng các quốc gia đó khỏi tác động của ĐCSTQ hầu như không có tác dụng.
Điều đó có thể là do, về mặt chiến lược toàn cầu, ĐCSTQ có một hệ tư tưởng kinh tế khác với của phương Tây.
“Bắc Kinh không quan tâm [về] chi phí kinh tế, mà chỉ quan tâm [về] sự kiểm soát và thống trị”, ông Huang nói.
Bảo Nguyên