Tin thế giới trưa thứ Ba: Philipines cáo buộc Trung Quốc dùng vũ lực để thu hồi vật thể nghi là mảnh vỡ tên lửa

Bắc Kinh: Chưa đến 24h thêm 316 ca COVID-19, kiểm soát chặt hơn người vào thành phố

Nhân viên kiểm dịch tại sân bay ở Bắc Kinh. (Ảnh: Grindstone Media Group/ Shutterstock)

Bắt đầu từ Thứ Ba (22/11), người vào Bắc Kinh sẽ bị kiểm tra COVID-19 liên tục trong 3 ngày. Giới chức Bắc Kinh đã thông báo như vậy sau khi các con số cho hay đã có 316 ca nhiễm mới được phát hiện trong 15 giờ đồng hồ tính đến 3:00 chiều qua (21/11).

Theo Reuters, ông Lưu Tiểu Phong (Liu Xiaofeng), Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) thành phố Bắc Kinh, cho biết thủ đô của Trung Quốc đang đối mặt với tình hình kiểm soát COVID-19 phức tạp và nghiêm trọng nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Người phát ngôn của chính quyền thành phố Xu Hejian cho biết những người đến Bắc Kinh sẽ được yêu cầu làm các xét nghiệm hàng ngày trong 3 ngày đầu tiên ở lại và chờ kết quả trước khi được phép rời khỏi nhà hoặc nơi ở của họ.

Các quy tắc mới sẽ được thi hành từ Thứ Ba 22/11.

Gần đây, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình có lịch trình công tác bận rộn khi liên tiếp tham dự các hội nghị quốc tế như Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Bali (Indonesia) và mới đây là Hội nghị APEC tại BangKok (Thái Lan). Tại Thái Lan, ông Tập đã ngồi gần, và tiếp xúc với ông Trưởng đặc khu Hồng Kông Lý Gia Siêu, người vừa được phát hiện nhiễm COVID-19 khi hạ cánh tại sân bay, trở về từ Hội nghị APEC đêm 20/11.

Thiên Đức

Philipines cáo buộc Trung Quốc dùng vũ lực để thu hồi vật thể nghi là mảnh vỡ tên lửa

Philipines cáo buộc Trung Quốc dùng vũ lực để thu hồi vật thể nghi là mảnh vỡ tên lửa
Một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc chuẩn bị thả neo tại cảng Manila để cập cảng vào ngày 14/1/2020. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Hôm 21/11, quân đội Philippines cho biết, lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã cắt dây, giành lại mảnh vỡ nghi là của tên lửa Trung Quốc Biển Đông. Vật thể này được cho là mảnh vỡ từ một vụ phóng tên lửa gần đây của Trung Quốc.

Phó đô đốc Alberto Carlos, chỉ huy Bộ tư lệnh miền Tây (WESCOM) quân đội Philippines cho biết, Hải quân Philippines nhận được báo cáo vào lúc 6:45 sáng Chủ nhật (20/11) rằng, một vật thể nổi được phát hiện trôi dạt cách Đảo Pagasa (Việt Nam gọi là đảo Thị Tứ) hiện do Philippines kiểm soát.

Ông mô tả vật thể trôi nổi là “kim loại” và tương tự như những mảnh vỡ được phát hiện trước đó trên đảo Palawan của Philippines, theo Thông tấn xã Philippines.

Ông Carlos cho biết, Hải quân Philippines đã đến hiện trường và tìm thấy một vật thể “kim loại” trôi nổi không xác định.

Khi họ đang kéo vật thể về thì tàu tuần duyên Trung Quốc mang số hiệu 5203 đã tiếp cận vị trí của họ và “sau đó chặn đường dự kiến của họ hai lần”.

Ông cho biết thuyền Trung Quốc sau đó đã “cưỡng đoạt” vật thể bằng cách cắt dây kéo gắn với xuồng cao su của Philippines và kéo nó trở lại tàu Trung Quốc.

Ông Carlos nói rằng, không có ai bị thương trong vụ việc và thông tin này đã được báo cáo cho Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia Biển Tây Philippines để có hành động thích hợp, ông nói thêm.

Phát ngôn viên quân đội Philippines Cherryl Tindog cho biết, Hải quân Philippines quyết định quay trở lại đảo Pagasa thay vì chống trả lại vụ cưỡng đoạt này, vì đây không phải là tình huống “sinh tử”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phủ nhận việc lực lượng tuần duyên của họ sử dụng vũ lực để thu hồi mảnh vỡ bị nghi là tên lửa, nói rằng Philippines đã bàn giao vật thể này cho lực lượng tuần duyên Trung Quốc sau “một cuộc đàm phán hữu nghị”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã nói với các phóng viên rằng: “Chúng tôi không dàn hàng và đoạt lấy vật thể trong tình huống đó”.

Đầu tháng này, lực lượng tuần duyên Philippines báo cáo đã tìm thấy các mảnh vỡ kim loại ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Mindoro và Palawan.

Người dân xem một tên lửa Trường Chinh 5B, mang theo mô-đun chính Thiên Hòa của trạm vũ trụ Thiên Cung, cất cánh từ Trung tâm Phóng vũ trụ Văn Xương, tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc vào ngày 29/4/2021. (Ảnh: Getty Images)

Các quan chức tin rằng, các mảnh này có khả năng là các bộ phận của tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc, được phóng đi hồi đầu tháng 11 từ Trung tâm Phóng vũ trụ Văn Xương trên đảo Hải Nam.

Lực lượng tuần duyên Philippines hôm 10/11 chi hay: “Các mảnh vỡ sẽ được chính phủ Philippines quản lý và xử lý”.

Bộ Tư lệnh Vũ trụ Mỹ (U.S. Space Command) cho biết, tên lửa Trường Chinh 5B đã lao xuống Trái Đất một cách mất kiểm soát vào ngày 4/11, đây là lần thứ tư một tên lửa Trung Quốc rơi một cách mất kiểm soát xuống Trái Đất kể từ năm 2020, gây ra mối lo ngại từ cộng đồng vũ trụ quốc tế.

“Trung Quốc đã không chia sẻ thông tin quỹ đạo chi tiết trong lúc tên lửa Trường Chinh 5B rơi trở lại Trái Đất”, quản trị viên Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson cho biết trong một tuyên bố.

Thông thường sau mỗi vụ phóng tàu vũ trụ hay tên lửa, một phần của thân tên lửa phóng sẽ rơi ngược lại Trái Đất. NASA cho hay, các tầng đẩy của tên lửa Mỹ thường được thiết kế để rơi xuống biển, các khu vực dân cư thưa thớt hoặc thực hiện hạ cánh thẳng đứng, ví dụ như tên lửa Falcon 9 hay Falcon Heavy của SpaceX.

Trong khi đó, tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc không thể kiểm soát và khó dự đoán quỹ đạo rơi. Việc lặp đi lặp lại các lần hạ cánh không kiểm soát là do tên lửa Trường Chinh 5B được thiết kế mà không có thiết bị cần thiết để tự lái nhằm đảm bảo hạ cánh an toàn.

Vào tháng 4/2018, Thiên Cung 1, phòng thí nghiệm nguyên mẫu mở đường cho trạm vũ trụ Thiên Cung, đã rơi trở lại Trái đất trên Thái Bình Dương.

Vào năm 2020, các mảnh vỡ bao gồm phần ống dài hơn 12 m của tên lửa rơi xuống hai ngôi làng ở Bờ Biển Ngà ở phía tây Châu Phi.

Vào năm 2021, tàn dư từ tầng lõi của tên lửa Trường Chinh 5B đã rơi xuống Ấn Độ Dương.

Vào tháng 7/2022, các mảnh vỡ từ tầng lõi của Trường Chinh 5B đã rơi xuống Indonesia và Philippines.

“Các quốc gia du hành vũ trụ phải giảm thiểu rủi ro đối với con người và tài sản trên Trái đất khi tái sử dụng các vật thể không gian. Trung Quốc đã không đáp ứng các tiêu chuẩn có trách nhiệm liên quan đến các mảnh vỡ không gian. Họ cần chia sẻ những thông tin có thể giúp đưa ra dự đoán đáng tin cậy về nguy cơ tác động của mảnh vỡ, đặc biệt là đối với các phương tiện hạng nặng như Trường Chinh 5B”, Giám đốc NASA Bill Nelson nói vào năm ngoái.

Lam Giang

Ukraine có khả năng phải sống chung với cảnh mất điện cho đến cuối tháng 3

Người đứng đầu một nhà cung cấp điện lớn của Ukraine cho biết hôm thứ Hai rằng người dân có nhiều khả năng phải sống chung với tình trạng mất điện ít nhất cho đến cuối tháng 3, theo Reuters.

Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết một nửa cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đã bị hư hại do các cuộc tấn công của Nga, khiến hàng triệu người không có điện và nước khi mùa đông bắt đầu và nhiệt độ xuống âm độ C.

Sergey Kovalenko, người đứng đầu nhà cung cấp năng lượng tư nhân lớn YASNO cho Kyiv, cho biết các công nhân đang gấp rút hoàn thành việc sửa chữa trước mùa đông giá lạnh.

“Tôi muốn mọi người hiểu rằng: Người dân Ukraine rất có thể sẽ phải sống trong tình trạng mất điện cho đến ít nhất là cuối tháng 3,” ông Kovalenko viết trong một bài đăng trên trang Facebook của mình.

Mất điện đã xảy ra hàng ngày ở tất cả các khu vực của Ukraine, và nhà điều hành lưới điện Ukrenergo cho biết thêm kế hoạch cắt điện sẽ được lên kế hoạch vào thứ Ba.

Ông Kovalenko nói thêm rằng các hạn chế mới về phân phối điện đã được nhà điều hành lưới điện áp dụng vào thứ Hai, khiến hơn 950.000 khách hàng bị cắt điện.

Chính phủ Ukraine hiện đang kêu gọi người dân ở thành phố Kherson được giải phóng gần đây, nơi hầu như không có điện và nước sinh hoạt, sơ tán miễn phí đến các khu vực có cơ sở hạ tầng tốt hơn, cũng như chỗ ở miễn phí.

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram: “Với tình hình an ninh khó khăn trong thành phố và các vấn đề về cơ sở hạ tầng, người dân có thể sơ tán trong mùa đông tới các khu vực an toàn hơn của đất nước”.

TT Zelensky hôm thứ Hai kêu gọi người Ukraine tiết kiệm năng lượng, nói rằng họ “nên chú ý và phân phối lại mức tiêu thụ trong ngày”. 

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng việc mất điện và các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng là hậu quả của việc Kyiv không sẵn sàng đàm phán, hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin vào cuối tuần trước.

Nhiệt độ ở một số khu vực của Ukraine đã xuống dưới mức đóng băng, kể cả ở thủ đô Kyiv. Nhiệt độ được dự đoán sẽ có thể giảm xuống tới -20 độ C ở một số vùng của đất nước.

Ông Kovalenko nói rằng đất nước nên chuẩn bị cho mọi lựa chọn, bao gồm cả việc mất điện kéo dài. 

Lê Vy (theo Reuters)

WHO: Người Ukraine đang phải đối mặt với mùa đông “chết người”

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo hàng triệu người ở Ukraine phải đối mặt với một mùa đông “chết người” trong năm nay, khi Nga tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này trong khi nhiệt độ giảm mạnh.

Trong những tuần gần đây, Nga đã nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng năng lượng bằng các cuộc tấn công tên lửa, bao gồm cả các trạm cấp nước và điện, khiến các ngôi nhà trên khắp đất nước không có điện khi mùa đông đến – càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng sức khỏe.

“Một nửa cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine hoặc bị hư hại hoặc bị phá hủy,” Hans Henri P Kluge, Giám đốc khu vực Châu Âu của WHO cho biết:

Ông cảnh báo trong một cuộc họp báo ở Kyiv: “Mùa đông này sẽ là sự sống còn”, đồng thời cho biết thêm rằng 10 triệu người Ukraine hiện không có điện.

WHO dự đoán có tới ba triệu người Ukraine có thể rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm những nơi trú ấn ấm áp và an toàn hơn.

Nhiệt độ được dự đoán sẽ giảm xuống -20 độ C ở một số vùng của đất nước.

Ông nói: “Cuộc khủng hoảng năng lượng tàn khốc, tình trạng khẩn cấp về sức khỏe tâm thần ngày càng trầm trọng, những hạn chế trong tiếp cận nhân đạo và nguy cơ lây nhiễm virus sẽ khiến mùa đông này trở thành một phép thử ghê gớm đối với hệ thống y tế Ukraine và người dân Ukraine”.

Ông nói thêm: “Họ sẽ phải đối mặt với những thách thức đặc biệt về sức khỏe, bao gồm các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như COVID-19, viêm phổi, cúm và nguy cơ nghiêm trọng mắc bệnh bạch hầu và sởi ở nhóm dân số chưa được tiêm phòng đầy đủ.”

WHO đã ghi nhận hơn 700 cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng y tế kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào cuối tháng Hai.

Tuần trước, Nga đã tấn công thêm nhiều cơ sở năng lượng trong một trong những cuộc không kích dữ dội nhất kể từ khi phát động cuộc chiến với Ukraine.

Đây là một chiến thuật gần đây của Nga sau những thất bại trên chiến trường và hậu quả đang được cảm nhận sâu sắc hơn khi nhiệt độ giảm xuống.

Đầu tuần này, đã có một cuộc pháo kích mới vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nơi không còn sản xuất điện nữa. Nga và Ukraine đã đổ lỗi cho nhau về các cuộc tấn công vào nhà máy, nơi từng sản xuất hơn 1/4 năng lượng của đất nước.

Ông Kluge cho biết hệ thống y tế của Ukraine đang “đối mặt với những ngày đen tối nhất trong cuộc chiến” và do các cuộc tấn công, hàng trăm bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe “không còn hoạt động bình thường, thiếu nhiên liệu, nước và điện để đáp ứng các nhu cầu cơ bản”.

Ông giải thích rằng các khu hộ sinh cần lồng ấp, ngân hàng máu cần tủ lạnh và giường chăm sóc đặc biệt cần máy thở, đồng thời cho biết thêm rằng “tất cả đều cần điện”.

Ông Kluge bày tỏ lo ngại cho 17.000 bệnh nhân HIV ở Donetsk, “những người có thể sớm cạn kiệt thuốc kháng virus quan trọng giúp duy trì sự sống của họ”

Phần lớn Donetsk nằm dưới sự kiểm soát của Nga, và ông kêu gọi tạo ra một “hành lang y tế nhân đạo tới tất cả các khu vực mới giành lại và chiếm đóng”.

Cuối cùng, ông Kluge kêu gọi chấm dứt cuộc xâm lược “trước khi hệ thống y tế và sức khỏe của quốc gia Ukraine bị tổn hại thêm nữa”.

Ngân Hà (theo Al Jazeera)

Related posts