Theo nhiều nguồn tin, hãng tin AP đã sa thải một nhà báo đã trích dẫn tuyên bố không chính xác của một quan chức Hoa Kỳ giấu tên rằng, Nga đã phóng một tên lửa tấn công lãnh thổ Ba Lan, khiến hai người thiệt mạng vào ngày 15/11.
Daily Beast là tờ báo đầu tiên đưa tin rằng, phóng viên điều tra của hãng tin AP và là cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ James LaPorta đã bị sa thải hôm thứ Hai (21/11) vì tuyên bố rằng “một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ” cho biết Nga đã phóng tên lửa vào lãnh thổ Ba Lan – thành viên NATO, khiến hai người thiệt mạng.
The Epoch Times đã liên hệ với nhà báo LaPorta và hãng tin AP để xác nhận và đưa ra bình luận.
Cuối cùng, các quan chức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và chính phủ Ba Lan đã lên tiếng đính chính rằng, trên thực tế, đó là một tên lửa Ukraine đã hạ cánh xuống Ba Lan.
Một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga bên trong lãnh thổ Ba Lan, một thành viên NATO, sẽ đe dọa leo thang nghiêm trọng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, có thể kéo thêm nhiều quốc gia khác tham gia vào cuộc xung đột. Những lo ngại lan truyền trên mạng xã hội rằng, sự việc này có thể châm ngòi cho Thế chiến III.
Hãng tin AP sau đó đã thay thế bài báo trực tuyến bằng một bản đính chính, nói rằng hãng tin này đã đưa tin “sai sự thật” dựa trên tuyên bố của một “quan chức tình báo cấp cao của Mỹ, người đã phát biểu với điều kiện giấu tên”.
Đính chính được hãng tin AP công bố vào chiều 16/11 cho biết: “Trong các phiên bản trước đó của tin tức được xuất bản ngày 15/11/2022, hãng tin AP đã đưa tin sai dựa trên nguồn tin từ một quan chức tình báo cấp cao giấu tên của Mỹ nói rằng tên lửa của Nga đã nã vào lãnh thổ Ba Lan khiến 2 người thiệt mạng. Thông tin sau đó cho thấy, tên lửa này do Nga sản xuất và rất có thể do Ukraine phóng để phòng thủ trước các cuộc tấn công của Nga”.
Tờ AP không tiết lộ danh tính của vị quan chức Hoa Kỳ ẩn danh hoặc chi nhánh chính phủ của họ. Nhưng quan chức đó nói với hãng tin AP rằng, một tên lửa của Nga đã được phóng vào Ba Lan và khiến hai người thiệt mạng.
Ba Lan: Không có gì là cuộc tấn công ‘có chủ ý’
“Lực lượng phòng thủ của Ukraine đã phóng tên lửa của họ theo nhiều hướng khác nhau và rất có khả năng một trong những tên lửa này đã không may rơi xuống lãnh thổ Ba Lan”, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết trong một tuyên bố vào ngày 16/11.
“Không có dấu hiệu nào cho thấy đây là một cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào Ba Lan, có khả năng tên lửa phòng không này đã không may rơi xuống lãnh thổ Ba Lan”, ông nói thêm.
Trước tuyên bố của tổng thống Ba Lan, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã nhanh chóng đổ lỗi cho Nga, chỉ trích vụ việc là “một sự leo thang rất nghiêm trọng” trong cuộc chiến của đất nước ông với Nga.
Sau những bình luận của ông Zelenskyy, Bộ Ngoại giao Ba Lan (MFA) vào sáng sớm ngày 16/11 (theo giờ địa phương) đã đưa ra một tuyên bố nói rằng một “tên lửa do Nga sản xuất đã rơi xuống” một ngôi làng bên trong lãnh thổ của họ gần biên giới Ukraine, khiến hai công dân Ba Lan thiệt mạng.
Trong khi đó, các tài khoản mạng xã hội Nga đã đăng tải hình ảnh mảnh vỡ tên lửa, tiết lộ rằng đó là một loại tên lửa mà Ukraine đã sử dụng.
Nga phủ nhận dính líu đến vụ việc
Ngay từ đầu, Nga kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến vụ việc. Đồng thời, Moscow đã lên án giới truyền thông và quan chức Ba Lan đã cố tình kích động leo thang chiến tranh bằng cách lôi kéo một quốc gia thành viên NATO tham chiến.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố vào thời điểm đó: “Các phương tiện truyền thông và các quan chức Ba Lan đang thực hiện hành vi khiêu khích có chủ ý nhằm làm leo thang [tình hình], bằng cách tuyên bố về tác động của tên lửa ‘Nga’ tại ngôi làng Przewodow. Tên lửa của Nga không tiến hành cuộc tấn công nào vào khu vực biên giới giữa Ukraine và Ba Lan. Đống đổ nát đó do các phương tiện truyền thông Ba Lan công bố từ hiện trường ngôi làng Przewodow và không liên quan đến tên lửa của Nga”.
Tuy nhiên, hôm thứ Tư (16/11), NATO vẫn quy trách nhiệm cho Nga khi cho rằng Ukraine đã buộc phải tự vệ trước hỏa lực tên lửa của Nga vào ngày 15/11.
Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson cho biết: “Chúng tôi không nhận thấy có gì mâu thuẫn với đánh giá sơ bộ của Tổng thống Ba Lan Andrezj Duda rằng, vụ nổ này rất có thể là do một tên lửa phòng không Ukraine không may rơi xuống Ba Lan”.
“Điều đó nói lên rằng, bất kể kết luận cuối cùng ra sao, thì rõ ràng bên chịu trách nhiệm cho sự cố bi thảm này là Nga, quốc gia đã phóng một loạt tên lửa nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine. Ukraine có đầy đủ quyền để tự vệ”, ông Watson nói thêm.
Thanh Hải