Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm phát sóng trực tuyến phim Hàn Quốc sau 6 năm
Ngày 22/11, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố “sau 6 năm, Trung Quốc đã khôi phục việc phát sóng trực tuyến phim và truyền hình Hàn Quốc ở Đại Lục”, đồng thời dỡ bỏ tất cả “lệnh cấm đối với Hàn Quốc” đã ban hành do trước đó Hàn Quốc đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ.
Yonhap: Bắc Kinh dỡ bỏ “lệnh cấm văn hóa Hàn Quốc” sau 6 năm
Theo hãng thông tấn Yonhap, dẫn lời Thư ký báo chí cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc, quyết định này được đưa ra trong cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Indonesia vào tuần trước.
Không hài lòng với việc Hoa Kỳ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc, chính quyền ĐCSTQ đã ban hành “lệnh cấm phim truyền hình Hàn Quốc” vào năm 2017.
Tuy nhiên, có quá nhiều người hâm mộ Hàn Quốc ở Đại Lục, gây ra một núi vi phạm bản quyền trên thị trường. Theo các báo cáo, “lệnh cấm Hàn Quốc” đã được dỡ bỏ một cách lặng lẽ vào tháng Ba năm nay. Các nền tảng phát trực tuyến ở Trung Quốc Đại Lục đã tiếp tục phát hành các bộ phim truyền hình Hàn Quốc.
Năm nay được coi là một năm quan trọng và then chốt trong mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Bởi việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã tròn 30 năm, đồng thời Tổng thống Yoon Suk-yeol đã nhậm chức vào tháng Năm và bắt đầu chính sách mới.
Tuy nhiên, ông Yoon Suk-yeol thuộc phe bảo thủ Đảng Sức mạnh quốc dân, đã tuyên bố rằng ông sẽ tăng cường quan hệ giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ, và giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Hoa Kỳ luôn là đối tác an ninh của Hàn Quốc, trong khi Trung Quốc là đối tác kinh tế và thương mại lớn nhất của Hàn Quốc.
“Nam Hoa Tảo Báo” (SCMP), một tờ báo tiếng Anh ở Hồng Kông, trích dẫn một báo cáo phân tích vào tháng Ba năm nay, cho biết lệnh cấm các ngành công nghiệp có nội dung văn hóa Hàn Quốc ở Trung Quốc chỉ mới được nới lỏng gần đây.
Theo “Nam Hoa Tảo Báo”, “Chị đẹp mua cơm ngon cho tôi” (Something in the Rain) là phim truyền hình Hàn Quốc đầu tiên được phát hành trên nền tảng phát trực tuyến của Trung Quốc sau 5 năm, kể từ khi được cơ quan quản lý phát sóng của Bắc Kinh chấp thuận.
Ngày 3/11, nền tảng phát trực tuyến Đại Lục iQIYI đã dẫn đầu, khi phát hành bộ phim truyền hình Hàn Quốc này với sự tham gia của Son Ye-jin, một trong những nữ diễn viên được đảm bảo về doanh thu phòng vé của Hàn Quốc.
Sau đó nền tảng cộng đồng nghe nhìn “Bilibili” (thường được gọi là Trạm B) cũng phát sóng bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Đời sống ngục tù” (Prison Playbook) sản xuất năm 2017.
Trong những năm gần đây, việc phim truyền hình Hàn Quốc đổ bộ vào “Đại Lục” gặp nhiều thăng trầm. Nguyên nhân chính là do mối quan hệ nhạy cảm giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Tháng 8/2016, Hàn Quốc thông báo rằng họ đồng ý để Hoa Kỳ triển khai “Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối” (THAAD) tại sân gôn Seongju của Tập đoàn Lotte.
Ngay lập tức, Cục Quản lý Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Nhà nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thực hiện một loạt “lệnh cấm đối với Hàn Quốc” để trả đũa. Phim truyền hình, phim điện ảnh Hàn Quốc và các tác phẩm chuyển thể từ điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc đều bị cấm phát sóng.
Nhiều hoạt động văn hóa Hàn Quốc dự kiến tổ chức ở Trung Quốc Đại Lục, như các buổi biểu diễn của các ca sĩ cũng liên tiếp bị hủy. Các diễn viên và nghệ sĩ Hàn Quốc trong những bộ phim Trung Quốc bị thay đổi giữa chừng. Các ngôi sao hàng đầu của Hàn Quốc gần như bị cấm hoàn toàn.
Trong những năm gần đây, khách du lịch từ Trung Quốc Đại Lục đã gây ra nhiều cảnh tượng hỗn loạn ở Hàn Quốc. Các hành vi như băng qua đường trái phép, xả rác bừa bãi đã gây phiền toái cho người dân nước này.
Apple đưa tin tại đảo Jeju của Hàn Quốc, nơi du khách Trung Quốc từng chen chân, một lượng rác lớn đã biến mất; sân bay cũng lấy lại được sự yên tĩnh và trật tự.
Dưới “Lệnh cấm Hàn Quốc” của Đại Lục, người dân vẫn đang cố gắng hết sức để trốn tránh lệnh cấm, như bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Trò chơi Con mực” của Netflix vẫn càn quét Đại Lục. Hơn 60 trang web Đại Lục đã vi phạm bản quyền phát sóng.
Có hơn 2 tỷ lượt tìm kiếm trên Weibo của Trung Quốc. Các sản phẩm ngoại vi cũng được săn đón rộng rãi. Một số thương nhân đã bán hơn 300.000 chiếc khẩu trang cùng kiểu dáng. Chương trình tạp kỹ YouTube cũng bị tố cáo ăn cắp ý tưởng “Trò chơi con mực”.
Theo báo cáo của Nam Hoa Tảo Báo, các nền tảng mua sắm trực tuyến lớn ở Trung Quốc như “Taobao”, “JD.com”, “Pinduoduo” đã cấm từ khóa tìm kiếm “Trò chơi con mực”, nhưng vẫn có thể tìm thấy các sản phẩm liên quan với những cái tên khác, như “mặt nạ con mực”, “đồ chơi con mực”, “cosplay Halloween”, “trang phục con mực”, v.v..
Nội dung của “Trò chơi con mực” đề cập đến nhiều chủ đề nhạy cảm, trong đó âm mưu “buôn bán nội tạng”, nên càng bị ĐCSTQ cấm kỵ, khiến người dân Đại Lục liên tưởng đến tội ác mổ cướp nội tạng sống của nước này.
Đầu tháng 11/2022, lần đầu tiên “Hội nghị thượng đỉnh Y tá ngăn chặn ĐCSTQ thu hoạch nội tạng sống” được tổ chức trên Internet. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia nói rằng bằng chứng về việc thu hoạch nội tạng sống do ĐCSTQ thực hiện là không thể bác bỏ, hơn nữa tội ác này vẫn đang tiếp diễn, cộng đồng quốc tế nên hành động để ngăn chặn hành vi tà ác này.
Bình Minh
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – Trung hội đàm 90 phút, chủ yếu về Đài Loan
Vào ngày 22/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã tổ chức cuộc họp bên lề kéo dài 90 phút trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Campuchia, liên quan đến việc giảm nguy cơ xung đột chiến lược và các vấn đề khác, đồng thời đề cập rằng một số cơ chế đã bị hủy bỏ sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi sẽ được khởi động lại trong vài tháng tới.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc đã trao đổi quan điểm về các vấn đề như giảm nguy cơ xung đột chiến lược, quan hệ quốc phòng song phương và an ninh khu vực và toàn cầu. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nêu lên sự cần thiết phải quản lý sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, giữ cho các kênh liên lạc luôn cởi mở.
Ông Austin nhấn mạnh với ông Ngụy Phượng Hòa rằng hai nước phải tăng cường đối thoại trong khủng hoảng, đồng thời bày tỏ lo ngại về việc máy bay quân sự Trung Quốc thường xuyên điều động đến eo biển Đài Loan. Ông cũng chỉ ra rằng động thái này có thể làm tăng nguy cơ đánh giá sai tình hình. Ông tuyên bố rằng Mỹ vẫn cam kết thực hiện “chính sách một Trung Quốc” được hướng dẫn bởi “Đạo luật Quan hệ Đài Loan”, 3 thông cáo chung Mỹ – Trung Quốc và 6 đảm bảo. Nhưng ông cũng nói thẳng rằng Washington phản đối phía Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng, kêu gọi phía Trung Quốc không nên có “bất cứ hành động nào phá hoại ổn định”. Ngoài ra, Mỹ sẽ tiếp tục cho máy bay, tàu thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, chẳng hạn như eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Ông Ngụy Phượng Hòa nói với ông Austin rằng vấn đề Đài Loan là cốt lõi trong lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, và là lằn ranh đỏ không thể vượt qua đầu tiên trong quan hệ Trung – Mỹ. Ông bày tỏ hy vọng rằng phía Mỹ sẽ áp dụng một chính sách hợp lý và thực dụng đối với Trung Quốc và nỗ lực đưa quan hệ Trung – Mỹ trở lại đúng quỹ đạo.
Tuyên bố của Lầu Năm Góc cũng đề cập rằng các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc cũng đã thảo luận về cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, nhấn mạnh rằng cả hai đều “phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân”. Ông Austin cũng chỉ trích các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên và kêu gọi Trung Quốc thực hiện các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhắm vào các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.
Bloomberg cho biết, tuyên bố của Trung Quốc không đề cập đến vũ khí hạt nhân, nhưng đề cập đến việc hai bên đã trao đổi quan điểm về tình hình ở Biển Đông, Ukraine và bán đảo Triều Tiên.
Đây là cuộc gặp mặt trực tiếp thứ hai giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc kể từ Đối thoại Shangri-La tại Singapore vào tháng 6 năm nay. Khi đó hai bên đã đối đầu gay gắt về vấn đề Đài Loan. Các quan chức Mỹ nói với Reuters rằng cuộc đối thoại lần này diễn ra “hiệu quả và chuyên nghiệp”, và là cuộc trao đổi quân sự cấp cao đầu tiên kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào tháng 8.
Sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, để trả đũa, ĐCSTQ đã tuyên bố rằng họ sẽ đình chỉ đối thoại với Mỹ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả các chỉ huy quân sự cấp chiến khu.
Ông Biden và ông Tập Cận Bình đã có cuộc gặp mặt trực tiếp kéo dài 3 giờ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Indonesia vào tuần trước và hai bên đã nhất trí nối lại liên lạc cấp cao giữa hai nước. Các nhà phân tích chỉ ra rằng Đảng Cộng hòa diều hâu chiếm ưu thế tại Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, và ông McCarthy (người sắp trở thành Chủ tịch Hạ viện) trước đó đã hứa sẽ thăm Đài Loan sau khi được thăng chức chủ tịch Hạ viện. Cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Biden có thể làm hòa hoãn mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đến mức độ nào, thì vẫn còn phải chờ xem, cần có thời gian để quan sát.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang tìm cách tăng cường quan hệ với Indonesia và Philippines khi Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Vào ngày 2/11, ông Austin cũng đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto, và cho biết hai nước sẽ tổ chức nhiều cuộc tập trận chung hơn nữa. Cùng ngày, Phó Tổng thống Mỹ Harris đã thăm Manila và hội kiến với Tổng thống Philippines Marcos Jr., tái khẳng định cam kết an ninh của Mỹ đối với Philippines.
Tiêu Nhiên, Vision Times
Phát nhầm bài hát chống dẫn độ làm quốc ca: Cảnh sát Hồng Kông bắt 1 người
Tại giải đấu bóng bầu dục được tổ chức ở Hàn Quốc cách đây vài ngày, bài “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” (bài hát trong phong trào chống dẫn độ) đã được chọn làm quốc ca của Hồng Kông. Cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ một người đàn ông với cáo buộc phát lại đoạn clip sai quốc ca trực tuyến có ý định kích động.
Theo phóng viên độc lập @boomheadhk cho biết, để đối phó với tình trạng hỗn loạn do phát nhầm quốc ca trong trận thi đấu bóng rổ ở Hàn Quốc, Cục An ninh Quốc gia Hồng Kông cuối cùng đã hành động vào ngày 21/11, nhưng không bắt giữ nhân viên Hàn Quốc liên quan đến vụ việc, mà bắt giữ một người Hồng Kông. Ông này họ Vương (42 tuổi), là một nhân viên chuyển phát nhanh, người đã đăng lại video bài hát nhầm ở Hàn Quốc trên mạng Hồng Kông. Bộ An ninh Quốc gia cáo buộc ông Vương vi phạm Điều 9 và 10 của Pháp lệnh Tội hình sự (Chương 200 của Luật pháp Hồng Kông) với tội danh “hành động với ý định kích động“. Lênh tòa án cho phép khám xét nơi ở và văn phòng của ông Vương, đồng thời bắt giữ những ai bị tình nghi sử dụng công cụ thông tin điện tử để xuất bản các bài báo kích động.
Đến tối ngày 22/11, cảnh sát đã tạm thời buộc tội người đàn ông này với tội danh “thực hiện một hoặc nhiều hành vi với mục đích kích động”, vụ việc sẽ được đưa ra Tòa sơ thẩm Tây Cửu Long vào sáng ngày 23/11.
Có thông tin cho rằng người đàn ông bị bắt gần đây đã đăng lại một đoạn clip “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” bị phát nhầm ở Hàn Quốc và “cảm ơn Incheon, Hàn Quốc đã công nhận quốc ca của Hồng Kông”. Ông bị cáo buộc làm nhục quốc ca, công nhiên xâm phạm tôn nghiêm quốc gia, kích động những người chống chính phủ khác bắt chước chia sẻ lại.
Thông tin cũng chỉ ra rằng người đàn ông này sẽ đăng tải các thông điệp có ý định kích động trên mạng xã hội trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2022, chẳng hạn như đăng lại các clip và hình ảnh liên quan về các cuộc biểu tình phản đối Dự luật Dẫn độ, kêu gọi người dân để tang và chống lại các chính sách phòng chống dịch bệnh của chính phủ.
Nhiều cư dân mạng Hồng Kông đã tỏ ra phẫn nộ trước hành động của cảnh sát, họ chỉ trích chính quyền “không giải quyết được vấn đề, lại đi giải quyết người nêu vấn đề” và “không giải quyết được người dân Hàn Quốc, thì lại đi trút giận lên người dân Hồng Kông”. Việc mà chính quyền rất giỏi chính là đóng cửa lại để đánh đập chính người dân của mình.
Học giả Hồng Kông Chung Kiếm Hoa đã nói trong một bài viết chuyên đề, chính quyền nghĩ rằng thông qua các hình phạt và luật pháp khắc nghiệt thì có thể khiến người dân Hồng Kông “hồi tâm chuyển ý”, và tôn trọng hơn đối với bài “Nghĩa dũng quân tiến hành khúc” (quốc ca của ĐCSTQ), điều này đơn giản là tự lừa mình dối người. Ông nói, vấn đề không nằm ở bản thân quốc kỳ và quốc ca, mà quốc kỳ và quốc ca khiến người ta liên tưởng đến chính quyền ĐCSTQ, một chế độ không được lòng dân, khiến người dân phản cảm, khiến người dân Hồng Kông chán ghét.
Ông nói tiếp: “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” luôn được coi là bài hát tượng trưng cho sự đấu tranh của người dân Hồng Kông, và nó được chơi như quốc ca của Hồng Kông, điều này khiến người dân Hồng Kông rất hài lòng. Nhiều người đã rất phấn khởi và các nền tảng xã hội đã tràn ngập bầu không khí vui vẻ trong một thời gian.”
Ông cho rằng rằng “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” có thể được coi là biểu tượng của Hồng Kông và nó đứng đầu công cụ tìm kiếm trên Internet. Điều này đáng được chính quyền Bắc Kinh và chính quyền đặc khu suy nghĩ sâu thêm. Trên thực tế, những người chú ý đến những thay đổi trong tình hình chính trị của Hồng Kông đều nhận thức rõ điều đó.
Lý Hoài Quất, Vision Times
Sự sụp đổ của FTX mang lại bài học cho các nhà đầu tư
Ngành công nghiệp mã kim đang bùng nổ với tốc độ gây kinh ngạc.
FTX, mà cách đây vài tuần được xem là “tổ chức cho vay cuối cùng” và là một công ty vững chắc trong ngành mã kim, đã nộp đơn đề nghị phá sản. Người sáng lập kiêm (cựu) CEO đầy sức hút của FTX, anh Sam Bankman-Fried, đã mất khối tài sản trị giá 16 tỷ USD chỉ trong vài ngày. Anh Bankman-Fried, người cách đây vài tháng được so sánh với ông John Piermont Morgan và ông Warren Buffett, hóa ra lại là một nhà điều hành thiếu kinh nghiệm trong trường hợp tốt nhất, và là một kẻ lừa đảo trong trường hợp tệ nhất.
Chúng ta sẽ không nhắc lại những sự kiện dẫn đến sự phá sản và sụp đổ của FTX. Đủ để nói rằng, tốc độ sụp đổ của sàn giao dịch này đã khiến các công ty đầu ngành, các cơ quan quản lý, và các nhà đầu tư bất ngờ. Các khách hàng của FTX đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Các khách hàng của các nền tảng mã kim khác mà trước đây FTX đã cứu trợ — chẳng hạn như Voyager — cũng đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
Có một số bài học quan trọng cho các nhà đầu tư ở đây, bất kể người đó có sở hữu bất kỳ loại mã kim nào hay không.
Chúng ta phải đổ lỗi gián tiếp cho Cục Dự trữ Liên bang và chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ trong thập niên gần đây nhất. Chính sách lãi suất thấp giả tạo ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã tạo ra tình trạng dư thừa thanh khoản — nói cách khác, mọi người có quá nhiều tiền. Điều này đã tạo ra các bong bóng tài sản rất lớn, làm tăng giá tất cả các loại tài sản. Khi mọi thứ đang tăng lên, và tăng lên nhanh chóng, thì có rất ít quy trình thẩm tra được thực hiện. Thực tế này dẫn đến việc chấp nhận rủi ro nhiều hơn, vì không có động cơ nào để xây dựng quản trị và kiểm soát thích hợp khi mà tài sản đang tăng giá và không một ai chất vấn.
Bài học đầu tiên là việc có những nhà đầu tư đầy uy tín hậu thuẫn không bảo đảm cho sự thành công. FTX và công ty thương mại Alameda Research của anh Bankman-Fried chắc chắn có một danh sách những nhà đầu tư mạo hiểm hạng A hậu thuẫn trên bảng vốn hóa của công ty. Sequoia Capital, Tiger Global Management, Iconiq Capital, SoftBank, Lightspeed Venture Partners, người nổi tiếng đồng thời là nhà đầu tư “Shark Tank” Kevin O’Leary, và quỹ đầu tư quốc gia Singapore Temasek Holdings chỉ là một vài trong số các nhà đầu tư mạo hiểm có uy tín đã đầu tư hơn 2 tỷ USD vào công ty của anh Bankman-Fried.
Trong khi các nhà đầu tư mạo hiểm đã tài trợ cho nhiều câu chuyện thành công, thì với mỗi công ty thành công như Google thì có hàng trăm công ty thất bại. Tất nhiên, FTX là một công ty rất lớn, được định giá hơn 30 tỷ USD vào lúc đỉnh điểm cao nhất của công ty. Nhưng FTX sẽ không phải là công ty thất bại cuối cùng. Webvan, Jawbone, Houseparty, và Beequick chỉ là một vài công ty khởi nghiệp thất bại được Sequoia tài trợ. Katerra và WeWork đã từng là những công ty khởi nghiệp được SoftBank hậu thuẫn rất thành công.
Những nỗ lực tiếp thị và hợp tác của FTX đã khiến sàn giao dịch này trở thành một cái tên quen thuộc. Nhưng một ngân sách tiếp thị rất lớn cũng không tương quan với sự thành công. Các đại sứ của FTX bao gồm hậu vệ Tom Brady của NFL, ngôi sao NBA Stephen Curry, và ngôi sao quần vợt Naomi Osaka. FTX tài trợ cho giải bóng chày Major League và đội đua công thức 1 Mercedes-AMG Petronas. Công ty này cũng là nhà tài trợ độc quyền của FTX Arena, sân nhà của đội bóng rổ Miami Heat thuộc NBA.
Sự phổ biến của công ty có thể ru ngủ khiến các khách hàng và khách hàng tiềm năng rơi vào một cảm giác an toàn giả tạo. Nhưng trong đầu tư, không có “sự an toàn dựa trên số lượng.” Điều đó chỉ có nghĩa là có thêm nhiều nạn nhân hơn.
Nói về con số, các nhà đầu tư nên hạn chế đầu cơ xuống dưới mức 10% tài sản mà một người có thể dùng để đầu tư. Có các tin tức cho biết một số nhà đầu tư đã bỏ tiền “tiết kiệm cả đời” của họ vào các nền tảng mã kim và fintech như FTX, Celsius, và Voyager. Không có lý do gì để làm như vậy. Ngay cả khi một khoản đầu tư không thành công — và nhiều khoản thất bại — thì việc giữ tài sản đầu cơ ở mức nhỏ là quản lý rủi ro tốt.
Một bài học khác là các nhà đầu tư chỉ nên đầu tư vào những gì họ có thể hiểu được. Nếu họ không thể lý giải được công dụng của một sản phẩm hoặc cách thức hoạt động của một công ty, thì hãy hết sức cẩn thận trước khi đầu tư. Có rất nhiều token mã kim nghe có vẻ thú vị, và được những người nổi tiếng hoặc người có ảnh hưởng trên mạng xã hội quảng bá, nhưng lại có các mô hình kinh doanh hoặc tiện ích rất mông lung. Hãy cảnh giác.
Điều này dẫn chúng ta đến việc quy định. Kiểm soát quá mức cản trở sự đổi mới và đầu tư, nhưng mức quy định tối thiểu là cần thiết đối với bất kỳ ngành nào. Không phải ai cũng có thể giải thích và hiểu đầy đủ về sự phức tạp của một khoản đầu tư hoặc một công ty, và đó là nơi các cơ quan quản lý có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập các ranh giới và khung khổ hợp lý cho các doanh nghiệp hoạt động. Các nhà đầu tư cá nhân không phải lúc nào cũng thực hiện được mức độ thẩm tra để tìm ra các hoạt động kinh doanh phi đạo đức hoặc phát hiện các xung đột lợi ích giữa các công ty. Đó là một vai trò mà các cơ quan quản lý nên thực hiện.
Nhà sáng lập kiêm CEO Coinbase, ông Brian Armstrong, đã tóm lược một cách súc tích trong một bài bình luận trên CNBC: “Các thị trường mã kim cần có quy định để tránh cho những vụ thất bại hoàn toàn như FTX xảy ra nhiều hơn.”
Fan Yu là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế và đã đóng góp các phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.
Nhật Thăng biên dịch