Thành kiến ghét thương


Trên đời này từ thời tạo thiên lập địa cho đến ngày sanh ra lớn lên đến tuổi biết suy nghĩ nhận xét anh chấp nhận một điều: “Ba mẹ anh ít nhất xếp hạng “top 10” (hàng đầu 10 người) tại VN nổi tiếng bảo thủ cố chấp. Nhất là rất thành kiến với người Huế và Bắc. Nói đúng hơn là mình không nên vơ đũa cả nắm vì thật sự chỉ có ba anh thôi. Mẹ anh, người đàn bà Việt Nam luôn sống lặng lẽ dưới cái bóng của chồng “xuất giá tòng phu phu tử tòng tử.”

Nhớ năm cuối trung học anh không đồng ý với vài bạn cùng lớp là Thực dân Pháp là tập đoàn tiên phong đầu tiên với chính sách “chia để trị” tạo ra sự bất hoà ghen ghét của người dân ba miền.

Anh tranh luận theo sự hiểu biết về lịch sử: “Sự hận thù chia rẽ 2 miền đã bắt đầu từ ngày Đệ nhất công thần nhà Nguyễn ở Đàng trong Đào Duy Từ xây Luỹ Trường Dục và Luỹ Thầy. Ý nghĩ chiến lược của ông muốn ngăn chặn quân đội hùng mạnh thiện chiến hơn của
Chúa Trịnh đàng ngoài xâm phạm. Với anh bất cứ lúc nào có chiến tranh là có tương tàn. Một người lính ngã xuống kéo theo sự thù hận từ người thân. Càng nhiều người chết, hận thù càng tăng lên cấp số nhân. Sau này thực dân Pháp đến Việt Nam cũng đi theo dấu đã vạch sẵn nhưng tinh vi tàn độc hơn. Ba anh còn “mở mang bờ cõi“ nghĩa là không rước dâu gia đình nào nguồn gốc từ đèo Hải Vân trở ra.

Mãi đến hôm nay anh cũng không hiểu nguyên nhân nào tạo ra sự ghen ghét thành kiến của người cha anh đời đời tôn kính. Dĩ nhiên anh không bao giờ dám hỏi hai đấng sanh thành, bởi vì chưa bao giờ họ dùng ngôn ngữ thù ghét trước mặt con cái. Nhưng nhìn thái độ họ mỗi khi giao tiếp, nhất là khi xem TV. Ông sẽ tắt TV không xem nữa nếu chương trình có giọng hát từ phía “kẻ thù.” Còn một thứ nữa ông ghét là giới ca sĩ “xướng ca vô loại.” Dường như điều này là từ mẹ anh bởi ông ngoại bỏ vợ đi theo một cô ca sĩ

Đúng là cha mẹ ghét của nào ông Trời ban cho anh thứ đó. Bạn bè học chung đa số đều nằm trong danh sách “đỏ“ này. Dĩ nhiên anh cũng bao giờ dám nói thẳng với họ tại sao đừng đến nhà anh dễ tạo hiểu lầm đáng tiếc.

Và một ngày anh nhớ mãi về một người con gái tên Kim Thuý. Nàng người quê đất thần kinh bạo dạn dám yêu dám chịu. Thấy anh có vẻ lơ là chậm chạp không dám thố lộ nỗi lòng nên nàng “hiên ngang“ dũng cảm đánh tín hiệu. Một ngày chủ nhật nàng ghé ngang nhà anh với “ý định” mượn cuốn sách bài tập. Anh đi đá banh không có ở nhà nên nàng gặp ba anh. Ông giọng nhẹ nhàng (nghe nàng kể lại): “Hùng đi đá banh chưa về! Bác sẽ nói với nó có bạn học Kim Thuý người Huế tới mượn sách.”

Tối đó ăn cơm ông chẳng nói gì với anh. Sau bữa ăn mẹ kéo ra một góc: “Nhớ đừng để bạn có giọng nói như vậy đến nhà ta!”

Và năm 1975 đến người chức phận như ba anh, phía thất trận phải trả giá. Ông bị
đưa đi cải tạo ra tận ngoài Bắc. Sự kiện đổi tiền, đánh hạ tư sản mại bản làm kinh tế gia đình suy sụp tài chính. Hai năm sau đó anh vào đại học sư phạm chuyên về ngôn ngữ Anh Pháp. Ra trường bị đẩy về miền xuôi dạy tổng hợp cho trường tiểu học.

Anh chấp nhận số phận và không than van! Thù hận đến lúc nào mới thật sự hết! Anh ráng cúi mặt nhịn nhục tìm nguồn vui với những khuôn mặt thơ ngây ham học.

May mắn cho anh được người thân giúp đỡ về lại thành phố một năm trước khi ba anh cải tạo trở về. Và cái cẳng ngỗng tình yêu tiếp tục theo đuổi anh. Kim Vân cô giáo dạy văn cháu ruột của hiệu trưởng đã “để lòng” cho anh biết, nhưng anh đành hát bản nhạc “chúng ta hãy là bạn tốt.”

Dường như ba anh sau khi về hiểu được tâm tư trầm lắng của đứa con thương yêu cha mẹ. Anh cười nói với ba: “Con chưa tới 26, còn trẻ mà ba mẹ đừng có lo.”

Rồi một buổi trưa anh nhớ mãi khi bước vào nhà sau một ngày dày đặc bài dạy. Nàng ngồi đó nói chuyện vui vẻ với ba mẹ anh. Ngước nhìn thấy anh bước vào, nàng đứng lên lễ phép: “Chào anh mới đi dạy về!”

Điều ngạc nhiên thứ nhất nàng nói giọng Bắc Hà Nội truyền cảm (ba anh ghét nhất); thứ hai anh biết nàng là ca sĩ nghiệp dư mới nổi tiếng của đoàn ca kịch thành phố HCM. Sốc nhất là ba anh lên tiếng: “Em mới từ Sài Gòn ra trình diễn tối mai. Hãy lấy xe Honda 50 của ba chở em đi cho biết Đà Nẵng.”

Những ngày thân ái bên nhau anh mới biết cha cô đi cải tạo cùng chia cơm khoai sắn với ba anh mấy năm cải tạo. Dĩ nhiên cái gì tốt, ở hiền sẽ gặp lành. Duyên phận cuộc đời anh có một kết thúc còn hơn truyện cổ tích. Anh không những lấy được người mình yêu mà còn được sự thương yêu từ cha mẹ.

Hôm nay anh là giáo sư ngoại ngữ đạo mạo trường đại học nổi tiếng ở Sài Gòn. Hai đứa con, môt trai, một gái gần gia đình ngoại nên tiếng nói lợ lợ hai miền nam bắc.

Mỗi lần anh bồng con về nội nhìn chúng liến thoắng vui vẻ bên ông bà nội, ba anh lúc nào cũng khen: “Hai đứa nhỏ biết lễ phép giáo dục tốt. Ngay cả giọng nói cũng hiền lành dễ thương!”

Các bạn thấy không? “Thương nhau quả ấu cũng tròn, ghét nhau thì quả bồ hòn cũng méo!”

Đặng Duy Hưng
11.11.2022

Related posts