Chi phí sản xuất tại Trung Quốc tăng vọt gây áp lực lên lạm phát toàn cầu

Lê Minh

Chi phí sản xuất tại Trung Quốc tăng vọt gây áp lực lên lạm phát toàn cầu
Các tàu chở hàng chất đầy container ở cảng Los Angeles vào ngày Bộ trưởng Lao động Mỹ Marty Walsh phát biểu về các sáng kiến ​​giảm thiểu gián đoạn chuỗi cung ứng ở San Pedro, California, hôm 30/11/2021. (Ảnh: Frederic J. Brown / AFP Via Getty images)

Chỉ số giá sản xuất (PPI) và giá xuất khẩu tăng cao của Trung Quốc đang làm gia tăng áp lực lạm phát trên khắp thế giới.

Một chuyên gia cho biết, những cải cách gần đây trong ngành điện của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đẩy lạm phát và chi phí xuất khẩu lên cao. Chi phí sản xuất ở Trung Quốc tăng vọt khiến người tiêu dùng ở những nước nhập khẩu hàng hóa phải trả nhiều tiền hơn cho mỗi đơn vị sản phẩm. Từ đó, lạm phát tiêu dùng ở nước ngoài tăng nhanh. Đây là chính là khái niệm ‘xuất khẩu lạm phát’ trong kinh tế học. 

Vào tháng 10/2021, PPI của Trung Quốc đạt mức cao nhất kể từ năm 1995, tăng 13,5% so với cùng thời kỳ năm ngoái.

Vào tháng 11/2021, PPI dù giảm nhẹ, nhưng vẫn tăng tới 12,9% so với cùng kỳ; trong khi chỉ số giá mua nguyên liệu, nhiên liệu và điện (PPIRM) tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái – một mức cao kỷ lục.

Biểu đồ thể hiện phần trăm thay đổi hàng năm trong chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc từ 10/2020 – 11/2021. (Ảnh: Kathleen Li / The Epoch Times)

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, chỉ số giá đơn vị xuất khẩu của nước này cũng đã tăng đáng kể vào năm 2021. Chỉ số này (phân loại HS2, lấy chỉ số của năm 2020 là 100) đã tăng từ 97,9 trong tháng 2 lên 107,5 vào tháng 11 – mức tăng gần 10 điểm phần trăm. Tháng 9, chỉ số này đạt mức cao nhất là 110,6. Biểu đồ miêu tả chỉ số giá đơn vị xuất khẩu của Trung Quốc từ 02/2021 – 11/2021 khi so sánh với chỉ số của năm 2020. Chỉ số năm 2020 được coi là 100.

Bất kỳ số nào vượt quá 100 đều thể hiện mức tăng, trong khi bất kỳ số nào dưới 100 đều thể hiện mức giảm. (Ảnh: Kathleen Li / The Epoch Times)

Nhà phân tích tài chính người Hong Kong, Katherine Jiang, nói với The Epoch Times rằng chi phí sản xuất tăng cao của Trung Quốc sẽ sớm tác động đến người tiêu dùng cuối cùng và thị trường nước ngoài. Là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, việc chỉ số PPI và chi phí xuất khẩu của Trung Quốc tăng cao trong thời gian gần đây sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát trên toàn cầu.

Hàng Trung Quốc xuất khẩu tăng giá sẽ đẩy lạm phát tại Mỹ tăng cao hơn

Bất chấp việc Mỹ tăng thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, Trung Quốc vẫn là nhà xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ.

Tính đến tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã đạt khoảng 528,3 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Sản phẩm cơ khí và điện tử chiếm 59%, tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu của Trung Quốc, tăng 21,2% so với cùng thời kỳ năm ngoái.

Biểu đồ thể hiện phần trăm thay đổi hàng năm trong chỉ số giá mua nguyên liệu, nhiên liệu và điện (PPIRM) của Trung Quốc đối với các sản phẩm công nghiệp từ 10/2020 – 11/2021. (Ảnh: Kathleen Li/The Epoch Times)
Biểu đồ cho thấy tỷ lệ phần trăm thay đổi hàng năm trong chỉ số giá mua nguyên liệu, nhiên liệu và điện (PPIRM) của Trung Quốc đối với các sản phẩm công nghiệp chia theo phân loại từ tháng 1 – 11/2021. (Ảnh: Kathleen Li/The Epoch Times)

PPIRM (chỉ số giá mua nguyên liệu, nhiên liệu và điện) của các mặt hàng kim loại đen, kim loại màu (bao gồm dùng trong dây điện) và hóa chất công nghiệp – 3 loại nguyên liệu thô của các sản phẩm cơ khí và điện – lần lượt tăng 20,9%, 21,1% và 14,6% so với cùng thời kỳ năm ngoái.

Ông Jiang tin rằng sự gia tăng đáng kể về giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cơ khí và điện tử chủ yếu là do sự gia tăng chi phí sản xuất và sự tăng giá của kim loại đen và kim loại màu. Giá nguyên vật liệu sẽ ảnh hưởng đến giá thành phẩm.

Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ, tính đến tháng 10/2021, nhập khẩu lũy kế từ Trung Quốc là 408,4 tỷ USD, chiếm 17,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc vào Mỹ không giảm kể từ tháng 10/2020. Tính chung 12 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ tăng 4,5%, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ tháng 09/2008, theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ tháng 11/2021.

Báo cáo chỉ ra áp lực lạm phát cao ở Hoa Kỳ. Từ tháng 11/2020 – 11/2021, giá hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ đã tăng 11,7%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 6,8% (chưa loại bỏ yếu tố mùa vụ). 

Khủng hoảng điện năng ở Trung Quốc gây ra lạm phát toàn cầu

Trung Quốc là nhà sản xuất chính của kim loại đen và kim loại màu, đồng thời là nhà sản xuất thép, nhôm và đồng tinh luyện lớn nhất thế giới. Năm 2020, Trung Quốc sản xuất hơn một nửa lượng thép và nhôm thô, và 39,2% lượng đồng tinh luyện của thế giới.

Luyện kim loại đen, luyện kim loại màu, hóa chất công nghiệp, và vật liệu xây dựng là 4 ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng của Trung Quốc. Vào năm 2021, do các chính sách cắt giảm điện của ĐCSTQ, 4 ngành công nghiệp chính đã có mức tăng trưởng giảm dần vào tháng 9, 10, và 11/2021.

Biểu đồ cho thấy mức tiêu thụ điện năng ở Trung Quốc theo các ngành từ tháng 1 – 11/2021. (Ảnh: Kathleen Li / The Epoch Times)
Biểu đồ cho thấy tỷ lệ phần trăm thay đổi hàng tháng trong mức tiêu thụ điện năng ở các nhóm khác nhau từ tháng 3 – 11/2021. (Ảnh: Kathleen Li / The Epoch Times)

Ông Jiang giải thích, “việc sản xuất kim loại đen và kim loại màu ở Trung Quốc tác động lớn đến cung cầu toàn cầu và mặt bằng giá cả. Giả sử chúng ta đo lường mức sản xuất của Trung Quốc bằng cách tính mức tiêu thụ năng lượng của họ; chúng ta có thể thấy hoạt động sản xuất luyện kim loại đen và kim loại màu đều đang giảm sút”.

“Trong khi đó, những cải cách gần đây trong ngành điện của Bắc Kinh sẽ làm tăng thêm chi phí sản xuất của mọi ngành sản xuất, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều năng lượng. Lấy nhôm điện phân làm ví dụ; điện chiếm gần 40% chi phí sản xuất. Do đó, việc tăng giá năng lượng sẽ làm tăng chi phí sản xuất của nhiều ngành công nghiệp lên một mức độ lớn”, ông Jiang nói thêm.

Vào ngày 12/10, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã tăng trần giá điện than. Điều này có nghĩa là điện dùng trong sản xuất và thương mại đều tăng cao hơn trước đây. Giới hạn giá mới được ban hành tăng 20% thay vì 10% như dự kiến ban đầu.

Ngoài ra, các ngành sử dụng nhiều năng lượng không thuộc đối tượng được hưởng mức giá trần năng lượng. Tức là các ngành như luyện kim loại đen và kim loại màu có thể phải chịu mức giá điện tăng cao hơn 20%.

Ông Jiang cho hay, “việc chi phí điện và chi phí sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất và thương mại ở Trung Quốc sẽ phản ánh vào giá sản phẩm. Sự gia tăng chi phí chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá hàng hoá xuất khẩu và đánh vào túi tiền của người tiêu dùng ngoài biên giới Trung Quốc; từ đó làm gia tăng thêm áp lực lạm phát toàn cầu”.

Lê Minh

Theo The Epoch Times

Related posts